Thực hiện Quyết định số 1135/QĐ-585 ngày 18 tháng 5 năm 2020 của Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 (Chương trình 585), Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp đã tổ chức thành công lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp với chuyên đề “Bồi dưỡng kiến thức pháp luật về các loại hình doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp – những điều cần lưu ý khi ký kết, hợp tác với các loại hình doanh nghiệp khác nhau” tại tỉnh Gia Lai
Ngày 16/6/2020, Câu lạc bộ pháp chế tổ chức lớp bồi dưỡng đã thu hút sự tham gia của hơn 80 đại biểu là đại diện Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh Gia Lai; các Luật gia; Luật sư trên địa bàn tỉnh Gia Lai; công chức phụ trách hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Gia Lai; nhân viên pháp chế các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai và các các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thực hiện giảng dạy lớp bồi dưỡng là Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO.
Tại lớp bồi dưỡng, giảng viên đã triển khai các nội dung sau:
1. Những loại hình doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp
- Khái quát chung về pháp luật doanh nghiệp
+ Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH)
+ Công ty cổ phần
+ Doanh nghiệp nhà nước
+ Doanh nghiệp tư nhân
+ Công ty hợp danh
- Các loại hình doanh nghiệp phổ biến hiện nay, được nhiều cá nhân, tổ chức lựa chọn thành lập
- Quy trình, thủ tục thành lập từng loại hình doanh nghiệp
- Những khó khăn, vướng mắc khi thành lập doanh nghiệp
2. Những điều cần lưu ý khi ký kết, hợp tác với các loại hình doanh nghiệp khác nhau
3. Tình huống, vụ việc thực tiễn về vướng mắc trong ký kết, hợp tác với từng loại hình doanh nghiệp.
Trên cơ sở thuyết trình của chuyên gia, sự trao đổi giữa đại biểu dự lớp và chuyên gia, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến và câu hỏi xuất phát từ thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đã được chuyên gia tiếp thu, giải đáp tất cả các câu hỏi bằng kiến thức chuyên môn và các ví dụ thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp. Lớp bồi dưỡng đã giúp cho các đại biểu hiểu rõ được các vấn đề về các loại hình doanh nghiệp, phân biệt ưu nhược điểm của các loại hình doanh nghiệp; đồng thời giúp cơ quan nhà nước tiếp thu những ý kiến đóng góp từ doanh nghiệp nhằm hoàn thiện hơn nữa pháp luật về hợp đồng, doanh nghiệp. Trong quá trình diễn ra Lớp bồi dưỡng, các doanh nghiệp cũng có những đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động tổ chức lớp bồi dưỡng với các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh việc lắng nghe, tiếp nhận kiến thức, thông tin từ báo cáo viên, các đại biểu tham dự lớp bồi dưỡng đã tiến hành hỏi đáp, thảo luận sôi nổi về các vấn đề giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng phương thức trọng tài thương mại và đưa ra một số câu hỏi về thực tiễn như sau:
Câu hỏi 1: Công ty chúng tôi có cho đại lý nợ một số tiền hàng từ năm 2016 (trong hợp đồng công ty chúng tôi ghi không bán nợ, ngoại trừ trường hợp đại lý có bảo lãnh thư và lúc này đại lý không có bảo lãnh thư). Đại lý vẫn tiếp tục chuyển tiền lấy hàng và công ty chúng tôi trừ nợ dần tiền từ các toa hàng mà đại lý đã chuyển (việc trừ nợ dần này công ty chúng tôi không thông báo với đại lý mà như một nguyên tắc riêng của công ty).
Ngày 31/12/2017 đại lý đã ký xác nhận nợ (dù trong năm 2018 đại lý đã chuyển đủ tiền mua hàng cả năm , nhưng tiền bị trừ nợ trước ) và giữa hai bên chưa từng cùng đối chiếu công nợ chỉ gửi giấy xác nhận cho đại lý ký . Tháng 4/2018 công ty chúng tôi tiếp tục bán nợ hàng cho đại lý qua bảo lãnh thư với giá trị 1,5 tỉ đồng . Bảo lãnh thư có hiệu lực đến ngày 31/12/2019. Ngày 31/12/2019 đại lý có ký giấy xác nhận nợ với số tiền là 1,5 tỉ đồng. Sau ngày 31/12/2019 đại lý bị thua lỗ không thanh toán số tiền đã được bảo lãnh qua ngân hàng (Từ tháng 4/2018 - 31/12/2019 đại lý chuyển gần đủ tiền mua hàng nhưng bị trừ nợ từ trước như đã nói ở trên). Ngân hàng lại lấy lý do đại lý đã chuyển đủ tiền mua hàng trong thời gian bảo lãnh thư có hiệu lực, họ không chịu trách nhiệm về khoản nợ từ trước, nên buộc chúng tôi phải kiện.Và Tòa chỉ buộc ngân hàng phát hành bảo lãnh phải trả cho công ty chúng tôi số tiền mà đại lý chuyển chưa đủ trong thời gian bảo lãnh thư có hiệu lực. Phiên tòa kiện ngân hàng mà đại lý là đơn vị có liên quan kéo dài qua nhiều cấp, mãi đến giữa năm 2019 mới kết thúc . Công ty chúng tôi tiếp tục khởi kiện đại lý để đòi số tiền còn lại (đại lý cũng là một công ty), nhưng công ty của đại lý đã giải thể. Vậy xin hỏi công ty chúng tôi phải làm sao? Và thời hiệu khởi kiện có còn không?
Trả lời:
Khoản 2 Điều 201 và khoản 1 Điều 204 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về điều kiện và hồ sơ giải thể doanh nghiệp như sau:
"Điều 201. Các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp
2. Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp".
"Điều 204. Hồ sơ giải thể doanh nghiệp
1. Hồ sơ giải thể doanh nghiệp bao gồm giấy tờ sau đây:
a) Thông báo về giải thể doanh nghiệp;
b) Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp; danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có);
c) Con dấu và giấy chứng nhận mẫu dấu (nếu có);
d) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp".
Theo đó, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác. Nhưng trong trường hợp bạn trình bày, đại lý đã cố tình không kê khai và thanh toán khoản nợ với công ty bạn, về hành vi này, khoản 2, 3 Điều 204 Luật doanh nghiệp 2014 quy định:
"2. Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần, thành viên Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty, chủ doanh nghiệp tư nhân, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, thành viên hợp danh, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của hồ sơ giải thể doanh nghiệp.
3. Trường hợp hồ sơ giải thể không chính xác, giả mạo, những người quy định tại khoản 2 Điều này phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán số nợ chưa thanh toán, số thuế chưa nộp và quyền lợi của người lao động chưa được giải quyết và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về những hệ quả phát sinh trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp đến Cơ quan đăng ký kinh doanh".
Theo đó, khi phát hiện hồ sơ giải thể không chính xác, những người sau đây sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán khoản nợ với công ty bạn: Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần, thành viên Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty, chủ doanh nghiệp tư nhân, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, thành viên hợp danh, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Như vậy, tùy vào loại hình doanh nghiệp của đại lý mà công ty bạn có thể khởi kiện đối với những cá nhân trên trong thời hạn 5 năm kể từ ngày đại lý nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp đến Cơ quan đăng kí kinh doanh. Thời điểm đại lý làm ăn thua lỗ là sau ngày 31/12/2019 nên đại lý nộp hồ sơ giải thể vào khoảng thời gian sau đó, do đó tính đến nay vụ việc vẫn còn thời hiệu khởi kiện.
Câu hỏi 2: Tôi có cho Công ty MAY vay tiền để làm ăn, nhưng không có hợp đồng cụ thể mà chỉ có giấy vay tiền kí giữa 2 bên là tôi và Giám đốc công ty MAY. Hiện tại đã đến kỳ hạn trả nợ mà bên Công ty MAY vẫn không chịu trả tiền, vậy tôi nên làm như thế nào để giải quyết vấn đề này hiệu quả nhất?
Trả lời: Cần phải xem nội dung giấy vay tiền là như thế nào? Ví dụ như Người đại diện Công ty MAY ký vào giấy vay tiền là ai? Có thẩm quyền kí hay không? Thời hạn vay như thế nào? Ngoài giấy vay tiền trên còn có tài liệu gì chứng minh không (như giấy tờ thanh toán từng kỳ, trả lãi..) để xem xét tổng quan những bất lợi và có lợi của phía bên mình? Thời hiệu khởi kiện? Từ đó mới xác định các hướng giải quyết?
Thứ nhất, các bên nên có cuộc trao đổi, thương lượng, đàm phán với nhau để tránh những mâu thuẫn, xung đột nếu muốn giữ tiếp mối quan hệ hợp tác.
Thứ hai, khi không thể đàm phán, hòa giải được thì chọn phương thức khởi kiện ra Tòa án và cần chuẩn bị các tài liệu đầy đủ trong quá trình thực hiện. Cần chú ý các vấn đề về thời gian khi tham gia vào vụ việc giải quyết tranh chấp thường kéo dài, khả năng tốn kém tiền bạc, để ý vấn đề thi hành án khi không có tài sản rất khó khăn nên cần có đơn yêu cầu biện pháp khẩn phù hợp để tránh bên kia tẩu tán tài sản.
Câu hỏi 3: Tôi đang là thành viên của Công ty Hoa Mai thuộc loại hình Công ty TNHH hai thành viên trở lên. Hiện tại tôi có tài sản là quyền sử dụng đất đối với mảnh đất đang là địa điểm tập kết hàng của Công ty (từ trước đến nay là công ty thuê của tôi). Giờ tôi muốn góp vốn bằng tài sản này vào cho công ty thì cần làm những gì?
Trả lời: Khoản 1 Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn như sau:
Thành viên công ty TNHH, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây:
+ Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;
+ Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản.
Biên bản giao nhận phải ghi rõ tên và địa chỉ trụ sở chính của công ty; họ, tên, địa chỉ thường trú, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác, số quyết định thành lập hoặc đăng ký của người góp vốn; loại tài sản và số đơn vị tài sản góp vốn; tổng giá trị tài sản góp vốn và tỷ lệ của tổng giá trị tài sản đó trong vốn điều lệ của công ty; ngày giao nhận; chữ ký của người góp vốn hoặc đại diện theo ủy quyền của người góp vốn và người đại diện theo pháp luật của công ty;
+ Cổ phần hoặc phần vốn góp bằng tài sản không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty”
Như vậy, trong trường hợp của bạn, nếu muốn góp vốn vào công ty bằng tài sản là quyền sử dụng đất, bạn cần thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể ở đây là Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Phòng Tài nguyên và môi trường tại nơi có thửa đất.
Câu hỏi 4: Thỉnh thoảng theo dõi Đài phát thanh, Truyền hình, tôi nghe được “trong cộng đồng doanh nghiệp có các nhóm doanh nghiệp”. Vậy, xin hỏi hiện nay doanh nghiệp được phân nhóm như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Doanh nghiệp 2014, các đạo luật liên quan và các văn bản quy phạm pháp luật thì doanh nghiệp được phân các nhóm như sau:
- Nhóm doanh nghiệp nhà nước
- Nhóm doanh nghiệp tư nhân
- Nhóm doanh nghiệp đầu tư nước ngoài
- Nhóm doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn
- Nhóm doanh nghiệp xã hội
- Nhóm doanh nghiệp công ích
- Nhóm doanh nghiệp quốc phòng, an ninh.
Câu hỏi 5: Anh X, chị Y, anh Z, anh T cùng góp vốn dự định thành lập Công tyA là công ty cổ phần. Trong đó, anh X, anh Z, anh T đều góp vốn bằng tiền Việt Nam. Chị Y góp vốn bằng ngôi nhà và quyền sử dụng đất nơi dự kiến làm trụ sở chính của doanh nghiệp.Vậy việc định giá ngôi nhà và quyền sử dụng đất là tài sản góp vốn của chị Y được thực hiện như thế nào?
Trả lời: Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về định giá tài sản góp vốn như sau:
“1. Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.
2. Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được đa số các thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.
Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên,cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
3. Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH và công ty hợp danh, HĐQT đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giáchuyên nghiệp định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và doanh nghiệp chấp thuận.
Trường hợp nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH và công ty hợp danh, thành viên HĐQT đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời, liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế”.
Như vậy, với tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp là ngôi nhà và quyền sử dụng đất của chị Y, việc định giá có thể được thực hiện bởi tất cả các cổ đông theo nguyên tắc nhất trí. Trong trường hợp không thống nhất được thì các cổ đông nhờ, thuê một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá (Công ty có chức năng thẩm định giá…).Trong trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được đa số các cổ đông sáng lập chấp thuận. Trường hợp ngôi nhà và quyền sử dụng đất của chị Y được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì anh X, chị Y, anh Z, anh T cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
Lớp bồi dưỡng pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp tại Gia Lai được tổ chức có chất lượng tốt, chuyên gia có trình độ lý luận và kiến thức thực tế; nội dung bồi dưỡng thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, đại biểu dự lớp có thêm hiểu biết những vấn đề liên quan đến các loại hình doanh nghiệp, về các vấn đề giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp khi kí kết, thực hiện hợp tác với các loại hình doanh nghiêp, tránh các trường hợp quyền lợi của doanh nghiệp bị xâm hại xảy ra; Thấy được các cơ hội kinh doanh mới trong xã hội; các đại biểu đã nêu lên được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật và đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung.
Lớp bồi dưỡng do Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp tổ chức tại Gia Lai đã đáp ứng được yêu cầu và mục đích hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do Ban quản lý Chương trình 585 đề ra.