HIỆU QUẢ TỪ HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP THÔNG QUA CÁC PHƯƠNG TIỆN THÔNG TIN ĐẠI CHÚNG

03/11/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Với tốc độ phát triển nhanh và xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu đã đem lại cho doanh nghiệp nhiều cơ hội cũng như thách thức và đặt ra những bài toán hóc búa hơn cho các nhà quản trị doanh nghiệp. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh

   Với tốc độ phát triển nhanh và xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu đã đem lại cho doanh nghiệp nhiều cơ hội cũng như thách thức và đặt ra những bài toán hóc búa hơn cho các nhà quản trị doanh nghiệp. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc doanh nghiệp hiểu biết pháp luật, thường xuyên cập nhật các chính sách, thông tin pháp luật trong kinh doanh là rất cần thiết để tồn tại và phát triển. Thời gian trước đây, đa số các doanh nghiệp vẫn chưa coi trọng yếu tố pháp luật, họ tập trung vào kinh doanh mà nhiều khi không biết là việc đó có đúng pháp luật hay không? Hoặc có thể chủ doanh nghiệp biết việc đó là vi phạm nhưng do lợi ích trước mắt nên cứ nhắm mắt làm liều mà không biết mức độ nghiêm trọng như thế nào? Mặt khác, nhiều doanh nhân, các cán bộ quản lý thường kinh doanh theo kinh nghiệm, không được đào tạo bài bản nên những kiến thức về quản trị, sự hiểu biết pháp luật, cơ chế chính sách còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng tranh chấp, thậm chí ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do thiếu hiểu biết pháp luật.
    Tuy nhiên, để doanh nghiệp tiếp nhận một cách hiệu quả các hoạt động của Chương trình, nhất là chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp không phải là một điều dễ. Bởi lẽ, người quản  lý doanh nghiệp Việt Nam đa phần đều trưởng thành trong quá trình lao động rồi trở thành chủ doanh nghiệp, người quản lý, đa số không được đào tạo chuyên môn về quản trị doanh nghiệp, trình độ khác nhau, sự hiểu biết pháp luật chưa cao; bản thân các doanh nhân đã mất rất nhiều thời gian cho việc quản lý, điều hành doanh nghiệp hàng ngày nên không có nhiều thời gian dành riêng cho việc tìm hiểu, nâng cao kiến thức pháp luật. Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động kinh doanh, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, có rất nhiều kênh truyền thông, quá nhiều thông tin cần phải tiếp nhận mà doanh nghiệp khó xác định được đâu là thông tin chính xác, thông tin cần thiết. Mặt khác, tâm lý chung của những người làm kinh doanh thường cho mình là người hiểu biết, họ rất ít quan tâm tới các chương trình mang tính tuyên truyền, phổ biến.
  Như vậy, tuyên truyền để giúp doanh nghiệp nâng cao sự hiểu biết về cơ chế chính sách và ý thức tuân thủ pháp luật là thực sự cần thiết trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, qua những phân tích trên, có thể thấy để thu hút sự chú ý, quan tâm của các doanh nghiệp, để doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với các hoạt động phổ biến pháp luật của Chương trình 585, đạt được mục tiêu đề ra là một điều không phải dễ dàng.
  Vì vậy, việc thực hiện Chương trình phổ biến pháp luật dinh doanh trên Đài truyền hình Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam là Chương trình có ý nghĩa rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp, bởi chương trình được phát sóng định kỳ thường xuyên, hàng triệu khán giả, hàng trăm nghìn doanh nghiệp không phải mất bất cứ chi phí nào vẫn có thể theo dõi chương trình, những thông tin hữu ích về pháp luật qua Tivi hoặc qua radio. Thông qua Chương trình, nhận thức về pháp lý của doanh nghiệp đã và sẽ có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình 585. Chương trình phong phú về nội dung và hình thức thể hiện, đã chuyển tải thông tin kinh doanh và pháp luật đến với khán giả một cách đầy đủ và khoa học. Chương trình có sự khác biệt so với các chương trình khác, đó là mỗi số chương trình đã chọn lọc ra một vấn đề nóng của xã hội liên quan đến hoạt động kinh doanh để phân tích, chia sẻ từ quan điểm, góc nhìn của những nhà quản lý, chuyên gia về pháp luật, chuyên gia kinh tế nổi tiếng, chủ doanh nghiệp thành công và các luật sư có kinh nghiệm để xây dựng nội dung chương trình bám sát vào thực tế cuộc sống. Chương trình đã cung cấp kịp thời cho khán giả và các doanh nghiệp các thông tin quan trọng về những vướng mắc, những bất cập đang diễn ra hằng ngày, làm cho hoạt động kinh doanh đi vào nề nếp, đúng quy định pháp luật  nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận với các văn bản quy phạm pháp luật nói chung và các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh nói riêng để triển khai thực hiện đúng, có hiệu quả, từ đó hạn chế những rủi ro trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm sự ổn định và phát triển cho doanh nghiệp”.
    Như vậy, qua những phân tích trên đây cho thấy phương tiện truyền thông là rất quan trọng để thông tin đến đúng được đối tượng khán giả, mục tiêu, phù hợp với tiêu chí của mỗi kênh phát sóng. Do đó, việc phát sóng các chương trình ‘’Kinh doanh và pháp luật’’ trên kênh VOV1 (Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp), kênh VOV2 (Hệ Khoa học - Giáo dục - Đời sống) Đài Tiếng nói Việt Nam và kênh VTV2 (Kênh Khoa học - Giáo dục) Đài truyền hình Việt Nam có vai trò rất quan trọng đối với xã hội và cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế. Đây là những kênh phát sóng toàn quốc (phát analog không thu phí) nên tất cả mọi người từ vùng sâu, vùng xa đến nông thôn, thành thị đều có thể xem và nghe được. Đồng thời, Chương trình đã chọn vào khung giờ phát sóng có lượng người xem, người nghe đông, phù hợp để các doanh nhân, cán bộ có thể thường xuyên theo dõi được.
Với hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng nêu trên đã góp phần cung cấp thông tin giúp thị trường, xã hội trở nên minh bạch hơn và mọi người có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin. Chương trình đã cung cấp những kiến thức pháp luật kinh doanh cơ bản một cách đầy đủ, có hệ thống từ các chuyên gia có uy tín và các cán bộ đang công tác tại các cơ quan xây dựng pháp luật. Chương trình đã tạo diễn đàn để trao đổi thông tin qua lại giữa Nhà nước và doanh nghiệp, giữa các cơ quan nhà nước với nhau và giữa các doanh nghiệp với nhau, giúp chúng ta một mặt hiểu thấu hơn về môi trường pháp luật trong kinh doanh, mặt khác chúng ta cùng nhau cố gắng phát hiện các vấn đề khó khăn, bất cập của quy định pháp luật, từ đó cùng nhau chia sẻ để giải quyết các khó khăn, bất cập đó một cách hiệu quả nhất.
Đối với mỗi doanh nghiệp, điều họ quan tâm nhất chính là hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, làm thế nào có đủ vốn để sản xuất thuận lợi, có thể bán được hàng, phát triển mở rộng quy mô…? Thực tiễn đã chỉ ra rằng, sự thiếu hiểu biết pháp luật, không nắm bắt kịp thời sự thay đổi của pháp luật cũng như ý thức pháp luật chưa cao của những người quản lý là nguyên nhân chính dẫn đến những thiệt hại đáng tiếc mà nhiều các doanh nghiệp đã, đang và sẽ gặp phải. Thực tiễn là thế, tuy nhiên, hầu như các doanh nghiệp không để ý đến việc này. Bản thân chủ sở hữu, những người quản lý không có thời gian nhiều để tìm hiểu pháp luật, họ quan tâm đến những thông tin, những chương trình mang tính kinh doanh nhiều hơn, vì vậy việc thực hiện đồng bộ Chương trình trên đài phát thanh và đài truyền hình cùng mang tên chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” nhằm thu hút nhiều hơn nữa sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp. Nội dung của phát thanh và truyền hình sẽ có sự gắn kết logic chặt chẽ với nhau để đưa đến khán - thính giả những thông tin chính xác, cần thiết, hữu ích cho doanh nghiệp.
Do đặc thù người nghe đa phần những người lãnh đạo, nhà quản lý, doanh nhân thường xuyên di chuyển bằng ô tô, taxi nên thời lượng cần ngắn để không mất thời gian của người đang di chuyển. Cách thức thể hiện dưới dạng bản tin phát thanh ngắn, thời lượng 5 phút, kết hợp giữa thông tin pháp lý cơ bản với thông tin chính sách, văn bản pháp luật mới tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, có bài học thực tiễn từ doanh nhân, doanh nghiệp, giải đáp, khuyến nghị từ các chuyên gia, luật sư... Mặc khác, các nhà lãnh đạo, quản lý, doanh nhân thường hay di chuyển vào một khoảng thời gian cố định trên đường, lúc đi làm, đi ăn trưa, đi giao dịch hay trên đường đi về nên cần phải đảm bảo tần suất phát sóng của Chương trình thường xuyên và có tính xâu chuỗi các bản tin giữa các ngày để tăng tính hấp dẫn và thu hút người nghe.
          Cách thức thể hiện là Talkshow, đối thoại giữa MC với các chuyên gia uy tín, nhà quản lý, doanh nghiệp để đưa ra những thông tin cần thiết cho doanh nghiệp, trong đó, có những phóng sự thực tế, gắn với thực tiễn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chương trình có những phân tích, chia sẻ, tranh luận về những vấn đề pháp lý trong kinh doanh để tìm ra những quan điểm phù hợp, rút ra những bài học, đưa ra khuyến nghị cho doanh nghiệp. Đối với truyền hình, yếu tố thị giác cần được quan tâm hàng đầu, vì vậy, Chương trình cần phải sử dụng những công nghệ mới nhất của truyền hình để hấp dẫn người xem về thị giác, thính giác. Trường quay phải được thể hiện quy mô, thiết kế đẹp, máy quay, ánh sáng hiện đại, đặc biệt phải có máy cẩu camera chuyên dụng để quay góc trên cao tạo hình ảnh động, hình ảnh đẹp trong mắt khán giả, để khán giả thấy đây không phải là một Chương trình tuyên truyền thông thường mà là một Chương trình quy mô lớn, được đầu tư nghiêm túc, mang đến những hình ảnh đẹp, thông tin hữu ích cho khán giả.
          Để thu hút khán giả lâu dài, ngoài việc mới về hình thức, Chương trình cần phải mới về nội dung và thực sự hữu ích với doanh nghiệp. Chương trình phải truyền tải được nội dung một cách nhanh nhất, kiến thức sát thực với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời, Chương trình phải là cầu nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước, từ đó, là điểm tựa, tạo đà cho các doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là trước bối cảnh kinh tế khó khăn và trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
      Mỗi tuần, chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” sẽ tập trung vào một chuyên đề nhằm cung cấp kiến thức pháp luật về kinh doanh cơ bản cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, lao động, chính sách thuế, sở hữu trí tuệ...; phân tích sự thay đổi của pháp luật và tác động của sự thay đổi đó tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; đưa ra những tình huống thực tế, những bài học pháp lý của các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình hoạt động kinh doanh hay các vấn đề pháp lý mang tính thời sự, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp… Chương trình có sự phân tích, đánh giá của các chuyên gia pháp lý, các chuyên gia kinh tế hoặc đại diện các Bộ, Ngành, tổ chức, đoàn thể trên cả nước; kết hợp giữa lý thuyết với thực tiễn, chính xác, dễ hiểu và gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cùng với các hoạt động khác của Chương trình 585 như: Tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức cơ bản về pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp; tổ chức bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ pháp chế cho cán bộ pháp chế; xây dựng mạng lưới tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp tại các địa bản kinh tế - xã hội khó khăn... chắc chắn Chương trình  “Kinh doanh và Pháp luật” sẽ đạt được những mục tiêu của Chương trình 585 đã đề ra, tác động lâu dài, tích cực tới cộng đồng doanh nghiệp.
Tác giả: Trịnh Thị Thúy Nga
 ">">">">

Xem thêm »