Một số khó khăn, vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động mắc Covid-19 và đề xuất hướng xử lý

21/09/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 29 tháng 12 năm 2017, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 quy định chi tiết thi hành Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế (sau đây gọi tắt là Thông tư số 56). Tuy nhiên, thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, việc thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận nghỉ việc để người lao động hưởng bảo hiểm xã hội quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập.

I. Quy định của pháp luật hiện hành về việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động
1. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (Điều 100) quy định Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau gồm:

1. Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị nội trú. Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
2. Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài thì hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này được thay bằng bản dịch tiếng Việt của giấy khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài cấp.
3. Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau do người sử dụng lao động lập.
4. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy ra viện và các mẫu giấy quy định tại các điểm c, d, đ khoản 1 Điều 101 (chế độ thai sản) của Luật này.
2. Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 (Điều 57) quy định về điều trị ngoại trú:
1. Điều trị ngoại trú được thực hiện trong trường hợp sau đây:
a) Người bệnh không cần điều trị nội trú;
b) Người bệnh sau khi đã điều trị nội trú ổn định nhưng phải theo dõi và điều trị tiếp sau khi ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
2. Sau khi quyết định người bệnh phải điều trị ngoại trú, người hành nghề có trách nhiệm sau đây:
a) Lập hồ sơ bệnh án ngoại trú theo quy định tại Điều 59 của Luật này;
b) Ghi sổ y bạ theo dõi điều trị ngoại trú trong đó ghi rõ thông tin cá nhân của người bệnh, chẩn đoán, chỉ định điều trị, kê đơn thuốc và thời gian khám lại.
Như vậy, theo quy định Luật Khám bệnh, chữa bệnh, việc khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động hoặc ở các cơ sở được cơ quan có thẩm quyền công nhận tương đương cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do người hành nghề thực hiện. Việc khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú phải được người hành nghề trực tiếp khám bệnh, phải lập hồ sơ bệnh án ngoại trú theo quy định tại Điều 59 của Luật này; Ghi sổ y bạ theo dõi điều trị ngoại trú trong đó ghi rõ thông tin cá nhân của người bệnh, chẩn đoán, chỉ định điều trị, kê đơn thuốc và thời gian khám lại.
3.  Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 quy định chi tiết thi hành Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế (Điều 20) quy định về Nguyên tắc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội
1. Việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động cấp. Người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này được ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo phân công của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó;
b) Phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
c) Phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh và hướng dẫn chuyên môn của Bộ trưởng Bộ Y tế.
2. Một lần khám chỉ được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.
Trường hợp người lao động trong cùng một thời gian được hai, ba chuyên khoa của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau khám và cùng cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thì chỉ được hưởng một trong những giấy chứng nhận có thời gian nghỉ dài nhất.
Trường hợp khám nhiều chuyên khoa trong cùng một ngày tại cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì chỉ cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
3. Người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động được ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội; trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phải là pháp nhân thì người hành nghề phải đăng ký mẫu chữ ký với cơ quan bảo hiểm xã hội.
II. Thực tiễn thực hiện việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động mắc COVID-19
Theo thống kê sơ bộ, tính đến 01/9/2022, Việt Nam ghi nhận 11.4 triệu ca tại 63 tỉnh thành. Theo ước tính, số ca nhẹ, không triệu chứng khoảng 80% được Bộ Y tế hướng dẫn theo dõi điều trị tại nhà.
Tại một số địa phương, nhiều người lao động mắc Covid -19 tự điều trị tại nhà gặp rất nhiều khó khăn khi xin Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ hưởng chế độ ốm đau, vì thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian. Theo quy định hiện hành, việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội do các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện. Người lao động khi bị Covid -19 đa số chỉ được cấp các giấy tờ sau đây:
- Giấy xác nhận bị mắc COVID-19 của Trạm y tế xã, phường, thị trấn, Trạm y tế lưu động, Tổ COVID -19 cộng đồng; Các Giấy tờ khác do các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã cấp cho người bị mắc COVID-19 hoặc Phiếu xác nhận đã điều trị COVID-19 của các bệnh viện dã chiến có thẩm quyền xác nhận trên cơ sở danh sách (dữ liệu) người mắc COVID-19 do địa phương quản lý.
- Các giấy tờ do Thủ trưởng y tế cơ quan hoặc doanh nghiệp cấp sau khi người lao động bị mắc COVID-19 hoàn thành điều trị, cách ly tại cơ quan hoặc doanh nghiệp dựa trên danh sách người mắc COVID-19 do cơ quan hoặc doanh nghiệp quản lý trong thời gian cơ quan hoặc doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” cấp và có xác nhận của chính quyền địa phương.
- Quyết định cách ly y tế tại nhà do chính quyền hoặc Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 địa phương cấp;
- Giấy xác nhận hoặc Thông báo hoàn thành thời gian cách ly y tế do chính quyền hoặc Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 địa phương cấp;
-  Quyết định phê duyệt danh sách hoàn thành cách ly y tế tập trung do chính quyền hoặc Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 địa phương cấp;
- Giấy xét nghiệm Test nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm realtime RT-PCR có kết quả dương tính với Sars-Cov2 do các cơ sở y tế cấp và được chính quyền địa phương có thẩm quyền xác nhận trên cơ sở danh sách người mắc COVID-19 do địa phương quản lý;.
 Ngoài ra có một số giấy tờ có các tên gọi khác do chính quyền /Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương đã ban ban hành như sau:
- Giấy xác nhận tình trạng khỏi bệnh COVID-19;
- Thông báo về việc ngừng cách ly y tế phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới COVID-19;
- Quyết định theo dõi sức khoẻ tại nhà;
- Giấy xác nhận hoàn thành cách ly y tế và tình trạng khỏi bệnh covid-19;
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Khám bệnh, chữa bệnh nêu trên, người lao động không thể sử dụng Giấy xác nhận này để tiến hành các thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội. Vì vậy, các trường hợp bị F0 chưa được thanh toán chế độ ốm đau chủ yếu là các trường hợp mắc COVID-19 cách ly điều trị tại nhà. Bên cạnh đó, một số cơ sở y tế đã cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội và giấy tờ khác để làm căn cứ hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động điều trị COVID-19 không đúng quy hoặc chỉ định cho bệnh nhân điều trị ngoại trú quá dài cho một lần khám bệnh, chữa bệnh chưa đúng quy định của Thông tư số 56/2017/TT-BYT.
III. Đề xuất, kiến nghị
Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật này chưa có quy định dùng giấy tờ khác để thay thế giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Đồng thời, chưa có quy định chấp nhận những giấy tờ đã cấp chưa đúng quy định của pháp luật vẫn có giá trị để cơ quan bảo hiểm xã hội làm cơ sở hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động mắc COVID-19. Theo khoản 4 Điều 100 Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy ra viện và các mẫu giấy quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều 101 (chế độ thai sản) của Luật này. Căn cứ quy định này và để đảm bảo quyền lợi của người lao động, giải quyết kịp thời chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, có thể đề xuất xử lý theo hướng:
1. Bổ sung quy định về việc cấp giấy ra viện, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người nhiễm COVID-19 điều trị nội trú hoặc ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, số lượng người mắc Covid-19 tăng cao, gây quá tải cho các cơ sở KBCB. Để đáp ứng yêu cầu cấp thiết về KBCB, Bộ Y tế đã hướng dẫn điều trị người bệnh mắc Covid 19 theo mô hình tháp 3 tầng. Phụ thuộc vào mức độ phức tạp của dịch bệnh, ngoài cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 của bệnh viện được thành lập theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 cụ thể như sau: Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19; Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19; Khu điều trị COVID-19; Cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo quy định tại Quyết định số 4111/QĐ-BYT ngày 26/8/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu Hướng dẫn thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng và quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021của Chính phủ được phép cấp giấy ra viện theo mẫu tại Phụ lục số 03 và Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo mẫu tại Phụ lục số 07 Thông tư số 56/2017/TT-BYT. Trên cơ sở đó, có thể đề xuất bổ sung quy định về cấp giấy ra viện, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người nhiễm COVID-19 điều trị nội trú hoặc ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như sau:
1. Cấp giấy ra viện hưởng bảo hiểm xã hội đối với người bệnh điều trị nội trú hoặc ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Ngoài cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 của bệnh viện được thành lập theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 cụ thể như sau: Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19; Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19; Khu điều trị COVID-19; Cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo quy định tại Quyết định số 4111/QĐ-BYT ngày 26/8/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu Hướng dẫn thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng và quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021của Chính phủ được phép cấp giấy ra viện theo mẫu tại Phụ lục số 03 và Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo mẫu tại Phụ lục số 07 Thông tư số 56/2017/TT-BYT.
b) Phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh và hướng dẫn chuyên môn của Bộ trưởng Bộ Y tế tại thời điểm cấp giấy ra viện
c) Số ngày cần quản lý, theo dõi sức khỏe tại nhà sau ra viện được ghi trong phần ghi chú của giấy ra viện theo mẫu tại Phụ lục số 3, Thông tư số 56/2017/TT-BYT.
2. Trường hợp cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 đã giải thể, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được giao phụ trách quản lý, điều hành cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo quy định tại khoản c, mục V, Quyết định 4111/QĐ-BYT chịu trách nhiệm cấp lại hoặc cấp bổ sung Giấy ra viện, Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho người bệnh.
3. Việc cấp, sử dụng mẫu giấy ra viện và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định tại phụ lục số 3 và phục lục số 7 tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT.
Thứ hai, bổ sung quy định về cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà hoặc tại nơi không thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi chung là tại nhà)
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, số lượng người mắc COVID-19 tăng cao, gây quá tải cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Để đáp ứng yêu cầu cấp thiết về khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế đã hướng dẫn điều trị người bệnh mắc Covid 19 tại nhà.
Người lao động điều trị tại nhà được cấp các giấy tờ sau:
a) Giấy xác nhận bị mắc COVID-19 của Trạm y tế xã, phường, thị trấn, Trạm y tế lưu động, Tổ COVID -19 cộng đồng; Các Giấy tờ khác do các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã cấp cho người bị mắc COVID-19 hoặc Phiếu xác nhận đã điều trị COVID-19 của các bệnh viện dã chiến có thẩm quyền xác nhận trên cơ sở danh sách (dữ liệu) người mắc COVID-19 do địa phương quản lý.
b) Các giấy tờ do Thủ trưởng y tế cơ quan hoặc doanh nghiệp cấp sau khi người lao động bị mắc COVID-19 hoàn thành điều trị, cách ly tại cơ quan hoặc doanh nghiệp dựa trên danh sách người mắc COVID-19 do cơ quan hoặc doanh nghiệp quản lý trong thời gian cơ quan hoặc doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” cấp và có xác nhận của chính quyền địa phương.
c) Quyết định cách ly y tế tại nhà do chính quyền hoặc Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 địa phương cấp;
d) Giấy xác nhận hoặc Thông báo hoàn thành thời gian cách ly y tế do chính quyền hoặc Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 địa phương cấp;
đ) Quyết định phê duyệt danh sách hoàn thành cách ly y tế tập trung do chính quyền hoặc Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 địa phương cấp;
e) Giấy xét nghiệm Test nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm realtime RT-PCR có kết quả dương tính với Sars-Cov2 do các cơ sở y tế cấp và được chính quyền địa phương có thẩm quyền xác nhận trên cơ sở danh sách người mắc COVID-19 do địa phương quản lý
Tuy nhiên, theo Điều 100 Luật bảo hiểm xã hội chỉ có hai loại giấy tờ là (1) Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị nội trú; (2) Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
Thực tiễn, người lao động mắc COVID-19 tự điều trị tại nhà đang gặp rất nhiều khó khăn khi xin Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ hưởng chế độ ốm đau, vì thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian. Theo quy định hiện hành, việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội do các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện. Người lao động khi bị COVID-19 đa số chỉ được cấp các giấy tờ chưa được quy định trong Luật bảo hiểm xã hội, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản luật có liên quan khác. Do đó, để giải quyết các vướng mắc, bất cập nêu trên, có thể bổ sung quy định về cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà hoặc tại nơi không thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi chung là tại nhà) như sau:
1. Cơ sở được giao nhiệm vụ quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà gồm các cơ sở như: Trạm y tế xã, phường, thị trấn; Trạm y tế lưu động; Trung tâm y tế quận, huyện, phòng khám; Trung tâm vận chuyển cấp cứu hoặc các cơ sở được Sở Y tế phân công tham gia công tác quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà.
2. Tiêu chí lâm sàng đối với người nhiễm COVID-19 quản lý tại nhà được quy định tại khoản 1, mục II, Quyết định số 4038/QĐ-BYT ngày 21/08/2021 về việc ban hành hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà.
3. Trạm y tế xã trên địa bàn xã có người lao động được chính quyền địa phương; hoặc được doanh nghiệp đóng trên địa bàn đã cấp các giấy sau đây, dựa vào căn cứ của các giấy này để cấp bổ sung giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo mẫu quy định tại phụ lục số 7, Thông tư 56/2017/TT-BYT theo đúng thời gian người lao động mắc COVID-19 được ghi trong giấy này:
a) Giấy xác nhận bị mắc COVID-19 của Trạm y tế xã, phường, thị trấn, Trạm y tế lưu động, Tổ COVID -19 cộng đồng; Các Giấy tờ khác do các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã cấp cho người bị mắc COVID-19 hoặc Phiếu xác nhận đã điều trị COVID-19 của các bệnh viện dã chiến có thẩm quyền xác nhận trên cơ sở danh sách (dữ liệu) người mắc COVID-19 do địa phương quản lý.
b) Các giấy tờ do Thủ trưởng y tế cơ quan hoặc doanh nghiệp cấp sau khi người lao động bị mắc COVID-19 hoàn thành điều trị, cách ly tại cơ quan hoặc doanh nghiệp dựa trên danh sách người mắc COVID-19 do cơ quan hoặc doanh nghiệp quản lý trong thời gian cơ quan hoặc doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” cấp và có xác nhận của chính quyền địa phương.
c) Quyết định cách ly y tế tại nhà do chính quyền hoặc Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 địa phương cấp;
d) Giấy xác nhận hoặc Thông báo hoàn thành thời gian cách ly y tế do chính quyền hoặc Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 địa phương cấp;
đ) Quyết định phê duyệt danh sách hoàn thành cách ly y tế tập trung do chính quyền hoặc Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 địa phương cấp;
e) Giấy xét nghiệm Test nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm realtime RT-PCR có kết quả dương tính với Sars-Cov2 do các cơ sở y tế cấp và được chính quyền địa phương có thẩm quyền xác nhận trên cơ sở danh sách người mắc COVID-19 do địa phương quản lý;
4. Trường hợp các giấy quy định tại khoản 3 Điều này không xác định được số ngày nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội, việc xác định số ngày nghỉ sẽ căn cứ theo quy định của Bộ Y tế về thời gian cách ly y tế đối với người bệnh COVID-19 tại thời điểm người lao động nghỉ việc./.

Xem thêm »