Hỗ trợ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 và nhiệm vụ, giải pháp của Bộ Tư pháp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

21/09/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 09/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, trong đó, Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ: chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ pháp lý, trong đó có giải quyết tranh chấp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật (điểm g khoản 3 Mục III Nghị quyết số 105/NQ-CP) nhằm triển khai các mục tiêu tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch COVID-19...

1. Nghị quyết số 105/NQ-CP thể hiện sự “đồng hành” của Chính phủ đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh
Việt Nam hiện nay có khoảng 810.000 doanh nghiệp, 26.040 hợp tác xã và 5,2 triệu hộ kinh doanh[1], đội ngũ này có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đã có nhiều đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước (khu vực doanh nghiệp đóng góp 60% vào GDP, Hợp tác xã đóng góp trực tiếp khoảng 4,8%, gián tiếp trên 30% GDP; hộ kinh doanh đóng góp 30% GDP cả nước), kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội (khu vực doanh nghiệp giải quyết tạo việc làm chính trong 51,02 triệu lao động hiện nay; hợp tác xã trên 3 triệu việc làm; hộ kinh doanh tạo gần 10 triệu việc làm); đây là mắt xích quan trọng trong mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị và là một trong những lực lượng nòng cốt trong việc tạo ra của cải, vật chất xã hội.
Bối cảnh dịch COVID-19 tác động hết sức tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong 8 tháng đầu năm 2021, riêng khu vực doanh nghiệp đã có hơn 85.000 doanh nghiệp Việt Nam rút khỏi thị trường (tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, phá sản)[2]. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vẫn phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, quyết tâm, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động; đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chia sẻ, đồng hành cùng các cấp, các ngành trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, hỗ trợ người dân, cộng đồng, tổ chức cứu trợ, vận chuyển và thực hiện các hoạt động thiện nguyện.
Chính vì vậy, việc Chính phủ kịp thời ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 là sự ghi nhận, đánh giá cao vai trò của khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và tiếp tục quan điểm “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh” bằng hành động cụ thể, thiết thực; đây là một minh chứng rõ nét nhất thể hiện “sự quan tâm, đồng lòng, chia sẻ” của Chính phủ đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
2. Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có thể “kỳ vọng” vào các nhiệm vụ, giải pháp nói chung của Nghị quyết và vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ vừa được ban hành với mục tiêu rõ ràng, tiên quyết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19; tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch COVID-19. Chính phủ phấn đấu đến hết năm 2021 đạt một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể sau: (1) Luỹ kế ít nhất khoảng 01 triệu lượt khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh; (2) Đại đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động; và (3) Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động,... cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Kèm theo đấy là các nhiệm vụ, nhóm giải pháp cụ thể như: (i) Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; (ii) Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng: (iii) Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; (iv) Tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia. Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành, địa phương để thực hiện các nhóm giải pháp này; các giải pháp này là khả thi, hiệu quả, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành địa phương hiện nay và tình hình thực tiễn sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay và trong thời gian tới. Các giải pháp này được đánh giá là “chiếc phao cứu sinh” cứu giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang gần như đuối sức trước tác động của đại dịch bệnh COVID-19 kéo dài. Để thực hiện chủ trương của Chính phủ là “không để ai bị bỏ lại phía sau”, mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khỏe mạnh thì đất nước khỏe mạnh.
Trong đó, việc Chính phủ đề ra nhiệm vụ, nhóm giải pháp hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và giao cho Bộ Tư pháp nhiệm vụ: chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ pháp lý, trong đó có giải quyết tranh chấp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật là “nhiệm vụ quan trọng, nặng nề nhưng thiết thực, cấp bách” cho cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh hiện nay và trong thời gian tới kể cả giai đoạn hậu COVID-19 (khi tỷ lệ tiêm chủng đạt đến mức độ miễn dịch cộng đồng). Các nhiệm vụ, giải pháp này là nhu cầu cần hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới, khi dự báo là các tranh chấp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh có thể sẽ tăng cao, nhiều hệ lụy sẽ xảy ra nhất là sau bối cảnh dịch bệnh COVID-19 khi trật tự và hoạt động kinh tế sẽ thay đổi mạnh mẽ trong nước và kinh tế thế giới sau giai đoạn Việt Nam và các nước trải qua thời gian giãn cách (cách ly tại nhà, giãn cách xã hội hoặc thậm chí đóng cửa quốc gia); Đại dịch COVID-19 gây ra nhiều khủng hoảng kinh tế và sinh kế, nhiều nền kinh tế sau đại dịch đã rơi vào suy thoái nghiêm trọng, đại dịch đã làm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bước vào thời kỳ cạnh tranh mới, khốt liệt hơn và “ranh giới sống còn” chưa bao giờ rõ nét hơn. Thực tế, nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được Bộ Tư pháp triển khai hơn 10 năm nay (căn cứ vào Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp) và đã tạo được “dấu ấn” trong cộng đồng doanh nghiệp, vì vậy, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có thể “kỳ vọng” nhiều vào nhiệm vụ quan trọng này.
3. Đề xuất các giải pháp nào nhằm thực thi nhiệm vụ được giao của Bộ Tư pháp trong việc giao tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ pháp lý, trong đó có giải quyết tranh chấp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật
Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp nhiệm vụ cụ thể nêu trên, để thực thi nhiệm vụ của Bộ Tư pháp được giao tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ pháp lý, trong đó có giải quyết tranh chấp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật, cần triển khai các giải pháp sau:
Thứ nhất, cần tập trung tuyên truyền mạnh mẽ nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Bộ Tư pháp nói riêng và ngành Tư pháp nói chung đã được thực hiện hơn 10 năm qua và đã tạo được “dấu ấn” quan trọng trọng cộng đồng doanh nghiệp, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp được giao trong Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi phải huy động đồng lòng của đội ngũ cán bộ, công chức Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cũng như cán bộ làm công tác pháp chế ở các bộ, ngành, các sở ban, ngành tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cũng như các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp (các hội, hiệp hội, câu lạc bộ...) cùng trách nhiệm, chia sẻ và quan tâm thực hiện nhiệm vụ tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ pháp lý, trong đó có giải quyết tranh chấp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Các hình thức tuyên tuyền trong bối cảnh hiện nay có thể sử dụng các thành tự của cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ 4, sử dụng các kênh truyền thông, mạng xã hội để các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể kịp thời tiếp cận hiệu của các hỗ trợ của Nhà nước.
Thứ hai, quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Việc triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 (trong đó khoản 3 Điều 14 quy định về hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý), Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Thông tư số 64/2021/TT-BTC ngày 29/7/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là những văn bản pháp lý quan trọng, là cơ sở pháp luật để Bộ Tư pháp tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ pháp lý, trong đó có giải quyết tranh chấp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Thứ ba, huy động sự tham gia của đội ngũ Luật sư, Luật gia trong công tác hỗ trợ pháp lý, giải quyết tranh chấp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bộ Tư pháp đã xây dựng mạng lưới tư vấn viên pháp luật cho doanh nghiệp (Quyết định số 1322/QĐ-BTP ngày 01/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyêt danh sách cá nhân, tổ chức tham gia mạng lưới tư vấn viên pháp luật) gồm các Luật gia, Luật sư, Tư vấn viên pháp luật có kinh nghiệm trên cả nước để tư vấn giải quyết các tranh chấp kinh doanh cụ thể cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Với đội ngũ trên 15.000 Luật sư hiện nay, dưới tác động của dịch bệnh COVID-19 các Luật sư đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động (nhiều công ty luật, văn phòng luật sư giảm đến 90% công việc và nhân sự trong giai đoạn vừa qua do dịch vụ tư vấn pháp luật được đánh giá như “món ăn hải sản” trên bữa ăn mà trong giai đoạn khó khăn như hiện nay thì hầu hết các doanh nghiệp đều cắt giả tối đa chi phí cho dịch vụ tư vấn pháp luật), trên cơ sở Nghị quyết số 105/NQ-CP, Bộ Tư pháp cần huy động sự tham gia tích cực của đối tượng này nhằm thúc đẩy thị trường dịch vụ pháp lý phục hồi sau bối cảnh dịch bệnh COVID-19.   
Thứ tư, bố trí nguồn lực cho công tác hỗ trợ pháp lý, giải quyết tranh chấp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc quan tâm bố trí nguồn lực (nhân lực, vật lực) để tăng cường triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cũng như giải pháp giải quyết tranh chấp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật là công việc quan trọng, cần ưu tiên trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới, có như vậy, chúng ta mới có đầu mối, nguồn nhân lực, vật lực cụ thể để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Nghị quyết số 105/NQ-CP “tránh chủ trương, sáo rỗng” hỗ trợ cho doanh nghiệp không thiết thực, hiệu quả, cũng từ đấy có các giải pháp cụ thể nâng cao hơn nữa hiệu quả hỗ trợ pháp lý, giải quyết tranh chấp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trong thời gian tới./.
TS. Trần Minh Sơn, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp

 
[1]  Số liệu của Tổng Cục thống kê 6 tháng đầu năm 2021.
[2] Thống kê 8 tháng đầu năm 2021 của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Xem thêm »