Pháp luật về làm giả giấy tờ và cách hiểu, áp dụng trên thực tiễn vụ việc cụ thể như thế nào tránh lạm dụng

25/08/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Bộ luật hình sự năm 2015 (Điều 341) quy định tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức như sau: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật. Việc làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức là là hành vi làm ra con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức giống với con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thật của cơ quan, tổ chức đó hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.

Điều luật được ghép bởi hai tội danh gần nhau gồm: Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Các yếu tố cấu thành tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức cơ bản cũng không quá khác nhau.
Khách thể: Hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính cơ quan Nhà nước về con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác. Bảo vệ sự an toàn của con dấu và các tài liệu, giấy tờ trên cũng chính là bảo đảm sự hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính của Nhà nước về con dấu và các loại tài liệu, giấy tờ này; đối tương tác động của tội phạm này là con dấu giả, tài liệu giả, giấy tờ giả.
Mặt khách quan: Hai tội danh được thực hiện bởi hai hành vi khác nhau: hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức và hành vi sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân; đối với hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức cũng tương tự như đối với tội sản xuất hàng giả quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự chỉ khác nhau ở chỗ “hàng” được làm ra không phải là “hàng hoá” mà là con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ. Vì vậy, khi xác định con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức có bị làm giả hay không phải căn cứ vào con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức là con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ có thật, nếu cơ quan tổ chức không có con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ đó thì cũng không thể coi hành vi làm con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ là hành vi làm giả được, vì không có thật thì cũng không có giả.
Khi xác định hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức cũng cần chú ý: nếu người phạm tội chỉ làm giả con dấu thì chỉ định tội là “làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức”, nếu người phạm tội chỉ làm giả tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức thì chỉ định tội là “làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức” mà không định tội danh đầy đủ như điều luật quy định.
Liên quan đến ví dụ vụ việc cụ thể dẫn chứng cách hiểu và áp dụng đúng pháp luật trên thực tiễn gần đây (năm 2022) đã khi Cơ quan Công an tỉnh Thái Bình có giấy triệu tập để làm việc liên quan đến đơn tố giác của ông Nguyễn Văn Thắng và bà Lại Thị Xoa đối với một số cổ đông Công ty Cổ phần phát triển Thủy Long (tỉnh Thái Bình) về tội làm giả tài liệu, dư luận tỉnh Thái Bình có ý kiến liệu đây có phải là “hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế không?” tuy nhiên, đến ngày 22/8/2022, Cơ quan Công an tỉnh Thái Bình đã có thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm, theo đó, tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm do hết thời hạn điều tra và không có căn cứ để xác định tội làm giả giấy tờ, theo Luật sư Trần Minh Dũng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) đây là việc áp dụng đúng pháp luật và cách hiểu về tội làm giả giấy tờ theo đúng Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015.
Trên thực tế, tài liệu ở đây được xem xét có làm giả hay không là Biên bản họp cổ đông số 13/2014/BB-HCĐ ngày 09/11/2014 của Công ty Cổ phần phát triển Thủy Long. Biên bản này đã được giám định bởi Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thái Bình và đã có Kết luận giám định số 12/KL–PC54 ngày 09/06/2016, trong đó biên bản có 04 trang, trang 1,2,3 phông chữ khác trang 4, các vết dập ghim không trùng nhau, kết luận biên bản bị thay trang không kết luận hồ sơ giả mạo (Biên bản cuộc họp trên có 4 trang và tại trang thứ 4 vẫn có chữ ký của ông Nguyễn Văn Thắng và bà Lại Thị Xoa, các trang 1,2 và 3 không có chữ ký). Cơ quan giám định đã kết luận Biên bản cuộc họp bị “thay trang” 1,2,3 do có dấu dập ghi không khớp giữa các trang, không kết luận hồ sơ giả mạo.
Thực tế trước đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình đã có Công văn số 1184 CV- ĐKDN ngày 20/06/2016 để xác định có đăng ký doanh nghiệp hay không khi cơ quan thẩm định đã kết luận như trên là có “thay trang” biên bản gửi Cục Quản lý doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Cục Quản lý doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã có Công văn số 141/ĐKKD-GĐ ngày 22/06/2016 có ý kiến như sau: “Trường hợp cơ quan công an không kết luận nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo thì chưa đủ căn cứ thu hồi Giấy đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 63 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP”. Căn cứ vào kết luận của Công an tỉnh và văn bản của Cục Quản lý doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) ngày 24/6/2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Bình ban hành Quyết định 1215/QĐ-ĐKKD hủy Quyết định số 1110/QĐ-ĐKKD, ngày 10/6/2016 về việc thu hồi Quyết định Giấy CNĐKDN lần 7, khôi phục tình trạng pháp lý của Công ty Cổ phần phát triển Thủy Long do không có căn cứ xác định hồ sơ giả mạo theo quy định.
Theo Luật sư Trần Minh Dũng, việc thay trang (nếu có) cũng không phải là việc làm trái pháp luật mà thậm chí là việc được thường xuyên thực hiện trong soạn thảo và in ấn văn bản của doanh nghiệp. Bởi lẽ, nhân viên hành chính doanh nghiệp thường xuyên phải thay các trang văn bản lỗi. Do đó việc “thay trang” (nếu có) hoàn toàn không đồng nghĩa với “làm giả” theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015. Hơn nữa, việc làm giả hay không phải căn cứ vào ý kiến giám định chuyên môn của cơ quan có thẩm quyền. Vụ việc trên cho thấy, việc kết luận giám định đối với Biên bản số 13 hoàn toàn không đề cập đến việc “thay nội dung” vì cơ quan này hoàn toàn không có căn cứ và cơ sở nào xác định “trang thay” và trang “bị thay” có nội dung khác nhau.
Vụ việc Công ty Cổ phần Phát triển Thủy Long được thành lập để thực hiện dự án nước sạch nông thôn, cấp nước sạch cho các xã thuộc huyện Kiến Xương, đây không chỉ là hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty mà thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như vấn đề an ninh nước sạch cho các hộ dân. Hoạt động của doanh nghiệp đã đóng góp chung cho sự phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, do việc tranh chấp nội bộ của Công ty trong thời gian qua và một số cá nhân, lợi ích nhóm muốn chiếm đoạt trái phép quyền lợi ích không phải của mình, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, không vì mục đích phát triển doanh nghiệp và cung cấp nước sạch cho các hộ dân, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và kế hoạch phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, việc hiểu đúng quy định pháp luật và việc áp dụng trên thực tế từng vụ việc cụ thể sẽ góp phần giúp pháp luật đi vào cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng các hiểu không đúng của quy định pháp luật trục lợi cho cá nhân mình, ảnh hưởng đến pháp chế xã hội chủ nghĩa./.
 

Xem thêm »