Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực thi pháp luật lao động tại Kiên Giang

29/10/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Quyết định số 827/QĐ-585 ngày 14/4/2020 của Ban quản lý Chương trình 585 về việc phê duyệt danh sách các cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện các hoạt động năm 2020 của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020; Quyết định số 1393/QĐ-585, Hợp đồng số 75/BTP-585 ngày 12/6/2020 của Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020, ngày 2/10/2020, Văn phòng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (phối hợp Vụ Pháp chế) tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

        Hội nghị với chủ đề "Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực thi pháp luật lao động" được tổ chức tại Khách sạn Kim Hoa – 88/2 Trần Hưng Đạo, thị trấn Dương Đông, tỉnh Kiên Giang. Chủ trì hội nghị là Ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế,  Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.  Hội nghị thu hút hơn 100 đại biểu tham dự là Đại diện lãnh đạo Sở LĐTBXH Bình Định, Bảo hiểm xã hội, Trung tâm dịch vụ việc làm, Khu Công nghiệp, KCX các Hiệp hội DN, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn tại Kiên Giang. 
        Tại hội nghị Ông Mai Đức Thiện – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội chủ trì nêu yêu cầu, mục đích của hội nghị đối thoại.  Ông Trần Minh Sơn – Trưởng phòng, đại diện Chương trình 585 – Bộ Tư pháp trình bày về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đại diện Cục QHLĐTL, đại diện Vụ Pháp chế phổ biến các nội dung đối thoại trong chương trình; chính sách mới của nhà nước và cập nhật những văn bản, quy định pháp luật mới về lao động; những văn bản pháp luật có liên quan tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện với mục tiêu nhằm cải thiện điều kiện, môi trường lao động trong doanh nghiệp, đảm bảo quyền và lợi ích của người sử dụng lao động, người lao động trong doanh nghiệp, xây dựng mối quan hệ ổn định, hài hoà trong doanh nghiệp.

       Các đại biểu doanh nghiệp tại hội nghị đã nghe các bài giảng và phát biểu ý kiến, đặt nhiều các câu hỏi để hiểu cụ thể các chính sách mới của Bộ luật Lao động 2019. Đồng thời, các giảng viên nhiệt tình giải đáp chính sách pháp luật lao động giúp doanh nghiệp áp dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ:
       Câu hỏi: Sau khi xem bộ luật lao động năm 2019, chúng tôi không tìm thấy phần nội dung về lao động mùa vụ, hy vọng Bộ có thể hướng dẫn chi tiết hơn về những yêu cầu khi thực hiện công việc với lao động mùa vụ để chúng tôi có thể đảm bảo các yêu cầu tuân thủ.
       Trả lời: Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Bộ luật lao động năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021) thì hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây: (i) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng; (ii) hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Theo đó, Bộ luật lao động năm 2019 không quy định về loại hợp đồng lao động theo mùa vụ; vì vậy, khi người lao động và người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động căn cứ vào thời hạn thực hiện công việc để xác định thời hạn của hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 20 của Bộ luật lao động năm 2019.
       Câu hỏi: Đơn vị chúng tôi là HTX vận tải thủy bộ, kinh doanh vận tải hành khách xe Cố định và xe buýt, vận tải hành khách bằng đò du lịch.
HTX phải tạm dùng nộp BHXH tháng 4/2020 vì ảnh hưởng của dịch. Nhưng khi làm hồ sơ hưởng trợ cấp gói 62 ngàn tỷ. thì Phòng lao động huyện Châu Thành Bến Tre báo k hỗ trợ cho HTX.
Đơn vị chúng tôi cũng hoat động giông doanh nghiệp, vẫn kê khai nộp thuế theo PP khấu trừ, chỉ là hoạt đông theo luật HTX. giấy phép do Phòn Tài chính kế hoạch cấp. Là đơn vị tự thu tự chi, không hưởng lương nha nước. vậy tại sao không được hưởng trợ cấp.
Kiến nghị cho HTX, xin được câu trả lời sớm.
       Trả lời: Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 quy định 07 nhóm đối tượng được hỗ trợ, gồm: người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên; người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính; hộ kinh doanh cá thể; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Nội dung câu hỏi chưa cung cấp đầy đủ thông tin, do đó chưa có cơ sở để trả lời. Đề nghị hợp tác xã căn cứ vào 02 văn bản nêu trên và đối chiếu với trường hợp cụ thể của mình để thực hiện. Trường hợp chưa rõ, đề nghị liên hệ với Sở Lao động – thương binh và Xã hội nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính.
     Hội nghị được các đại biểu tham dự đánh giá cao và mong muốn thời gian tới có nhiều hội nghị với những nội dung thiết thực được tổ chức tại Kiên Giang.

Xem thêm »