Những ưu đãi cho Doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật, doanh nghiệp của người khuyết tật

24/07/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Công ước Quốc tế về các Quyền của Người Khuyết tật (tiếng Anh: Convention on the Rights of Persons with Disabilities) là một văn kiện nhân quyền quốc tế do Liên Hiệp Quốc soạn nhằm mục đích bảo vệ các quyền và nhân phẩm của người khuyết tật. Các quốc gia tham gia Công ước phải đảm bảo quyền được thụ hưởng bình đẳng mọi dịch vụ công cộng của người khuyết tật. Ngày 13/12/ 2006, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Công ước Quốc tế về các Quyền của Người Khuyết tật A/RES/61/106. Tính đến ngày 07/01/ 2011, đã có 147 quốc gia ký và 97 nước phê chuẩn. Việt Nam là thành viên thứ 118 tham gia ký Công ước vào ngày 22/10/2007. Ngày 30/7/2009, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, đại diện Chính phủ Hoa Kỳ cũng đã ký công ước này. Đây là công ước quốc tế về nhân quyền đầu tiên mà Hoa Kỳ đã ký trong gần một thập kỷ qua. Được xây dựng dựa trên khuôn khổ Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Công ước Quốc tế về các Quyền của Người Khuyết tật đã có hiệu lực từ ngày 3 tháng 5 năm 2008 và lần đầu tiên, Công ước này đã thiết lập quyền của 650 triệu người khuyết tật trên toàn thế giới. Đây là hiệp ước đầu tiên mang lại vị thế và quyền hợp pháp nhìn nhận tình trạng khuyết tật như là một vấn đề về quyền con người. Công ước này còn có ý nghĩa đặc biệt khi thay đổi cách nhìn đối với tình trạng khuyết tật là một vấn đề xã hội chứ không phải là vấn đề y tế, và xác lập sự dịch chuyển từ phương thức tiếp cận theo hướng nhân đạo sang hướng nhân quyền.

Việc Việt Nam ký kết tham gia Công ước đã thể hiện được tinh thần, ý thức trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam đối với việc bảo đảm, thực thi quyền con người, quyền của người khuyết tật.  Sự kiện Việt Nam ký tham gia Công ước, toàn bộ tinh thần, nội dung quy định của Công ước đã ảnh hưởng tích cực đến việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về người khuyết tật ở Việt Nam.
Luật Người khuyết tật năm 2010 ra đời thay thế cho Pháp lệnh Người tàn tật năm 1998 là bằng chứng thể hiện bước chuyển lớn lao, khá căn bản về nhận thức và hành động thực tế của Nhà nước và xã hội Việt Nam đối với vấn đề người khuyết tật. Đó là chuyển từ cách thức tư duy nhìn nhận vấn đề người khuyết tật như việc nhân đạo, từ thiện sang tư duy về người khuyết tật trên cơ sở quyền con người. Quá trình tổng kết, đánh giá các quy định và thực tiễn thi hành Pháp lệnh về người tàn tật năm 1998 để xây dựng và ban hành Luật Người khuyết tật năm 2010 cũng thể hiện rõ được quá trình rà soát, đánh giá hệ thống các quy định có liên quan đến người khuyết tật. Ở thời điểm đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có báo cáo chính thức tổng kết tình hình thi hành Pháp lệnh về người khuyết tật làm cơ sở cho việc nghiên cứu xác định nội dung chính sách pháp luật trên lĩnh vực người khuyết tật nói chung và việc xây dựng Luật Người khuyết tật nói riêng.

Với tỷ lệ người khuyết tật chiếm 7,8% dân số (hiện nay cả nước có khoảng 8 triệu người khuyết tật), trong đó người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 58% người khuyết tật là nữ, 28,3% người khuyết tật là trẻ em, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo…  Bên cạnh đó, có 13% dân số - gần 12 triệu người, sống chung trong hộ gia đình có người khuyết tật. Tỷ lệ này dự kiến tăng lên cùng với xu hướng già hóa dân số.
Sự cần thiết phải đảm bảo việc làm và thu nhập cho người khuyết tật trong doanh nghiệp (với số lượng 614.000 doanh nghiệp Việt Nam hiện nay):
Thứ nhất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người khuyết tật trong các doanh nghiệp là cơ sở để xóa bỏ sự kỳ thị đối với người khuyết tật trong xã hội.
Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật, khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Mặc dù do những khiếm khuyết của bản thân khiến cho người khuyết tật gặp khó khăn hơn so với những người bình thường khác khi tham gia vào các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, nhưng giống như tất cả mọi người, người khuyết tật cần phải được đảm bảo sự tự do, bình đẳng, được tôn trọng phẩm giá và được cống hiến, được khẳng định giá trị cá nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều người khuyết tật trên thế giới cũng như ở Việt Nam chưa được hưởng đầy đủ những quyền lợi cơ bản của con người trong đời sống xã hội. Theo số liệu của Liên hiệp quốc, số người khuyết tật hiện chiếm 10% dân số thế giới, trong đó 400 triệu người sống ở các nước châu Á. 80% số người khuyết tật đang sống trong tình trạng nghèo khổ. Ở Việt Nam, kết quả khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, có tới 65 - 70% số người khuyết tật đang sống dựa vào gia đình, người thân, trợ cấp xã hội hoặc các tổ chức từ thiện. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người khuyết tật sống nghèo khổ, bị kỳ thị, xem thường, thậm chí bị hành hạ, bị chà đạp phẩm giá... là do họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận việc làm và không có nguồn thu nhập cần thiết để trang trải cho cuộc sống hàng ngày của bản thân. Đảm bảo việc làm và thu nhập cho người khuyết tật sẽ giúp dần xóa bỏ sự kỳ thị, thiếu tôn trọng đối với người khuyết tật trong xã hội.  
Thứ hai, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người khuyết tật trong các doanh nghiệp là cơ sở để xóa bỏ sự mặc cảm của bản thân người khuyết tật.
Mặc cảm là tâm lý phổ biến ở những người khuyết tật. Rất nhiều người khuyết tật cảm thấy mặc cảm vì nghĩ rằng mình vô dụng, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Sự mặc cảm khiến cho nhiều người khuyết tật sống khép kín, hạn chế hoặc không tham gia vào các mối quan hệ xã hội, một số bất mãn, dễ cáu giận đối với mọi người xung quanh, thậm chí có những người đã có những hành động tự hủy hoại bản thân mình. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tâm lý này là do họ không có việc làm và không tạo được nguồn thu nhập để trang trải cho cuộc sống của mình và gia đình.
Đảm bảo việc làm và thu nhập cho người khuyết tật là cách cơ bản nhất để người khuyết tật nhận ra những khả năng thực sự của mình, đồng thời chứng minh được giá trị của bản thân mình trước mọi người. Ngoài ra, việc người khuyết tật tham gia lao động, làm việc và có thu nhập nuôi sống được bản thân và gia đình còn giúp cho họ có được địa vị bình đẳng hơn trong gia đình và xã hội.
Thứ ba, đảm bảo việc làm cho người khuyết tật giúp bổ sung nguồn lực lao động để phát triển kinh tế, xã hội, nhất là các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Báo cáo thường niên của Ban điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật Việt Nam, trong số khoảng 8 triệu người khuyết tật hiện nay, số người khuyết tật có khả năng lao động chiếm khoảng 21% (khoảng gần 2 triệu người). Như vậy, số lao động là người khuyết tật hiện nay chiếm khoảng gần 3% tổng số lao động cả nước. Con số này cho thấy, lao động là người khuyết tật cũng là một trong những nguồn lao động quan trọng của xã hội, nếu như các chính sách, pháp luật của Nhà nước tạo điều kiện cho toàn bộ số người khuyết tật có khả năng lao động có việc làm ổn định thì ngoài lợi ích mang lại cho chính bản thân người khuyết tật và gia đình họ, xã hội cũng có thêm nguồn lực phát triển.

Mặc dù các số liệu trên cho thấy, số lượng người khuyết tật có khả năng lao động ở Việt Nam hiện nay là không nhỏ, hầu hết họ đều mong muốn có việc làm phù hợp để nuôi sống bản thân và hỗ trợ gia đình, nhưng trên thực tế, theo kết quả bước đầu của nghiên cứu "Giảm thiểu kỳ thị và phân biệt đối xử với người khuyết tật ở Việt Nam" mà Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, Ban Tuyên giáo trung ương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện, chỉ có 25,45% người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên có việc làm; 33,7% đã từng có việc làm nhưng hiện thất nghiệp; 40,9% chưa từng bao giờ đi làm. Kết quả này cho thấy một nguồn lực lao động lớn trong xã hội đã bị bỏ qua, không được sử dụng vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Các chính sách của Nhà nước ưu đãi cho doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật, doanh nghiệp của người khuyết tật, cụ thể như sau:
Một là, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật quy định tại Luật Người khuyết tật được hưởng các chính sách ưu đãi sau đây:
Hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Mức hỗ trợ theo tỷ lệ người khuyết tật làm việc ổn định tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô của cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định mức kinh phí hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc cho cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật;
Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế;
Vay vốn ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện vay, thời hạn vay, mức vốn vay và mức lãi suất vay thực hiện theo quy định hiện hành áp dụng đối với dự án vay vốn giải quyết việc làm.
Hai là, ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định của pháp luật.
Miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 70% lao động là người khuyết tật trở lên. Giảm 50% tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% đến dưới 70% lao động là người khuyết tật.
Trong thời gian được miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước, cơ sở sản xuất, kinh doanh không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng, cho, cho thuê quyền sử dụng đất, mặt bằng, mặt nước; không được thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, góp vốn liên doanh, liên kết bằng quyền sử dụng đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai.
Ba là, Doanh nghiệp sử dụng từ 10 người khuyết tật làm việc ổn định được hưởng chính sách ưu đãi.
Hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Mức hỗ trợ theo tỷ lệ người khuyết tật làm việc ổn định tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô của cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định mức kinh phí hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc cho cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật;
Vay vốn ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện vay, thời hạn vay, mức vốn vay và mức lãi suất vay thực hiện theo quy định hiện hành áp dụng đối với dự án vay vốn giải quyết việc làm;
Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp sử dụng từ 10 người khuyết tật làm việc ổn định được hưởng chính sách sau: Hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Mức hỗ trợ theo tỷ lệ người khuyết tật làm việc ổn định tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô của cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định mức kinh phí hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc cho cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật.
Tuy nhiên, trên thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, để khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng lao động là người khuyết tật, Nhà nước cần có nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa cho doanh nghiệp như ưu đãi về thuế, vốn vay với lãi suất ưu đãi và được hỗ trợ phí dạy nghề tại chỗ đối với số lao động là người khuyết tật. Vì trên thực tế, để được hưởng chính sách ưu đãi vay vốn như hiện nay quy định, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện là có trên 30% lao động là người khuyết tật. Tuy nhiên, đáp ứng điều kiện này không dễ dàng. Trong khi không nhận được các ưu đãi từ chính sách, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện chế độ ưu đãi về giờ làm, giờ nghỉ ngơi cho lao động khuyết tật theo quy định của pháp luật. Điều này gây trở ngại cho các doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo quy trình khép kín. Vì thế, các chủ doanh nghiệp càng không muốn tuyển dụng lao động khuyết tật vào làm việc, và điều này đã dựng lên một rào cản, khiến lao động khuyết tật càng khó khăn khi tìm việc làm
Các chính sách đối với doanh nghiệp sử dụng lao động khuyết tật vẫn chưa thực sự khuyến khích doanh nghiệp, vấn đề tạo việc làm cho người khuyết tật vẫn chưa có hiệu quả. Theo thống kê, chỉ có 15% người khuyết tật “làm công, ăn lương”, còn lại là tự tạo việc làm. Vì vậy, cần rà soát lại để đảm bảo chính sách đi vào cuộc sống. Hiện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vẫn đang lấy ý kiến các doanh nghiệp, xem vướng mắc ở đâu và cần hỗ trợ như thế nào từ các cơ quan nhà nước, làm thế nào để các doanh nghiệp có điều kiện nhận nhiều người khuyết tật vào làm việc.
Bên cạnh việc khuyến khích doanh nghiệp tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc thì xã hội cũng cần thay đổi cách nhìn mang tính từ thiện, nhân đạo sang hướng bảo đảm quyền cơ bản của người khuyết tật; khuyến khích các tổ chức xã hội thực hiện các chương trình trợ giúp người khuyết tật nhiều hơn trong cuộc sống, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội qua việc sử dụng nhiều hơn nữa lao động là người khuyết tật nhằm giúp thực hiện các chính sách an sinh xã hội của đất nước./.
                                                                                 Ths. Nguyễn Nhật Tuấn - Chánh Văn phòng Đảng ủy Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An
 
 

Xem thêm »