Thực tiễn công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và những giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

15/09/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Quảng Ninh là tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo thuộc vùng Đông Bắc của đất nước có điều kiện tự nhiên phong phú đa dạng, có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Dân số Quảng Ninh trên 1,3 triệu người, với 22 dân tộc; 13 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 04 thành phố, 02 thị xã và 07 huyện; tỷ lệ đô thị hóa 65%); có 177 xã, phường, thị trấn. Đến tháng 5/2022: tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 17.593 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đăng ký hoạt động. Trong đó, số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 98%.

Những năm vừa qua, tỉnh Quảng Ninh được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, gần đây nhất là Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 bằng những chương trình, giải pháp cụ thể, thiết thực.
Từ năm 2020, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghệp nhưng các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã tích cực tham gia đóng góp vào công tác phòng chống dịch Covid-19, thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với Tỉnh và đất nước. Khi thời điểm dịch bệnh đã được kiểm soát, các doanh nghiệp tại tỉnh đã chủ động có giải pháp để vượt qua khó khăn; nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh. Các doanh nghiệp đã nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; đẩy mạnh thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh... Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành "mục tiêu kép” vừa phòng chống, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, vừa ổn định phát triển kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng hai con số của Tỉnh trong 06 năm liên tiếp. Năm 2021, GRDP của tỉnh tăng 10,28% cao hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước, đứng thứ 2 sau thành phố Hải Phòng; 6 tháng đầu năm 2022, GRDP của tỉnh ước tăng 10,66%, trong đó phải kể đến sự đóng góp lớn của cộng đồng doanh nghiệp trong Tỉnh. Hoạt động của các doanh nghiệp đã góp phần quan trong vào tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách và tham gia giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội của địa phương. Có thể nói, “bộ mặt” của Tỉnh thay đổi nhanh chóng là nhờ huy động được nguồn lực đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp. Chính vì vậy mà trong suốt quá trình phát triển, tỉnh Quảng Ninh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tập trung cao độ công tác cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng để thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào Quảng Ninh. Các cấp, các ngành chủ động, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết nhanh chóng, kịp thời các thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, cấp phép, giao đất và những khó khăn, vướng mắc. Chính vì vậy mà 05 năm liên tiếp (2017-2021) Quảng Ninh luôn dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); 04 năm liền (từ 2017-2020) dẫn đầu cả nước Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), năm 2021 xếp thứ 2; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) dẫn đầu các tỉnh, thành phố trong 02 năm liên tiếp.
1. Về thực tiễn công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
Thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và nừa năm 2017, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch triển khai thực hiện hàng năm. Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo môi trường đầu tư thuận lợi và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Thể hiện ở một số hoạt động chính sau:
1.1. Việc xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật, vụ việc, vướng mắc pháp lý phục vụ hoạt động của doanh nghiệp
Thực hiện Nghị định 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ về cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, tỉnh Quảng Ninh luôn rà soát, thực hiện cập nhật kịp thời, đầy đủ văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) do HĐND, UBND tỉnh ban hành vào Cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật tỉnh Quảng Ninh tại địa chỉ: http://vbpl.vn/quangninh/Pages/Home.aspx. Đồng thời, để tạo điều kiện thuận lợi, giúp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin  trong các VBQPPL, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm việc cập nhập, đăng tải thường xuyên các VBQPPL của Trung ương, của tỉnh trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, cổng thông tin điện tử thành phần, website, fanpage của sở, ngành, địa phương, đặc biệt là trang fanpage DDCI,   tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tra cứu, tìm hiểu các thông tin liên quan đến công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tiếp nhận và kịp thời giải đáp các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp.
Việc cập nhật, đăng tải các bản án, quyết định của tòa án; phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp được phép công khai lên Cổng thông tin điện tử của Tỉnh được triển khai. Chỉ tính riêng năm 2021, Cổng thông tin điện tử tỉnh đã cập nhật, đăng tải 62 thông báo của tòa án, trên 20 quyết định xử lý vi phạm hành chính của các sở ngành. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng đã thực hiện cập nhật, đăng tải 156 bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật trên Trang thông tin điện tử của ngành Tòa án https://congbobanan.toaan.gov.vn/. Việc công khai các văn bản pháp luật của Tỉnh, bản án, quyết định của Tòa án nhân dân đã góp phần minh bạch hệ thống pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm quyền tiếp cận pháp luật, tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, tăng cường năng lực sản xuất kinh doanh, ngăn ngừa các rủi ro pháp lý của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
1.2. Về tư vấn, giải đáp vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp NVV
Cùng với thực hiện chủ trương của tỉnh về xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, chủ động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, các sở, ngành, địa phương đã đẩy mạnh nhiều hình thức nhằm giúp doanh nghiệp trình bày khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý và các vấn đề liên quan, đặc biệt là thường xuyên tổ chức các chương trình gặp mặt, đối thoại trực tiếp và tổ chức các hoạt động ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10[1].
Các hình thức tư vấn, giải đáp vướng mắc pháp luật khác cũng được triển khai phong phú, đa dạng, như: Tiếp nhận ý kiến và trả lời bằng văn bản, thư điện tử; thông qua xây dựng và duy trì các chuyên mục “Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân”, “Hỗ trợ doanh nghiệp”, “Tin xúc tiến và hỗ trợ đầu tư”, "Doanh nghiệp hỏi - cơ quan chức năng trả lời" trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, của các sở, ngành, địa phương; mô hình “Cafe với doanh nghiệp”; xây dựng các câu lạc bộ pháp luật; công khai các đường dây nóng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp...
Từ cấp tỉnh đến các địa phương đều chủ động, tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp để tiếp thu, lắng nghe ý kiến và tháo gỡ, khó khăn vướng mắc về mặt pháp lý. Đối với những trường hợp phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác phối hợp, tổ chức giải đáp tại buổi làm việc trực tiếp, bằng văn bản hoặc thông qua các hình thức khác.
Sở Tư pháp tiếp tục duy trì phối hợp với Đoàn Luật sư tỉnh cử cán bộ thực hiện nhiệm vụ thường trực hướng dẫn doanh nghiệp nghiên cứu, áp dụng các thủ tục khởi kiện; hướng dẫn doanh nghiệp lựa chọn, sử dụng dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý khởi kiện khi có nhu cầu; cập nhật danh sách các tổ chức hành nghề luật sư và danh sách luật sư đang hành nghề trên địa bàn tỉnh đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp để các doanh nghiệp lựa chọn, sử dụng dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp lý khởi kiện khi cần thiết. Năm 2021, Sở Tư pháp đã    phối hợp với Đoàn Luật sư tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tổ chức tọa đàm "Kết nối luật sư với doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh" để giải đáp những khó khăn vướng mắc pháp luật về thuế, đầu tư, đất đai... trong sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.
1.3. Về bồi dưỡng kiến thức pháp luật và xây dựng, biên soạn tài liệu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Trong điều kiện dịch Covid-19 phát sinh, diễn biến phức tạp, thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội, hạn chế tập trung đông người, các hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp thông qua tổ chức hội nghị trực tiếp trong hai năm vừa qua được triển khai không nhiều. Tuy nhiên, các hình thức khác như biên soạn tờ gấp, đề cương tuyên truyền, pano, áp phích, thông qua internet, mạng xã hội, facebook, zalo, đặc biệt là bồi dưỡng kiến thức pháp luật trực tuyến, thông qua cổng thông tin điện tử của các sở, ngành, địa phương... được tăng cường, đạt nhiều hiệu quả thiết thực[2].
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tập trung cao độ, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là yêu cầu bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp… Một số sở, ngành đã chủ động tuyên truyền, phổ biến những quy định về các cam kết trong Hiệp định ASEAN, ASEAN+ và RCEP, hiệp định EVFTA, các cam kết chính của Việt Nam, quy định hướng dẫn thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương thuộc chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại; các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch covid-19, Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch covid-19.
Hàng năm, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin về các văn bản QPPL của Nhà nước và của tỉnh, Sở Tư pháp thường xuyên biên soạn, đăng tải tài liệu liên quan đến doanh nghiệp trên Cổng thông tin thành phần của Sở, trang Thông tin điện tử PBGDPL của tỉnh, trong đó có các chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành; văn bản hành chính, văn bản chỉ đạo, điều hành của ngành, địa phương liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp[3]; tổ chức các lớp bồi dưỡng tập huấn cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngành quản lý và cho đội ngũ người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của tỉnh[4].
Nhìn chung, công tác hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được các sở, ban, ngành, Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh thực hiện cơ bản đầy đủ theo quy định tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP và chức năng, nhiệm vụ được phân công. Các doanh nghiệp đã được tiếp cận các thông tin pháp luật nhanh chóng; các chế độ, chính sách, pháp luật được giới thiệu, tập huấn kịp thời đến doanh nghiệp, góp phần nâng cao trình độ pháp luật cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong triển khai dự án, kế hoạch; giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính, khó khăn, vướng mắc, góp phần hỗ trợ pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp, hạn chế rủi ro, tranh chấp trong kinh doanh của doanh nghiệp.
2. Khó khăn, vướng mắc
Ngoài những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung và quá trình triển khai Nghị định số 55/2019/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng, tỉnh Quảng Ninh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc sau:
Thứ nhất, quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tuy đã được điều chỉnh song vẫn còn khó triển khai thực hiện, nhất là việc tư vấn pháp luật của mạng lưới tư vấn viên pháp luật ở địa phương và kinh phí đảm bảo cho hoạt động này (Thông tư sô 64/2021/TT-BTC không quy định kinh phí cho hoạt động này ở địa phương), trong khi thực tiễn các doanh nghiệp ở địa phương rất cần tư vấn pháp luật.
Thứ hai, nhiều doanh nghiệp chưa chủ động trong việc đề nghị hỗ trợ pháp lý. Khi các cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp mời đại diện các doanh nghiệp tham dự thì nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm cử người tham gia hoặc cử người không đúng nhiệm vụ đến tham dự. Do đó, việc phản hồi và tham gia vào quá trình bồi dưỡng còn hạn chế, nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý doanh nghiệp về vai trò của kiến thức pháp lý còn rất hạn chế.
Thứ ba, việc trả lời của cơ quan nhà nước đối với vướng mắc pháp lý cho DNNVV (quy định tại khoản 1, Điều 8 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP): cơ quan Nhà nước chỉ có trách nhiệm trả lời đối với vướng mắc pháp lý trong áp dụng chung về pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương mình quản lý (không áp dụng đối với các yêu cầu của DNNVV về vụ việc cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp). Nhưng trong thực tế, các doanh nghiệp chủ yếu cần hỗ trợ, giải đáp, tư vấn về những vụ việc cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Muốn được hỗ trợ nội dung này, doanh nghiệp phải nhờ đến mạng lưới tư vấn viên pháp luật do các Bộ, cơ quan ngang Bộ thành lập và thực hiện các thủ tục, quy trình theo quy định tại Điều 9 của Nghị định nên gây tâm lý e ngại cho các doanh nghiệp.
Thứ tư, trong thời gian qua, mặc dù đã được quan tâm song kinh phí phục vụ chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh vẫn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
Thứ năm, biên chế công chức tại các sở, ngành ngày càng bị cắt giảm nhiều, cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Sở Tư pháp và các cơ quan nhà nước đều phải làm kiêm nhiệm nhiều công việc khác nên không có nhiều thời gian để đầu tư nghiên cứu, tập trung cho hoạt động HTPL cho doanh nghiệp.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Để hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực chất, đạt kết quả cao hơn, đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, xin phép đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong thực hiện công tác HTPLCDN theo quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ được phân công. Các cơ quan, đơn vị cần chủ động phát hiện, tìm hiểu các vấn đề pháp luật mà doanh nghiệp thuộc đối tượng quản lý đang quan tâm, đang phát sinh trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh, cần được hỗ trợ pháp lý. Từ đó, có các hình thức để tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp kịp thời, hiệu quả. Hướng dẫn các doanh nghiệp tra cứu, tiếp cận các thông tin, tài liệu pháp luật đã được đăng tải công khai để nghiên cứu, nắm bắt kịp thời, phục vụ cho việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Hai, tăng cường mối quan hệ phối hợp, trao đổi thông tin giữa tổ chức đại diện cho doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước, Đoàn luật sư tỉnh để chuyển tải các ý kiến, vấn đề, nhu cầu cần HTPL của doanh nghiệp đến các cơ quan nhà nước để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp hoặc tư vấn cho doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ pháp lý khi cần thiết.
Ba là, các cơ quan, tổ chức cần tiếp tục đổi mới, đa dạng các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là phương tiện truyền thông đại chúng như: truyền hình, phát thanh, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Cổng thông tin thành phần của các sở, ban, ngành, địa phương; sử dụng mạng xã hội... để mở rộng phạm vi tiếp cận doanh nghiệp và thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Chú trọng tổ chức các diễn đàn, tọa đàm để tạo cơ hội giao lưu giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước, các luật sư, luật gia để giúp doanh nghiệp nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng áp dụng và tháo gỡ các khó khăn.
Bốn là, thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng và cập nhật các kiến thức pháp luật mới cho cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các cơ quan Nhà nước và cán bộ làm công tác pháp chế doanh nghiệp, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật và năng lực tư vấn pháp lý cho đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ.
* Một số đề xuất, kiến nghị:
- Triển khai các hoạt động của mạng lưới tư vấn viên pháp luật đến các địa phương, đồng thời hướng dẫn cụ thể về thủ tục hỗ trợ và kinh phí tư vấn. Huy động đội ngũ chuyên gia pháp lý, chuyên gia về kinh doanh, thương mại có nhiều kinh nghiệm thực tiễn để thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.-
- Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm tổ chức các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ và cập nhật kiến thức cho cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các Sở Tư pháp. Chia sẻ những mô hình hay, cách làm hiệu quả về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để các địa phương khác học tập, tham khảo để hoạt động HTPLCDN ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn./.

 
[1] Trong năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức 5 hội nghị (Hội nghị Tỉnh ủy làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tháng 2; Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp vào tháng 8 và tháng 10; tổ chức 2 Hội nghị trực tuyến Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp vào tháng 8 và tháng 10). Qua đó gặp gỡ với hơn 2.000 doanh nghiệp, giải quyết 80 đề xuất kiến nghị. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh, Ban quản lý khu kinh tế tổ chức 01 hội nghị đối thoại về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tổ chức 01 hội nghị đối thoại công tác an toàn, vệ sinh lao động. Cục Hải quan tỉnh tổ chức 03 hội nghị tham vấn hải quan - doanh nghiệp với sự tham gia của 177 doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức 03 cuộc đối thoại với trên 300 doanh nghiệp và nhà đầu tư; tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức định kỳ thứ 7 hàng tuần tiếp xúc gặp gỡ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của tỉnh. Thành phố Uông Bí tổ chức 03 hội nghị, 03 cuộc gặp mặt, tiếp xúc với các doanh nghiệp ngành than, điện, xi măng. Thành phố Cẩm Phả tổ chức gặp mặt Ban chấp hành hiệp hội doanh nghiệp thành phố 1tháng/lần, tiếp xúc doanh nghiệp 1 quý/lần; Thị xã Quảng Yên tổ chức 02 buổi gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để giải đáp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp...
[2] Sở Du lịch 04 chương trình tuyên truyền, phổ biến Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn thi hành, 02 chường trình tập huấn nâng cao nhận thức du lịch cộng đồng cho trên 1.000 chủ các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức 10 hội nghị tập huấn về pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho khoảng 450 doanh nghiệp, phát hành 160 băng zôn, 480 banner và tổ chức 20 lớp tập huấn cho trên 1.500 người lao động, người sử dung lao động về chính sách pháp luật lĩnh vực bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp, cấp phát 1.793 đầu sách, đĩa CD, VCD, tranh cổ động về công tác an toàn, vệ sinh lao động. Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức 37 hội nghị về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản cho 1.551 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản, cấp phát 39.000 tờ gấp, 450 đĩa tuyên truyền, 2500 sổ tay tài liệu về an toàn thực phẩm nông nghiệp...
[3] Năm 2021:  53.200 tờ gấp pháp luật, 3.750 sách hỏi đáp về bầu cử, 1.000 tờ gấp về đấu giá tài sản, thừa phát lại
[4] Năm 2021:  Tổ chức 03 lớp tập huấn cho tổ chức đấu giá tài sản, công chứng ,thừa phát lại; 01 lớp bồi dưỡng cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.
 

Xem thêm »