Chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025 và một số đề xuất, kiến nghị

01/12/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu trong đời sống con người. Đối với mỗi gia đình, nhà ở là tài sản có giá trị rất lớn. Trong điều kiện nền kinh tế nước ta còn chậm phát triển, thu nhập bình quân đầu người còn thấp thì việc tự tạo lập nhà ở tương đối khang trang, chắc chắn là vấn đề khó khăn đối với nhiều hộ gia đình, đặc biệt là đối với các hộ nghèo. Do vậy, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm giải quyết vấn đề nhà ở và ban hành nhiều chính sách nhằm nâng cao đời sống, hỗ trợ các hộ nghèo có nhà ở đảm bảo thích ứng, an toàn với các loại hình thiên tai thường xuyên của vùng, miền, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

Trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở như Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/04/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở; Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt; Trong đó, đối với khu vực nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/08/2015 về hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2).
Trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước thì có 58 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg. Có 05 tỉnh, thành phố thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo tiêu chí và chuẩn nghèo riêng của địa phương hoặc không có đối tượng theo quy định tại Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg là thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh[1].
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, có 58 tỉnh, thành phố tham gia chương trình và Ngân hàng chính sách xã hội, tính đến tháng 12/2020, các địa phương này đã thực hiện hỗ trợ được 117.427/236.324 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở đạt tiêu chuẩn “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng), đạt tỷ lệ khoảng 50% so với số lượng hộ phải hỗ trợ thực tế.
Để góp phần giải quyết nhu cầu hỗ trợ nhà ở khu vực nông thôn còn rất lớn hiện nay, trong giai đoạn 2021-2025, hiện có 02 Chương trình mục tiêu quốc gia có nội dung hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khó khăn là: (1) Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 và (2) Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, phạm vi triển khai thực hiện của 02 Chương trình mục tiêu này không bao phủ khắp cả nước mà chỉ thực hiện hỗ trợ đối với hộ nghèo tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện nghèo được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, do nguồn kinh phí được phê duyệt còn nhiều hạn chế, số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ về nhà ở lớn nên độ bao phủ của các chương trình mục tiêu này đối với các đối tượng thụ hưởng của chương trình vẫn chưa được bao phủ hết.
Do vậy, việc nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách mới về hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025 là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu và cải thiện chất lượng nhà ở ngày một tốt hơn cho các hộ nghèo khu vực nông thôn, đồng thời nâng cao mức sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện phát triển nguồn lực con người và giảm tỷ lệ hộ nghèo về nhà ở theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “không ai bị bỏ lại phía sau”. Cụ thể các văn bản pháp lý quy định về vấn đề này như sau:
- Khoản 3 Điều 59 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở”.
- Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra một số mục tiêu cụ thể, trong đó có mục tiêu “tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5% hằng năm”, tức là giảm nghèo về nhà ở cũng phải có mức giảm tương ứng.
- Khoản 2 Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014 quy định về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, trong đó có: “Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn”.
- Khoản 2 Điều 50 Luật Nhà ở năm 2014 quy định về các hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, theo đó: “Hỗ trợ theo các chương trình mục tiêu về nhà ở để đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 49 của Luật này xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở”.
- Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 đã chỉ ra một trong những nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn tới là “Tập trung giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người dân”.
- Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), trong đó Bộ Xây dựng được giao thực hiện mục tiêu 11 “Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu, đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn, phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng”. Trong đó, mục tiêu 11.1. ghi rõ “Đến năm 2030, đảm bảo tất cả người dân được tiếp cận với những dịch vụ cơ bản và dịch vụ nhà ở phù hợp, an toàn, trong khả năng chi trả; xóa bỏ các khu ổ chuột, xây mới, cải tạo các khu nhà ở không đảm bảo chất lượng”.
- Nhà ở là một trong 06 tiêu chí để đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ về chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021-2025.
- Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22/12/2021 quy định: Phát triển nhà ở phải bảo đảm an toàn và đáp ứng các điều kiện về chất lượng xây dựng, kiến trúc, cảnh quan, tiện nghi và môi trường; đủ khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai, dịch bệnh, sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững, phát thải thấp theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành”;Đối với các hộ có nhà ở trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu (bão, lũ, sạt lở đất,...), hỗ trợ theo hướng cho vay ưu đãi để xây mới, cải tạo, sửa chữa nâng cao chất lượng căn nhà, tăng khả năng chống chịu của nhà ở; đối với một số khu vực nguy hiểm thực hiện hỗ trợ xây dựng hạ tầng khu tái định cư tại các khu vực an toàn từ nguồn ngân sách nhà nước”.
- Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 chỉ đạo: “Quan tâm giải quyết đất sản xuất, đất ở phù hợp, tạo việc làm, bảo đảm các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, thông tin và dịch vụ xã hội khác cho người nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.
- Tại Nghị quyết số 160/NQ-CP ngày 22/12/2021 của Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, Bộ Xây dựng được giao: “Nghiên cứu đề xuất, hoàn thiện cơ chế, chính sách về nhà ở của hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là tại địa bàn các huyện nghèo” trong năm 2022.
Trên cơ sở đó, nhằm đảm bảo tính xã hội hóa trong thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở, thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo bằng nhiều nguồn lực trong xã hội theo phương châm: Người dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ; phát huy tính tích cực, chủ động tham gia xây dựng cải thiện nhà ở của chính các hộ nghèo. Với mục tiêu đảm bảo cho hộ nghèo khu vực nông thôn có nhà ở thích ứng, an toàn với các loại hình thiên tai thường xuyên của vùng, miền, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở đánh giá các kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế của Chương trình giai đoạn đến năm 2020[2] (theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ), việc hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025 cần lưu ý một số vấn đề cơ bản như sau:
- Về đối tượng áp dụng: Hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025 quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ) trong danh sách hộ nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, đang cư trú tại khu vực nông thôn và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Quyết định này có hiệu lực thi hành 03 năm.
- Về điều kiện được hỗ trợ: Hộ nghèo khu vực nông thôn được hỗ trợ nhà ở thuộc một trong các đối trường hợp sau:
+ Hộ nghèo chưa có nhà ở hoặc nhà ở thuộc loại không bền chắc (trong ba kết cấu chính là nền - móng, khung - tường, mái thì có ít nhất hai kết cấu được làm bằng vật liệu không bền chắc);
+ Diện tích nhà ở bình quân đầu người của hộ nghèo nhỏ hơn 8m2;
+ Chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội hoặc tổ chức chính trị xã hội khác; Trường hợp đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ nhà ở khác thì phải thuộc các đối tượng sau: Nhà ở đã bị sập đổ hoặc hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ do thiên tai gây ra như: Bão, lũ, lụt, động đất, sạt lở đất, hỏa hoạn nhưng chưa có nguồn vốn để sửa chữa, xây dựng lại. Đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ nhà ở khác có thời gian từ 08 năm trở lên tính đến thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành nhưng nay nhà ở đã hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sụp đổ.

  • Về yêu cầu chất lượng về nhà ở sau khi được hỗ trợ: Theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ tiêu đến năm 2030, ước diện tích nhà ở tối thiểu đạt 8m2 sàn/người; quy mô trung bình của hộ gia đình theo tổng điều tra dân số và nhà ở 2019 là 3,6 người/hộ. Do đó, diện tích nhà ở tối thiểu được tính theo công thức 3,6x8=28,8m2/hộ. Ngoài ra, để đảm bảo sự thống nhất trong quy định về diện tích nhà ở tối thiểu tại Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022, Bộ Xây dựng đề xuất yêu cầu chất lượng về nhà ở sau khi được hỗ trợ cụ thể như sau:
+ Sau khi được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa, nhà ở phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2 (đối với hộ độc thân, hộ người cao tuổi không nơi nương tựa, có thể xây dựng nhà ở có diện tích sử dụng nhỏ hơn nhưng không thấp hơn 18 m2), đảm bảo “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên.
+ Các bộ phận nền - móng, khung - tường, mái của căn nhà phải được làm từ các loại vật liệu có chất lượng tốt, không làm từ các loại vật liệu tạm, mau hỏng, dễ cháy. Cụ thể: “Nền - móng cứng” là nền - móng nhà làm bằng các loại vật liệu có tác dụng làm tăng độ cứng của nền như: vữa xi măng - cát, bê tông, bê tông cốt thép, xây gạch/đá, gạch lát, gỗ; “Khung - tường cứng” bao gồm hệ thống khung, cột, tường. Tùy điều kiện cụ thể, khung, cột được làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc; tường xây gạch/đá hoặc làm từ gỗ bền chắc; “Mái cứng” gồm hệ thống đỡ mái và mái lợp. Tùy điều kiện cụ thể, hệ thống đỡ mái có thể làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc. Mái làm bằng bê tông cốt thép, lợp ngói. Trường hợp mái bằng tôn lợp giả ngói, tôn lạnh, tôn cách nhiệt, tôn cán sóng và có kết cấu đỡ chắc chắn (khung sắt, gỗ...) liên kết bền chặt với tường xây, cột bê tông cốt thép thì mái tôn trong trường hợp này được coi là vật liệu bền chắc;
+ Tùy điều kiện thực tế, các bộ phận nhà ở có thể làm bằng các loại vật liệu có chất lượng tương đương có sẵn tại địa phương đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo thời hạn sử dụng. Ủy ban nhân dân các tỉnh (hoặc ủy quyền cho Sở Xây dựng) quy định chủng loại vật liệu địa phương cụ thể (nếu có), báo cáo Bộ Xây dựng xem xét, quyết định.
- Về trình tự xây dựng Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây mới hoặc sửa chữa nhà ở: Hiện nay, để thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022. Các nội dung liên quan đến xây dựng Đề án và thực hiện hỗ trợ nhà ở quy định tại Thông tư trên được kế thừa từ các quy định tại Thông tư số 08/2015/TT-BXD ngày 29/12/2015 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg.
Do vậy, để thuận tiện cho các cán bộ địa phương đã triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ nhà ở giai đoạn 2013-2021 như: chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg; chương trình hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, đồng thời đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở, Bộ Xây dựng đề xuất nội dung này thực hiện như quy định tại Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng, cụ thể như sau:
(i) Trình tự xây dựng Đề án:
+ Tại cấp thôn: Lập danh sách hộ nghèo có nhu cầu hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở; tổ chức bình xét, đề xuất danh sách các hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở gửi về Ủy ban nhân dân cấp xã để xem xét, rà soát.
+ Tại cấp xã: Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát, thẩm định, tổng hợp và gửi về Ủy ban nhân dân cấp huyện danh sách hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở.
+ Tại cấp tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập và phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo khu vực nông thôn trên địa bàn gửi Đề án về Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
(ii) Thực hiện hỗ trợ nhà ở:
+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, thiết kế tối thiểu 03 mẫu nhà ở điển hình và tổ chức giới thiệu các mẫu thiết kế để người dân tham khảo, lựa chọn.
+ Hộ nghèo trong danh sách được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở ký cam kết xây mới hoặc sửa chữa nhà ở và đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã đề nghị cung ứng vật liệu để xây mới hoặc sửa chữa nhà ở (nếu có nhu cầu), đề xuất lựa chọn mẫu nhà, phương thức xây mới hoặc sửa chữa nhà ở. Hộ nghèo được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở phải báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã khi hoàn thành các phần việc theo giai đoạn (hoàn thành phần móng đối với những hộ xây dựng nhà ở mới, hoàn thành từ 30% khối lượng công việc trở lên đối với những hộ sửa chữa nhà ở hiện có) hoặc hoàn thành toàn bộ công trình để tổ chức nghiệm thu làm cơ sở thực hiện giải ngân vốn hỗ trợ.
+ Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, giám sát và giúp đỡ các hộ nghèo trong quá trình xây mới hoặc sửa chữa nhà ở.
- Về mức hỗ trợ:
Theo tính toán về suất đầu tư xây dựng năm 2021 (theo Quyết định số 610/QĐ-BXD ngày 13/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công bố suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2021): (1) Một căn nhà ở riêng lẻ 01 tầng, tường bao xây gạch, mái tôn có suất vốn đầu tư là 1,945 triệu đồng/m2 sàn; (2) Một căn nhà ở riêng lẻ 01 tầng, căn hộ khép kín, kết cấu tường gạch chịu lực, mái BTCT đổ tại chỗ không có tầng hầm là 5,109 triệu đồng/m2 sàn.
Như vậy, để xây dựng mới căn nhà 01 tầng diện tích 30m2 có tuổi thọ tối thiểu 20 năm tại thời điểm hiện nay thì chi phí vật liệu và nhân công từ 58,350 -153,270 triệu đồng (mức trung bình trong khoảng từ 90 - 120 triệu đồng).
Vì vậy, dựa vào giá thành xây dựng nêu trên, để khắc phục tồn tại trong quá trình triển khai Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg (do không có vốn hỗ trợ trực tiếp nên không thu hút được người dân tham gia chương trình, kết quả chỉ đạt 50% so với kế hoạch) đồng thời bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về cơ chế, mức hỗ trợ của Chương trình với các chương trình, chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở khác (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022) và với phương châm “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình thực hiện xây dựng”, kiến nghị định mức hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước (gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) là 40 triệu đồng/hộ đối với hộ nghèo xây dựng mới nhà ở và 20 triệu đồng/hộ đối với hộ nghèo sửa chữa nhà ở.
Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến góp ý của các địa phương, hầu hết các ý kiến góp ý đều đề nghị kiến nghị nâng mức vay tối đa cho các hộ nghèo vay vốn xây mới hoặc sửa chữa nhà ở. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính đồng bộ với chính sách hỗ trợ tín dụng quy định tại Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, kiến nghị nâng mức vay vốn ưu đãi cho các hộ nghèo để xây mới hoặc sửa chữa nhà ở lên tối đa 40 triệu đồng/hộ với lãi suất cho vay: 0,3%/năm (0,25%/tháng); Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay; Thời hạn cho vay tối đa là 15 năm, trong 5 năm đầu, hộ vay chưa phải trả nợ gốc, thời gian trả nợ tối đa là 10 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 10% tổng số vốn đã vay.
Để phù hợp với Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 24/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành giai đoạn 2022-2025 thì: Đối với các địa phương tự cân đối được ngân sách: 100% vốn thực hiện chính sách từ nguồn ngân sách địa phương; Đối với các địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương: ngân sách trung ương hỗ trợ 100% nhu cầu kinh phí cho các địa phương nhận bổ sung cân đối ngân sách từ ngân sách trung ương; 80% nhu cầu kinh phí cho các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương từ 20% trở xuống; 50% nhu cầu kinh phí cho các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương từ trên 20% đến 60%; Các địa phương còn lại do ngân sách địa phương đảm bảo. Danh sách các địa phương tự cân đối được ngân sách và tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các địa phương được căn cứ trên cơ sở dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 của từng địa phương đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao. Nguồn vốn cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội do ngân sách trung ương cấp 50%, 50% còn lại do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động. Ngân sách trung ương cấp bù chênh lệch lãi suất và chi phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Chính sách xã hội.
Bên cạnh vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ và vốn vay ưu đãi, nguồn vốn thực hiện chính sách còn bao gồm: Vốn huy động từ quỹ "Vì người nghèo" do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vận động từ cộng đồng xã hội và từ các doanh nghiệp; vốn huy động từ việc vận động, tiếp nhận các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra; vốn tham gia đóng góp của chính hộ gia đình; vốn lồng ghép từ các chương trình, mục tiêu khác. Tùy điều kiện cụ thể, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương cho các hộ nghèo./.
 
[1] Riêng tỉnh Tây Ninh ban đầu có Đề án hỗ trợ cho 258 hộ nhưng sau đó dùng vốn từ Quỹ “Vì người nghèo” và vốn huy động từ các nguồn khác để hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo xây dựng nhà ở chứ không thực hiện theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg.
[2] Tại văn bản số 3665/BXD-QLN ngày 09/9/2021 của Bộ Xây dựng tổng kết chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Xem thêm »