Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực tổ chức lớp bồi dưỡng tại tỉnh Hà Nam

25/12/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Lớp bồi dưỡng được Trung tâm hỗ trợ và phát triển nguồn nhân lực tổ chức vào ngày 24/12/2020 với nội dung tập trung vào kỹ năng, nghiệp vụ quản lý lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội trong doanh nghiệp, lớp bồi dưỡng đã mang lại những kiến thức bổ ích cho cán bộ pháp chế các doanh nghiệp tại tỉnh Hà Nam. Lớp bồi dưỡng được thực hiện trong khuôn khổ của Chương trình 585.

Lớp bồi dưỡng nhằm trang bị cho lãnh đạo doanh doanh nghiệp, cán bộ quản lý và cán bộ pháp chế những kỹ năng, nghiệp vụ cơ bản về công tác pháp chế doanh nghiệp, bên cạnh đó còn trang bị các kiến thức chuyên ngành liên quan đến kỹ năng quản lý, sử dụng lao động, thực hiện các chế độ, chính sách pháp luật liên quan đến tiền lương, bảo hiểm xã hội. Lớp tập huấn có sự tham gia của 100 học viên là người quản lý, cán bộ phụ trách pháp chế, lao động tiền lương và bảo hiểm xã hội đại diện cho các doanh nghiệp triên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Nội dung bồi dưỡng chia thành 02 phần:
Phần 1: Bồi dưỡng các kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp và mộ số kỹ năng về quản lý sử dụng lao động như: Hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế để thực hiện các nhiệm vụ sau: soạn thảo, đàm phán, ký kết một số loại hợp đồng cụ thể (hợp đồng tín dụng, hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng thuê tài sản...); Kỹ năng giải quyết các tranh chấp thương mại trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng qua các vụ việc tranh chấp cụ thể; Kỹ năng tư vấn, giúp Lãnh đạo doanh nghiệp trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung điều lệ của doanh nghiệp; xây dựng và ban hành nội quy, quy chế của doanh nghiệp, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...và một số tình huống thực tiễn.
Phần 2: Kỹ năng nghiệp vụ, quản lý lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội trong doanh nghiệp gồm: Khái quát về kỹ năng nghiệp vụ quản lý lao động; Giới thiệu những quy định mới của Bộ luật lao động 2019 liên quan đến quản lý lao động: tuyển dụng lao động, thực hiện hợp đồng lao động và chấm dứt Hợp đồng lao động; đối thoai, thương lượng tập thể; kỹ luật lao động và trách nhiệm vật chất; giải quyết tranh chấp lao động; Giới thiệu quy định mới của Bộ luật lao động liên quan đến tiền lương và kỹ năng xây dựng thang bảng lương trong doanh nghiệp; Một số nghiệp vụ bảo hiểm xã hội trong doanh nghiệp liên quan đến quy định về đối tượng tham bảo hiểm xã hội và thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội: ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất.

Một số câu hỏi và ý kiến giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp tại lớp bồi dưỡng
Sau khi kết thúc nội dung lý thuyết về kỹ năng nghiệp vụ cho các bộ pháp chế doanh nghiệp và các quy định pháp luật liên quan đến , giảng viên có giải đáp một số vương mắc pháp lý cho doanh nghiệp. Rất nhiều vướng mắc liên quan đến pháp luật lao động (bộ luật lao động 2019), bảo hiểm xã hội đã được giảng viên giải đáp. Cụ thể nổi bật một số nhóm vướng mắc pháp lý sau:
Hỏi: Có doanh nghiệp hỏi doanh nghiệp muốn ký Hợp đồng lao động bằng phương thức điện tử với người lao động thì có giá trị pháp lý như hợp đồng văn bản giấy không .?
Trả lời
Điều 14 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định các hình thức hợp đồng lao động bao gồm giao kết hợp đồng bằng văn bản, lời nói trong đó quy định cụ thể như sau:
1. Đối với hợp đồng lao động được giao kết bằng văn bản thì phải được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản.
2. Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ các trường hợp sau:
2.1. Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động; trong trường hợp này, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và có hiệu lực như giao kết với từng người lao động. Hợp đồng lao động do người được ủy quyền ký kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú và chữ ký của từng người lao động.
2.2. Phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;
2.3. Người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình.
Cũng theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Bộ Luật lao động năm 2019 thì hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản
Hỏi: Việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động có bắt buộc phải ký kết hợp đồng mới không?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Bộ Luật lao động năm 2019 thì khi sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động hai bên có thể thỏa thuận ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới, chứ không bắt buộc ký kết hợp đồng mới.
Ngoài ra, luật cũng quy định trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc về nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.
Hỏi: Có doanh nghiệp hỏi Công ty chúng tôi có gần  1000 lao động, do tác động dịch bệnh vì vậy hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty  cũng bị tác động tiêu cực, ngày càng khó khăn, số lượng các đơn đặt hàng từ đối tác nước ngoài bị giảm nhiều. Công ty buộc phải tiến hành thu hẹp sản xuất, cắt giảm khoảng 200 lao động bị dôi dư không còn nhu cầu sử dụng để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều người lao động trong Công ty đang phải tạm thời ngừng việc chưa nhận được lương của Công ty. Công ty hiện tại đang lúng túng không biết chi trả tiền lương cho những lao động đang phải ngừng việc và tiến hành thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động như thế nào để đúng trình tự, thủ tục luật định. Vậy theo quy định Bộ luật lao động 2019 thì tôi xin hỏi:
1. Đối với những lao động phải ngừng việc do tác động dịch bệnh nguy hiểm thì việc thỏa thuận tiền lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc phải được thực hiện như thế nào ?
2. Công ty có quyền chấm dứt hợp đồng lao động với nhóm người lao động bị dôi dư do thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lao động không? Tại sao ?
3. Quyền lợi của những người lao động buộc phải cho thôi việc do thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động sẽ được giải quyết như thế nào ?
Trả lời:
1. Đối với những lao động phải ngừng việc do tác động dịch bệnh nguy hiểm thì việc thỏa thuận tiền lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc phải được thực hiện như thế nào ?
Trả lời:
Việc thỏa thuận tiền lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc do tác động của dịch bệnh nguy hiểm được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 99 BLLĐ 2019, cụ thể:
3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy him, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:
a) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu”
2. Công ty có quyền chấm dứt hợp đồng lao động với nhóm người lao động bị dôi dư do thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lao động không? Tại sao ?
Trả lời:
Công ty có quyền chấm dứt Hợp đồng lao động với nhóm người lao động bị dôi dư do thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động. Vì:
+ Điểm c Khoản 1 Điều 36 BLLĐ 2019 quy định Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động trong trường hợp Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;
Mặt khác Khoản 5 Điều 42 BLLĐ 2019 quy định nghĩa vụ của người sử dụng lao động là Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 47 của Bộ luật này
Như vậy Công ty có thể căn cứ vào điểm c Khoản 1 Điều 36 BLLĐ 2019 hoặc khoản 5 Điều 42 BLLĐ 2019 để thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động với nhóm người lao động bị dôi dư do thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động.
3. Quyền lợi của những người lao động buộc phải cho thôi việc do thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động sẽ được giải quyết như thế nào ?
Trả lời:
- Quyền lợi của những người lao động buộc phải cho thôi việc do thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động sẽ được giải quyết theo quy định tại khoản 5 Điều 42 BLLĐ 2019, cụ thể: Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 47 của Bộ luật này
- Điều 47 BLLĐ 2019 quy định trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động như sau:
1. Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại khoản 11 Điều 34 của Bộ luật này, cứ mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo him thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
3. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động mất việc làm
Hỏi: Trường hợp doanh nghiệp có người lao động đang tham gia đóng bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, cách đây 1 năm trước thời điểm đượ tuyển dụng vao làm việc tại công ty, người lao động có làm thêm tại một công ty khác và tham gia đóng BHXH. Vậy việc người lao động tham gia đóng BHXH đồng thời tại cả 2 công ty có phù hợp với quy định hay không? Việc đó có ảnh hưởng gì đến quyền lợi của người lao động sau này hay không ?
Trả lời:
Căn cứ Khoản 4 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
“4. Người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 của Luật này mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.”
Đồng thời, khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013 nêu rõ, trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Theo đó, khi giao kết hợp đồng cùng lúc với 2 công ty thì công ty đầu tiên có trách nhiệm tham gia BHXH, BHTN cho người lao động. Công ty thứ 2 sẽ trả tiền tham gia BHXH, BHTN trực tiếp vào lương bằng mức đóng BHXH, BHTN.
Như vậy, nếu bạn đồng thời làm việc và hưởng tiền lương, tiền công từ hai công ty trở lên thì bạn chỉ có thể đóng một BHXH tại nơi bạn giao kết hợp đồng lao động đầu tiên mà không được phép tham gia đóng BHXH cùng lúc ở nhiều công ty khác nhau. Do đó, việc bạn tham gia đóng BHXH đồng thời tại cả 2 công ty là không phù hợp với quy định của pháp luật. Số tiền tham gia BHXH tại công ty thứ 2 sẽ được hoàn trả theo quy định.
Cụ thể, mục 2.5 Khoản 2 Điều 2 Quyết định số 595/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam ngày 14.4.2017 về ban hành quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế (Quyết định số 595) quy định về việc hoàn trả như sau: Hoàn trả là việc cơ quan BHXH chuyển trả lại số tiền được xác định không phải tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc đóng thừa khi ngừng giao dịch với cơ quan BHXH; đóng trùng cho cơ quan, đơn vị, cá nhân đã nộp cho cơ quan BHXH.
Điểm e Mục 3.1 Khoản 3 Điều 43 Quyết định số 595 quy định việc hoàn trả tiền đóng BHXH như sau: Trường hợp 1 người có từ 2 sổ BHXH trở lên có thời gian đóng BHXH, BHTN trùng nhau thì cơ quan BHXH thực hiện hoàn trả cho người lao động số tiền đơn vị và người lao động đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất và số tiền đã đóng vào quỹ BHTN (bao gồm cả số tiền thuộc trách nhiệm đóng BHXH, BHTN của người sử dụng lao động), không bao gồm tiền lãi./.
Hỏi: Trường hợp doanh nghiệp người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc thì họ có thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Việt Nam không ?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP thì “Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.”
Tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP có quy định các trường hợp loại trừ, cụ thể: “Người lao động quy định tại khoản 1 Điều này không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
b) Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động.”
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì: “Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng.”
Như vậy, đối chiếu với các quy định nêu trên thì người lao động nước ngoài thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;
- Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam;
- Chưa đủ 60 tuổi đối với nam và chưa đủ 55 tuổi đối với nữ.
- Không thuộc đối tượng di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP, bao gồm người lao động là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật đang làm việc tại một doanh nghiệp nước ngoài, đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng và được cử sang làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam.




 
Đánh giá chung của các học viên tham gia lớp bồi dưỡng: đánh giá cao công tác tổ chức của Trung tâm bảo đảm tổ chức lớp bồi dưỡng chất lượng, chu đáo và thu hút được đông đảo doanh nghiệp tham gia.
Cán nội dung bồi dưỡng mang tính thời sự cao, trúng và đúng vào những những kỹ năng doanh nghiệp còn yếu và thiếu, đặc biệt là kỹ năng nghiệp vụ cho các bộ, pháp chế doanh nghiệp, kỹ năng quản lý sử dụng lao động.
Thông qua nội dung lớp bồi dưỡng, doanh nghiệp đã có nhận thức rõ hơn, sâu hơn về các kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết của cán bộ pháp chế doanh nghiệp, từ đó giúp cán bộ pháp chế thực hiện tốt hơn công tác tham mưu thực thi pháp luật trong doanh nghiệp trong đó có pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội.
Lớp bồi dưỡng cũng tổng hợp một số kiến nghị của doanh nghiệp như:
Hiện nay số lượng doanh nghiệp có cán bộ pháp chế chuyên trách rất khiêm tốn, thậm chí có doanh nghiệp mặc dù đã có cán bộ pháp chế nhưng kỹ năng, nghiệp vụ vẫn còn hạn chế do chưa được đào tạo, bồi dưỡng bài bản và hệ thống. Vì vậy, các học viên tham gia lớp bồi dưỡng đặc biệt là các cán bộ pháp chế kiêm nhiệm đều đánh giá rất cao các kiến thức về kỹ năng, nghiệp vụ cơ bản của một cán bộ pháp chế được giảng viên hướng dẫn. Cùng với đó, hệ thống pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội trong thời gian qua không ngừng được hoàn thiện qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung với nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Lĩnh vực pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội cũng là một trong lĩnh vực mà doanh nghiệp phải thực thi áp dụng hàng ngày trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, do vậy vướng mắc pháp lý phát sinh cũng diễn ra thường xuyên và phố biến ở hầu hết các loại hình doanh nghiệp. Đặc biệt, Bộ luật lao động 2019 được ban hành với rất nhiều điểm mới doanh nghiệp chưa hiểu rõ hết. Vì vậy, các doanh nghiệp tham gia lớp bồi dưỡng đều kiến nghị trong thời gian tới, Chương trình 585 tiếp tục quan tâm, hỗ trợ mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp, đồng thời lồng ghép với việc tư vấn, giải đáp pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội và các lĩnh vực pháp luật khác liên quan tới hoạt động doanh nghiệp để các vướng mắc của doanh nghiệp kịp thời được giải quyết cũng như giúp doanh nghiệp thực thi đúng pháp luật, hạn chế rủi ro pháp lý có thể xảy ra
Bên cạnh những quy định trong Bộ luật lao động 2019, thì Chính phủ cũng mới ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành, hiện tại doanh nghiệp vẫn chưa có điều kiện hiểu rõ hơn về các quy định trong Nghị định hướng dẫn Bộ luật lao động 2019, vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền trong thời gian tới sớm tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về nội dung các Nghị định hướng dẫn Bộ luật lao động 2019 và những lưu ý khi thực hiện.
​                                                                                                      Phạm Nguyệt Hằng

Xem thêm »