Thực trạng tranh chấp tên miền

06/02/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực trạng tranh chấp tên miền và đề xuất cơ chế giải quyết tranh chấp, hoàn thiện quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ liên quan đến tên miền

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ vào các hoạt động kinh tế thì tên miền là công cụ trợ giúp kinh doanh đắc lực cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cùng với đó là tình trạng tranh chấp tên miền càng trở nên phổ biến. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc các chủ thể đăng ký tên miền tương tự nhãn hiệu hay tên thương mại của doanh nghiệp khác khi doanh nghiệp này chưa đăng ký. Vậy, thực trạng tranh chấp tên miền ở Việt Nam hiện nay như thế nào?
1.Thực trạng tranh chấp tên miền ở Việt Nam hiện nay
Hiện nay không có cơ quan nào thống kê số lượng các vụ tranh chấp tên miền quốc gia .VN nhưng thông qua báo chí chúng ta có thể thấy rằng tranh chấp tên miền đang xuất hiện ngày càng nhiều. Đại đa số các tranh chấp tên miền là tranh chấp giữa một bên là chủ sở hữu nhãn hiệu với bên kia là chủ thể đã đăng ký tên miền, theo đó chủ sở hữu nhãn hiệu thường khởi kiện vụ án hoặc yêu cầu cơ quan chức năng xử lý bằng biện pháp hành chính chống lại chủ thể đã đăng ký tên miền đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ. Căn cứ pháp lý mà chủ nhãn hiệu hay viện dẫn là cáo buộc hành vi đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền bởi chủ thể đăng ký tên miền là hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT). Ngoài việc có thể kèm yêu cầu bồi thường nếu khởi kiện tại tòa án, chủ sở hữu nhãn hiệu thường yêu cầu cơ quan chức năng buộc chủ thể đăng ký tên miền trả lại tên miền hoặc buộc thu hồi tên miền tranh chấp đó cho cơ quan đăng ký tên miền để sau đó chủ nhãn hiệu được cấp quyền ưu tiên đăng ký tên miền đó trong thời hạn nhất định...
Nguyên nhân chính dẫn tới tranh chấp giữa tên miền và quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là nhãn hiệu: hiện vẫn chưa có một điều luật nào ở Luật SHTT 2005 hoặc ở Luật Công nghệ thông tin 2006  có đủ khả năng giải quyết triệt để mối quan hệ xung đột giữa tên miền (thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật công nghệ thông tin) với nhãn hiệu (thương hiệu) thuộc đối tượng bảo hộ của pháp luật về sở hữu trí tuệ; tình trạng lạm dụng lấy thương hiệu, nhãn hiệu của người khác để đăng ký tên miền có khuynh hướng gia tăng nhanh vì việc đăng ký tên miền về cơ bản không cần thẩm định mà chỉ cần theo quy tắc “duy nhất” và “ai đến trước cấp trước”; chi phí đăng ký tên miền rất rẻ, không tốn thời gian, và pháp luật hiện hành cho phép chuyển nhượng tên miền trong khi khả năng bán lại tên miền với giá cao dễ khả thi.
2. Đề xuất, kiến nghị trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật về tên miền
- Pháp luật hiện hành cho phép chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có thể chọn một trong bốn biện pháp giải quyết tranh chấp tên miền gồm: (1) thông qua thương lượng, hòa giải; (2) thông qua trọng tài; (3) khởi kiện tại tòa án; hoặc (4) xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh ở Điều 130.1(d) Luật SHTT bằng biện pháp hành chính kèm theo áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền theo Nghị định 99/2013/NĐ-CP.
- Biện pháp thương lượng, hòa giải thường không được chủ thể quyền chấp nhận vì chủ thể đăng ký tên miền đòi phí nhượng tên miền với giá cao trong khi biện pháp trọng tài thì không hoạt động vì chủ thể đăng ký tên miền thường không đồng ý ký thỏa thuận trọng tài. Biện pháp khởi kiện có hạn chế lớn nhất là quá trình thụ lý và xét xử sơ thẩm có thể kéo dài tới một hoặc vài năm chưa kể khả năng phải xét xử phúc thẩm hoặc vụ án có thể bị đình chỉ do bị đơn chuyển nhượng tên miền cho chủ thể khác trước khi tòa xét xử.
- Trong khi cơ chế giải quyết tranh chấp tên miền ở điều 76 Luật CNTT và Điều 16 Nghị định 72/2013 có vẻ giống với Chính Sách Giải Quyết Tranh Chấp Tên Miền Thống Nhất (UDRP) của WIPO và ICANN thì việc đăng ký và sử dụng tên miền bị xử lý dưới dạng hành vi cạnh tranh không lành mạnh ở Điều 130.1.d) Luật SHTT lại đòi hỏi điều kiện gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý với mục đích lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý tương ứng. Vì lẽ trên, Điều 130.1.d) Luật SHTT nên được sửa đổi, chẳng hạn: (a) luật hóa 3 điều kiện của UDRP vào Điều 130.1.d) Luật SHTT; hoặc (b) tìm cách ưu tiên chọn luật áp dụng, ví dụ có thể bổ sung vào khoản 2 điều 5 Luật SHTT: “Trường hợp tên miền thuộc đối tượng của một vụ kiện tại tòa án hoặc một vụ vi phạm hành chính mà được xác định là trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ thì các bên liên quan có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng quy định của Luật này để giải quyết”.

Nguồn: VOV

Xem thêm »