Lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật "Một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thúc đẩy phát triển trong bối cảnh Covid-19"

22/12/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Được sự hỗ trợ kinh phí của Chương trình 585, ngày 22/11/2020 tại tỉnh Quảng Ngãi, Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực thuộc Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật chuyên đề "một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thúc đẩy phát triển trong bối cảnh Covid-19"

Lớp tập huấn có sự tham gia của 100 học viên là người quản lý, cán bộ phụ trách pháp chế của các doanh nghiệp triên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Học viên tham dự lớp bồi dưỡng đã được Giảng viên giới thiếu, phân tích và giải đáp các nội dung liên quan đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian qua, cụ thể:: Chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng; hỗ trợ kế toán, thuế; Hỗ trợ mặt bằng sản xuất; hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; hỗ trợ phát triển nguồn nhân; chính sách hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị và một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thúc đẩy phát triển trong bối cảnh Covid19 như: chính sách hỗ trợ tín dụng; chính sách bảo hiểm xã hội; chính sách hỗ trợ thuế.

2. Nội dung giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp tại lớp bồi dưỡng
Sau khi kết thúc nội dung lý thuyết, một số vướng mắc liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được giảng viên giải đáp, cụ thể nhóm các chính sách sau:
Hỏi:Có một số doanh nghiệp hỏi về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hữu trí và quỹ tử tuất được thực hiện như thế nào .?
Trả lời:
Theo Công văn số 860/BHXH-BT về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được thực hiện như sau:
Đối tượng và điều kiện hỗ trợ tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội (quỹ hưu trí và tử tuất):
Doanh nghiệp thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động, đảm bảo một trong những điều kiện như sau:
+ Số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trở lên tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh;
+ Bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất) theo quy định tại Khoản 1 Điều 88 Luật BHXH năm 2014; các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ và Điều 28 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội (quỹ hưu trí và tử tuất):
+ Thời gian áp dụng tính từ tháng doanh nghiệp có văn bản đề nghị và nộp hồ sơ đầy đủ với cơ quan BHXH đến tháng 6 năm 2020.
+ Trong trường hợp đến hết tháng 6 năm 2020 dịch Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm, nếu doanh nghiệp có đề nghị thì cơ quan BHXH Việt Nam sẽ xem xét, giải quyết tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12 năm 2020.
Nội dung BHXH Việt Nam hỗ trợ tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội (quỹ hưu trí và tử tuất):
+ Hỗ trợ doanh nghiệp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất và không tính lãi theo quy định.
+ Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, BHXH Việt Nam không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng, hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây ra nếu doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm.
+ Hàng tháng đôn đốc doanh nghiệp đóng đầy đủ, kịp thời quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
+ Kết thúc thời gian tạm dừng đóng (hết tháng 6/2020), kịp thời thông báo và đôn đốc doanh nghiệp đóng đủ các quỹ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất, bao gồm cả việc đóng bù quỹ hưu trí và tử tuất của thời gian tạm dừng đóng trước đó.
+ Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo đúng quy định của pháp luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tránh lạm dụng, trục lợi.
Quy trình thực hiện thủ tục tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội (quỹ hưu trí và tử tuất)
Bước 1: Nộp hồ sơ đề nghị xác nhận doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất lên cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
+ Đối với doanh nghiệp tạm dừng sản xuất kinh doanh, không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên:
Hồ sơ nộp Phòng Lao động Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động Thương binh và Xã hội gồm:
+ Công văn đề nghị xác nhận đủ điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất (mẫu số 01a);
+ Danh sách lao động có mặt và danh sách lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc (mẫu số 02a).
+ Các hồ sơ liên quan khác để đối chiếu như:
+ Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
+Bản chính (hoặc bản sao) giấy tờ liên quan đến việc doanh nghiệp tạm dừng sản xuất – kinh doanh;
+ Bảng chấm công;
+ Danh sách trả lương tại thời điểm trước khi tạm dừng sản xuất kinh doanh và tại thời điểm có công văn đề nghị;
+ Các giấy tờ liên quan đến người lao động tạm thời nghỉ việc (thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ việc không lương, hưởng lương ngừng việc…).
+ Đối với doanh nghiệp bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất)
Hồ sơ nộp Phòng Tài chính – Kế hoạch hoặc Sở Tài chính gồm:
+ Công văn đề nghị xác nhận đủ điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất (mẫu số 01.b);
+ Báo cáo kiểm kê tài sản gần nhất trước thời điểm bị thiệt hại (mẫu số 02.b);
+ Biên bản kiểm kê tài sản thiệt hại dịch bệnh (Mẫu số 02.c).
+ Hồ sơ bản sao các tài liệu liên quan khác gồm:
+ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
+ Báo cáo tài chính, báo cáo kê khai thuế tại thời điểm gần nhất trước thời điểm bị thiệt hại và gần nhất với thời điểm bị thiệt hại;
+ Hóa đơn chứng từ, hợp đồng mua bán hàng hóa và hồ sơ khác liên quan (tài liệu hủy hợp đồng, tiêu hủy tài sản…).
Trách nhiệm của doanh nghiệp khi thực hiện tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất: Thực hiện lập hồ sơ nộp lên cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy trình quy định. Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, Doanh nghiệp vẫn phải đóng vào quỹ ốm đau và thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN), quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) và quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Doanh nghiệp đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí và tử tuất thực hiện đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng để giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian tạm dừng đóng. Hết thời hạn tạm dừng đóng, doanh nghiệp tiếp tục đóng đủ tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN theo phương thức đã đăng ký và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng, số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật Bảo hiểm xã hội.

Hỏi: Có doanh nghiệp hỏi đối với trường hợp doanh nghiệp cho người lao động ngừng việc do tác động bởi dịch covid 19 thì tiền lương chi trả cho người lao động được thực hiện như thế nào ?
Trả lời:
Theo quy định tại Bộ Luật lao động 2012:
“Điều 98. Tiền lương ngừng việc.
Trong trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.”
Theo quy định tại Công văn số 1064:
“Đối với trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như: (i) lao động là người nước ngoài trong thời gian chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; (ii) người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; (iii) người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc thực hiện theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động (tiền lương do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định).”
“3. Đối với trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới không bố trí đủ việc làm, người sử dụng lao động có thể tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 31 Bộ luật Lao động.”
Trường hợp người sử dụng lao động đã tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động đủ 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, nếu tiếp tục phải tạm thời chuyển người lao động đó làm công việc khác so với hợp đồng lao động mà người lao động không đồng ý dẫn tới phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc theo quy định tại Khoản 1 Điều 98 của Bộ luật Lao động;
Như vậy: Lao động tạm nghỉ việc, ngừng việc do dịch bệnh Covid-19 vẫn được nhận lương. Mức lương do người lao động và doanh nghiệp thỏa thuận, nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.
 Hỏi: Có doanh nghiệp hỏi thời gian tới doanh nghiệp sẽ phải lập Báo cáo tài chính năm 2020 và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020, vậy xin hỏi doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 thì có được lùi thời gian nộp thuế hay không?
Trả lời:
Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 31 Thông tư 156/2013/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 1 Điều 21 Thông tư 151/2014/TT-BTC) và Quyết định 447/QĐ-TTg năm 2020 thì người nộp thuế bị thiệt hại vật chất gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do bị dịch bệnh COVID-19 được gia hạn nộp thuế.
Người nộp thuế có nhu cầu gia hạn nộp thuế phải lập và gửi hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 31 Thông tư 156:
"a) Đối với trường hợp nêu tại điểm a khoản 1 Điều này:
- Văn bản đề nghị gia hạn nộp thuế của người nộp thuế theo mẫu số 01/GHAN ban hành kèm theo Thông tư này;
- Biên bản kiểm kê, đánh giá giá trị vật chất thiệt hại do người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế lập;
- Văn bản xác nhận về việc người nộp thuế có thiệt hại tại nơi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ và thời gian xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ của một trong các cơ quan, tổ chức sau: cơ quan công an; UBND cấp xã, phường; Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế nơi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc tổ chức cứu hộ, cứu nạn;
- Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (bản sao có công chứng hoặc chứng thực nếu có); hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (bản sao có công chứng hoặc chứng thực nếu có). Đối với người nộp thuế là pháp nhân thì các tài liệu nêu trên phải là bản chính hoặc bản sao có chữ ký của người đại diện theo pháp luật, đóng dấu của đơn vị."
Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế đầy đủ, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan thuế quản lý trực tiếp sẽ ra một trong hai văn bản sau đây gửi người nộp thuế:
- Văn bản không chấp thuận gia hạn nộp thuế nếu người nộp thuế không đủ điều kiện được gia hạn nộp thuế.
- Quyết định gia hạn nộp thuế nếu người nộp thuế thuộc trường hợp được gia hạn nộp thuế.

Hỏi: Có doanh nghiệp hỏi doanh nghiệp cần đáp ứng điều kiện gì để được Ngân hàng chính sách hỗ trợ cho vay để trả lương ngừng việc cho người lao động với lãi suất vay ưu đãi 0% ?
Trả lời:
Căn cứ Nghị quyết 154/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 32/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủTheo đó, điều kiện để doanh nghiệp được vay gói tín dụng lãi suất 0%, gồm: Doanh nghiệp có người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên trong khoảng thời gian từ 1.4 - 31.12.2020; doanh nghiệp có doanh thu quý I.2020 giảm 20% trở lên so với quý IV.2019 hoặc doanh thu quý liền trước thời điểm vay giảm 20% trở lên so với cùng kỳ; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng tính đến cuối năm 2019. Vốn vay phải được dùng để trả lương ngừng việc cho người lao động bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Hạn mức cho vay tối đa 1 tháng bằng 50% mức lương tối thiểu vùng nhân với số người lao động bị ngừng việc; mỗi doanh nghiệp được vay vốn không quá 3 tháng. Mức lãi suất cho vay là 0%/năm và lãi suất nợ quá hạn là 12%/năm. Thời hạn cho vay không quá 12 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên; doanh nghiệp  không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Việc giải ngân của Ngân hàng CSXH được thực hiện đến hết ngày 31.1.2021.
Như vậy so với quy định trước đó, các điều kiện cho vay đã được cắt giảm và nới lỏng, giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để giữ chân người lao động trước tác động của dịch Covid-19
Qua lắng nghe ý kiến công động doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua cho thấy đại dich Covid-19 gây ra thiệt hại diện rộng các ngành, chuỗi cung ứng đứt gãy, thị trường khủng hoảng... khiến doanh nghiệp không còn khả năng thanh toán và gây ra áp lực kép cho họ bởi vẫn phải đảm bảo các khoản chi ngay cho nguyên liệu, nhân công - báo cáo khảo sát nêu.
Ở đợt dịch đầu tiên, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là đứt gãy chuỗi cung, thì bây giờ vấn đề căng thẳng nhất là dòng tiền, doanh nghiệp giảm doanh thu, thậm chí không có doanh thu, không có khả năng thanh toán...Điều này ảnh hưởng tới dòng tiền vào của doanh nghiệp khi có tới 76% trả lời hiện không cân đối được thu chi, trong đó 54% có dòng tiền vào chỉ đáp ứng dưới 50% chi phí, nên phải cắt giảm lao động.
Do đó, làn sóng cắt giảm lao động đã diễn ra trên diện rộng, khi ở đợt dịch đầu tiên đa phần doanh nghiệp đều cố gắng không sa thải lao động. Tác động của đợt dịch thứ hai khiến hơn 47% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động.
Vì vậy, các doanh nghiệp kiến nghị thời gian tới các chính sách hỗ trợ được Nhà nước ban hành phải thực sự đưa mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp lên ưu tiên hàng đầu, chính sách nhanh ban hành, nhanh đưa vào thực thi và điều kiện cần phù hợp thực tế.
Ngoài ra, thay vì hỗ trợ doanh nghiệp đã kiệt quệ, đổ vỡ thì nên hướng tới chính sách giúp doanh nghiệp tiết giảm dòng tiền chi ra để họ cân đối, sử dụng dòng vốn còn rất mỏng cho các khoản chi tối thiểu, nhằm duy trì lao động, sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho tất cả doanh nghiệp trong năm 2020 thay vì chỉ áp dụng với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu không quá 200 tỷ đồng năm nay. Thực tế, mọi doanh nghiệp đều chịu tác động tiêu cực của Covid-19 không phân biệt quy mô doanh thu. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể đóng cửa tức thì bởi dịch bệnh nhưng doanh nghiệp lớn trong nỗ lực duy trì hệ thống đã chịu thiệt hại thậm chí còn nặng nề hơn, ảnh hưởng tiêu cực hơn tới nền kinh tế nếu không kịp thời có chính sách hỗ trợ hiệu quả.
Ngoài ra, miễn đóng phí công đoàn năm 2020 và 2021 thay vì chỉ hoãn đóng một số tháng nhằm củng cố tinh thần doanh nghiệp. Chính sách này nếu được ban hành sẽ là biện pháp hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp duy trì dòng vốn, giảm thời gian với quy trình thủ tục hành chính.
Đề xuất Chính phủ trình Quốc hội giảm 50% thuế giá trị gia tăng, giảm chi phí cho người tiêu dùng nhằm kích cầu tiêu dùng sau dịch. Bởi, hiện các doanh nghiệp rất cần vốn lưu động duy trì sản xuất kinh doanh, lao động. Việc bỏ thêm 10% thuế VAT và phải đợi tới cuối năm mới được hoàn trả gây khó khăn cho các doanh nghiệp, cũng khó để thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng với sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung ứng.
Với ngân hàng, doanh nghiệp đề xuất mở rộng hình thức vay tín chấp; ưu đãi lãi suất với các khoản vay đầu tư, giảm lãi suất các khoản vay hiện tại; khoanh, giãn thời gian trả nợ...
                                                                                                        Phạm Nguyệt Hằng

Xem thêm »