CÁC TỔ CHỨC ĐẠI DIỆN CHO DOANH NGHIỆP TRONG CÔNG TÁC HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP VÀ MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ BỘ TƯ PHÁP

06/11/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp (DN) được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập theo quy định của pháp luật, hoạt động theo pháp luật và Điều lệ của tổ chức mình. Những năm qua, nhiều tổ chức đại diện cho doanh nghiệp được thàn

1. Vai trò của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
            Các tổ chức hội, hiệp hội, Câu lạc bộ đại diện cho doanh nghiệp phát triển đa dạng. Các tổ chức này đã chủ động hoặc theo yêu cầu của doanh nghiệp hội viên tổ chức hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp. Thực tế những năm qua, các tổ chức hội, hiệp hội, Câu lạc bộ đã thể hiện vai trò của tổ chức mình hỗ trợ doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp phù hợp với tôn chỉ, mục đích; huy động nguồn lực hỗ trợ hội viên; tham gia chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo đề nghị của cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ về các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của Hội, hiệp hội, Câu lạc bộ theo quy định của pháp luật; tham gia ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sản xuất, kinh doanh; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng các chuyên đề về kinh tế, về doanh nghiệp; phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh những kết quả đã đạt được bước đầu khẳng định vai trò của các tổ chức đại diện doanh nghiệp thì vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là chưa làm hết chức năng, nhiệm vụ của mình. Để phù hợp với chủ trương xã hội hóa hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước (vấn đề đang hết sức khó khăn), các tổ chức đại diện doanh nghiệp phải thể hiện vai trò của mình trong việc thực hiện hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trên cơ sở tự cân đối kinh phí thực hiện hoặc tham gia hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp có sử dụng nguổn kinh phí nhà nước theo nhiệm vụ được  Nhà nước đặt hàng. Vai trò của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp phải được thể hiện rõ hơn, cơ chế nhằm phát huy sự tham gia của các tổ chức đại diện doanh nghiệp phải thông thoáng, thay đổi tích cực hơn.
            2. Các lĩnh vực, chính sách cần được hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua các quy định pháp luật:
            - Cải cách thủ tục hành chính; chúng ta đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn còn nhiều ý kiến về vấn đề này.
            - Chính sách về thuế; vừa qua, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành một số Nghị quyết nhằm miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đề nghị được giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục cải cách trình tự, thủ tục về thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
            - Tìm kiếm thị trường đầu ra, doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp vô vàn khó khăn trong tìm kiếm và duy trì thị trường nên đề nghị Nhà nước có chính sách về tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa, khẳng định được vị thế tại thị trường nội địa.
            - Cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; DNNVV đề nghị Nhà nước có chính sách ưu đãi trong tiếp cận đất công nghiệp ở các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế.
            - Hỗ trợ sản phẩm chủ lực, sản phẩm mới; doanh nghiệp năng động, sáng tạo sản xuất ra sản phẩm mới, cùng với sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp cần được hỗ trợ trong công nhận thương hiệu, đưa ra thị trường, hỗ trợ xuất khẩu…
            - Giảm lãi suất tín dụng, hỗ trợ tiếp cận tín dụng.
            - Hỗ trợ cải thiện môi trường pháp lý; hỗ trợ để giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, thói quen tuân thủ pháp luật, phòng tránh rủi ro pháp lý, sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
            Những chính sách cần được hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa nêu trên đòi hỏi các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình để hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (được Quốc hội thông qua ngày 12/06/2017) đã quy định cụ thể trách nhiệm của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong thực tiễn thi hành.
3. Trọng tâm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong thời gian tới:
            Xuất phát từ vị trí quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp – động lực phát triển của nền kinh tế, động lực của sự phát triển đất nước, việc tăng cường công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là góp phần cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phát triển. Trong thời gian tới, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:
            Một là, hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động thông tin pháp lý cho doanh nghiệp, hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp tiếp cận đầy đủ pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nắm bắt các cam kết thương mại, đầu tư quốc tế.
            Hai là, hỗ trợ pháp lý trực tiếp cho doanh nghiệp bằng những hoạt động cụ thể:
            - Bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh mới cho người quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp, đặc biệt quan tâm giới thiệu các quy định mới liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
            - Giải đáp, tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp thông qua Trung tâm tư vấn pháp luật; Giải đáp, tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp bẳng văn bản, trực tiếp hoặc thông qua điện thoại, thông qua mạng điện tử; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
            Ba là, tiếp tục làm tốt chức năng là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong hoàn thiện và thực thi pháp luật. Các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tổ chức các diễn đàn, đối thoại để nghe đại diện doanh nghiệp góp ý, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, nhất là văn bản liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
            Các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tiếp tục triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức pháp luật, ý thức tìm hiểu, tuân thủ pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phòng chống rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.
4. Một số đề xuất, kiến nghị Bộ Tư pháp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo định hướng sửa Nghị định số 66/2008/NĐ-CP và triển khai Chế định (Điều 14) Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa
            Đối với doanh nghiệp, pháp luật ngày càng có vai trò quan trọng, pháp luật không chỉ được coi là một điều kiện của hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn là một yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của các doanh nghiệp trên thương trường.
            Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam cơ bản là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp trong cả nước), yếu kém không phải chỉ về năng lực tài chính, năng lực quản trị, năng lực khoa học, công nghệ mà còn về cả kiến thức pháp lý. Vì vậy, nhà nước ta phải có chương trình, kế hoạch và các giải pháp cần thiết, lâu dài để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đây là lĩnh vực công tác mà Chính phủ đã và đang rất quan tâm. Ngày 28/05/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và mới đây, công tác này cũng đã được quy định trong Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3, thông qua ngày 12/06/2017.
            Để công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thực sự có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong thời kỳ mới, xin nêu một số đề xuất, kiến nghị với Bộ Tư pháp như sau:
            Một là, với chức năng giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ đề nghị Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định về hỗ trợ pháp lý, phổ biến, giáo dục pháp luật cho doanh nghiệp bảo đảm sự thống nhất trong các đạo luật.
            Hai là, Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu, đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm cụ thể hóa Khoản 3, Điều 14 Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, khả thi cho tổ chức, hoạt động hỗ trợ pháp lý đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, cải cách tư pháp.
            Nội dung Nghị định sửa đổi, bổ sung cần quy định cụ thể những việc cần hỗ trợ, cách thức hỗ trợ. Một số việc cần quy định như:
  • Xây dựng trang thông tin điện tử hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
  • Xây dựng và thực hiện các chương trình phổ biến pháp luật kinh doanh trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt trên song phát thanh, kênh truyển hình;
  • Xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật liên quan sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
  • Tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp; các hội thảo, tọa đàm về các chuyên đề pháp luật;
  • Bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp;
  • Tư vấn, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp; chú trọng thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật tại những địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn;
  • Tập hợp và phản ánh với cơ quan chức năng những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp trong xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật;
  • Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Mỗi việc được quy định trong Nghị định cần được viết rõ nội dung công việc phải làm, ai làm, làm như thế nào để các cơ quan, tổ chức, cá nhân dễ dàng thực hiện.
Ba là, Nghị định sửa đổi, bổ sung cần quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, nhất là Bộ Tư pháp, các Bộ có chức năng liên quan hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp (tổ chức đại diện của doanh nghiệp) và doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Đồng thời, Nghị định mới phải có điều, khoản quy định “điều kiện bảo đảm cho hoạt động hỗ trợ pháp lý”, trong đó chú trọng điều kiện về tài chính (kinh phí bảo đảm hoạt động) và tổ chức, nhân sự làm công tác này.
Nghị định sửa đổi, bổ sung càng quy định cụ thể, chi tiết, càng tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, góp phần cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phát triển, đóng góp GDP cho quốc gia.
Luật sư Nguyễn Duy Lãm
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp

Xem thêm »