Tranh cãi pháp lý xung quanh bản án của Tòa án nhân dân

21/09/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 27/7/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hành chính yêu cầu hủy quyết định về cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Công ty Cổ phần Phát triển Thủy Long (được viết tắt GCNĐKDN). Sau khi xét xử, Tòa án tỉnh Thái Bình ban hành Bản án hành chính sơ thẩm số 18/2022/HC-ST với nội dung: “Hủy GCNDDKDN lần thứ 12, 13, 14, 15 và 16 của Công ty Cổ phần Phát triển Thủy Long”. Xung quan bản án này, đã nổ ra cuộc tranh cãi pháp lý, nhiều Luật sư, chuyên gia pháp lý đã có ý kiến trao đổi về các vấn đề pháp lý liên quan trong bản án, để rộng đường trao đổi, làm rõ các vấn đề pháp lý liên quan về các tình huống pháp lý vụ việc cụ thể này, chúng tôi xin trao đổi đến quý bạn đọc như sau:

Thứ nhất, về nhận định pháp lý về vốn điều lệ của công ty cổ phần
Theo hồ sơ cho thấy, Công ty Cổ phần Phát triển Thủy Long là doanh nghiệp cổ phần hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Mọi vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của công ty phải tuân theo Luật Doanh nghiệp, trong đó có việc xác định vốn điều lệ và tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, vốn điều lệ của Công ty là “vốn thực góp” của cổ đông, được ghi nhận trong báo cáo tài chính và Sổ đăng ký cổ đông chứ không phải vốn được ghi trong GCNĐKDN. Điều 111, 112 và 124 Luật Doanh nghiệp năm 2014 nêu trên, vốn điều lệ của Công ty cổ phần là tổng số tiền cổ đông đã thanh toán mua cổ phần mà công ty phát hành, chào bán; không phải là số tiền ghi trên GCNĐKDN. Theo các quy định viện dẫn ở trên, cơ sở pháp lý để xác định vốn điều lệ của Công ty và tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông đã được pháp luật quy định rất rõ, đó là số vốn thực góp của các cổ đông. Thực tế, tại thời điểm họp Đại hội đồng cổ đông ngày 26/10/2020, Công ty Cổ phần Phát triển Thủy Long có số vốn điều lệ là 17 tỷ đồng, tương đương số cổ phần đã phát hành và chào bán cho cổ đông là 1.700.000 cổ phần. Trong đó, ông Nguyễn Văn Thắng và bà Lại Thị Xoa sở hữu 250 nghìn cổ phần, tương đương 14,7% vốn điều lệ. Hồ sơ báo cáo tài chính của Công ty, Sổ đăng ký cổ đông của Công ty đã thể hiện đầy đủ theo đúng các Điều 111, 112 và 114 của Luật Doanh nghiệp.
Vì vậy, việc bản án của Tòa án ghi nhận ông Thắng và bà Xoa tự ý bỏ về, không tham dự Đại hội thì số cổ phần của các cổ đông còn lại là 85,3% cũng hoàn toàn đủ điều kiện tổ chức Đại hội đồng cổ đông. Việc Bản án nhận định “Cuộc họp vắng mặt ông Thắng, bà Xoa lần thứ nhất trong khi ông Thắng, bà Xoa sở hữu 50% vốn điều lệ nhưng vẫn tiến hành họp. Điều này vi phạm Điều 141 Luật Doanh nghiệp về điều kiện tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông”, theo Luật sư Trần Minh Dũng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) là không đúng với quy định của Luật Doanh nghiệp và hồ sơ của Công ty.
Thứ hai, việc xác định Biên bản cuộc họp Đại hội đồng cổ đông là giả
Theo hồ sơ, Biên bản họp cổ đông số 13/2014/BB-HCĐ ngày 09/11/2014 của Công ty Cổ phần phát triển Thủy Long đã được giám định bởi Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thái Bình và có Kết luận giám định số 12/KL–PC54 ngày 09/06/2016, trong đó biên bản có 04 trang, trang 1,2,3 phông chữ khác trang 4, các vết dập ghim không trùng nhau, kết luận biên bản bị thay trang không kết luận hồ sơ giả mạo, ngày 16/6/2016, tại Biên bản xác minh, Phòng Kỹ thuật hình sự PC54 Công an tỉnh Thái Bình không kết luận về bất kỳ nội dung nào khác. Cục Quản lý doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã có Công văn số 141/ĐKKD-GĐ ngày 22/06/2016 có ý kiến như sau: “Trường hợp cơ quan công an không kết luận nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo thì chưa đủ căn cứ thu hồi Giấy đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 63 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP”.
Biên bản đại hội đồng cổ đông do Công ty ban hành và phát hành, nội dung cuộc họp được thể hiện nhiều nội dung xuyên suốt, việc tăng vốn 11 tỷ đồng thể hiện chính ở trang 4 có đủ chữ ký tươi của 04 cổ đông (trong đó có ông Thắng và bà Xoa), người đại diện theo pháp luật của công ty thời điểm đó là ông Nguyễn Văn Thắng đã đóng dấu vào biên bản họp, sau cuộc họp Đại hội đồng cổ đông ngày 09/11/2014 công ty ban hành Nghị Quyết tăng vốn. Thực hiện Nghị quyết, ông Thắng đã ký và ban hành; Thông báo phát hành số 01/TB-Cty ngày 12/12/2014 “V/v phát hành thêm cổ phần phổ thông của Công ty” và ký giấy đề nghị đăng thông báo phát hành thêm cổ phần, ghi ngày 12/12/2014. Hai thông báo này đã gửi Phòng đăng ký kinh doanh đăng lên Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Tại trang 12 của Bản án hành chính số 117/2018/HC-PT ngày 09/4/2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã ghi nhận ý kiến của ông Thắng là có cuộc họp nhưng ông Thắng nói chỉ để đối phó với Ngân hàng, cũng tại trang 4 của Quyết định phúc thẩm số 01/2020/QĐPT-KDTM ngày 09/9/2020 của Tòa án tỉnh Thái Bình ông Thắng và bà Xoa cũng công nhận ký vào trang 4 của Biên bản số 13, đồng thời ông Thắng công nhận tại tòa án đã ký và đăng 02 Thông báo phát hành thêm cổ phần phổ thông của công ty lên Cổng Thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (tăng vốn 11 tỷ đồng). Vì thế, theo ý kiến Công ty không có chuyện làm giả văn bản do chính công ty mình ban hành.
Từ những căn cứ trên khẳng định đến nay không có cơ quan chức năng chuyên môn nào kết luận Biên bản cuộc họp Đại hội đồng cổ đông ngày 09/11/2014 là bị làm giả, vì vậy, việc bản án không căn cứ vào ý kiến của cơ quan chuyên môn về giám định giấy tờ là giả mà khẳng định là giả sẽ gây hệ lụy và hậu quả rất lớn cho doanh nghiệp.
Thứ ba, về hiệu lực của Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông
Điều 148 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định hiệu lực các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông: (1) Các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông có hiệu lực kể từ ngày được thông qua hoặc từ thời điểm hiệu lực ghi tại nghị quyết đó; (2) Các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông được thông qua bằng 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là hợp pháp và có hiệu lực ngay cả khi trình tự và thủ tục thông qua nghị quyết đó không được thực hiện đúng như quy định. (3) Trường hợp có cổ đông, nhóm cổ đông yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại Điều 147 của Luật này, thì các nghị quyết đó vẫn có hiệu lực thi hành cho đến khi Tòa án, Trọng tài có quyết định khác, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 152 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định hiệu lực của nghị quyết Đại hội đồng cổ đông: (1) Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông có hiệu lực kể từ ngày được thông qua hoặc từ thời điểm có hiệu lực ghi tại nghị quyết đó; (2) Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua bằng 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là hợp pháp và có hiệu lực ngay cả khi trình tự, thủ tục triệu tập họp và thông qua nghị quyết đó vi phạm quy định của Luật này và Điều lệ công ty; (3) Trường hợp có cổ đông, nhóm cổ đông yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại Điều 151 của Luật này, nghị quyết đó vẫn có hiệu lực thi hành cho đến khi quyết định hủy bỏ nghị quyết đó của Tòa án, Trọng tài có hiệu lực, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Cho đến nay, các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông Công ty Cổ phần Phát triển Thủy Long về tăng vốn điều lệ từ 5 tỷ lên 16 tỷ và từ 16 tỷ lên 17 tỷ đang có hiệu lực, hết thời hiệu khởi kiện và không có cổ đông nào khởi kiện yêu cầu hủy Nghị quyết. Do đó, việc tăng vốn lên 17 tỷ đồng đã được thực hiện và cổ đông đã mua hết cổ phần tăng thêm, thanh toán hết tiền mua cổ phần. Do đó, vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Phát triển Thủy Long là 17 tỷ đồng, đây là sự thật không thể thay đổi theo ý kiến của Luật sư Trần Minh Dũng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), nếu cần phải có các cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực tài chính xác minh và có ý kiến về vấn đề này chứ tòa án không thể nắm hết được và có ý kiến không trên cơ sở chuyên môn tài chính, pháp lý có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi doanh nghiệp.
Vụ việc Công ty Cổ phần Phát triển Thủy Long được thành lập để thực hiện dự án nước sạch nông thôn, cấp nước sạch cho các xã thuộc huyện Kiến Xương, đây không chỉ là hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty mà thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như vấn đề an ninh nước sạch cho các hộ dân. Hoạt động của doanh nghiệp đã đóng góp chung cho sự phát triển của tỉnh. Việc tranh chấp nội bộ của Công ty trong thời gian qua và một số cá nhân, lợi ích nhóm muốn chiếm đoạt trái phép quyền lợi ích không phải của mình, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, không vì mục đích phát triển doanh nghiệp và cung cấp nước sạch cho các hộ dân, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và kế hoạch phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, việc hiểu đúng quy định pháp luật và việc áp dụng trên thực tế từng vụ việc cụ thể sẽ góp phần giúp pháp luật đi vào cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng các hiểu không đúng của quy định pháp luật trục lợi cho cá nhân mình, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật./.
                                     

Xem thêm »