Xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng phục vụ phát triển kinh tế hợp tác

16/08/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

XÂY DỰNG HÀNH LANG PHÁP LÝ THÔNG THOÁNG PHỤC VỤ
PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỢP TÁC
 
ThS. Phan Vũ
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp
 
Bên cạnh việc hoạch định những chính sách ưu đãi mới cho tổ chức kinh tế hợp tác để kinh tế hợp tác có thể phát triển, lớn mạnh về quy mô, việc rà soát và tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy định “cổ điển” điều chỉnh quá trình thành lập, hoạt động sản xuất, kinh doanh và chấm dứt hoạt động của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đóng vai trò đặc biệt quan trọng để từng bước hiện đại hóa khu vực kinh tế hợp tác ở Việt Nam, làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế hợp tác. Trong đó, định hướng chính trong hoàn thiện pháp luật về kinh tế hợp tác, trong đó có dự án Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác là phải xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, tạo điều kiện cho hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác được thông suốt, linh hoạt. Bài viết đưa ra một số ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác, xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng phục vụ phát triển kinh tế hợp tác.
 
 
  1. Điều lệ của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân
Nguyên tắc chung trong xây dựng pháp luật trong lĩnh vực dân sự, kinh tế là chỉ điều chỉnh các quan hệ xã hội không thể tự điều tiết mà cần được Nhà nước bảo vệ. Kể cả trong trường hợp đó, pháp luật chỉ nên can thiệp một cách tối thiểu, đủ để bảo vệ trật tự công. So với các lĩnh vực pháp luật khác, pháp luật điều chỉnh lĩnh vực dân sự, kinh tế cần tôn trọng quyền tự quyết của đối tượng điều chỉnh, tôn trọng quy luật vận động của kinh tế, của thị trường.

Tại Điều 20 dự thảo Luật, Điều lệ tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân bao gồm 18 nội dung mang tính chất bắt buộc, nhiều hơn so với 13 nội dung so với quy định về nội dung Điều lệ công ty trong Luật Doanh nghiệp năm 2020. Trong khi đó, thủ tục sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân tương đối phức tạp, đòi hỏi phải tổ chức Đại hội thành viên (phải có mặt không được ít hơn 50% tổng số thành viên chính thức đối với tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân có từ trên 50 đến 100 thành viên chính thức – khoản 5 Điều 41 dự thảo). Do đó, nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức kinh tế hợp tác tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị nội bộ một cách linh hoạt, phát huy tinh thần dân chủ, tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức kinh tế tập thể theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc cắt giảm nội dung phải được quy định tại Điều lệ tổ chức kinh tế hợp tác, thay vào đó được quy định tại quy chế của tổ chức kinh tế hợp tác thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng quản trị.

Theo đó, cần giảm số lượng nội dung bắt buộc phải có trong Điều lệ của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân theo nguyên tắc không bắt buộc quy định trong Điều lệ nội dung đã được pháp luật quy định tương đối đầy đủ. Lý do không nên buộc quy định trong Điều lệ là do không cần thiết, vì khi không quy định trong Điều lệ thì pháp luật đã điều chỉnh một cách đầy đủ để bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của chủ thể có liên quan. Trong trường hợp đại hội thành viên thấy cần thiết phải bổ sung một số nội dung cụ thể hơn quy định trong pháp luật, nội dung đó hoàn toàn có thể được thể hiện trong Điều lệ. Ví dụ, trong lĩnh vực trọng tài thương mại, các trung tâm trọng tài đều xây dựng quy chế trên cơ sở quy định tại Luật Trọng tài thương mại, thậm chí sử dụng đúng cách quy định trong luật, chỉ thay đổi một số nội dung nhỏ mang tính chất đặc thù của trung tâm trọng tài đó. Do đó, cần phải tiếp tục rà soát, giản lược bớt những nội dung mà pháp luật đã có quy định như quyền và nghĩa vụ của thành viên chính thức, thành viên liên kết có góp vốn và thành viên liên kết không góp vốn; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát; các loại tài sản chung không chia; góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp; v.v...
  1. Người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân
Điều 39 dự thảo Luật quy định trong trường hợp tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì buộc phải là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Trong trường hợp tổ chức kinh tế hợp tác có hơn một người đại diện theo pháp luật thì phải là Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc. Tuy nhiên, quy định này chưa được hợp lý và làm giảm tính linh hoạt trong quản lý, điều hành và triển khai hoạt động kinh doanh của tổ chức kinh tế hợp tác. Theo đó, nên quy định theo hướng việc xác định người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân được thực hiện theo Điều lệ; trường hợp Điều lệ chưa có quy định, Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật đối với tổ chức chỉ có một người đại diện theo pháp luật, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc đồng thời là người đại diện theo pháp luật đối với tổ chức có hơn một người đại diện theo pháp luật.

Ngoài ra, cụm “tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan” nên được tách ra khỏi câu “Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ...” để tránh gây hiểu nhầm việc chịu trách nhiệm liên đới giữa các người đại diện theo pháp luật chỉ áp dụng trong trường hợp Điều lệ không quy định việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân.
  1. Quản lý, sử dụng tài sản chung không chia của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân
Khoản 3 Điều 63 dự thảo Luật quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản chung không chia của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân. Trong đó, tài sản chung không chia chỉ được phép chuyển nhượng khi lạc hậu về kỹ thuật, công nghệ. Trường hợp tài sản chung không chia hết khấu hao hoặc hư hỏng không thể sửa chữa, tổ chức kinh tế hợp tác có quyền thanh lý. Như vậy, điều kiện chuyển nhượng tài sản chung không chia tương đối khắt khe và áp dụng với mọi tài sản không phân biệt loại tài sản và giá trị tài sản. Trong trường hợp tài sản không lạc hậu về kỹ thuật, công nghệ, không hư hỏng, chưa hết khấu hao, kể cả khi tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân có nguyện vọng chuyển nhượng (kể cả chuyển nhượng cho các thành viên của tổ chức kinh tế hợp tác) trong mọi trường hợp cũng không được phép thực hiện. Cách quy định trên còn tương đối khắt khe, làm giảm tính linh hoạt, chủ động của tổ chức kinh tế hợp tác trong quá trình quản lý tài sản chung không chia của tổ chức kinh tế hợp tác.
 
Ngoài ra, nếu mục đích quy định điều kiện chuyển nhượng chặt chẽ nhằm giảm thiểu nguy cơ thất thoát tài sản chung không chia do Nhà nước, tổ chức, cá nhân hỗ trợ (trình bày trong dự thảo Tờ trình), quy định tại điểm a khoản 3 Điều 63 đã đáp ứng được đầy đủ yêu cầu này thông qua việc quy định nghĩa vụ của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân: “Quản lý, sử dụng tài sản... theo đúng quy định của Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân tài trợ và pháp luật có liên quan (nếu có)”.

Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc bỏ quy định về điều kiện chuyển nhượng tài sản chung không chia trong dự thảo Luật; việc quản lý, sử dụng, chuyển nhượng tài sản chung không chia của tổ chức kinh tế hợp tác nên để tổ chức kinh tế hợp tác tự quyết định và được ghi nhận một cách minh bạch trong Điều lệ hoặc quy chế của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân.
  1. Nguyên tắc xử lý tài sản chung không chia, quỹ chung không chia còn lại trong trường hợp tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân giải thể
Điểm b khoản 3 Điều 64 dự thảo Luật quy định trong trường hợp tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân giải thể, tài sản chung không chia, quỹ chung không chia còn lại được bàn giao cho cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương do Chính phủ quy định để giao cho tổ chức kinh tế hợp tác khác hoặc liên minh hợp tác xã hoặc tổ chức khác nhằm mục tiêu phục vụ lợi ích cộng đồng dân cư tại địa bàn. Tuy nhiên, tài sản chung không chia, quỹ chung không chia của tổ chức kinh tế hợp tác được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có phần doanh thu của tổ chức kinh tế hợp tác. Tài sản chung không chia, quỹ chung không chia hình thành từ nguồn này có hai đặc thù: (i) Đây là kết quả trực tiếp của quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức kinh tế; (ii) Việc hình thành tài sản chung không chia, quỹ chung không chia trong nhiều trường hợp không phụ thuộc vào ý chí, quyết định của tổ chức kinh tế hợp tác. Do đó, việc bàn giao tài sản là kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức kinh tế cho cơ quan quản lý nhà nước để phục vụ mục đích khác, kể cả khi tổ chức kinh tế đang giải thể là chưa tôn trọng quyền sở hữu của tổ chức kinh tế hợp tác, của thành viên tổ chức kinh tế hợp tác đối với tài sản của tổ chức kinh tế hợp tác, chưa phù hợp với nguyên tắc “kinh tế tập thể phát triển dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tập thể” tại Nghị quyết số 20-NQ/TW[1], đồng thời chưa phù hợp với bảo đảm của Nhà nước trong việc “công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của các tổ chức kinh tế hợp tác” tại khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật.

Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc chỉnh lý theo hướng tài sản chung không chia, quỹ chung không chia còn lại sau khi tổ chức kinh tế hợp tác giải thể được bàn giao cho cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương do Chính phủ quy định, trừ trường hợp có căn cứ cho thấy tài sản chung không chia, phần quỹ chung không chia được hình thành từ phần thặng dư, phần lợi nhuận của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân. Trong trường hợp này, phần tài sản còn lại cần phải được chia cho thành viên theo tỷ lệ vốn góp nếu Điều lệ không có quy định khác. 
  1. Thành lập tổ hợp tác
Điều 104 dự thảo Luật quy định về thành lập, đăng ký tổ hợp tác quy định “nộp hồ sơ đăng ký thành lập tổ hợp tác tại Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi tổ hợp tác dự định thành lập và đặt trụ sở chính trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng hợp tác”. Thủ tục thành lập tổ hợp tác trong dự thảo Luật phức tạp hơn so với quy định hiện hành tại Nghị định số 77/2019/NĐ-CP, theo đó, tổ hợp tác chỉ cần gửi thông báo về việc thành lập tổ hợp tác kèm theo hợp đồng hợp tác đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ hợp tác dự định thành lập và hoạt động. Đồng thời, sự tồn tại của thủ tục đăng ký thành lập với cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng đồng nghĩa với khả năng hồ sơ đăng ký có thể bị Cơ quan đăng ký kinh doanh từ chối.

Do đó, cần phải nghiên cứu, rà soát lại về sự cần thiết phải đăng ký thành lập tổ hợp tác tại Cơ quan đăng ký kinh doanh, tránh làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, làm kìm hãm chế định về tổ hợp tác vốn đã được quy định một cách tương đối ổn định và hoàn chỉnh tại Nghị định số 77/2019/NĐ-CP.
 
[1] Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới (trang 3).

Xem thêm »