Giải quyết tranh chấp thương mại bằng cơ chế trọng tài thương mại là nhu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay

31/12/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và Điều lệ hiện hành của các Trung tâm Trọng tài, Trọng tài thương mại là tổ chức độc lập, phán quyết của các Hội đồng trọng tài là chung thẩm và được công nhận, thi hành tại Việt Nam và trên 170 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới theo Công ước về Công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài (Công ước New York 1958). Những năm gần đây, các Trung tâm trọng tài tại Việt Nam đã giải quyết hàng nghìn vụ tranh chấp trong nước và quốc tế liên quan đến tất cả lĩnh vực như mua bán hàng hóa, vận tải, bảo hiểm, xây dựng, tài chính, ngân hàng, đầu tư và các lĩnh vực khác với các bên tranh chấp đến từ hầu hết các tỉnh thành tại Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ là đối tác kinh tế thương mại hàng đầu của Việt Nam.

1. Khái niệm, đặc điểm của hình thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại
Giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết thông qua hoạt động của Trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm chấm dứt các xung đột bằng việc đưa ra phán quyết trọng tài buộc các bên tôn trọng và thực hiện.
Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp có tính chất tài phán phi chính phủ do các đương sự thỏa thuận lựa chọn để giải quyết tranh chấp thương mại mang các đặc điểm cơ bản sau:
- Thứ nhất, Trọng tài chỉ giải quyết tranh chấp thương mại khi có yêu cầu của các bên tranh chấp và tranh chấp đó phải thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài. Khi tranh chấp phát sinh, các bên có quyền yêu cầu giải quyết vụ tranh chấp bằng trọng tài. Đây là một trong những quy định đảm bảo quyền định đoạt của các bên trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Việc yêu cầu giải quyết tranh chấp của các bên được ghi nhận bằng thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Thỏa thuận trọng tài phải có hiệu lực pháp luật. Các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài bao gồm: (i) Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại, (ii) Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại, (iii) Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài.
Tuy nhiên, các bên có thỏa thuận trọng tài nhưng thuộc một trong các trường hợp sau thì vụ tranh chấp thuộc thẩm quyền của toà án trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác như: Có quyết định của toà án hủy phán quyết trọng tài, hủy quyết định của Hội đồng trọng tài về việc công nhận sự thỏa thuận của các bên; Có quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài, Trung tâm trọng tài được quy định tại khoản 1 Điều 43, các điểm a, b, d và đ khoản 1 Điều 19 Luật Trọng tài thương mại năm 2010; Tranh chấp thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 4 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngay 20/3/2014 của Hội đồng thẩm phán, Toà án nhân dân tối cao. Tại Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đưa ra hai loại tranh chấp có thể được áp dụng theo thủ tục trong tài, đó là tranh chấp thương mại và tranh chấp đầu tư.
- Thứ hai, chủ thể giải quyết tranh chấp thương mại là các Trọng tài viên thực hiện thông qua Hội đồng trọng tài gồm một Trọng tài viên độc lập hoặc hội đồng gồm nhiều Trọng tài viên. Trọng tài viên là người được các bên lựa chọn hoặc được Trung tâm trọng tài hoặc toà án chỉ định để giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Trọng tài viên phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn được quy định tại Điều 20 Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Trọng tài là một tổ chức phi chính phủ, không nằm trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước. Bản thân các Trọng tài viên cũng không phải là cán bộ, công chúc, viên chức.
- Thứ ba, giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài thương mại đảm bảo sự kết hợp hai yếu tố: thỏa thuận và phán quyết.
Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài là phương thức đảm bảo quyền tự định đoạt cao nhất của các bên. Các bên tranh chấp có thể thống nhất, thỏa thuận lựa chọn Trung tâm trọng tài, Trọng tài viên, địa điểm giải quyết hay luật áp dụng ... Các bên có thể thỏa thuận trọng tài về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh.[1]
Phán quyết trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài.[2] Khác với phán quyết của toà án có thể bằng bản án hoặc quyết định (mang tính quyền lực nhà nước) thì phán quyết của trọng tài bằng quyết định nhân danh và vì lợi ích của các bên tranh chấp (không mang tính quyền lực nhà nước). Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành[3], không bị kháng cáo, kháng nghị.
- Thứ tư, trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp đảm bảo tính bí mật.
Trọng tài là một tiến trình giải quyết tranh chấp có tính riêng biệt. Hầu hết pháp luật về trọng tài của các nước đều thừa nhận nguyên tắc trọng tài xử kín (in camera) nếu các bên không quy định khác. Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Tính bí mật thể hiện rõ ở nội dung tranh chấp và danh tính của các bên được giữ kín, đáp ứng nhu cầu tin cậy trong quan hệ thương mại. Quy định này có ý nghĩa lớn trong điều kiện cạnh tranh giữa các chủ thể kinh doanh và giải quyết được sự quan ngại vì nếu nội dung vụ tranh chấp được công khai sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.
2. Các hình thức trọng tài thương mại
Trọng tài thương mại tồn tại dưới hai hình thức, đó là trọng tài vụ việc (trọng tài ad-hoc) và trọng tài quy chế.
*Trọng tài vụ việc
Trọng tài vụ việc là hình thức trọng tài xuất hiện sớm nhất, được sử dụng rộng rãi ở các nước trên thế giới. Pháp luật về trọng tài của các nước trên thế giới đều ghi nhận sự tồn tại của hình thức trọng tài này. Tuy nhiên, quy định của pháp luật các nước về hình thức trọng tài này cũng ở mức độ sâu, rộng khác nhau.
Trọng tài vụ việc là hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và trình tự, thủ tục do các bên thỏa thuận.
Đặc điểm của trọng tài vụ việc
- Thứ nhất, trọng tài vụ việc chỉ được thành lập khi phát sinh tranh chấp và tự chấm dứt hoạt động (tự giải thể) khi giải quyết xong tranh chấp. Tính chất “vụ việc” hay “lâm thời” của hình thức trọng tài này thể hiện ở chỗ, trọng tài chỉ được thành lập theo thỏa thuận của các bên tranh chấp để giải quyết vụ tranh chấp cụ thể giữa các bên. Hình thức trọng tài này chỉ tồn tại và hoạt động trong thời gian giải quyết vụ tranh chấp giữa các bên, khi giải quyết xong vụ tranh chấp trọng tài tự chấm dứt hoạt động.
- Thứ hai, trọng tài vụ việc không có trụ sở thường trực, không có bộ máy điều hành (vì chỉ được thành lập để giải quyết vụ tranh chấp theo sự thỏa thuận của các bên) và không có danh sách Trọng tài viên riêng.
Trọng tài viên được các bên chọn hoặc được chỉ định có thể là người có tên trong hoặc ngoài danh sách Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài.
- Thứ ba, trọng tài vụ việc không có quy tắc tố tụng riêng.
Trọng tài vụ việc chỉ được các bên thành lập khi phát sinh tranh chấp nên quy tắc tố tụng để giải quyết vụ tranh chấp phải được các bên thỏa thuận xây dựng. Tuy nhiên, để tránh lãng phí thời gian cũng như công sức đầu tư vào việc xây dựng quy tắc tố tụng, các bên tranh chấp có thể thỏa thuận lựa chọn bất kì một quy tắc tố tụng phổ biến nào (thông thường là quy tắc tố tụng của các Trung tâm Trọng tài có uy tín ở trong nước và quốc tế).
Cách thức hình thành, quy trình tố tụng cũng như giá trị của phán quyết và cơ chế bảo đảm thi hành quyết định của trọng tại vụ việc lần đầu tiên được quy định trong Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003. Trước khi ban hành Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, hình thức trọng tài vụ việc mới chỉ được ghi nhận là một phương thức giải quyết tranh chấp mà chưa có bất kì quy định nào về cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vụ việc. Bởi vậy, pháp luật về trọng tài vụ việc ở Việt Nam suốt thời gian dài vẫn dậm chân tại chỗ, chỉ đến khi ban hành Pháp lệnh Trọng tài thương mại thì diện mạo của trọng tài vụ việc ở Việt Nam mới được khắc họa rõ nét. Trọng tài vụ việc có một số ưu việt như giải quyết nhanh chóng, ít tốn kám hay quyền lựa chọn Trọng tài viên của các bên không bị giới hạn bởi danh sách Trọng tài viên mà có thể lựa chọn bất kì Trọng tài viên nào trong và ngoài danh sách Trọng tài viên của bất kì Trung tâm trọng tài nào. Bên cạnh đó, trọng tài vụ việc có lợi thế trong việc xác định quy tắc tố tụng để giải quyết tranh chấp.
*Trọng tài quy chế
Theo quy định của hầu hết các quốc gia thì trọng tài đều tồn tại dưới hình thức trọng tài phi chính phủ (với tư cách là một tổ chức xã hội nghề nghiệp), không nằm trong bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ mang sắc thái riêng trong pháp luật trọng tài ở một số nước châu Á, như: Trung Quốc, Thái Lan. Ở Trung Quốc, các Ủy ban trọng tài hợp đồng kinh tế là những cơ quan nhà nước thuộc Cục quản lí hành chính công thương các cấp, Thái Lan thành lập Viện trọng tài thuộc Bộ Tư pháp, có quy tắc tố tụng riêng nhằm hỗ trợ, phát triển các hoạt động hoà giải và trọng tài.[4] Theo đó, Trọng tài quy chế ở các quốc gia trên thế giới thường được tổ chức dưới những hình thức đa dạng, như các Trung tâm Trọng tài (Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore, Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế Australia, Trung tâm trọng tài quốc tế Hồng Kông), các Hiệp hội trọng tài (Hiệp hội trọng tài Hoa Kỳ, Hiệp hội trọng tài Nhật Bản) hay các Viện trọng tài (Viện trọng tài Stockholm - Thụy Điển), nhưng chủ yếu và phổ biến được tổ chức dưới dạng các Trung tâm Trọng tài.
Theo pháp luật Việt Nam, Trọng tài quy chế được tổ chức dưới dạng các Trung tâm trọng tài. Trung tâm trọng tại là tổ chức phi chính phủ, có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản riêng và trụ sở giao dịch ổn định.
Trọng tài quy chế là hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đó.
Đặc điểm của trọng tài quy chế:
- Thứ nhất, Trọng tài quy chế được tổ chức dưới hình thức các Trung tâm trọng tài. Trung tâm trọng tài là tổ chức phi chính phủ, không nằm trong hệ thống cơ quan nhà nước.
Các Trung tâm trọng tài được thành lập theo sáng kiến của các Trọng tài viên sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chứ không phải được thành lập bởi Nhà nước. Các Trung tâm trọng tài không nằm trong hệ thống cơ quan quản lí nhà nước (như trọng tài kinh tế nhà nước trước đây), cũng không thuộc hệ thống cơ quan xét xử nhà nước (như toà án kinh tế hiện nay). Trung tâm trọng tài hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Hoạt động của Trung tâm trọng tài theo nguyên tắc tự trang trải mà không được cấp kinh phí hoạt động từ Ngân sách Nhà nước. Trọng tài viên duy nhất hoặc Hội đồng trọng tài không nhân danh quyền lực nhà nước mà nhân danh người thứ ba độc lập ra phán quyết.
Là tổ chức phi chính phủ nhưng các Trung tâm trọng tài vẫn luôn đặt dưới sự quản lí và hỗ trợ của Nhà nước. Nhà nước là chủ thể quản lí đối với mọi mặt của đời sống xã hội. Nhà nước quản lí đối với các Trung tâm trọng tài thông qua việc ban hành các văn bản pháp luật tạo cơ sở pháp lí cho việc tổ chức và hoạt động của các Trung tâm trọng tài. Ngoài ra, việc quản lí nhà nước đối với Trọng tài thương mại còn được thực hiện thông qua hoạt động quản lí của hệ thống các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc cấp, thay đổi, bổ sung hay thu hồi Giấy phép thành lập, Giấy đăng kí hoạt động của các Trung tâm trọng tài.
Trong quá trình hoạt động, các Trung tâm trọng tài cũng cần sự hỗ trợ của Nhà nước trên nhiều phương diện. Trọng tài thương mại là cơ quan “tài phán tư”, không nhân danh quyền lực nhà nước. Bởi vậy, ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, hoạt động của các Trung tâm trọng tài cần thiết phải có sự hỗ trợ của Nhà nước. Sự hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động của Trọng tài thương mại được thể hiện rõ nét, như hỗ trợ chỉ định, thay đổi Trọng tài viên; hỗ trợ trong việc xem xét lại quyết định của Hội đồng trọng tài; hỗ trợ trong việc quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; hỗ trợ trong việc hủy hoặc không hủy Quyết định trọng tài; hỗ trợ trong việc cưỡng chế thi hành Quyết định trọng tài...
- Thứ hai, các Trung tâm trọng tài có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng[5] tồn tại độc lập với nhau. Trung tâm trọng tài là tổ chức có tư cách pháp nhân, đáp ứng đầy đủ các điều kiện của pháp nhân quy định tại Điều 74 Bộ luật dân sự năm 2015 bao gồm:
+ Được thành lập hợp pháp;
+ Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;
+ Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;
+ Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Mỗi Trung tâm trọng tài là một pháp nhân tồn tại độc lập và bình đẳng với các Trung tâm trọng tài khác. Trung tâm trọng tài được lập Chi nhánh Văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài.
Ngoài sự độc lập, bình đẳng và quan hệ hợp tác (nếu có) giữa các Trung tâm trọng tài không tồn tại quan hệ phụ thuộc mang tính hành chính trong cơ quan tài phán hành chính như cấp trên cấp dưới. Sự khác biệt này về tổ chức của Trọng tài thương mại (cơ quan tài phán tư) so với hệ thống tổ chức của tòa án (cơ quan tài phán công) dẫn đến tính đặc thù của tố tụng trọng tài trong việc áp dụng nguyên tắc xét xử một lần.
- Thứ ba, tổ chức và quản lí ở các Trung tâm trọng tài đơn giản, gọn nhẹ. Trung tâm trọng tài có Ban điều hành và Ban thư kí. Cơ cấu, bộ máy của Trung tâm trọng tài do điều lệ của Trung tâm quy định. Ban điều hành Trung tâm trọng tài gồm có Chủ tịch, một hoặc các Phó Chủ tịch, có thể có Tổng thư kí do Chủ tịch Trung tâm trọng tài cử. Chủ tịch Trung tâm trọng tài là Trọng tài viên. Trung tâm trọng tài có danh sách Trọng tài viên. Các Trọng tài viên tham gia vào việc giải quyết tranh chấp khi được chọn hoặc chỉ định.
- Thứ tư, mỗi Trung tâm trọng tài tự quyết định về lĩnh vực hoạt động và có quy tắc tố tụng riêng. Mỗi Trung tâm trọng tài tự xác định về lĩnh vực hoạt động của mình tùy thuộc vào khả năng chuyên môn của đội ngũ Trọng tài viên và phải được ghi rõ trong Điều lệ của Trung tâm trọng tài. Trong quá trình hoạt động, các Trung tâm trọng tài có quyền mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi lĩnh vực hoạt động, nhưng phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Là tổ chức phi chính phủ, các Trung tâm trọng tài tồn tại độc lập với nhau, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh cùng nhau. Bên cạnh chất lượng các Trọng tài viên, sự đơn giản và linh hoạt của quy tắc tố tụng cũng là yếu tố tạo ra sự hấp dẫn của mỗi Trung tâm trọng tài trước các khách hàng. Bởi vậy, mỗi Trung tâm trọng tài đều có Điều lệ riêng, đặc biệt là quy tắc tố tụng riêng được xây dụng căn cứ vào đặc thù và tổ chức, hoạt động của Trung tâm và không trái với quy định của pháp luật Trọng tài thương mại. Khi giải quyết tranh chấp Hội đồng trọng tài hoặc Trọng tài viên duy nhất phải tuân thủ quy tắc tố tụng này.
Bản quy tắc trọng tài UNCITRAL do Ủy ban về Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (thông qua năm 1976) hay Bản quy tắc trọng tài của Phòng Thương mại quốc tế (ICC) có hiệu lực từ năm 1985 và một số Công ước quốc tế có liên quan cũng như Bản quy tắc tố tụng của một số Trung tâm trọng tài quốc tế có uy tín (London, Brussell...) thường được coi là cơ sở, khuôn mẫu cho việc xây dựng quy tắc tố tụng của các Trung tâm trọng tài.
- Thứ năm, hoạt động xét xử của Trung tâm trọng tài được tiến hành bởi các Trọng tài viên của Trung tâm.
Mỗi Trung tâm trọng tài đều có danh sách riêng về Trọng tài viên của Trung tâm. Việc chọn hoặc chỉ định Trọng tài viên tham gia Hội đồng trọng tài hoặc Trọng tài viên duy nhất để giải quyết vụ tranh chấp chỉ được giới hạn trong danh sách Trọng tài viên của Trung tâm trọng tài. Vì vậy, hoạt động xét xử của Trung tâm trọng tài chỉ được tiến hành bởi các Trọng tài viên của chính Trung tâm. Đặc điểm này có sự khác biệt so với giải quyết tranh chấp thương mại tại trọng tài vụ việc.
Xét trên phương diện phạm vi cả nước, ngoài các Trung tâm trọng tài thì còn có Hiệp hội trọng tài. Hiệp hội trọng tài là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Trọng tài viên và Trung tâm trọng tài trong phạm vi cả nước. Việc thành lập và hoạt động của Hiệp hội trọng tài được thực hiện theo quy định của pháp luật về hội nghề nghiệp.[6]
Tổ chức trọng tài nước ngoài đã được thành lập và đang hoạt động hợp pháp tại nước ngoài, tôn trọng Hiến pháp và pháp luật của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì được phép hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Tổ chức trọng tài nước ngoài hoạt động tại Việt Nam dưới các hình thức sau đây: (i) Chi nhánh của Tổ chức trong tài nước ngoài (sau đây gọi là Chi nhánh), (ii) Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài.[7]
Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của Tổ chức trọng tài nước ngoài, được thành lập và thực hiện hoạt động trọng tài tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Tổ chức trọng tài nước ngoài và Chi nhánh của mình chịu trách nhiệm về hoạt động của Chi nhánh trước pháp luật Việt Nam. Tổ chức trọng tài nước ngoài cử một Trọng tài viên làm Trưởng Chi nhánh. Trưởng Chi nhánh là người đại diện theo ủy quyền của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam. Chi nhánh của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 76 Trọng tài thương mại năm 2010.
Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của Tổ chức trọng tài nước ngoài được thành lập và tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội hoạt động trọng tài tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Tổ chức trọng tài nước ngoài phải chịu trách nhiệm về hoạt động của Văn phòng đại diện trước pháp luật Việt Nam. Văn phòng đại diện của Tổ chức Trọng tài thương mại nước ngoài tại Việt Nam thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 78 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
3. Trọng tài viên
Khái niệm: Trọng tài viên là người được các bên lựa chọn hoặc được Trung tâm trọng tài hoặc toà án chỉ định để giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
Điều kiện để trở thành Trọng tài viên: Theo quy định tại Điều 20 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì người muốn trở thành Trọng tài viên cần hội đủ các tiêu chuẩn sau:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật dân sự;
- Có trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên;
- Trong trường hợp đặc biệt chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn tuy không đáp ứng được yêu cầu về trình độ đại học và thực tế công tác đã nêu ở trên, cũng có thể được chọn làm Trọng tài viên.
Quy định trên mang tính chất “khung” về điều kiện trở thành Trọng tài viên. Tuy nhiên pháp luật cũng quy định mang tính “mở” về vấn đề này. Tùy thuộc vào mục tiêu, mục đích hay cơ cấu hoặc tính bền vững của mình mà các Trung tâm trọng tài có thể quy định thêm các tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn quy định chung đối với Trọng tài viên của tổ chức mình, ví dụ: có trình độ đại học nhưng phải là hệ đào tạo chính quy tập trung hoặc yêu cầu về xếp hạng đối với văn bằng tốt nghiệp, hoặc thời gian kinh nghiệm,...
Những đối tượng không được trở thành Trọng tài viên:
Để đảm bảo cho hoạt động của trọng tài hiệu quả, pháp luật cũng đưa ra những quy định nhằm hạn chế đối với một số người mặc dù đáp ứng được các điều kiện trên nhưng vẫn không được làm Trọng tài viên bao gồm:
- Người đang là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, công chức thuộc toà án nhân dân viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án;
- Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xoá án tích;
Quyền và nghĩa vụ của Trọng tài viên:
Trọng tài viên được thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật và Quy chế hoạt động của Trung tâm trọng tài, bao gồm:
- Chấp nhận hoặc từ chối giải quyết tranh chấp;
- Độc lập trong việc giải quyết tranh chấp;
- Từ chối cung cấp các thông tin liên quan đến vụ tranh chấp;
- Được hưởng thù lao;
- Giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
- Bảo đảm giải quyết tranh chấp vô tư, nhanh chóng, kịp thời;
- Tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp.[8]
4. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về trọng tài trong thời gian tới
Một là, kiến nghị về hoàn thiện thẩm quyền giải quyết tranh chấp
Các văn bản hướng thi hành Luật TTTM hiện hành nên giải thích theo hướng mở rộng phạm vi thẩm quyền của trọng tài, tôn trọng tự do ý chí thỏa thuận giữa các bên tranh chấp. Cụ thể, nên quy định thẩm quyền của trọng tài theo phương pháp loại trừ, mở rộng thẩm quyền của trọng tài ra cả một số tranh chấp liên quan đến quyền nhân thân, quan hệ hôn nhân và gia đình, thừa kế theo quy định của luật dân sự , điều này là hoàn toàn phù hợp trong điều kiện nước ta ngày càng hội nhập với thế giới thì không có lý do vì pháp luật của nước ta lại không phù hợp với luật chung của thế giới. Ví dụ, như Luật Trọng tài của Singapo, trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về dân sự trừ lĩnh vực hình sự và tranh chấp liên quan đến hôn nhân và gia đình.
Hai là, hoàn thiện quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với pháp luật trọng tài theo hướng việc ra quyết định áp dụng, thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tưong tự như các biện pháp thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Ba là, hoàn thiện quy định của pháp luật trọng tài về thỏa thuận trọng tài vô hiệu. Luật TTTM cần được xem xét bổ sung quy định về thủ tục yêu cầu Tòa án xem xét quyết định của Hội đồng trọng tài về vấn đề vô hiệu của thỏa thuận trọng tài. Cụ thể, trong thời gian Tòa án xem xét để ra quyết định thỏa thuận trọng tài có vô hiệu không, Hội đồng trọng tài nên tạm dừng tố tụng, vì trong thời gian này dù có tiến hành tố tụng thì các bên cũng khó đạt được kết quả như mong đợi vì một trong các bên đã không thiết tha với giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài, điều này được chứng minh họ đã yêu cầu Tòa án xem xét tuyên thỏa thuận trọng tài vô hiệu. Hơn nữa, dù có đạt được kết quả giải quyết tranh chấp trong thời gian này đi chăng nữa, mà sau đó, Tòa án tuyên thỏa thuận trọng tài đó là vô hiệu thì đương nhiên phán quyết của trọng tài sẽ không có giá trị thi hành trên thực tế và kể từ đó các bên tranh chấp chuẩn bị tâm thế đưa vụ việc tranh chấp ra Tòa án để giải quyết.
Bốn là, hoàn thiện một số quy định về Trọng tài viên
Thứ nhất, nâng cao chất lượng song hành với phát triển số lương Trọng tài viên theo hướng giỏi về trình độ chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp, giàu kinh nghiệm thực tiễn, các thương nhân có thời gian dài hoạt động trong lĩnh vực thương mại, muốn trở thành Trọng tài viên buộc phải tham gia khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trọng tài với thời gian từ 4 đến 6 tháng.
Thứ hai, các tiêu chuẩn chuyên môn về Trọng tài viên nên được loại bỏ ra khỏi Luật TTTM, thay vào đó để nâng cao chất lượng chuyên môn của Trọng tài viên, Nhà nước có thể quy định thực hiện bằng các biện pháp khác.
Năm là, hoàn thiện quy định về tọng tài vụ việc
Thứ nhất, Luật TTTM cần quy định rõ thời gian thành lập Hội đồng trọng tài vụ việc trong trường hợp có khiếu định quyết định chỉ định Trọng tài viên cho bị đơn, việc quy định trong thời hạn bao lâu hai Trọng tài viên phải bầu Chủ tịch Hội đồng trọng tài sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại của Tòa án có ý nghĩa hết sức quan trọng về tính hợp pháp liên tục của tố tụng trọng tài, vì nếu hai Trọng tài viên tự mình không thể bầu được Chủ tịch Hội đồng trọng tài thì các bên phải đề nghị Tòa án có thẩm chỉ định Chủ tịch Hội đồng trọng tài theo quy định tại khoản 3 Điều 41 Luật TTTM. Cụ thể kiến nghị bổ sung như sau: “Trường hợp có khiếu nại về quyết định chỉ định Trọng tài viên cho các bên, thì trong 15 ngày kể từ ngày Tòa án có thẩm quyền ban hành văn bản giải quyết khiếu nại, hai Trọng tài viên phải bầu Chủ tịch Hội đồng trọng tài để giải quyết vụ tranh chấp.”
Thứ hai, Luật TTTM cần trao cho Hội đồng trọng tài vụ việc các thẩm quyền liên quan đến trình tự, thủ tục tố tụng trọng tài, cụ thể, bổ sung: “Hội đồng trọng tài vụ việc được quyền quyết định trình tự, thủ tục giải quyết vụ tranh chấp nếu các bên không tự thỏa thuận được.” còn nếu sự thay đổi thủ tục tố tụng giữa các bên về địa điểm, ngôn ngữ giải quyết tranh chấp đều hợp pháp, thì đề nghị bổ sung quy định sau: “Mọi sự thay đổi về thủ tục, trình tự tố tụng trọng tài trước và sau khi xảy ra tranh chấp đều được lập thành văn bản và do Hội đồng trọng tài quyết định sự thay đổi.”
Thứ ba, cần có hướng dẫn cụ thể việc áp dụng quy định: “Chủ tịch Hội đồng trọng tài phải thực hiện việc đóng gói và lưu trữ hồ sơ vụ kiện trong thời gian 05 năm và có trách nhiệm cung cấp cho TAND có thẩm quyền khi có yêu cầu.”./.
 

 
[1] Khoản 2 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
[2] Khoản 10 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
[3] Khoản 5 Điều 61 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
[4] Trường Đại học Luật Hà Nội, Trọng tài kinh tế - Một hình thức giải quyết tranh chấp kinh tế ở nước ta, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường, tr. 56-68.
[5] Khoản 1 Điều 27 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
[6] Điều 22 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
[7] Điều 74 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
[8] Điều 21 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.

Xem thêm »