VAI TRÒ CỦA LUẬT SƯ TRONG VIỆC BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA DOANH NGHIỆP TRONG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT - KINH DOANH

27/12/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Hiện nay, sự giao lưu giữa các nước trên thế giới ngày càng mở rộng theo xu hướng khu vực hóa và toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới. Tình hình này khiến cho các nước không chỉ bó hẹp hoạt động kinh tế của mình trong phạm vi quốc gia mà còn phải tham gia và

Hiện nay, sự giao lưu giữa các nước trên thế giới ngày càng mở rộng theo xu hướng khu vực hóa và toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới. Tình hình này khiến cho các nước không chỉ bó hẹp hoạt động kinh tế của mình trong phạm vi quốc gia mà còn phải tham gia vào các hoạt động kinh tế toàn cầu hoặc khu vực nhằm tận dụng mọi thế so sánh. Khoảng thời gian gần đây, báo chí đã đề cập đến nhiều các vụ tranh chấp kinh doanh có tính chất phức tạp như: vụ kiện thương hiệu cà phê Trung Nguyên,vụ kiện chống bán phá giá cá tra tại Mỹ năm 2002, vụ kiện tôm nước ấm đông lạnh năm 2010,… mà sự thua thiệt thường nghiêng về phía doanh nghiệp không am hiểu pháp luật và thông lệ quốc tế. Chính sự giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng và phức tạp thì càng đòi hỏi phải có kiến thức pháp luật thích hợp để tham gia vào các mối quan hệ đó. Bởi vậy, bên cạnh cơ chế của nhà nước, luật sư với vai trò là những người có phẩm chất, năng lực, nắm vững và vận dụng thích ứng các quy định pháp luật đóng vai trò tối quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
1. Khái niệm luật sư.
Tại Việt Nam, Luật Luật sư được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 22/6/2006, trong đó Điều 2 quy định: "Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật này, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức...". Hành nghề luật sư là việc luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và làm các dịch vụ pháp lý khác theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
2.Vai trò của luật sư trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
2.1. Vai trò của luật sư
Về cơ chế pháp lý, luật sư Việt Nam ra đời từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được thành lập năm 1945. Nghề luật sư chỉ được biết đến là một nghề từ năm 1987 khi Pháp lệnh tổ chức luật sư được ban hành. Với quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 10/10 là ngày truyền thống Luật sư Việt Nam, nghề luật sư chính thức được tôn vinh là một nghề có bề dày truyền thống, cần được củng cố và giữ gìn. Trong nội dung các Pháp lệnh Luật sư năm 1987, năm 2001 và Luật Luật sư năm 2006 đều có các qui định khuyến khích các luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư gắn bó với doanh nghiệp, trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp để doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả và đúng pháp luật. Ngày 28/05/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP về Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp . Nổi bật trong thời kỳ hội nhập là Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 18/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển đội ngũ luật sư Việt Nam phục vụ hội nhập quốc tế. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật luật sư 2012 một lần nữa ghi nhận luật sư có thể giúp đỡ doanh nghiệp một cách toàn diện, trong tất cả các khâu hoạt động, ở mọi giai đoạn, thông qua các nghiệp vụ về tư vấn, dịch vụ pháp lý, đại diện và tham gia tố tụng.
Về phía các doanh nghiệp, hoạt động thương mại có liên quan trực tiếp đến nền kinh tế và sự thịnh vượng của quốc gia. Ở góc độ quốc gia, mối quan hệ giữa các cá nhân, tổ chức kinh doanh không chỉ thể hiện ở hoạt động trao đổi mua bán hàng hóa mà còn biểu hiện trong các giao dịch đa dạng, liên quan chặt chẽ đến hoạt động mua bán đó như giao nhận, chuyên chở hàng hóa, môi giới kí hợp đồng, bảo hiểm quốc tế, tài trợ tài chính ngắn hạn,…Ở góc độ quốc tế, quá trình tự do thương mại toàn cầu mở ra những cơ hội mới cho các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển khi tham gia vào các giao dịch quốc tế nhằm xuất khẩu hàng hóa , dịch vụ, vốn và nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, vốn cần thiết cho nước mình. Tại Việt Nam, một trong những mục tiêu của quá trình đổi mới, hội nhập, xây dựng Nhà nước pháp quyền là làm cho “dân giàu, nước mạnh” và trong quá trình này vai trò của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cơ sở sản xuất rất to lớn và quan trọng. Có thể nói, tất cả đường lối, chính sách đối nội cũng như đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta đều nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển nền kinh tế của đất nước.
Môi trường và cơ chế pháp luật ngày càng đầy đủ tạo ra những cơ sở pháp lý cần thiết để giới luật sư và giới doanh nhân cùng bắt tay thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. So với các chủ thể tham gia hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thì luật sư là đội ngũ được trang bị đầy đủ các kiến thức về pháp luật nói chung và pháp luật về doanh nghiệp nói riêng, ngoài ra đa số luật sư đều đã qua đào tạo nghề nên có nhiều kỹ năng trong việc tư vấn pháp luật. Luật sư cũng là đội ngũ tiên phong, thường xuyên theo kịp với các văn bản pháp luật mới ban hành. Vì vậy, nếu luật sư tham gia hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp sẽ đem lại hiệu quả cao, đáp ứng được phần lớn nhu cầu pháp lý của các doanh nghiệp hiện nay.
2.2. Hình thức hỗ trợ
Luật sư có thể tham gia hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp dưới rất nhiều hình thức khác nhau: tự mình tham gia; thông qua tổ chức xã hội nghề nghiệp (văn phòng luật sư, công ty luật); tham gia với tư cách thành viên của Đoàn luật sư; tham gia với tư cách chuyên gia do Hiệp hội doanh nghiệp hoặc Sở Tư pháp mời tại các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, các buổi hội thảo, tọa đàm. Cụ thể:
Một là, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp. Cách thức hỗ trợ pháp lý này thường được các luật sư thực hiện thông qua việc phối hợp cùng với các tổ chức, như: Hiệp hội doanh nghiệp tại các tỉnh; Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ; các hiệp hội có tính chất chuyên ngành, theo lĩnh vực hoạt động (Hiệp hội da giầy, Hiệp hội dệt may,…); hoặc Sở Tư pháp tại các địa phương.
Hai là, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp. Đây là cách thức tư vấn pháp luật tại chỗ hoặc bằng văn bản, qua điện thoại, qua mạng internet. Cách thức hỗ trợ pháp lý này có thể kết hợp với các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại doanh nghiệp.
Ba là, hướng dẫn, đưa ra ý kiến tư vấn, giúp doanh nghiệp soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ. Đây là một trong những cách thức được nhiều doanh nghiệp quan tâm, bởi thông thường chỉ khi có vấn đề phát sinh liên quan đến pháp lý thì doanh nghiệp mới cần ý kiến tư vấn của luật sư.
Bốn là, tư vấn cho doanh nghiệp trong việc áp dụng đúng pháp luật.Luật sư có thể tiến hành tư vấn cho doanh nghiệp trong việc áp dụng đúng pháp luật như: tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, tư vấn bằng văn bản, tư vấn trực tuyến qua mạng internet,…
Năm là, cung cấp thông tin pháp lý liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cách thức này thường được luật sư thực hiện thông qua các tổ chức hành nghề luật sư của mình (văn phòng luật sư hoặc công ty luật) bằng việc đăng tải các văn bản pháp lý trên trang web của tổ chức hành nghề luật sư.
Sáu là, tham gia tranh tụng tại Tòa án hoặc thương lượng hòa giải tại cơ quan trọng tài. Luật sư với vai trò là người đại diện cho doanh nghiệp nếu có những tranh chấp không tự giải quyết được cần phải đưa ra cơ quan trọng tài hoặc Tòa án. Người đứng đầu doanh nghiệp có thể trở thành bị can, bị cáo trong vụ án hình sự nếu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật hình sự như: trốn thuế; cố ý làm trái các qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm các qui định về quản lý và sử dụng đất đai;…Lúc này, luật sư chính là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tốt nhất cho doanh nghiệp.
2.3. Nội dung hỗ trợ
Các doanh nghiệp khác nhau có nhu cầu hỗ trợ pháp lý với những nội dung khác nhau, cụ thể:
 Thứ nhất, đối với doanh nghiệp khi mới thành lập, các chủ doanh nghiệp cần được hỗ trợ để lựa chọn được loại hình kinh doanh phù hợp với khả năng, năng lực tài chính và nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tư vấn hỗ trợ về thủ tục thành lập doanh nghiệp, thủ tục đăng ký kinh doanh,…
Thứ hai, đối với doanh nghiệp đang hoạt động, các chủ doanh nghiệp cần được hỗ trợ để tư vấn về quản trị, điều hành doanh nghiệp, tư vấn giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, tư vấn về chia tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp. Nội dung cần hỗ trợ cụ thể liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: đàm phán, soạn thảo, giao kết và thực hiện hợp đồng; pháp luật về cạnh tranh; pháp luật về hải quan, phí, lệ phí; pháp luật về môi trường; pháp luật về đất đai và kinh doanh bất động sản; pháp luật về thương mại quốc tế; pháp luật về đầu tư; pháp luật về đấu thầu, xây dựng; pháp luật về lao động; pháp luật về tài chính doanh nghiệp; pháp luật về tín dụng;…
Thứ ba, đối với doanh nghiệp đang trong quá trình giải thể, phá sản. Các doanh nghiệp này rất cần được hỗ trợ pháp lý về: quy trình, thủ tục giải thể, phá sản; các nghĩa vụ pháp lý mà doanh nghiệp phải thực hiện khi giải thể, phá sản; các chủ doanh nghiệp cũng cần biết rõ về quyền đòi nợ của chủ nợ khi doanh nghiệp phá sản; các khoản thuế phải nộp trong trường hợp doanh nghiệp bị giải thể, phá sản;…
3. Thực trạng và kiến nghị
3.1. Thực trạng
Những năm qua, luật sư ở các địa phương đã tham gia bào chữa, bảo vệ, tư vấn, dịch vụ pháp lý, đại diện ngoài tố tụng. Các luật sư đã phối hợp với các Sở, ban, ngành của tỉnh thực hiện tốt các chương trình tuyên truyển giáo dục pháp luật của Sở Tư pháp, thực hiện nhiều chương trình giải đáp pháp luật trên Đài Phát thanh và Truyền hình của địa phương, tham gia đóng góp ý kiến cho các dự án luật theo yêu cầu của Đoàn Đại biểu Quốc hội... Bên cạnh những thuận lợi kể trên, cũng có không ít những khó khăn mà luật sư gặp phải khi thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý, cụ thể: số luật sư còn hạn chế  là (0,66 luật sư/1 khu công nghiệp và cụm công nghiệp); lượng luật sư chuyên tư vấn cho doanh nghiệp có kiến thức chuyên môn về pháp luật doanh nghiệp, thực sự giỏi và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này không phải nhiều; chất lượng luật sư vẫn chưa đồng đều, còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ, trình độ am hiểu về thương mại Quốc tế và kỹ năng tư vấn, giải quyết tranh chấp thương mại Quốc tế trong khi nhu cầu cần hỗ trợ của các doanh nghiệp lại là rất lớn; hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp không phải là yêu cầu bắt buộc đối với các luật sư, cho nên nhiều luật sư không muốn tham gia vì số tiền hỗ trợ không đáng kể. Ngoài ra, tuy hiện nay điều kiện để chủ doanh nghiệp tiếp cận thông tin pháp lý, cũng như việc cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới đã dễ dàng hơn rất nhiều nhưng sự biến động, thay đổi của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp cũng khiến cho nhu cầu cần được hỗ trợ pháp lý của các doanh nghiệp ngày càng trở nên bức thiết hơn.
3.2. Kiến nghị
Ở các nước phát triển, nhận sự trợ giúp pháp lý từ phía luật sư đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của cả cá nhân và pháp nhân. Nhiều gia đình có luật sư riêng và hầu hết các doanh nghiệp đều tuyển luật sư tới làm việc cho mình hoặc ký hợp đồng với các luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp. Do vậy, ở các nước phát triển trao đổi với doanh nghiệp, người ta thường thấy ý kiến doanh nghiệp là: tôi hỏi luật sư của tôi đã. Trong khi đó, ở Việt Nam, nhiều luật sư không hiểu các doanh nghiệp đang cần gì ở mình cũng như phần lớn các doanh nghiệp chưa hiểu nghề luật sư; các luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư có thể giúp được gì cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để thay đổi trong nhận thức làm thay đổi trong hành động, cần làm tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động luật sư. Nhà nước hoàn thiện thể chế về luật sư hành nghề luật sư và triển khai có hiệu quả các văn bản pháp luật hiện hành về luật sư và hành nghề luật sư .
Thứ hai, đổi mới nội dung, phương thức quản lý luật sư của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư. Đổi mới phương thức quản lý nhà nước về luật sư, nhanh chóng tin học hóa quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư bằng việc xây dựng phần mềm quản lý và trang web về luật sư và hành nghề luật sư trong cả nước. Phân định rõ nội dung quản lý nhà nước và phân cấp mạnh mẽ cho cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong việc quản lý về luật sư.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng nhiều biện pháp: đổi mới hình thức, phương pháp; quan tâm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng; thường xuyên đánh giá hiệu quả công tác;....nhằm tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục và động viên quần chúng nhân dân nói chung cũng như doanh nghiệp nói riêng chấp hành Hiến pháp và pháp luật, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thứ tư, Nhà nước và Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần tích cực tổ chức các cuộc giao lưu, tuyên truyền, tập huấn, các hội thảo khoa học với sự tham gia của giới luật sư và giới doanh nhân ở các vùng, miền, các ngành khác nhau, vừa phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vừa đáp ứng nguyện vọng của các luật sư và doanh nhân.
Tóm lại, luật sư với năng lực và trình độ, hiểu biết của mình về pháp luật sẽ là một trong những nhân tố tích cực giúp các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và những doanh nghiệp đóng trên địa bàn từng địa phương nói riêng thấu hiểu được tầm quan trọng của luật pháp, cũng như vai trò của việc tư vấn pháp luật trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc nắm được pháp luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào một sân chơi bình đẳng với tính cạnh tranh khốc liệt của thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, nơi mà các doanh nghiệp trong và ngoài nước được thỏa sức thể hiện năng lực, chứng tỏ vị thế của từng doanh nghiệp trên thương trường. Luật sư và doanh nghiệp, họ cần nhau như tất yếu trong  nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vì  mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp

Xem thêm »