BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2015 VÀ VẤN ĐỀ HOÀN THIỆN CHẾ TÀI BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG

27/12/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Như chúng ta đã biết, khi hợp đồng bị vi phạm dưới hình thức không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng cam kết, bên vi phạm sẽ phải gánh chịu một số biện pháp trách nhiệm pháp lý đối với bên có quyền. Pháp luật nước ta quy định hai hình

  1. Tự do kinh doanh – quyền hiến định của tổ chức, cá nhân
Việt Nam đã có năm bản Hiến pháp: 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013. Tuy nhiên, không phải Hiến pháp nào cũng ghi nhận đầy đủ các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền tự do kinh doanh. Điều này là có thể giải thích được vì nội dung của Hiến pháp nói chung và nội dung của các quyền cơ bản của công dân nói riêng không thể được xác định trong Hiến pháp một cách tùy tiện, mà phải xuất phát từ hoàn cảnh kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ lịch sử. Chỉ từ năm 1986 khi Nhà nước ta bắt đầu công cuộc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì nguyên tắc tự do kinh doanh với tư cách là một yêu cầu của nền kinh tế thị trường và quyền tự do kinh doanh với tư cách là một quyền cơ bản của công dân mới được ghi nhận trong Hiến pháp.
Quyền được tự do kinh doanh không chỉ được ghi nhận trong Hiến pháp nước ta mà còn trong Hiến pháp của nhiều nước trên thế giới. Ví dụ, ngay sau khi từ bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, chuyển sang nền kinh tế thị trường xã hội, năm 1993, nước Cộng hòa Liên bang Nga đã ban hành Hiến pháp, trong đó, tại Khoản 1 Điều 8 đã ghi nhận: “Ở Cộng hòa Liên bang Nga, sự thống nhất của không gian kinh tế; sự tự do chuyển dịch của hàng hóa, dịch vụ và các phương tiện tài chính; sự ủng hộ cạnh tranh; sự tự do hoạt động kinh tế được bảo đảm”. Tại sao quyền tự do kinh doanh luôn được Hiến pháp các nước ghi nhận một cách trang trọng như vậy ? Đơn giản là vì, nếu thiếu nguyên tắc này thì nền kinh tế thị trường không thể xác lập và phát triển được. Nhờ có sự ghi nhận quyền tự do kinh doanh trong Hiến pháp mà mọi cá nhân, pháp nhân mới có động lực và cơ sở pháp lý vững chắc để phát huy tính năng động, sáng tạo của mình, mới yên tâm để đầu tư sức người, sức của vào hoạt động sản xuất kinh doanh, làm ra ngày càng nhiều của cải, vật chất cho xã hội. Thực tiễn cho thấy, một trong những lý do cơ bản dẫn đến sự thất bại của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung ở nước ta cũng như ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa trước đây chính là việc Nhà nước đã không nhận thức được tầm quan trọng của quyền tự do kinh doanh, do đó đã không ghi nhận nó trong Hiến pháp và hậu quả là đã làm thui chột mọi năng lực sáng tạo, khát vọng làm giàu một cách hợp pháp của người dân, không khuyến khích được mọi tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất kinh doanh, làm lãng phí nhiều nguồn tài lực, vật lực trong xã hội.
Trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, quyền tự do kinh doanh cũng đã được Hiến pháp ghi nhận một cách không giống nhau. Điều này không chỉ được thể hiện về mặt hình thức, câu chữ mà còn cả về mặt nội dung. Cụ thể là, nếu như Điều 57 Hiến pháp 1992 chỉ ghi nhận: “Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật”, thì Hiến pháp 2013 đã thể hiện quyền này theo một cách khác, chặt chẽ hơn, đầy đủ hơn: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” (Điều 33). Sự tiến bộ về mặt nội dung của Hiến pháp 2013 trong việc ghi nhận quyền tự do kinh doanh được thể hiện ở chỗ, thứ nhất, mở rộng thành phần chủ thể của quyền này thông qua việc thay thế thuật ngữ “công dân” bằng thuật ngữ “mọi người”. “Mọi người” tức là bất cứ người nào mà trong khoa học pháp lý thì khái niệm “người” được hiểu theo nghĩa rộng hơn nhiều so với nghĩa thông thường. Theo nghĩa pháp lý thì“người”bao gồm không chỉ là con người bằng da bằng thịt (còn được gọi là thể nhân, tự nhiên nhân, cá nhân) mà còn cả con người pháp lý (pháp nhân). “Người” ở đây cũng bao gồm không chỉ công dân Việt Nam, mà còn cả công dân nước ngoài và những người không có quốc tịch, miễn là họ sống, làm việc, học tập một cách hợp pháp tại Việt Nam. Ngoài ra, cái mới của quy định tại Điều 33 Hiến pháp 2013 so với Điều 57 Hiến pháp 1992 còn là ở chỗ, Hiến pháp mới đã xác định rõ hơn, chặt chẽ hơn quyền tự do kinh doanh thông qua việc đưa ra giới hạn của quyền này, theo đó, mọi người được làm tất cả mọi thứ, trừ những thứ bị luật cấm. Tất nhiên, Hiến pháp với tư cách là đạo luật cơ bản của Nhà nước ta chỉ đưa ra quy định có tính nguyên tắc như vậy, còn cái gì bị cấm và nhiều vấn đề cụ thể khác có liên quan đến việc bảo đảm thực hiện quyền tự do kinh doanh thì sẽ được các văn bản dưới Hiến pháp (Luật, Pháp Lệnh, Nghị định) quy định.
  1. Vai trò của các luật chuyên ngành trong việc bảo đảm thực hiện quyền tự do kinh doanh
  2.  
Với tư cách là luật cơ bản, Hiến pháp 2013 ghi nhận quyền tự do kinh doanh một cách khái quát nhất. Để thực hiện được quyền này trên thực tế thì chỉ một điều của Hiến pháp rõ ràng là chưa đủ. Vì vậy, pháp luật nói chung và các đạo luật chuyên ngành nói riêng phải có trách nhiệm tạo cơ sở pháp lý cụ thể, đầy đủ và rõ ràng hơn để tổ chức, cá nhân có thể thực hiện được một cách dễ dàng, thuận lợi và hiệu quả quyền tự do kinh doanh. Tóm lại, cả hệ thống pháp luật của Nhà nước ta có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai quyền hiến định này. Ví dụ, để thực hiện được quyền tự do kinh doanh, trước hết công dân, pháp nhân phải có quyền tự do thành lập doanh nghiệp, tức là có quyền xây dựng (tạo thành) cácmô hình tổ chức sản xuất-kinh doanh mà mình cho là phù hợp. Vì vậy, các Luật Doanh nghiệp trước đây (Luật Doanh nghiệp 1999, Luật Doanh nghiệp 2005) và Luật Doanh nghiệp hiện nay (Luật Doanh nghiệp 2014) đã được lần lượt ban hành để trả lời cho câu hỏi có bao nhiêu loại hình doanh nghiệp được phép thành lập ở Việt Nam và cách thức cũng như điều kiện để thành lập các loại hình doanh nghiệp này là như thế nào để các nhà đầu tư được tự do lựa chọn. Ví dụ, Luật Doanh nghiệp 2014 ghi nhận bốn loại hình doanh nghiệp ở nước ta là doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần và công ty hợp danh.
Quyền tự do kinh doanh không chỉ được thể hiện ở chỗ nhà đầu tư có được quyền lựa chọn mô hình doanh nghiệp, mà còn ở chỗ họ có quyền được kinh doanh những ngành nghề mà mình chưa đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay không. Theo Luật Doanh nghiệp 2005 thì doanh nghiệp không có quyền này, vì theo Điều 9 của Luật thì doanh nghiệp có nghĩa vụ kinh doanh theo đúng những ngành nghề đã được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là, theo Luật Doanh nghiệp 2005, có những ngành nghề tuy không bị pháp luật cấm nhưng nếu chưa được doanh nghiệp đăng ký với Nhà nước thì doanh nghiệp đó không được kinh doanh. Tóm lại, theo Luật Doanh nghiệp 2005 thì điều kiện tiên quyết để được kinh doanh một ngành nghề nào đó là việc ngành nghề đó phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quy định này rõ ràng là không còn phù hợp với tinh thần tự do kinh doanh của Hiến pháp 2013 nên đã được Luật Doanh nghiệp 2014 hủy bỏ và thay thế bằng một quy định mới, theo đó, doanh nghiệp được chủ động lựa chọn ngành nghề và được kinh doanh những ngành nghề đó với điều kiện nếu những ngành nghề đó là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì các điều kiện đó đã được doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ (Điều 8) mà không phụ thuộc vào việc ngành nghề đó đã được đăng ký với Nhà nước hay chưa (Điều 29). Rất nhiều khía cạnh khác của quyền tự do kinh doanh đã được Luật Doanh nghiệp 2014, với tư cách là một luật chuyên ngành, quy định cụ thể, rõ ràng, tiến bộ, thông thoáng hơn nhiều so với Luật Doanh nghiệp 2005 để góp phần đưa nguyên tắc tự do kinh doanh được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 vào cuộc sống.
  1.  
Ngoài ra, để quyền tự do kinh doanh được thực hiện trên thực tế thì một trong những vấn đề rất quan trọng mà hệ thống pháp luật cần phải giải quyết là việc phải xác định được một cách rõ ràng và đầy đủ các ngành, nghề bị cấm kinh doanh ở Việt Nam. Nhiệm vụ này tất nhiên không thuộc “trách nhiệm” của Hiến pháp và cũng không thuộc “chức năng” của Luật Doanh nghiệp mà thuộc “sứ mệnh” của một đạo luật khác là Luật Đầu tư. Thực hiện nhiệm vụ của mình, Luật Đầu tư 2014 đã xác định rõ ở Việt Nam hiện nay có sáu ngành nghề bị cấm kinh doanh, đó là:
a) Kinh doanh các chất ma túy (theo phụ lục);
b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật (theo phụ lục);
c) Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã (theo phụ lục); mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm Nhóm I có nguồn gốc từ tự nhiên (theo phụ lục);
d) Kinh doanh mại dâm;
đ) Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người;
e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người.
Đặc biệt là, Luật Đầu tư 2014 cũng đã khẳng định một nguyên tắc bất di bất dịch, theo đó, các luật chuyên ngành không được quyền quy định về các ngành nghề bị cấm kinh doanh, vì đây được coi là công việc thuộc “độc quyền” của Luật Đầu tư.
Ở Việt Nam, ngoài những ngành nghề bị cấm kinh doanh còn có những ngành nghề tuy không bị cấm, được kinh doanh nhưng doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện nhất định. Ngành, nghề này được gọi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nói về kinh doanh có điều kiện tức là nói về việc khi nào, với những điều kiện gì thì chủ thể có quyền mới được thực hiện (triển khai) trên thực tế các ngành nghề được làm. Ví dụ, theo quy định của pháp luật hiện hành thì các công dân, pháp nhân được thành lập ngân hàng thương mại để kinh doanh tín dụng. Nhưng đây là lĩnh vực kinh doanh đặc thù, chứa đựng nhiều rủi ro, đòi hỏi người kinh doanh phải được đào tạo một cách cơ bản về nghiệp vụ nên không phải ai cũng có thể làm được. Để hoạt động kinh doanh ngành nghề này đạt hiệu quả, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định rõ ràng, đầy đủ các điều kiện về năng lực chuyên môn, năng lực tài chính, năng lực quản lý và nhiều điều kiện khác, và chỉ khi nào hội đủ các điều kiện này thì các ngân hàng thương mại mới được kinh doanh tín dụng. Như vậy, tự do kinh doanh không có nghĩa là tự do thực hiện các công việc được làm mà không cần phải có bất cứ điều kiện gì. Việc quy định điều kiện kinh doanh không mâu thuẫn với quyền tự do kinh doanh, mà là yếu tố vô cùng cần thiết, không thể thiếu được để chủ thể có quyền thực hiện trên thực tế quyền tự do kinh doanh của mình. Trong thực tế, số ngành nghề kinh doanh bị cấm thì rất ít, còn các ngành nghề được kinh doanh có điều kiện thì rất nhiều. Hiện nay, theo danh mục được ban hành kèm theo Luật Đầu tư năm 2014 thì ở nước ta có 267 ngành nghề thuộc loại này.
  1. Vai trò của Bộ luật Dân sự 2015 trong việc thực hiện quyền tự do kinh doanh
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Bộ luật Dân sự giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện quyền tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013.Vai trò này được thể hiện ở những điểm cơ bản sau đây:
  1.  
  • Thứ nhất, Bộ luật Dân sự hoàn thiện chế định quyền sở hữu, đồng thời ghi nhận thêm các quyền tài sản khác của doanh nghiệp.
Cũng như mọi chủ thể khác của quan hệ pháp luật dân sự, các doanh nghiệp muốn hoạt động được thì phải có tài sản độc lập. Tính độc lập về mặt tài sản của doanh nghiệp phải được thể hiện thông qua các hình thức pháp lý nhất định, trước hết là quyền sở hữu và các loại quyền khác trên tài sản mà các nước gọi là các loại vật quyền khác. Bộ luật Dân sự 2005 quan tâm rất nhiều đến việc ghi nhận quyền sở hữu, trong khi đó lại không mấy “mặn mà” với việc ghi nhận các loại vật quyền khác. Điều này chắc chắn đã làm suy yếu tính độc lập về tài sản của doanh nghiệp, qua đó đã có ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Khắc phục tình trạng này, Bộ luật Dân sự 2015 đã dành hẳn một chương là Chương XIV để quy định về các loại vật quyền đối với tài sản của tổ chức, cá nhân, trong đó ngoài quyền sở hữu với tính chất là loại vật quyền cơ bản còn có quyền địa dịch (Mục 1, Chương XIV), quyền hưởng dụng(Mục 2, Chương XIV)và quyền bề mặt(Mục 3, Chương XIV). Có được các quyền này, tính độc lập về tài sản – một yêu cầu quan trọng hàng đầu của quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp đã được cải thiện một cách cơ bản.
  • Thứ hai, Bộ luật Dân sự ghi nhận sự bình đẳng giữa các chủ sở hữu tài sản.
Muốn được tự do trong kinh doanh thì một trong những điều kiện không thể thiếu được là các doanh nghiệp với tư cách là các chủ sở hữu tài sảnphải được Nhà nước đối xử một cách bình đẳng. Trong Hiến pháp 2013 cũng chỉ mới ghi nhận sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp với tư cách là các chủ thể kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế.Điều này có nghĩa là, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân hay kinh tế nhà nước khi tham gia quan hệ thị trường thì đều được Nhà nước đối xử như nhau trước pháp luật. Quy định này của Hiến pháp 2013 là cần thiết nhưng chưa đủ để bảo đảm sự bình đẳng của các doanh nghiệp trong giao lưu kinh tế vì sẽ không có sự bình đẳng thực sự nếu về mặt tài sản, các doanh nghiệp không được Nhà nước bảo hộ như nhau. Khắc phục tình trạng này, Bộ luật Dân sự 2015 đã ghi nhận quyền bình đẳng của mọi chủ sở hữu thông qua quy định tại khoản 1, Điều 3, theo đó mọi cá nhân, pháp nhân đều “được bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản”.
  • Thứ ba, Bộ luật Dân sự ghi nhận sự không hạn chế về số lượng và giá trị của tài sản thuộc quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân.
Sẽ không có tự do kinh doanh nếu các chủ thể kinh doanh, trong đó có doanh nghiệp, bị pháp luật hạn chế về giá trị và số lượng của tài sản mà mình muốn mong muốn có được trong khối tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Tóm lại, trong tự do kinh doanh có tự do quyết định quy mô của các giao dịch trên thương trường. Nếu điều này bị hạn chế bởi luật thì coi như không có tự do kinh doanh. Vì vậy, việc Bộ luật Dân sự 2015 tiếp tục đưa ra quy định, theo đó, cá nhân, tổ chức có quyền sở hữu đối với tài sản mà không bị hạn chế về số lượng và giá trị được coi là một bảo đảm pháp lý quan trọng cho việc thực thi quyền tự do kinh doanh ở nước ta (khoản 2, Điều 205).
3.2. Bộ luật Dân sự tăng cường cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền tự do hợp đồng.
Tự do hợp đồng là một trong những bộ phận cơ bản cấu thành nội dung tự do kinh doanh ở bất cứ đâu, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, không có tự do hợp đồng thì về cơ bản sẽ không có tự do kinh doanh. Nhận thức được mối quan hệ này, nhà lập pháp Việt Nam đã dành một sự quan tâm đặc biệt trong quá trình xây dựng phần thứ ba của Bộ luật Dân sự (Nghĩa vụ và hợp đồng). Sau đây là những quy định mới có ý nghĩa rất to lớn cho việc bảo đảm thực hiện quyền tự do hợp đồng ở nước ta:
  • Thứ nhất, Bộ luật Dân sự ghi nhận nguyên tắc, theo đó, việc giao kết hợp đồng với ai và với nội dung gì (quyền tự do thỏa thuận) là quyền của doanh nghiệp; không ai, kể cả cơ quan nhà nước, có thể can thiệp, trừ những trường hợp đặc biệt được quy định bởi luật (khoản 2, Điều 2; khoản 2, Điều 3).
  • Thứ hai, Bộ luật Dân sự ghi nhận một cách đầy đủ, rõ ràng, thống nhất các điều kiện để được đơn phương chấm dứt hợp đồng, đặc biệt là đã bổ sung điều kiện: “bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng”.
Hiện nay, theo Bộ luật Dân sự 2005 thì việc đơn phương chấm dứt hợp đồng có thể được thực hiện một cách tương đối dễ dàng. Nhận thức rằng, sẽ không có tự do kinh doanh nếu các quan hệ hợp đồng đã được thiết lập một cách hợp pháp lại có thể bị một bên tùy tiện đơn phương hủy bỏ, nhà lập pháp Việt Nam đã đưa ra các quy định để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này. Đặc biệt là, khoản 1, Điều 423 đã đưa ra quy định, theo đó, một bên chỉ có thể được đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu bên kia có hành vi vi phạm nghiêm trọng hợp đồng. Tại điều này cũng đưa ra định nghĩa thế nào là vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng để tránh sự hiểu và áp dụng nó một cách tùy tiện, chủ quan, không thống nhất trong thực tiễn.
  • Thứ ba, Bộ luật Dân sự đưa ra nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành, qua đó đảm bảothái độ tôn trọng hơn của Nhà nước đối với quyền tự do thỏa thuận của các bên trong giao kết, thực hiện các hợp đồng trong một số lĩnh vực kinh doanh đặc thù.
Bộ luật Dân sự 2005 đã có nhiều quy định đề cao sự tự do thỏa thuận của các bên trong giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể và đầy đủ về mối quan hệ giữa Bộ luật Dân sự với các đạo luật chuyên ngành như Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Kinh doanh bất động sản,… nên khi giao kết hợp đồng trong các lĩnh vực này thì quyền tự do thỏa thuận của các chủ thể đã không được đảm bảo ở mức độ cần thiết theo yêu cầu của thực tiễn. Ví dụ, Khoản 1, Điều 476 Bộ luật Dân sự 2005 viết“Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”. Quy định này đã dẫn đến hai cách hiểu rất khác nhau, liên quan đến quyền tự do thỏa thuận về lãi suất cho vay trong lĩnh vực ngân hàng. Quan điểm thứ nhất (chủ yếu là của các thẩm phán) cho rằng, lãi suất cho vay trong tất cả hợp đồng tín dụng phải chịu sự chi phối của Bộ luật Dân sự, tức là các bên có quyền tự do thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với từng khoản vay. Quan điểm thứ hai (chủ yếu là của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại) thì lại cho rằng, quy định về mức trần lãi suất cho vay này chỉ áp dụng trong việc giao kết các hợp đồng dân sự thông thường mà không áp dụng đối với các hợp đồng tín dụng ngân hàng. Cũng theo quan điểm này thì kinh doanh ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh đặc thù, do đó, để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của các ngân hàng thương mại, các bên có quyền thỏa thuận về lãi suất cho vay mà không thể bị giới hạn bởi lãi suất cho vay theo quy định nêu trên của Bộ luật Dân sự 2005. Trên thực tế, rất nhiều hợp đồng tín dụng ngân hàng đã bị tòa án tuyên bố vô hiệu do lãi suất cho vay được thỏa thuận trong các hợp đồng này đã vượt quá trần lãi suất do Bộ luật Dân sự quy định. Khắc phục tình trạng này, trên cơ sở có tính đến các đặc thù của một số lĩnh vực kinh doanh nói chung và kinh doanh ngân hàng nói riêng, nhà lập pháp Việt Nam lần đầu tiên đã ghi nhận một cách rõ ràng mối quan hệ giữa Bộ luật Dân sự (với tư cách là luật chung) với các luật cụ thể (với tư cách là luật chuyên ngành), theo đó, khi có sự khác nhau giữa Bộ luật Dân sự với luật chuyên ngành về một vấn đề thì ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành (khoản 1, Điều 4). Tư tưởng này cũng đã được khẳng định thêm một lần nữa tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, theo đó: “Lãi suất do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.
Như vậy, bằng việc cho phép các bên có sự tự do hơn trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong các lĩnh vực kinh doanh chuyên ngành, Bộ luật Dân sự 2015 đã góp phần to lớn vào việc tạo thêm cơ chế để thực hiện được quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp ở nước ta trong thời gian tới.
 
  • Thứ tư, Bộ luật Dân sự đã có quy định mới để hạn chế các trường hợp hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu do vi phạm hình thức.
Bộ luật Dân sự 2005 quy định rất nhiều trường hợp hợp đồng bị tuyên vô hiệu, trong đó có trường hợp vô hiệu do vi phạm hình thức. Ví dụ, một hợp đồng theo pháp luật phải được công chứng nhưng nếu yêu cầu này đã không được tuân thủ thì một bên có thể yêu cầu tòa án tuyên vô hiệu, cho dù trên thực tế, hợp đồng này đã được các bên thực hiện xong. Quy định này rõ ràng là cứng nhắc, không bảo đảm tính ổn định của quan hệ thị trường, gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tế, đặc biệt là đã khuyến khích, bảo vệ những người thiếu thiện chế, không trung thực trong giao lưu dân sự. Khắc phục tình trạng này, Bộ luật Dân sự 2015 đã đưa ra nhiều quy định, theo đó, trong một số trường hợp nhất định, với những điều kiện nhất định thì hợp đồng mặc dù có vi phạm về hình thức nhưng vẫn có thể được tòa án tuyên bố là không vô hiệu (Điều 129).
  • Thứ năm, Bộ luật Dân sự có nhiều quy định giúp các chủ thể quan hệ pháp luật dân sự nói chung và các doanh nghiệp nói riêng được dễ dàng, thuận lợi hơn trong việc giao kết, thực hiện hợp đồng. Ví dụ, theo quy định tại khoản 2, Điều 137 thì một pháp nhân có thể có hơn một đại diện theo pháp luật. Như vậy, quy định này đã chấm dứt tình trạng một pháp nhân chỉ có thể một người đại diện theo pháp luật, khắc phục được rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp lớn, có quy mô kinh doanh đa ngành, đa nghề, hoạt động ở nhiều vùng lãnh thổ khác nhau trong việc ký kết hợp đồng. Hiện nay, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 thì người được ủy quyền được hiểu chỉ có thể là cá nhân mà không thể là pháp nhân. Quy định này đã hạn chế quyền của doanh nghiệp trong việc ủy quyền cho pháp nhân khác thực hiện các công việc mà mình không thể thực hiện một cách trực tiếp, làm giảm khả năng giao kết hợp đồng trong điều kiện kinh doanh năng động hiện nay của các doanh nghiệp. Khắc phục tình trạng này, Bộ luật Dân sự 2015 đã bổ sung quy định mới rất quan trọng, có khả năng giúp doanh nghiệp được dễ dàng hơn trong việc giao kết các hợp đồng, đó là quy định tại khoản 1, Điều 134 và khoản 1, Điều 138, theo đó pháp nhân có thể là người đại diện theo ủy quyền.
3.3. Bộ luật Dân sự tăng cường cơ chế bảo vệ quyền dân sự.
Một trong những điểm mới mang tính bước ngoặt trong Hiến pháp 2013 là sự đề cao quyền con người, quyền công dân. Hiến pháp đã ghi nhận những quyền cơ bản, đồng thời xác định những cơ chế chủ yếu để bảo đảm thực hiện các quyền này, còn các đạo luật khác, trong đó có Bộ luật Dân sự, phải tìm ra và ghi nhận các cơ chế đặc thù để góp phần bảo vệ các quyền cơ bản của công dân, pháp nhân, trong đó có doanh nghiệp.
Sau đây là một số quy định mới nhằm tạo cơ sở pháp lý tốt hơn cho việc bảo vệ quyền dân sự của tổ chức, cá nhân, trong đó có doanh nghiệp:
  • Thứ nhất, giữa quyền tự do kinh doanh và cơ chế bảo vệ quyền tự do kinh doanh có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nếu pháp luật cho phép doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh mà lại không quy định đầy đủ các cơ chế, biện pháp để bảo đảm rằng, các quyền của doanh nghiệp phát sinh từ hoạt động kinh tế luôn được nằm trong sự bảo hộ của Nhà nước thì các doanh nghiệp cũng không thể yên tâm thực hiệncác hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh theo nguyện vọng của mình, và hậu quả là, quyền tự do kinh doanh sẽ không được triển khai một cách triệt để trong thực tiễn. Ví dụ, hiện nay, theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 thì doanh nghiệp có quyền tự quyết định ngành, nghề kinh doanh, kể cả khi các ngành, nghề đó chưa được Nhà nước quy định trong Hệ thống ngành nghề kinh tế của Việt Nam. Quy định như vậy là nhằm khuyến khích các doanh nghiệp luôn luôn tìm tòi, sáng tạo, có thể kinh doanh bất cứ việc gì do mình nghĩ ra mà không hạn chế hoạt động kinh doanh của mình trong các ngành nghề đang tồn tại. Tuy nhiên, quy định này của Luật Doanh nghiệp 2014 chắc chắn sẽ không được các doanh nghiệp hưởng ứng một cách nhiệt tình, bởi doanh nghiệp khó tránh khỏi tâm lý lo ngại rằng, khi kinh doanh các ngành nghề này mà xảy ra tranh chấp thì Nhà nước có thụ lý để giải quyết, qua đó bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hay không? Để đáp ứng yêu cầu này, Bộ luật Dân sự 2015 đã đưa ra quy định, theo đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó có tòa án, không được quyền từ chối giải quyết các vụ việc dân sự với lý do không có điều luật để áp dụng (khoản 2, Điều 14). Như vậy, Bộ luật Dân sự 2015 đã góp phần khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, tức là đã góp phần bảo đảm thực hiện quyền tự do kinh doanh thông qua sự cam kết của Nhà nước rằng, trong bất cứ trường hợp nào, kể cả khi không có điều luật để quy định, nhưng nếu doanh nghiệp đã tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh một cách hợp pháp, đem lại lợi ích cho mình và cho xã hội, thì quyền và lợi ích của họ cũng sẽ được Nhà nước bảo hộ bằng mọi biện pháp.
  • Thứ hai, Bộ luật Dân sự 2015 đã ghi nhận cơ chế mới trong việc bảo vệ quyền dân sự, theo đó, trong nhiều trường hợp, các quyết định hành chính còn có thể được xem xét lại theo thủ tục tư pháp tại tòa án.
Hiện nay, ở Việt Nam, nhiều vấn đề dân sự đang được giao cho các cơ quan hành chính giải quyết. Đây là điều không thể tránh khỏi do những đặc thù trong cơ cấu tổ chức và trong cơ chế quản lý của Nhà nước ta. Tuy nhiên, cơ chế này bên cạnh mặt tích cực cũng còn hàm chứa không ít hạn chế. Nếu cơ chế này tiếp tục tồn tại mà không có sự đổi mới thì chắc chắn sẽ cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, vì bản thân cơ chế giải quyết tranh chấp bằng con đường hành chính không bảo đảm các yêu cầu của quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự, như nguyên tắc công khai, minh bạch, độc lập của quá trình giải quyết tranh chấp. Chỉ có tòa án, với các quy định đặc thù trong tố tụng tư pháp, mới có thể bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Vì vậy, việc Bộ luật Dân sự 2015 đưa ra quy định, theo đó, các quyết định hành chính có thể được đưa ra xem xét lại tại các cơ quan tư pháp được coi là một quy định mới, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, qua đó tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện quyền tự do kinh doanh của mình (khoản 1, Điều 14).
  • Thứ ba, Bộ luật Dân sự 2015 bảo vệ sự công bằng, chống lại sự bất công trong các giao dịch dân sự, qua đó góp phần thúc đẩy thực hiện quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
 
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 thì các bên có nghĩa vụ thực hiện đúng các quyền, nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng. Đây là quy định hợp lý và cần thiết để bảo đảm trật tự trong giao lưu kinh tế, đồng thời góp phần bảo vệ một cách triệt để các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan. Tuy nhiên, thực tiễn vừa qua đã cho thấy, nếu trong mọi trường hợp pháp luật đều buộc các bên phải nghiêm chỉnh chấp hành quyền, nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng thì vô hình chung sẽ tạo ra sự bất công trong tương quan lợi ích giữa các bên. Ví dụ, trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu xuất hiện các tình tiết mới, hoàn cảnh mới mà khi ký kết hợp đồng các bên đã không thể lường trước được và nếu buộc phải tiếp tục thực hiện đúng hợp đồng thì một bên sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng. Xuất phát từ nguyên tắc thiện chí, hợp tác trong giao kết, thực hiện hợp đồng (khoản 3, Điều 3), nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, khắc phục tình trạng một bên trong hợp đồng bị thiệt hại, còn bên kia thì lại được lợi một cách không có căn cứ chính đáng, Bộ luật Dân sự 2015 đã đưa ra quy định mới tại Điều 420, theo đó, trong trường hợp nêu trên, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng, và khi yêu cầu đó bị từ chối thì có quyền yêu cầu tòa án căn cứ vào tình tiết cụ thể của vụ việc mà tuyên bố hủy hoặc sửa đổi hợp đồng. Quy định này là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với thực tiễn sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường với nhiều sự biến đổi không thể lường trước được, đồng thời cũng phù hợp với pháp luật và tập quán thương mại của nhiều nước trên thế giới. Ví dụ, ở Cộng hòa Liên bang Nga trước đây, suốt 70 năm tồn tại của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, trong Bộ luật Dân sự không hề có quy định này. Tuy nhiên, sau khi xây dựng nền kinh tế mới – nền kinh tế thị trường định hướng xã hội, Bộ luật Dân sự 1993 đã bổ sung quy định tại Điều 451: “Sửa đổi và hủy bỏ hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi một cách cơ bản”với nội dung như sau:
Điều 451. Sửa đổi và hủy bỏ hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi một cách cơ bản
1. Sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh, mà các bên xuất phát từ đó khi ký hợp đồng, sẽ là căn cứ để sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng, trừ trường hợp hợp đồng có quy định khác hoặc xuất phát từ bản chất của hợp đồng.
Sự thay đổi hoàn cảnh được coi là cơ bản khi các hoàn cảnh đó đã thay đổi đến mức mà nếu các bên đã có thể nhìn thấy trước được một cách hợp lý, thì hợp đồng đã không được ký kết hoặc được ký kết với những điều khoản khác một cách cơ bản.
2. Nếu các bên không đạt được sự thỏa thuận về việc làm cho hợp đồng phù hợp với những hoàn cảnh đã được thay đổi cơ bản, hoặc không đạt được sự thỏa thuận về việc hủy bỏ hợp đồng, thì theo đề nghị của bên có liên quan, hợp đồng có thể bị tòa án hủy bỏ và nếu có thêm các căn cứ được quy định tại Khoản 4 của điều này, thì có thể bị tòa án sửa đổi khi có đủ các điều kiện sau đây:
(a) Vào thời điểm giao kết hợp đồng, các bên đã xuất phát từ việc cho rằng sự thay đổi hoàn cảnh như vậy là không xảy ra;
(b) Sự thay đổi hoàn cảnh là do các nguyên nhân mà bên có liên quan không thể khắc phục được sau khi các chúng đã xảy ra, mặc dù đã thực hiện mọi biện pháp trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng và các điều kiện lưu thông;
(c) Việc thực hiện hợp đồng mà không có sự sửa đổi các điều khoản của nó sẽ phá vỡ sự tương quan về mặt lợi ích tài sản liên quan đến hợp đồng của các bên, và sẽ gây ra cho bên có liên quan một thiệt hại lớn đến mức có thể làm triệt tiêu mục đích mà bên này đã đặt ra khi giao kết hợp đồng.
(d) Tập quán thương mại, hoặc bản chất của hợp đồng không dẫn đến việc bên có liên quan phải gánh chịu rủi ro do có sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh.
3. Trong trường hợp hủy bỏ hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi một cách cơ bản, theo yêu cầu của bất kỳ bên nào, tòa án phải xác định hậu quả của việc hủy hợp đồng, xuất phát từ sự cần thiết phải phân chia một cách hợp lý các chi phí mà các bên đã bỏ ra trong quá trình thực hiện hợp đồng.
4. Việc sửa đổi hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi một cách cơ bản chỉ được tòa án quyết định trong những trường hợp đặc biệt, khi mà việc hủy bỏ hợp đồng mâu thuẫn với lợi ích xã hội hoặc gây ra cho các bên một sự thiệt hại lớn hơn nhiều so với các chi phí cần phải bỏ ra để thực hiện hợp đồng đã được tòa án điều chỉnh.
Qua nghiên cứu nội dung của điều này cho thấy, về cơ bản, quy định này cũng có nội dung tương tự như Điều 420 của Bộ luật Dân sự 2015 của Nhà nước ta.
Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp

Xem thêm »