Tọa đàm tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức và người thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng kết quả pháp điển các đề mục: Các tổ chức tín dụng; Bảo hiểm tiền gửi và Ngoại hối tại tỉnh Ninh Bình

09/12/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Tọa đàm do Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp thực hiện ngày 09/12/2020 tại tỉnh Ninh Bình với sự hỗ trợ kinh phí của Chương trình 585

Tọa đàm có sự tham gia của Lãnh đạo Cục Kiểm tra VBQPPL; Cán bộ pháp chế, cán bộ ở các đơn vị thuộc các sở, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình; Một số luật sư, luật gia, những người được giao thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Tại Tọa đàm, các đại biểu đã trình bày tham luận và trao đổi về các vấn đề sau:
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức tín dụng và việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý tổ chức tín dụng yếu kém thông qua kết quả pháp điển đề mục Các tổ chức tín dụng; Quy định pháp luật về lãi suất theo Luật các tổ chức tín dụng, thực trạng và hướng hoàn thiện; Một số chính sách đối với tổ chức tín dụng theo pháp luật Việt Nam hiện nay, những nội dung bất cập, hạn chế và giải pháp khắc phục; Hệ thống quy phạm pháp luật và những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp về bảo hiểm tiền gửi hiện nay; Bảo hiểm tiền gửi và những vấn đề pháp lý cần hoàn thiện để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền; Phân tích các quy định pháp luật về tổ chức bảo hiểm tiền gửi hiện hành và đề xuất biện pháp hoàn thiện, nâng cao tính hiệu quả hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi; Những hạn chế còn tồn tại của hệ thống pháp luật về bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam và giải pháp khắc phục; Giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về ngoại hối; Phân tích các quy định về Quy định về sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam thông qua kết quả pháp điển đề mục Ngoại hối; Quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay về quản lý ngoại hối và hướng hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cho hoạt động tiền tệ, ngân hàng.

Qua thảo luận tại Tọa đàm, các đại biểu tham dự đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến Các tổ chức tín dụng; Bảo hiểm tiền gửi và Ngoại hối, cụ thể như sau:
        Vướng mắc 1: Quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập như: hiệu quả kinh doanh chưa cao do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, áp lực xử lý nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro lớn dẫn đến tình hình tài chính của nhiều tổ chức tín dụng gặp khó khăn, nhiều tổ chức tín dụng có kết quả kinh doanh thua lỗ.

Giải đáp của chuyên gia:
Nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập, hạn chế còn tồn tại trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng là do khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện. Quy định của pháp luật hiện hành về thẩm quyền của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước khi xử lý tổ chức tín dụng yếu kém còn chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ. Hoạt động của tổ chức tín dụng yếu kém trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt cần khuôn khổ pháp lý riêng điều chỉnh phù hợp với thực trạng và định hướng cơ cấu lại. Tuy nhiên pháp luật hiện hành còn thiếu các quy định riêng này. Pháp luật hiện hành về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém chưa đồng bộ, còn nhiếu bất cập như các tổ chức tín dụng  yếu kém thường có quy mô tài sản xấu, nợ xấu lớn; pháp luật hiện hành còn thiếu các quy định cho phép áp dụng các biện pháp hỗ trợ cần thiết phù hợp với thực trạng và chủ trương xử lý đối với tổ chức tín dụng yếu kém, đặc biệt, chưa có quy định về giải pháp hỗ trợ tài chính phù hợp nên hiệu quả của việc xử lý tổ chức tín dụng yếu kém không cao, khó xử lý dứt điểm được các tổ chức tín dụng yếu kém.
Vướng mắc 2:
Hệ thống bảo hiểm tiền gửi được ra đời với những mục tiêu: Bảo vệ người gửi tiền nhỏ, lẻ, bị hạn chế về thông tin đối với các tổ chức nhận tiền gửi; Góp phần bảo đảm cho hệ thống tài chính - ngân hàng được hoạt động ổn định, ngăn chặn các trường hợp đổ vỡ trong hệ thống này và Góp phần nâng cao tính cạnh tranh bình đẳng giữa các định chế tài chính và lành mạnh hóa sự phát triển của hệ thống tài chính. Tuy nhiên, hệ thống bảo hiểm tiền gửi cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại cần phải giải quyết để bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.
Giải đáp của chuyên gia:
Một là, việc xác định hạn mức chi trả cho người gửi tiền một cách hợp lý trong trường hợp tổ chức nhận tiền gửi gặp khó khăn thanh khoản hoặc đổ vỡ là hết sức quan trọng. Nếu xét về khía cạnh tác động trực tiếp tới quyền lợi của người gửi tiền, tổ chức nhận tiền gửi và thị trường tài chính, mức độ Nhà nước chi trả phải bảo đảm tác động được tối đa tới càng nhiều người gửi tiền và càng nhiều số tiền gửi càng tốt. Tuy nhiên, nếu xét theo khía cạnh tác động gián tiếp, nếu như mức cam kết chi trả quá cao và quá rộng sẽ dẫn tới sự thờ ơ, ỷ lại của người dân trong việc đánh giá tín nhiệm, chất lượng của các tổ chức tín dụng để gửi tiền. Bên cạnh đó, cũng sẽ dễ dẫn tới các hành vi lạm dụng, lợi dụng chính sách, vi phạm chuẩn mức đạo đức nghề nghiệp mà không chú ý nâng cao hiệu quả hoạt động và củng cố hệ thống quản trị rủi ro của các tổ chức nhận tiền gửi
Hai là, việc xác định mức phí phải nộp của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi cần mang tính chủ động và tích cực hơn. Xét về nguyên tắc, mức phí bảo hiểm tiền gửi phải thể hiện rõ được trách nhiệm của tổ chức nhận tiền gửi đối với người gửi tiền trong trường hợp có đổ vỡ xảy ra. 
Ba là, xây dựng cơ chế trao đổi, tiếp nhận và xử lý thông tin hiệu quả. Mục tiêu ưu tiên hàng đầu của cơ quan bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ quyền lợi người gửi tiền không có điều kiện thu thập, đánh giá, thẩm định hoạt động, rủi ro của tổ chức nhận tiền gửi. Muốn làm được như vậy, cần phải có cơ chế để xác định và xử lý có hiệu quả được đồng bộ trên cả hai kênh thông tin: Giữa người gửi tiền với tổ chức nhận tiền gửi và Giữa các cơ quan quản lý, giám sát thị trường tài chính và cơ quan bảo hiểm tiền gửi với tổ chức nhận tiền gửi.
          Vướng mắc 3: Thời gian qua, nhờ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về ổn định kinh tế vĩ mô và các giải pháp hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, quản lý có hiệu quả thị trường ngoại tệ và thị trường vàng, tăng cường công tác quản lý tài sản, quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước liên tục tăng trưởng ấn tượng trong những năm qua. Mức tăng dự trữ ngoại hối nhà nước có tính bền vững thay vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ đảo chiều như giai đoạn trước đây.

 Giải đáp của chuyên gia:
Trên cơ sở các kết quả đã đạt được trong đổi mới công tác điều hành chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối nói chung, công tác quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước nói riêng, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành quyết liệt, chủ động các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, đóng góp hơn nữa trong ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế của đất nước. Cụ thể: Kiên trì thực hiện các giải pháp chống đô la hóa; Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý ngoại hối và quản lý thị trường vàng tiến tới xây dựng Luật Ngoại hối phù hợp với tình hình mới; Tích cực triển khai Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Đặc biệt, từng bước đổi mới toàn diện công tác quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước từ khâu hoàn thiện cơ sở pháp lý đến khâu xây dựng danh mục tài sản chiến lược, chiến thuật; xác định mức rủi ro và biện pháp quản lý rủi ro phù hợp cũng như đổi mới hạch toán kế toán phù hợp chuẩn mực quốc tế góp phần củng cố và cải thiện hiệu quả đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước trong thời gian tới.
                                                                                                                    Phạm Nguyệt Hằng

Xem thêm »