Xem cỡ chữ
Đọc bài viết
In trang
KHI DOANH NGHIỆP CHUNG TAY VÌ PHÁP LUẬTTrong xu hướng toàn cầu hoá hiện nay, việc doanh nghiệp hiểu biết đúng pháp luật và sử dụng pháp luật vào trong quá trình sản xuất kinh doanh là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa coi trọng yếu tố pháp luật, họ tập trung vào kTrong xu hướng toàn cầu hoá hiện nay, việc doanh nghiệp hiểu biết đúng pháp luật và sử dụng pháp luật vào trong quá trình sản xuất kinh doanh là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa coi trọng yếu tố pháp luật, họ tập trung vào kinh doanh mà có khi không biết là việc đó có đúng pháp luật hay không? Hoặc có thể chủ doanh nghiệp biết việc đó là vi phạm nhưng chưa biết mức độ nghiêm trọng như thế nào nên dẫn đến cố tình vi phạm. Một số chủ doanh nghiệp có tư tưởng cứ làm rồi đến khi vụ việc xảy ra, vi phạm pháp luật rồi mới nhờ đến luật sư hoặc nhờ các mối quan hệ để can thiệp. Từ đó dẫn đến nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp, cho xã hội và tùy theo mức độ có nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp đã bị truy tố trước pháp luật.
Có cần thiết phải hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp?
Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng ở Việt Nam hiện nay, công tác Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi một trong những đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là bảo đảm tính tối cao của luật, mọi tổ chức, cá nhân đều phải tuân thủ pháp luật. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến công tác PBGDPL, thể hiện qua các chỉ thị, nghị quyết... tuy nhiên, đây là một lĩnh vực khó nên hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, hiệu quả còn hạn chế trong quá trình thực hiện. Thực tế hiện nay, công tác tuyên truyền, PBGDPL được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau, mỗi Bộ ngành, địa phương có cách làm riêng và sử dụng kinh phí riêng nên chưa tạo thành một hệ thống đồng bộ. Hiện nay cả nước có hơn 300.000 doanh nghiệp, hàng năm đóng góp lớn vào ngân sách, giải quyết hàng chục triệu lao động cho xã hội, ngoài một phần nhỏ các doanh nghiệp lớn có bộ phận pháp chế hoặc văn phòng luật sư hỗ trợ, còn lại một tỉ lệ lớn các chủ doanh nghiệp vẫn làm theo thói quen, chưa có điều kiện để tiếp xúc một cách đầy đủ với hệ thống thông tin pháp luật. Vì vậy việc ban hành nghị định 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và tiếp theo là quyết định số 585/QĐ-TTg ký ngày 5/5/2010 phê duyệt chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp là rất cần thiết, từng bước giúp giải tỏa những bức xúc từ phía cộng đồng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với các thông tin pháp lý và hưởng được một số hỗ trợ pháp lý cần thiết từ các cơ quan ban ngành.
Giải pháp qua hình thức xã hội hóa công tác tuyên truyền
Sự cần thiết của một chính sách đồng bộ của Chính phủ về việc hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp là không phải bàn cãi, tuy nhiên, hỗ trợ như thế nào và tuyên truyền phổ biến pháp luật đến với doanh nghiệp sao cho hiệu quả lại là một bài toán lớn cần phải giải. Dưới góc độ một doanh nghiệp là đối tượng chính được hướng tới trong Chính sách này của Chính phủ, phạm vi bài viết này chúng tôi đưa ra những quan điểm để cùng thảo luận về công tác xã hội hóa tuyên truyền, PBGDPL thông qua các chương trình trên truyền hình.
Theo chúng tôi được biết, chủ trương liên kết huy động nhiều nguồn lực trong xã hội để giúp làm phong phú, đa dạng thêm cho các chương trình truyền hình đã được Nhà nước khuyến khích trong vài năm gần đây. Thời gian trước, các chương trình truyền hình chủ yếu là do các đài truyền hình tự sản xuất theo kế hoạch phát sóng và theo năng lực của từng đài, tuy nhiên điều kiện nhân sự, hệ thống máy móc, khả năng tài chính của từng đài rất khác nhau và còn nhiều khó khăn nên các chương trình chưa được đa dạng. Vì vậy việc góp mặt của các đơn vị tư nhân tham gia vào quá trình liên kết sản xuất chương trình truyền hình, được gọi vắn tắt là xã hội hóa, đã góp phần mang một luồng sinh khí mới, giúp đổi mới tư duy và hiệu quả thu hút khán giả cao hơn thông qua đó mang lại lợi ích cho các bên là khán giả, đài truyền hình, công ty tham gia liên kết và cho xã hội.
Từ vấn đề chung, chúng ta đi vào thảo luận vấn đề cụ thể hơn, đó là liệu có cần thiết phải xã hội hóa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật? Pháp luật là một lĩnh vực đòi hỏi phải đảm bảo sự khoa học, chính xác, tính nguyên tắc, tính hợp lý và lại mang tính nhân văn nên việc tuyên truyền pháp luật là một lĩnh vực khó. Có rất nhiều phương tiện để có thể truyền tải thông tin tuyên truyền như báo giấy, tạp chí, internet, quảng cáo trực quan, tờ rơi, phát thanh, truyền hình... mỗi phương tiện có một thế mạnh riêng trong đó nổi bật là phương tiện truyền hình với khả năng kết hợp cả âm thanh, hình ảnh, màu sắc giúp nội dung tuyên truyền được sinh động hơn và có thể tác động tới hàng triệu người xem cùng một lúc. Có thể nói, thời gian qua công tác xã hội hóa các chương trình truyền hình về chủ đề PBGDPL đã thu hái được kết quả tương đối khả quan. Trên sóng truyền hình chúng ta có các chương trình như gameshow Chắp Cánh Thương hiệu (VTV3 – tuyên truyền luật Sở hữu trí tuệ), Tôi yêu Việt Nam (VTV3 – tuyên truyền về luật giao thông), Chuyện không của riêng ai (HTV7 – Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh), chính sách thuế với cuộc sống (H1 - Đài truyền hình Hà Nội) ... Thông thường hoạt động xã hội hóa các chương trình triển khai theo hình thức đài truyền hình đứng ra chủ trì, chịu trách nhiệm nội dung, kiểm duyệt chương trình phát sóng, các Bộ ban ngành liên quan là các đơn vị phối hợp, giám sát về nội dung, còn các công ty truyền thông tư nhân đóng vai trò từ khâu nghĩ ra kịch bản chương trình, biên tập chương trình, kêu gọi các doanh nghiệp tài trợ, đóng góp kinh phí sản xuất và phát sóng chương trình. Phần đạo diễn, quay phim, tổ chức sản xuất chương trình thì tùy từng trường hợp cụ thể mà Đài truyền hình phụ trách hoặc công ty truyền thông phụ trách, hoặc 2 bên cùng phối hợp với nhau. Chương trình Tôi yêu Việt Nam được đánh giá cao bởi cách thể hiện ngắn gọn, gần gũi với mọi người dân, cùng với những tình huống thực tế giúp luật giao thông đường bộ đi vào lòng người xem. Chương trình Chắp cánh thương hiệu có cách thức tuyên truyền luật Sở hữu trí tuệ dưới một hình thức mới là Gameshow (trò chơi truyền hình) giúp cho cách thể hiện tương đối sống động, mặc dù không tạo thành một chương trình thu hút đông đảo người xem nhưng đã thành công trong việc hướng tới đối tượng là các doanh nghiệp và thu hút được hàng trăm doanh nghiệp tham gia vào chương trình. Chương trình Chắp cánh thương hiệu là một đề án được đánh giá tốt bởi sau 2 năm được hỗ trợ từ Ngân sách, công ty truyền thông phụ trách chương trình đã từng bước chủ động nguồn kinh phí từ xã hội hóa và duy trì được hơn 3 năm, hiện nay vẫn đang phát sóng đều đặn hàng tuần trên VTV3, đây là một thành công rất đáng khích lệ của hoạt động tuyên truyền pháp luật.
Trên cơ sở một vài ví dụ đã nêu trên, với kinh nghiệm là người đã trực tiếp tham gia vào công tác xã hội hóa tuyên truyền pháp luật, theo tôi việc tuyên truyền hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên sóng phát thanh truyền hình theo quyết định số 585/QĐ-TTg ký ngày 5/5/2010 triển khai thực hiện theo hình thức xã hội hóa sẽ mang lại hiệu quả cao. Chương trình tuyên truyền hướng tới các đối tượng là chủ doanh nghiệp, cán bộ nhân viên của các doanh nghiệp, họ đều là những người có trình độ nên cách thức thể hiện chương trình cần phải sáng tạo, có tính mới, nội dung cung cấp thông tin về pháp luật phải linh hoạt, có chiều sâu nhưng không khô cứng, cần nêu bật những lý luận, những thực tiễn và những bài học kinh nghiệm mà doanh nghiệp quan tâm. Tôi tạm đề xuất một công thức của hoạt động xã hội hóa công tác tuyên truyền để đảm bảo hiệu quả cao như sau:
Xã hội hóa tuyên truyền hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp = Bộ Tư Pháp chủ trì (giao cho một đơn vị chuyên trách như Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp chịu trách nhiệm và giám sát) + Đài truyền hình chịu trách nhiệm về nội dung, sản xuất, kiểm duyệt chương trình + một công ty truyền thông tư nhân có đủ năng lực, kinh nghiệm để sáng tạo ý tưởng kịch bản chương trình, phối hợp sản xuất chương trình, kêu gọi các doanh nghiệp đóng góp kinh phí sản xuất chương trình, tuyên truyền thu hút khán giả quan tâm đến chương trình.
Vai trò của các bên trong công thức trên như sau:
Đài truyền hình: Sắp xếp kênh, thời gian, thời lượng phát sóng chương trình; phối hợp xây dựng đề cương kịch bản thực hiện chương trình; trực tiếp đài chịu trách nhiệm nội dung; biên tập nội dung, sản xuất chương trình; kiểm duyệt chất lượng hình ảnh, băng hình, nội dung trước khi phát sóng chương trình.
Bộ Tư pháp là đơn vị chủ trì giao cho Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp là đơn vị đầu mối: Phối hợp trong công tác xây dựng đề cương chương trình, biên tập nội dung chi tiết của chương trình; Hỗ trợ cung cấp các tư liệu về pháp lý liên quan tới doanh nghiệp; Chuyên gia của Bộ Tư Pháp, CLB pháp chế doanh nghiệp là cố vấn của chương trình, duyệt nội dung trước khi ghi hình chương trình; Giám sát nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà Nước cho việc thực hiện chương trình; quản lý, giám sát quá trình sản xuất, phát sóng chương trình đảm bảo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, đúng pháp luật.
Công ty truyền thông tư nhân: Sáng tạo ý tưởng thực hiện chương trình, lập kế hoạch thực hiện chương trình trong thời gian 3 năm; Chịu trách nhiệm lên đề cương kịch bản chương trình, các giải pháp để thực hiện chương trình đảm bảo hấp dẫn; Tổ chức đội ngũ biên tập nội dung chương trình (am hiểu về lĩnh vực pháp luật và kinh doanh) để phối hợp cùng với Đài truyền hình, Bộ Tư Pháp sản xuất chương trình; Trực tiếp kêu gọi các doanh nghiệp hưởng ứng tham gia chương trình, đóng góp một phần kinh phí để thực hiện chương trình, đảm bảo triển khai chương trình thành công; thực hiện các hoạt động truyền thông kèm theo để xã hội, doanh nghiệp, công chúng quan tâm, theo dõi chương trình.
Vai trò của ba bên trong công thức trên khá rõ ràng, phát huy được thế mạnh chuyên môn, thể hiện rõ được vai trò, trách nhiệm của từng bên tham gia, đảm bảo tính khách quan, có thực hiện, có kiểm tra, giám sát. Như vậy mặt tích cực của việc xã hội hóa là rất lớn, sẽ giúp đảm bảo phát huy được nhiều nguồn lực trong xã hội, giúp quản lý việc chi ngân sách cho công tác tuyên truyền một cách tiết kiệm, hiệu quả và đặc biệt là mang đến chất lượng cao cho chương trình từ đó nâng cao hiệu quả tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật theo đúng mục tiêu đã đề ra.
Mặt trái của hoạt động xã hội hóa truyền hình hiện nay là một số chương trình chưa phát huy được hiệu quả cao như mong muốn do một số đơn vị quá tập trung đến lợi ích trước mắt mà chưa chú ý đúng mức đến lợi ích của khán giả khiến cho một số chương trình mang tính thương mại, chưa thực sự hữu ích. Nguyên nhân từ hiện trạng này cũng có nhiều nhưng chủ yếu là nguyên nhân từ việc các doanh nghiệp muốn làm lợi nhanh, một số kênh truyền hình trả tiền phát triển nóng nên các đài truyền hình chưa thể quản lý chặt chẽ và một nguyên nhân nữa là hoạt động xã hội hóa có một thời gian phát triển tự do, thiếu một hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh.
Vào ngày 28/5/2009, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kịp thời ban hành thông tư số 19/2009/TT- BTTTT điều chỉnh trực tiếp việc liên kết trong hoạt động sản xuất chương trình và hoạt động liên kết sản xuất chương trình truyền hình đã chính thức được pháp luật công nhận. Có thể nói Thông tư này ra đời mới được hơn 1 năm, cần phải có thời gian để đi vào thực tiễn nhưng là rất cần thiết, đáp ứng được nhu cầu thực tế, giúp cho hoạt động xã hội hóa truyền hình được nhìn nhận một cách công bằng và giúp phát triển đúng hướng.
Lời kết
Qua phân tích trên, chúng tôi thể hiện rõ một quan điểm là quyết định 585 của Chính Phủ được ban hành là một chính sách cần thiết, là một động lực cho sự phát triển lành mạnh, bền vững của cộng đồng doanh nghiệp. Để chính sách phát huy được hiệu quả thì cần chung tay của doanh nghiệp với pháp luật thông qua hình thức xã hội hóa hoạt động tuyên truyền pháp luật, giúp cho doanh nghiệp tiếp cận với hệ thống thông tin pháp lý một cách dễ dàng và đầy đủ. Nhằm phát huy được tối đa những lợi ích và giảm thiểu mặt trái từ việc xã hội truyền hình, đòi hỏi các Đài truyền hình, công ty truyền thông tham gia trực tiếp sản xuất chương trình phải đề cao tinh thần trách nhiệm, sự chính xác, sức sáng tạo trong quá trình tuyên truyền hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp dưới sự chủ trì, giám sát chặt chẽ của Bộ Tư Pháp để đảm bảo phát huy cao hiệu quả tuyên truyền và đúng pháp luật.
Trịnh Thị Thúy Nga,
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp