Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và giải pháp nâng cao công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

06/10/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Pháp lý luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình khởi sự kinh doanh và hoạt động của mọi doanh nghiệp. Một doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro nếu không có nền tảng pháp lý vững chắc. Để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận pháp lý, hạn chế rủi ro pháp lý, ngày 28 tháng 5 năm 2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Sau đó, để đáp ứng yêu cầu của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong tình hình mới, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), ngày 12 tháng 6 năm 2017, Quốc hội ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP). Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hướng đến mục tiêu tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Thực tế triển khai tại địa phương thời gian qua cho thấy công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung và hỗ trợ pháp lý cho DNNVV nói riêng đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, đồng thời cũng bộc lộ nhiều vấn đề cần phải được tiếp tục hoàn thiện. Chính vì vậy, việc đề xuất các giải pháp phù hợp để thúc đẩy hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Trong phạm vi tham luận này, xin trao doi một số thông tin về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua và đưa ra một số đề xuất liên quan đến việc thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới gắn với Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

 1. Tình hình thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua.
a) Tình hình thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP
Với tư cách là cơ quan đầu mối tham mưu cho UBND thành phố trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại địa phương, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 1349/KH-UBND ngày 26/02/2016 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016 - 2020 để giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Theo đó, Kế hoạch số 1349/KH-UBND tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: nâng cao năng lực cho cơ quan, tổ chức và những người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tăng cường hoạt động rà soát văn bản và kiểm soát thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp; tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp; giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp; tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện pháp luật; xây dựng và tổ chức chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Từ năm 2015 đến năm 2020, thành phố đã triển khai thực hiện nhiều nội dung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và Kế hoạch số 1349/KH-UBND ngày 26/02/2016 của UBND thành phố về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016 – 2020, cụ thể như sau:
- Sở Tư pháp đã tiếp nhận và tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp, cụ thể như: Công ty cổ phần Bảo Phước, Công ty TNHH Đầu tư DDIF, Công ty TNHH MTV Land Hà Hải, dự án Viễn Đông Meridian Tower tại số 84 Hùng Vương,..
- Sở Tư pháp đã phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND thành phố giải quyết những vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp như đề xuất của doanh nghiệp về việc cho phép khai thác khoáng sản trong Khu công nghiệp; kiến nghị đối với dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Làng Vân và Khu đô thị quốc tế Đa Phước; kiến nghị của Công ty TNHH Segi Vina; ý kiến về biên bản hợp tác xây dựng thành phố thông minh giữa UBND thành phố và FPT;…
- Sở Tư pháp đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ký kết Quy chế phối hợp giữa Sở Tư pháp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; biên soạn và phát hành hơn 2.000 cuốn Cẩm nang hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố cùng một số đơn vị có liên quan để cung cấp miễn phí cho doanh nghiệp.
- Sở Tư pháp đã kịp thời cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND thành phố lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật để phục vụ nhu cầu tra cứu văn bản của doanh nghiệp.
- Hằng năm, Sở Tư pháp đều phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành liên quan tham mưu UBND thành phố tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn; tham mưu UBND thành phố tổ chức thành công Hội thi “Doanh nghiệp với pháp luật thành phố Đà Nẵng năm 2010”.
- Sở Tư pháp phối hợp với Câu lạc bộ pháp chế Doanh nghiệp thuộc Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm chuyên đề về “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giải quyết tranh chấp thương mại” với sự tham gia của đại diện các DNNVV trên địa bàn thành phố, cán bộ pháp chế các sở, ngành và cán bộ tư pháp quận, huyện. Trong năm 2017, Sở đã tổ chức 02 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp thuộc Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 – 2020 (Chương trình 585).
b) Tình hình thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV theo Nghị định số 55/2019/NĐ-CP
Để đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, nhằm nâng cao chất lượng của công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 7136/KH-UBND ngày 21/10/2019 về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2025. Theo đó, Sở Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND thành phố tổ chức thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và đã đạt được một số kết quả nổi bật như sau:
- Trong năm 2020, Sở Tư pháp đã phối hợp với Cổng thông tin điện tử thành phố xây dựng Chuyên mục Hỗ trợ pháp lý DNNVV trên Cổng thông tin điện tử thành phố (https://danang.gov.vn/web/guest/doanh-nghiep).
- Sở Tư pháp đã ban hành Công văn số 371/STP-XDKTVB ngày 12/02/2020 về việc triển khai Kế hoạch số 7136/KH-UBND ngày 21/10/2019 của UBND thành phố về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2019-2025, trong đó đề nghị các sở, ban, ngành phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện việc cập nhật, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử thành phố: bản án, quyết định của Tòa án; phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; văn bản trả lời của UBND thành phố đối với vướng mắc pháp lý của DNNVV trong áp dụng chung về pháp luật; quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp.
- Ngày 12/3/2020, Chủ tịch UBND thành phố ban hành Công văn số 1513/UBND-STP về việc triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, trong đó đề nghị các sở, ban, ngành, Hiệp hội DNNVV thành phố đề xuất các hoạt động của Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV thành phố và cung cấp thông tin về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đề xuất hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, gửi về Sở Tư pháp để tổng hợp, tham mưu trình Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV thành phố. Trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND thành phố ban hành Quyết định số 2655/QĐ-UBND ngày 24/7/2020 ban hành Chương trình Hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2020-2025.
- Sở Tư pháp đã tham mưu UBND thành phố ban hành Công văn số 3226/UBND-STP ngày 19/5/2020 gửi Bộ Tư pháp để báo cáo về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, đồng thời kiến nghị, đề xuất các nội dung để xây dựng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV giai đoạn 2021-2026.
- Hàng năm, các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND thành phố và UBND thành phố sau khi được ban hành đều được Sở Tư pháp cập nhật nhanh chóng, kịp thời trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật để phục vụ nhu cầu tra cứu văn bản của doanh nghiệp.
- Trong giai đoạn 2020-2022, Sở Tư pháp cũng đã phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND thành phố trong việc giải quyết những vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp như: kiến nghị của Công ty Cổ phần Hải Vân Thành Đạt; tham gia ý kiến về việc chuyển nhượng một phần dự án Khu dịch vụ du lịch ven sông Hàn của Công ty Cù Lao Chàm; tham gia ý kiến về việc chuyển nhượng dự án Khu dân cư lô 18, 19, 20 An Đồn từ Công ty Lê Bảo Minh sang Công ty TNHH Kreves Halla Land; tham gia ý kiến liên quan đến dự án Khách sạn Wink Trần Hưng Đạo; tham gia ý kiến đối với dự án 29ha Khu đô thị quốc tế Đa Phước; cho ý kiến liên quan đến hỗ trợ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đối với Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Huỳnh Đức; tham gia ý kiến liên quan đến dự án Nam Phát; tham gia ý kiến đối với hợp đồng dịch vụ xử lý rác đối với Nhà máy đốt rác phát điện của Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam;...
Nhìn chung, trong những năm qua, Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng luôn quan tâm chỉ đạo sâu sát đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, Sở Tư pháp và các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố cũng đã tích cực chủ động trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ mà UBND thành phố Đà Nẵng giao, qua đó góp phần ngày càng nâng cao hiệu quả của hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại địa phương.
2. Các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
a) Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến doanh nghiệp rất đa dạng, phức tạp, thiếu tính ổn định và thường xuyên có sự thay đổi. Chính điều này khiến cho doanh nghệp cũng như đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận, nắm bắt kịp thời, đầy đủ các quy định.
b) Các DNNVV trên địa bàn thành phố chưa có đủ nguồn lực, chưa dành sự quan tâm đúng mức cho vấn đề pháp lý trong hoạt động của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp thường chỉ tìm đến sự trợ giúp khi phát sinh những tình huống cụ thể.
c) Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đòi hỏi người thực hiện công tác này phải có kiến thức pháp luật rộng và chuyên sâu, đồng thời có kinh nghiệm thực tiễn trong ngành, lĩnh vực quản lý. Trong khi đó, nhìn chung đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại thành phố Đà Nẵng còn hạn chế về số lượng, thiếu nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, chế độ đãi ngộ hạn chế; đội ngũ cán bộ, công chức chủ yếu làm công tác quản lý hành chính nhà nước nên thiếu kinh nghiệm thực tiễn đồng thời còn phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nên tính chuyên nghiệp chưa cao.
d) Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành Trung ương với các sở, ngành địa phương trong quá trình thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn hạn chế. Trên thực tế, nhiều kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp nằm ngoài khả năng giải quyết của địa phương, do đó, địa phương phải xin ý kiến của các bộ, ngành Trung ương. Tuy nhiên, việc phản hồi của các bộ, ngành còn chậm, thậm chí không phản hồi dẫn đến việc trả lời cho doanh nghiệp thiếu kịp thời, qua đó làm giảm niềm tin của doanh nghiệp, giảm hiệu quả của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
đ) Kinh phí cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn hạn chế. Hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng luôn đòi hỏi có sự tham gia của các chuyên gia, các luật sư, giảng viên chuyên nghiệp, có chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm, đặc biệt là các nội dung liên quan đến đầu tư quốc tế, sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí hạn hẹp, việc mời các chuyên gia, các luật sư, giảng viên với yêu cầu như trên là không khả thi.
3. Đề xuất các giải pháp nâng cao công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp gắn với Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”
Thứ nhất, chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ.
Thứ hai, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của yếu tố pháp lý trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và cập nhật thường xuyên quy định của pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp.
Thứ ba, phát triển mạnh hơn nữa hoạt động của mạng lưới tư vấn viên của các bộ, ngành. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ để doanh nghiệp được sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật của các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên nghiệp.
Thứ ba, quán triệt sâu sắc vai trò của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức. Cần nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí, yêu cầu cụ thể đối với cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; có chế độ hỗ trợ đối với những cán bộ trực tiếp thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cũng như bộ phận đầu mối của Sở Tư pháp tổng hợp, theo dõi công tác này.
Thứ tư, trong phạm vi toàn quốc, Chính phủ và các bộ ngành cần xây dựng những chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và tạo điều kiện để các địa phương được tham gia, qua đó địa phương vừa được hỗ trợ kinh phí thực hiện, vừa được học tập kinh nghiệm tổ chức thực hiện của các cơ quan Trung ương về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV. Có giải pháp tăng cường kinh phí phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cho các địa phương.
Thứ năm, kiến nghị, đề xuất các Bộ, ngành:
- Tăng cường phối hợp với các địa phương trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp khi có đề nghị từ địa phương; biên soạn các tài liệu, hướng dẫn nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng hỗ trợ pháp lý cho đội ngũ cán bộ pháp chế các sở, ngành liên quan.
- Thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Chương trình tọa đàm là cầu nối giúp các cơ quan nhà nước có thể chia sẻ những khó khăn, vướng mắc mà đội ngũ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hay gặp phải, đồng thời lắng nghe ý kiến từ phía các doanh nghiệp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trên thực tế, phát huy vai trò, ý nghĩa của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp./.

Xem thêm »