Trung tâm Thông tin, hỗ trợ pháp luật, Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp chuyên đề "Những nội dung doanh nghiệp cần quan tâm, lưu ý về hợp đồng mua bán hàng hóa" tại TP. Hồ Chí Minh

17/12/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 16/12/2020, Trung tâm Thông tin, hỗ trợ pháp luật, Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh chuyên đề "Những nội dung doanh nghiệp cần quan tâm, lưu ý về hợp đồng mua bán hàng hóa". Lớp bồi dưỡng được tổ chức thành công, mang lại nhiều kiến thức hữu ích cho các đại biểu tham dự và cộng đồng doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh

Lớp bồi dưỡng chuyên đề "Những nội dung doanh nghiệp cần quan tâm, lưu ý về hợp đồng mua bán hàng hóa" đã thu hút sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành có liên quan, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và đặc biệt là sự tham gia đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Thực hiện giảng dạy lớp bồi dưỡng là PGS.TS. Hà Thị Thanh Bình, Trưởng Khoa luật Thương mại, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Tư vấn viên cao cấp Công ty Luật Quốc tế Russin & Vecchi. Lớp bồi dưỡng đã cung cấp kiến thức về các nội dung cụ thể như:
(1) Tổng quan về hợp đồng mua bán hàng hóa;
- Luật điều chỉnh
- Các nội dung cơ bản của hợp đồng
- Thực hiện hợp đồng:
 + Giao, nhận hàng hóa và chứng từ liên quan đến hàng hóa
 + Chuyển quyền sở hữu
 + Chuyển rủi ro
 + Thanh toán
 + Các vấn đề khác:
   * Đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của hàng hóa
   * Hàng hóa là đối tượng thực hiện nghĩa vụ dân sự
   * Bảo hành hàng hóa
- Vấn đề vi phạm hợp đồng và chế tài/biện pháp khắc phục
(2) Kỹ năng soạn thảo và soát xét hợp đồng;
(3) Giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng;
(4) Thực tiễn các vụ việc phát sinh;
(5) Trao đổi, giải đáp vướng mắc.

Sau khi nghe xong phần giảng dạy của báo cáo viên, các đại biểu tham dự đã sôi nổi đưa ra các câu hỏi, ý kiến của mình để thảo luận giải đáp vướng mắc của mình. Một số câu hỏi được đưa ra trong lớp bồi dưỡng như sau:
 Câu hỏi 1:
Công ty tôi là công ty TNHH 2 thành viên trở lên có ký hợp đồng mua bán hàng hóa với Công ty cổ phần. Người trực tiếp ký hợp đồng là giám đốc của Công ty cổ phẩn nhưng lại không phải là người đại diện theo pháp luật của công ty đó. Khi ký hợp đồng cũng không có giấy ủy quyền. Cho hỏi, trong trường hợp trên, Giám đốc của Công ty cổ phần có thẩm quyền ký kết hợp đồng hay không? Nếu không thì hậu quả pháp lý sẽ như thế nào?
Giải đáp:
Để tìm hiều về thẩm quyền ký kết hợp đồng, đầu tiên phải nắm rõ năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân. Theo đó, năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự. Đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập nhân danh pháp nhân.
Do đó người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể thay thế cho pháp nhân giao kết hợp đồng hoặc người không phải là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân nhưng được ủy quyền vẫn có thể thay cho pháp nhân ký kết hợp đồng.
Các trưởng hợp người ký kết hợp đồng không đủ thẩm quyền ký kết hợp đồng theo quy định của pháp luật:
+ Người ký tuy là đại diện theo pháp luật nhưng không có thẩm quyền ký kết hợp đồng. Theo quy định của pháp luật hoặc Điều lệ công ty thì người đại diện theo pháp luật của Công ty trước khi ký kết hợp đồng phải có sự chấp thuận của Hội đồng thành viên công ty TNHH hoặc đối với công ty Cổ phần là Đại hội đồng cổ đông hay hội đồng quản trị. Nếu không có sự chấp thuận và thông qua này, người đại diện theo pháp luật của công ty không được thay mặt công ty ký kết hợp đồng.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, một số trường hợp người đại diện theo pháp luật của công ty không được ký kết hợp đồng nếu không đáp ứng được một số điều kiện như:
Nếu không có sự thông qua của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thì đại diện theo pháp luật của công ty không được bán, vay, cho vay tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác. Người đại diện theo pháp luật của Công ty cũng không được giao kết hợp đồng với cổ đông, người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và những người liên quan đến những người này, thành viên của Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người có liên quan.
+ Người ký kết không phải là người đại diện theo pháp luật của Công ty và không có ủy quyền hợp lệ.
+ Người ký kết hợp đồng không phải là người đại diện theo pháp luật của Công ty, có ủy quyền ký kết hợp đồng hợp lệ nhưng khi ký kết hợp đồng đã vượt quá phạm vi được ủy quyền.
Hậu quả của việc ký kết hợp đồng không đúng thẩm quyền:
+ Hợp đồng ký kết không đúng thầm quyền thì sẽ dẫn đến hợp đồng vô hiệu toàn bộ, hợp đồng sẽ không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết:
+ Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, nếu không hoàn trả được bằng tiền thì hoàn trả bằng hiện vật trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
+ Bên còn lại có quyền đòi bồi thường thiệt hại do hợp đồng vô hiệu trong trường hợp người ký hợp đồng không đủ thẩm quyền.
Tùy từng trường hợp mà người ký vào hợp đồng hoặc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đối với hợp đồng được ký không đúng thẩm quyền. Theo quy định của Điều 142 Bộ Luật Dân sự 2015, hợp đồng do người không có quyền đại diện ký kết không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp:
+ Người được đại diện đã công nhận hợp đồng đó.
+ Người được đại diện biết mà không phản đối về việc ký hợp đồng sai thẩm quyền trong một thời hạn hợp lý.
+ Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết được việc mình ký kết hợp đồng là không đúng thẩm quyền.
Trong tất cả các trường hợp ngoại trừ ba trường hợp trên, người ký kết hợp đồng không đúng thẩm quyền vẫn phải chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng mình đã ký.
+ Doanh nghiệp phải ký hợp đồng với người ký không đúng thẩm quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và bồi thường thiệt hại trừ trường hợp doanh nghiệp này đã biết hoặc buộc phải biết nhưng vẫn ký kết hợp đồng.
Do đó trong trường hợp của Công ty bạn, Công ty có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Còn quy trách nhiệm cho công ty hay người ký kết thì còn phụ thuộc vào các vấn đề như đã phân tích ở trên.
Cách phòng ngừa rủi ro pháp lý đối với trường hợp ký kết hợp đồng không đúng thẩm quyền:
Trước khi ký kết hợp đồng:
Kiểm tra trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Điều lệ công ty để xác định được người đại diện theo pháp luật của công ty:
+ Trường hợp người ký kết hợp đồng là đại diện theo pháp luật của Công ty thì phải xem xét đến trường hợp có phải cần sự thông qua của Hội đồng thành viên hoặc Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị không.
+  Trường hợp không phải là đại diện theo pháp luật thì phải có ủy quyền hợp pháp của người có thẩm quyền. Phải kiểm tra thời hạn, phạm vi và nội dung ủy quyền để xác định thẩm quyền của người ký kết.Trường hợp đã ký kết hợp đồng với người không có thẩm quyền:
Để yêu cầu doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại thì chỉ có cách chứng minh là doanh nghiệp đó công nhận việc ký kết hợp đồng không đúng thẩm quyền, đã biết việc ký kết không đúng thẩm quyền nhưng không phản đối hoặc doanh nghiệp có lỗi dẫn đến người ký kết hợp đồng không biết mình đang ký kết hợp đồng không đúng thẩm quyền.
Câu hỏi 2:
Công ty chúng tôi có ký một hợp đồng mua bán giày dép với công ty X của Mỹ. Chúng tôi có ký hợp đồng giá trị tính 200.000 USD. Khi thanh lý hợp đồng, chúng tôi có sử dụng đơn vị là VNĐ để xuất hóa đơn. Như vậy liệu có phạm luật không?
Giải đáp: 

Theo quy định tại điểm e, khoản 2 Điều 16 của Thông tư số 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính thì đồng tiền ghi trên hóa đơn là đồng Việt Nam. Trường hợp người bán được bán hàng thu ngoại tệ theo quy định của pháp luật, tổng số tiền thanh toán được ghi bằng ngoại tệ, phần chữ ghi bằng tiếng Việt (ví dụ: 200.000 USD sẽ ghi là hai trăm nghìn đô la mỹ) đồng thời ghi số tiền quy đổi theo tỷ giá của đồng Việt Nam trên hóa đơn. Nói tóm lại, trên hóa đơn dù có thông tin gì hay dùng ngoại tệ thì đều phải được quy đổi ghi bằng Việt Nam đồng.
Theo Điều 3 Thông tư số 32/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, trên lãnh thổ Việt Nam, trừ các trường hợp được sử dụng ngoại hối quy định tại Điều 4 Thông tư này, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối. Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối 2005 được sửa đổi, bổ sung trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Việc ký hợp đồng bằng ngoại tệ có thể là hành vi không được phép vì theo quan điểm của ngân hàng nhà nước, hành vi này gián tiếp niêm yết tỷ giá USD và VND. Việc xuất hóa đơn thanh lý hợp đồng sẽ phải quy đổi ra VNĐ theo quy định pháp luật
Câu hỏi 3:
Công ty chúng tôi có ký hợp đồng mua bán 10 tấn gạo với Công ty A. Tuy nhiên khi nhận hàng chúng tôi phát hiện ra nhiều bao gạo có dấu hiệu bị ẩm mốc. Công ty đã tiến hành lập biên bản và không nhận hàng. Vậy trong trường hợp này, Công ty chúng tôi có quyền không nhận hàng không và phải xử lý như thế nào tiếp theo?
Giải đáp:
Nguyên tắc bên bán có nghĩa vụ giao hàng hóa đúng thời hạn, địa điểm giao hàng, số lượng hàng hóa, chất lượng hàng hóa theo Hợp đồng… đồng nghĩa việc bên mua có nghĩa vụ nhận hàng nếu bên bán thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trên.
Tuy nhiên, trong trường hợp bên bán không thực hiện đúng nghĩa vụ giao hàng của mình thì bên mua có quyền từ chối nhận hàng. Cụ thể:

  • Bên bán giao hàng hóa không sử dụng với mục đích sử dụng thông thường của hàng hóa cùng chủng loại.
  • Bên bán giao hàng hóa không phù hợp với bất cứ mục đích cụ thể nào mà bên mua đã cho bên bán biết hoặc bên bán đáng lẽ ra phải biết vào thời điểm giao kết hợp đồng.
  • Không đảm bảo chất lượng như chất lượng của mẫu hàng hóa mà bên bán đã giao cho bên mua.
  • Không được bảo quản, đóng gói theo cách thức thông thường đối với loại hàng hóa đó hoặc không theo cách thức bảo quản thích hợp để bảo quản hàng hóa.
Trong trường hợp bên bán giao hàng hóa kém chất lượng và bên mua phát hiện các bao gạo bị ẩm mốc, không sử dụng được thì bên mua có quyền từ chối nhận lô hàng trên.
Hướng xử lý sau khi từ chối nhận hàng:
+ Buộc thực hiện đúng hợp đồng:
  • Trong trường hợp hợp đồng chỉ quy định thời hạn giao hàng và không xác định thời điểm giao hàng cụ thể là ngày nào thì nếu bên bán giao hàng hóa kém chất lượng thì bên bán có quyền giao hàng hóa trong thời hạn còn lại.
  • Nếu bên bán thực hiện việc khắc phục mà gây bất lợi hoặc làm phát sinh chi phí bất hợp lý cho bên mua thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán khắc phục bất lợi hoặc chịu các chi phí phát sinh.
  • Trong trường hợp trong số lượng gạo được giao chỉ có một phần bị ẩm mốc thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán giao hàng khác thay thế. Nếu bên bạn không giao được hàng hóa đúng chất lượng thì bên mua có quyền mua hàng hóa của người khác để thay thế và bên giao hàng hóa kém chất lượng phải trả khoản tiền chênh lệch và các chi phí phát sinh liên quan nếu có.
+ Gia hạn để bên bán thay thế hàng kém chất lượng:
  • Trong trường hợp buộc thực hiện đúng Hợp đồng bên mua có thể gia hạn thêm một thời gian hợp lý để bên bán giao đúng số gạo với chất lượng như hai bên thỏa thuận trong Hợp đồng.
  • Thời gian hợp lý tùy thuộc vào hai bên thỏa thuận.
  • Ngoài áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, bên mua có quyền áp dụng chế tài phạt vi phạm nếu hai bên có thỏa thuận trong hợp đồng, mức phạt vi phạm không được quá 8% phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.
  • Bên mua cũng có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp việc bên bán giao hàng hóa kém chất lượng gây thiệt hại đến cho bên mua.
+ Hủy bỏ hợp đồng
Trong trường hợp bên mua đã gia hạn thực hiện hợp đồng nhưng bên bán nhất quyết vẫn không giao hàng đảm bảo chất lượng, bên mua có quyền hủy bỏ hợp đồng. Điều 312 Luật Thương mại 2005 quy định bên mua có quyền hủy bỏ hợp đồng nếu xảy ra hành vi vi phạm mà hai bên đã thỏa thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng; một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ được quy định trong Hợp đồng. Vi phạm nghĩa vụ cơ bản là vi phạm gây thiệt hại cho bên kia đến mức bên đó không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng; sau khi bên mua hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, tuy nhiên các điều khoản về phạt vi phạm, giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại vẫn có hiệu lực.
Trong trường hợp của Công ty bạn, việc từ chối nhận hàng phù hợp với quy định của pháp luật, công ty bạn có thể gia hạn một thời gian để bên bán giao đủ số lượng gạo đảm bảo chất lượng trong Hợp đồng.
Nếu bên bán vẫn không thực hiện đúng nghĩa vụ Hợp đồng thì công ty bạn có quyền yêu cầu hủy hợp đồng.
Câu hỏi 4:
Công ty tôi có ký hợp đồng mua bán hàng hóa với công ty A. Trong Hợp đồng quy định thời hạn thanh toán chia làm 3 lần, tương ứng với ba lần giao hàng. Lần giao hàng cuối, Công ty chúng tôi đã thực hiện giao hàng đúng như thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên, bên mua sau khi nhận hàng hóa đã không chịu thanh toán. Vậy cho tôi hỏi cách xử lý khi bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong trường hợp này là như thế nào?
Giải đáp:
Trường hợp này, bên mua đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên có thể áp dụng các chế tài thương mại được quy định trong Luật Thương mại.
Áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng Hợp đồng. Buộc thực hiện đúng Hợp đồng được quy định ở Điều 297 Luật Thương mại 2005, bên bị vi phạm nghĩa vụ thanh toán được quyền yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng, nghĩa là phải thanh toán đầy đủ tiền theo quy định của Hợp đồng.
Bên bán có thể gia hạn thêm một thời gian hợp lý để bên mua khắc phục vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Thời gian ngắn hay dài phụ thuộc vào hai bên thỏa thuận. Tuy nhiên, trong trường hợp này bên mua đã cố tình không thực hiện Hợp đồng cho nên việc áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng Hợp đồng và gia hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng là không khả thi.
Bên cạnh đó, có thể áp dụng chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Theo đó, Công ty chỉ được áp dụng chế tài phạt vi phạm khi:
  • Có vi phạm xảy ra
  • Hai bên có thỏa thuận phạt vi phạm trong Hợp đồng
Công ty được áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại nếu:
  • Có hành vi vi phạm xảy ra
  • Có thiệt hại xảy ra
  • Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra
Vì vậy, Công ty muốn xử lý việc bên mua không thanh toán tiền bằng chế tài phạt vi phạm thì khi ký hợp đồng hai bên phải thỏa thuận điều khoản phạt vi phạm trong hơp đồng. Còn nếu muốn bồi thường thiệt hại thì nhất thiết phải chứng minh được thiệt hại xuất phát từ việc chậm thanh toán tiền của bên A.
Ngoài ra Công ty có quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán theo quy định của Điều 306 Luật Thương mại 2005. Bên bị vi phạm phải trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.
Sau cùng, Công ty được áp dụng chế tài hủy bỏ hợp đồng nếu:
  • Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên thỏa thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng. Nếu hai bên thỏa thuận trong hợp đồng rằng trường hợp bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán là điều kiện để hủy bỏ Hợp đồng thì khi bên mua không thanh toán tiền bên bán có quyền hủy bỏ hợp đồng
  • Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ Hợp đồng. Theo quy định của Luật Thương mại, vi phạm cơ bản nghĩa là vi phạm làm cho bên kia mất đi quyền lợi mà ho mong đợi từ Hợp đồng. Đối với bên bán điều mà họ mong đợi nhất từ hợp đồng là nhận được khoản thanh toán. Do đó việc bên mua không thanh toán tiền có thể xem như là hành vi vi phạm cơ bản.
Vì vậy trong trường hợp này, công ty hoàn toàn có thể áp dụng chế tài hủy bỏ Hợp đồng để xử lý vi phạm nghĩa vụ thanh toán.
Công ty có thể áp dụng chế tài hủy bỏ hợp đồng một phần đối với phần hàng mà bên mua chưa thanh toán. Hợp đồng sẽ không có hiệu lực đối với phần hợp đồng vi phạm và các phần còn lại vẫn có hiệu lực.
Về giải quyết tranh chấp, trong trường hợp đã áp dụng các chế tài thương mại nhưng bên mua vẫn không thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì bên bán có quyền được kiện ra cơ quan giải quyết tranh chấp.
Thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp thương mại là 2 năm kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp của một bên bị xâm hại.
Công ty có thể áp dụng các phương thức giải quyết tranh chấp như:
+ Thương lượng, hòa giải
+ Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án hoặc Trọng tài
Việc xử lý trường hợp bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán thường rất khó khăn do không nhận được sự hợp tác của bên mua.
Câu hỏi 5:
Công ty tôi có gửi đề nghị giao kết hợp đồng với công ty A. Nội dung đề nghị là Công ty tôi sẽ mua xi măng của Công ty A. Trước thời hạn đề nghị giao kết trong hợp đồng, bên A đã chuyển cho chúng tôi toàn bộ số xi măng như trong đề nghị giao kết hợp đồng. Chúng tôi cũng tiến hành chuyển tiền cho công ty A. Tuy nhiên một thời gian ngắn sau, chúng tôi phát hiện ra một nửa trong số xi măng trên bị hư hỏng không sử dụng được. Vậy cho tôi hỏi, nếu hai bên không ký hợp đồng bằng văn bản mà chỉ thực hiện hợp đồng như trên thì giữa hai bên có tồn tại quan hệ hợp đồng không?
Giải đáp:
Theo quy định của Điều 24 Luật Thương mại 2005, Hợp đồng mua bán hàng hóa có thể được giao kết bằng các hình thức:
  • Hợp đồng mua bán hàng hóa được lập thành văn bản
  • Hợp đồng mua bán hàng hóa được lập bằng lời nói
  • Hợp đồng mua bán hàng hóa được lập bằng hành vi
Đối với các hợp đồng mua bán hàng hóa pháp luật bắt buộc phải lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó, chẳng hạn như các hợp đồng có đối tượng là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì phải lập thành văn bản…
Đối với hợp đồng được lập bằng văn bản: thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của hai bên được thể hiện bằng văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương như email, fax…
Hợp đồng mua bán hàng hóa được lập bằng lời nói: Hai bên thỏa thuận quyền và nghĩa vụ bằng miệng, có thể mời người làm chứng. Tuy nhiên, đây là hình thức hợp đồng rất rủi ro vì khi có tranh chấp rất khó có chứng minh được thỏa thuận của hai bên.
Hợp đồng mua bán hàng hóa được giao kết bằng hành vi: Hai bên không có thỏa thuận bằng văn bản cũng như thỏa thuận bằng miệng. Việc giao kết hợp đồng được minh chứng bằng các hành vi như bên bán tiến hành giao hàng hoặc bên mua tiến hành trả tiền. Đây cũng là hình thức hợp đồng mang lại nhiều rủi ro, do đó trên thực tế các thương nhân ít sử dụng.
Theo như trình bày, giữa 2 công ty có tồn tại quan hệ hợp đồng. Cụ thể là hợp đồng được giao kết bằng hành vi. Do đó khi có vi phạm hợp đồng xảy ra, Công ty bạn vẫn có quyền được áp dụng các chế tài xử lý vi phạm hợp đồng.
Câu hỏi 6:
Vừa qua, công ty chúng tôi có giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa với công ty X, trong hợp đồng có thỏa thuận nếu có tranh chấp sẽ giải quyết bằng trọng tài thương mại.  Hiện nay, hai công ty đang xảy ra tranh chấp, nhưng tôi không muốn giải quyết bằng trọng tài thì có thể kiện ra tòa án được hay không?
Giải đáp:
Căn cứ Điều 6, Luật Trọng tài thương mại 2010, trong trường hợp hai bên có tranh chấp  thương mại đã có thỏa thuận trọng tài  trong hợp đồng hoặc khi có tranh chấp xảy ra,  mà một bên khởi kiện tại Tòa án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài  đó vô hiệu hoặc không thể thực hiện được.
*Trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu
Điều 18 Luật Trọng tài thương mại 2010 và Điều 3 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trọng tài thương mại, thoả thuận trọng tài  bị vô hiệu nếu thuộc một trong các trường hợp:
- Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết theo  quy định tại Điều 2 của Luật Trọng tài thương mại 2010 về thẩm quyền của trọng tài thương mại;
- Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền  tức là người xác lập thỏa thuận trọng tài không phải là người đại diện theo pháp luật hoặc không phải là người được ủy quyền hợp pháp hoặc là người được ủy quyền hợp pháp nhưng  việc xác lập thỏa thuận trọng tài vượt quá phạm vi được ủy quyền.
Về nguyên tắc thỏa thuận trọng tài do người không có thẩm quyền xác lập thì thỏa thuận trọng tài đó  mặc nhiên vô hiệu, tuy nhiên trong  trường hợp thỏa thuận trọng tài dù được người không có thẩm quyền xác lập nhưng trong quá trình xác lập, thực hiện thỏa thuận trọng tài hoặc trong tố tụng trọng tài mà người có thẩm quyền xác lập thỏa thuận trọng tài đã chấp nhận hoặc đã biết mà không phản đối sự xác lập không có thẩm quyền đó thì thỏa thuận trọng tài sẽ không vô hiệu.
 - Trong trường hợp người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự bao gồm các trường hợp như: người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì thỏa thuận trọng tài vô hiệu.
- Hình thức của thoả thuận trọng tài không  đúng với quy định tại Điều 16 của Luật Trọng tài thương mại;
- Một trong các bên  trong khi xác lập thỏa thuận trọng tài bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép và phải  có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu. Các trường hợp bị lừa dối đe dọa cưỡng ép theo quy định của Bộ Luật dân sự;
- Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật. 
*Trường hợp thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được
Điều 4 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trọng tài thương mại, thoả thuận trọng tài bị coi là không thể thực hiện được trong các trường hợp:
- Trung tâm trọng tài nơi các bên thoả thuận giải quyết tranh chấp đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức kế thừa và các bên không có thoả thuận thay thế trung tâm trọng tài khác;
- Trọng tài viên trọng tài vụ việc mà các bên thoả thuận lựa chọn từ chối tham gia giải quyết hoặc Trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định Trọng tài viên và các bên không có thoả thuận thay thế;
- Trọng tài viên trọng tài vụ việc mà các bên đã có thoả thuận lựa chọn  giải quyết tranh chấp không thể tham gia giải quyết tranh chấp thương mại vì sự kiện bất khả kháng hoặc các trở ngại khách quan khác ; hoặc Toà án không thể tìm được Trọng tài viên đáp ứng yêu cầu của các bên  và các bên không có thoả thuận thay thế;  
-  Điều lệ trung tâm trọng tài các bên chọn không cho phép về việc lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thay thế nhưng nhưng  các bên lại thỏa thuận áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác;
- Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài nhưng khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp.
Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đối với các tranh chấp giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ,  mặc dù điều khoản trọng tài đã được thỏa thuận, người tiêu dùng vẫn được sử dụng Tòa án để giải quyết tranh chấp. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại Trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp thuận.
Vậy trong trường hợp này anh/chị chỉ có thể kiện công ty kia ra tòa án nếu chứng minh được thỏa thuận trọng tài thuộc một trong các trường hợp vô hiệu hoặc không thể thực hiện được được nêu trên đây.
Câu hỏi 7:
Công ty chúng tôi mới thành lập chi nhánh ở vài tỉnh, thành phố. Nay do khối lượng công việc nhiều, số lượng đối tác cần ký lại hợp đồng với công ty chúng tôi ngày một gia tăng, Công ty muốn uỷ quyền cho các chi nhánh ký hợp đồng với khách hàng. Công ty chúng tôi có thể làm như vậy được không? Trong trường hợp được uỷ quyền cho các chi nhánh thì có được sử dụng con dấu của công ty không?
Giải đáp:
Theo quy định tại Điều 84 Bộ luật Dân sự 2015 thì chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân, kể cả chức năng đại diện theo uỷ quyền. Chi nhánh không phải là pháp nhân. Người đứng đầu chi nhánh thực hiện nhiệm vụ theo uỷ quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được uỷ quyền.
Bên cạnh đó cũng theo quy định tại khoản 1, Điều 45 Luật Doanh nghiệp năm 2014 chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
Như vậy, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, không có vốn riêng, không có tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, về mặt kinh doanh, chi nhánh có thể thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Điều này có thể hiểu là, giám đốc công ty có thể ủy quyền cho giám đốc chi nhánh trực tiếp ký hợp đồng thương mại với khách hàng và thực hiện nội dung hợp đồng. Như vậy, trong trường hợp của bạn, công ty của bạn có được phép ủy quyền cho chi nhánh ký hợp nếu có sự ủy quyền hợp pháp của giám đốc công ty cho chi nhánh đó. Chữ ký của người đại diện công ty tham gia ký kết hợp đồng được đóng con dấu của công ty.
Câu hỏi 8:
Ngày 16/01/2020, Công ty tôi có ký hợp đồng mua bán hóa chất với Công ty X. Tổng số là 250 thùng phuy hóa chất. Giá 1.000.000 VND/thùng phuy. Vì một số lý mà khi xuất kho chuyển hàng cho Công ty khi thì bị thừa ra 20 thùng, Công ty X đã nhận nhưng đến khi thanh toán hợp đồng thì Công ty X không thanh toán 20 thùng phuy thừa ra với giá như thỏa thuận mà chỉ trả 500.000 VND với lý do lỗi giao thừa là do bên Công ty tôi. Xin hỏi việc Công ty X dìm giá vì giao thừa hàng có trái với quy định của pháp luật không?
Giải đáp:
Trường hợp của bạn việc giao thừa hàng được Luật thương mại năm 2005 quy định tại Điều 43. Theo đó, trường hợp bên bán giao thừa hàng thì bên mua có quyền từ chối hoặc chấp nhận số hàng thừa đó. Nếu trường hợp bên mua chấp nhận số hàng thừa thì phải thanh toán theo giá thoả thuận trong hợp đồng nếu các bên không có thoả thuận khác. Như vậy, Công ty X đã chấp nhận số thùng phuy, 2 bên không có thỏa thuận khác nên đương nhiên Công ty X sẽ phải thanh toán số thùng phuy giao thừa theo giá đã thỏa thuận trong hợp đồng. Việc “dìm giá” là trái với quy định pháp luật.

Qua lớp bồi dưỡng, các vấn đề được đề cập đều cần thiết đối với tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn. Những ý kiến trao đổi của đại biểu là những vướng mắc thực tế xảy ra tại doanh nghiệp và đã được giảng viên giải đáp rõ ràng, đáp ứng được nhu cầu của học viên. Các đại biểu đến tham dự bồi dưỡng đã tập trung lắng nghe các chuyên đề, đồng thời đặt ra những trường hợp vướng mắc để được báo cáo viên giải đáp, hướng dẫn cách xử lý, giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự tập huấn rất ủng hộ, đồng thời đánh giá cao mục đích, ý nghĩa của Chương trình 585 của Bộ Tư pháp.
 

Xem thêm »