Trách nhiệm xã hội của Doanh nghiệp trong việc sử dụng lao động là người khuyết tật

24/07/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility. Viết tắt: CSR) được hiểu là toàn bộ trách nhiệm của doanh nghiệp về những ảnh hưởng đến xã hội từ các quyết định và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. CSR được thực hiện trên cơ sở phải tôn trọng pháp luật và cam kết với các bên có lợi ích liên quan, có khả năng gắn kết hoạt động kinh doanh với việc giải quyết các vấn đề xã hội, đạo đức, bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền con người và đáp ứng các mối quan tâm của khách hàng, nhằm mục đích tối đa hóa lợi ích của các chủ sở hữu doanh nghiệp, bên có liên quan và toàn xã hội, xác định rõ, ngăn ngừa và giảm thiểu tác động tiêu cực có thể từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

1. Doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội
Khái niệm về CSR được hình thành trên toàn thế giới khoảng 60 năm trước đây. Trước giai đoạn này, có các tiêu chuẩn khác nhau và quy định trong các lĩnh vực quản trị công ty, đạo đức công ty và mối quan hệ với đối thủ cạnh tranh, trách nhiệm đối với xã hội và đất nước. Các quy tắc và tiêu chuẩn chính sách xã hội chưa được phát triển vì đã sử dụng cách tiếp cận "ngẫu nhiên". Tuy nhiên, từ cuối những năm 60 - 70, các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ và Châu Âu đã bắt đầu tìm hiểu sự cần thiết phải thống nhất các yếu tố khác nhau của chính sách doanh nghiệp liên quan đến mối quan hệ của công ty với môi trường và phát triển một tích hợp đơn lẻ tiếp cận tương tác với xã hội. Một chính sách như vậy nhằm hướng doanh nghiệp phải gắn liền với triết lý, phương thức hoạt động, chiến lược tiếp thị, phải đáp ứng được kỳ vọng của xã hội. Cùng một lúc ở Tây Âu và Mỹ đã thống nhất luật lao động và môi trường, đã có công khai các sáng kiến chính sách nhằm phát triển CSR.
Sáng kiến trách nhiệm xã hội trong kinh doanh là truyền thống lâu đời trong thế giới phương Tây. Trong báo cáo của Liên hợp quốc “Phát triển các quy định về vai trò và trách nhiệm xã hội của khu vực tư nhân", Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan nói rằng "sự hiện diện của các công ty lớn như tuyên ngôn nhất định về trách nhiệm xã hội của công ty và trở thành điều kiện tiên quyết cho thành công của bất kỳ chiến lược truyền thông và quan hệ công chúng nào”.
CSR hướng đến doanh nghiệp với ý tưởng doanh nghiệp nên cân bằng các hoạt động tạo ra lợi nhuận với các hoạt động có lợi cho xã hội. Nó liên quan đến việc phát triển các doanh nghiệp trong mối quan hệ tích cực với xã hội mà doanh nghiệp hoạt động.
Việc đưa ra và chấp nhận CSR ở các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển, dù chưa được quy chuẩn về mặt pháp lý, nhưng đã trở thành tiêu chuẩn tối thiểu đối với việc quản trị kinh doanh ở cấp độ toàn cầu, với các tiêu chuẩn tham chiếu quốc tế do Liên hợp quốc, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và các quy ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ban hành. CSR gắn bó chặt chẽ với nguyên tắc phát triển bền vững (PTBV), doanh nghiệp nên đưa ra quyết định không chỉ dựa trên các yếu tố tài chính như lợi nhuận hay cổ tức mà còn dựa trên hệ quả xã hội và môi trường trước mắt và lâu dài. CSR có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các nguy cơ phát triển ngoài tầm dự báo, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, đồng thời đảm bảo rằng các nguồn lực của các thế hệ tương lai không bị đe dọa.
Khái niệm “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” (CSR) đã được truyền bá vào nước ta thông qua hoạt động của các công ty đa quốc gia đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Các công ty này thường đưa ra các chương trình khuyến cáo ứng xử về văn hoá kinh doanh đem áp dụng vào các địa bàn đầu tư. Ví dụ như “Chương trình tôi yêu Việt Nam” của công ty Honđa - Vietnam; “Chương trình giáo dục vệ sinh cá nhân” cho các trẻ em của công ty Unilever; “Chương trình đào tạo tin học Topic 64” của Microsoft, Qualcomm và HP; “Chương trình hỗ trợ dị tật tim bẩm sinh” và “Chương trình ủng hộ nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ” của Vinacapitat, Samsung; “Chương trình khôi phục thị lực cho trẻ em nghèo” của Western Union;…
Những năm gần đây, ở nước ta đã có một số doanh nghiệp chủ động thực hiện CSR và nhờ đó, thương hiệu của họ càng được xã hội biết đến, như các tập đoàn Mai Linh, Tân Tạo, Duy Lợi, ACB, Sacombank, Kinh Đô,… Nước ta đã có giải thưởng "CSR hướng tới sự phát triển bền vững" được tổ chức bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công thương cùng các hiệp hội Da giày, Dệt may tổ chức nhằm tôn vinh các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác CSR trong bối cảnh hội nhập. Cho đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp ngành dệt may và da giày tham dự hoạt động này vì đã nhận thấy tính thiết thực của nó. Khảo sát do Viện Khoa học Lao động và Xã hội tiến hành gần đây trên hàng trăm doanh nghiệp thuộc hai ngành dệt may và da giầy đã chỉ ra rằng, nhờ thực hiện các chương trình CSR, doanh thu của các doanh nghiệp này đã tăng 25%, năng suất lao động cũng tăng, tỷ lệ hàng xuất khẩu tăng từ 94% lên 97%. Ngoài hiệu quả kinh tế, các doanh nghiệp còn có lợi từ việc tạo dựng hình ảnh với khách hàng, sự gắn bó và hài lòng của người lao động, thu hút lao động có chuyên môn cao,…

2. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thể hiện ở trách nhiệm với người lao động khuyết tật
CSR trong thời bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, có thể hiểu như sau về nội hàm yêu cầu của nó là: trách nhiệm với thị trường và người tiêu dùng; trách nhiệm về bảo vệ môi trường; trách nhiệm với người lao động và trách nhiệm chung với cộng đồng.
Trong đó, trách nhiệm với người lao động và trách nhiệm chung với cộng đồng chính là việc nhiều doanh nghiệp đã tạo công ăn việc làm, giải quyết việc làm cho người khuyết tật, lao động nữ. Việc giải quyết việc làm cho người khuyết tật không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vì vậy cũng có trách nhiệm giải quyết việc làm cho người lao động trong đó có người khuyết tật. Đặc biệt, người khuyết tật là đối tượng lao động đặc thù nên các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp các nhân càng cần phải có sự quan tâm đến đối tượng này nhằm đảm bảo cho họ được bình đẳng như những người lao động khác mà không bị phân biệt đối xử. Để tránh tình trạng kì thị, phân biệt đối xử, tạo ra những rào cản dẫn đến sự hạn chế cơ hội có việc làm của người khuyết tật, Luật Người khuyết tật quy định các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp các nhân không được từ chối tuyển dụng người khuyết tật có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định của pháp luật nhằm hạn chế cơ hội việc làm cho người khuyết tật. Việc nới lỏng những yêu cầu tuyển dụng đối với người khuyết tật không chỉ có ý nghĩa xã hội rất to lớn mà còn giúp các doanh nghiệp có thể có được những người lao động tuy là người khuyết tật nhưng làm việc hiệu quả vì trên thực tế có rất nhiều người khuyết tật có một trình độ học vấn cao hoặc có khả năng đặc biệt trong nhiều lĩnh vực cụ thể; họ cũng là những người có trách nhiệm và nỗ lực hòa thành công việc của mình.
Về phía doanh nghiệp, cùng với quyền tuyển chọn, tăng giảm lao động là người khuyết tật cho phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cũng có trách nhiệm đảm bảo việc làm cho người lao động theo thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động, phải nhận tỉ lệ lao động tàn tật nhất định. Cụ thể các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất điện năng, luyện kim, hóa chất, địa chất, đo đạc bản đồ, dầu khí, khai thác mỏ, khai thác khoáng sản, xây dựng cơ bản, vận tải phải nhận 2% lao động là người khuyết tật; doanh nghiệp của các ngành khác là 3%. Tỉ lệ người tàn tật các doanh nghiệp phải tiếp nhận là tỉ số giữa số người tàn tật so với tổng số lao động có mặt bình quân tháng của doanh nghiệp. Trường hợp nếu doanh nghiệp không nhận hoặc nhận ít hơn tỉ lệ quy định thì phải đóng góp một khoản tiền theo quy định của Chính phủ vào quỹ việc làm để góp phần giải quyết việc làm cho người tàn tật. Cụ thể nếu doanh nghiệp tiếp nhận số lao động là người khuyết tật vào làm thấp hơn tỉ lệ quy định thì hàng tháng phải nộp vào Quỹ việc làm cho người tàn tật một khoản tiền bằng mức tiền lương tối thiểu hiện hành do Nhà nước quy định nhân với số lao động là người tàn tật mà doanh nghiệp cần phải nhận thêm để đủ tỷ lệ quy định.
Vai trò của người sử dụng lao động là vô cùng quan trọng, nó góp phần hỗ trợ người khuyết tật có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ công việc của mình. Mặc dù khi tuyển dụng vào doanh nghiệp thì người khuyết tật đã được xem xét đến mức độ phù hợp với vị trí công việc tuy nhiên người sử dụng lao động vẫn cần tạo điều kiện hỗ trợ để người lao động thích nghi như: sắp xếp chỗ ngồi làm việc phù hợp, sắp xếp thời gian làm việc linh động, có chế độ khuyến khích, khích lệ lao động… Pháp luật tuy không quy định cụ thể trách nhiệm của người sử dụng lao động trong quá trình người khuyết tật làm việc trong doanh nghiệp, tuy nhiên nếu người sử dụng lao động thực hiện các chính sách ưu đãi vừa mang lại hiệu quả công việc cho chính doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện cho người khuyết tật hoà nhập, tự tin hoàn thành tốt công việc của mình. Điều này có ý nghĩa xã hội rất lớn, không chỉ đối với cá nhân người khuyết tật mà còn đối với toàn xã hội.
3. Doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi khi thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua việc sử dụng lao động khuyết tật
Thực tiễn cho thấy, thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nhân Việt Nam thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay và nhiều năm tới ngày càng được các doanh nhân nước ta nhận thức sâu sắc và đó cũng chính là những đóng góp của các doanh nghiệp, doanh nhân vào việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và gia đình họ, có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như sự phát triển chung của cộng đồng xã hội.
Thực tiễn cũng đã cho thấy, trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu, CSR đã trở thành một trong những yêu cầu đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nếu doanh nghiệp nào đó không tuân thủ CSR sẽ không thể tiếp cận được với thị trường thế giới…
Như đã nêu trên, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội sẽ giúp nâng cao uy tín của doanh nghiệp, doanh nhân, từ đó sẽ mang lại nhiều lợi nhuận kinh tế và lợi ích chính trị - xã hội cho họ. Tuy nhiên, cũng không nên đồng nhất việc cứ làm từ thiện giỏi đã là thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, cho dù làm từ thiện là một hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Thực tế là đã có doanh nghiệp tích cực làm từ thiện, nhưng vẫn vì chạy theo lợi nhuận mà vi phạm pháp luật, vi phạm sự phát triển bền vững của cộng đồng xã hội.
Việt Nam hiện nay có khoảng 6,2 triệu người là người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số, đa số họ là những người đang trong độ tuổi lao động. Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Nhằm khuyến khích doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội nhất là trong việc sử dụng lao động là người khuyết tật, nhà nước đã có những chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp có sử dụng lao động là người khuyết tật từ 30% trở lên trong tổng số lao động bình quân trong năm. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Mức hỗ trợ theo tỷ lệ người khuyết tật làm việc ổn định tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô của cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định của Thủ tưởng Chính phủ.
Thứ hai, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế. Doanh nghiệp thuộc diện được miễn thuế là doanh nghiệp: không bao gồm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh bất động sản; có số lao động bình quân trong năm ít nhất từ 20 người trở lên; phải có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền về số lao động và người khuyết tật.
Vay vốn ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện vay, thời hạn vay, mức vốn vay và mức lãi suất vay thực hiện theo quy định hiện hành áp dụng với dự án vat vốn giải quyết việc làm.
Thứ ba, miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 70% lao động là người khuyết tật trở lên. Giảm 50% tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% đến dưới 70% lao động là người khuyết tật.
Trong thời gian được miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước, cơ sở sản xuất, kinh doanh không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng, cho, cho thuê quyền sử dụng đất, mặt bằng, mặt nước, không được thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, góp vốn liên doanh, liên kết bằng quyền sử dụng đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai.
Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam (theo số liệu đến hết năm 2019 là 624.000 doanh nghiệp) cần đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng Người khuyết tật trong thị trường lao động hiện nay nhằm thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật thì không chỉ có các doanh nghiệp mà cả xã hội đều được hưởng lợi. Đồng thời, việc tạo điều kiện cho người lao động khuyết tật còn là không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

ThS. Trần Minh Sơn

Xem thêm »