Thực hiện Quyết định số 1137/QĐ-585 ngày 18 tháng 5 năm 2020 của Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 – 2020 (sau đây gọi tắt là Chương trình 585 - Bộ Tư pháp) về việc chọn Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp tham gia thực hiện hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp năm 2020, ngày 8/10/2020, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp
Ngày 8/10/2020, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp lần đầu tiên tham gia thực hiện hoạt động của Chương trình 585 và tổ chức thành công lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh với sự tham dự của hơn 60 đại biểu gồm: đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nữ doanh nhân, Hội doanh nhân trẻ và các đại biểu lãnh đạo các DN, cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý, cán bộ pháp chế của các DN trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Bà Lê Thị Hồng Phượng - Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu khai mạc lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp với chuyên đề về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Tại Hội nghị Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Thị Nam Giang - Giám đốc Trung tâm sở hữu trí tuệ, Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh; cố vấn cấp cao phụ trách về sở hữu trí tuệ Công ty TNHH sở hữu trí tuệ AGL và Thạc sĩ Nguyễn Trọng Luận - Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh cung cấp những kiến thức pháp lý cơ bản, quan trọng về quyền sở hữu trí tuệ.
Hội nghị dành nhiều thời gian trao đổi, giải đáp các kinh nghiệm thực tiễn nhằm giúp nhận diện được các tài sản trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động của DN; vai trò của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với DN, các vấn đề pháp lý liên quan đến xác lập quyền sở hữu trí tuệ, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Thông qua việc trao đổi kiến thức pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp, lớp tập huấn đã được các báo cáo viên và học viên trao đổi các vấn đề liên quan đến quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ, như sau:
- Hỏi: Vấn đề làm thế nào để biết một nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu tuệ?
Trả lời: Hiện nay, Cục sở hữu trí tuệ có trang thông tin http://www.noip.gov.vn, trong trang thông tin có thư viện phân chia ra nhiều đối tượng bảo hộ, đối tượng sáng chế; vào trang thông tin về sáng chế thể hiện tất cả các đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ sáng chế đều phải cung cấp công khai, trong đó có cả phần mô tả sáng chế. Cho nên đối với các doanh nghiệp khởi làm lĩnh vực liên quan đến hoạt động khoa học kỹ thuật vào trang thông tin để xác định hướng nghiên cứu của mình. Vì ví dụ đôi khi mình nghĩ rằng mình đã tìm ra Châu Mỹ nhưng thực chất người khác đã tìm ra trước mình hàng trăm năm nay; thông tin thứ hai tra cứu về nhãn hiệu, văn bằng bảo hộ nhãn hiệu và các đơn yêu cầu đăng ký; thứ ba là kiểu dáng công nghiệp. Với những thông tin đó nếu các doanh nghiệp tự tra cứu thì các doanh nghiệp sẽ có cái nhìn ban đầu nhưng các doanh nghiệp sẽ gặp hai rủi ro: (1) Doanh nghiệp không có khả năng tra cứu nhãn hiệu hình mà chỉ tra cứu nhãn hiệu chữ, nhưng thông thường một doanh nghiệp đâu có bảo hộ chỉ nhãn hiệu chữ mà phải kết hợp giữa nhãn hiệu chữ và nhãn hiệu hình; (2) Kiểu dáng công nghiệp hiện nay đưa lên Trang thông tin của Cục sở hữu trí tuệ là đã nộp đơn đăng ký bảo hộ hoặc là cấp văn bằng bảo hộ, doanh nghiệp không có khả năng tra cứu kiểu dáng công nghiệp không nộp đơn cấp văn bằng bảo hộ nhưng trên thực tế đã được sử dụng để làm mất đi tính mới của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cần sử dụng các dịch vụ đại diện sở hữu công nghệ tra cứu chuyên sâu để đánh giá khả năng bảo hộ, vì bình thường doanh nghiệp không thể tiếp cận các nguồn thông tin đó, để tra cứu thông tin đó chưa ai đăng ký bảo hộ hoặc thông tin đó chưa cập nhật đầy đủ.
- Hỏi: Trường hợp doanh nghiệp đã nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và đã được chấp nhận đơn hợp lệ, nhưng phát hiện có doanh nghiệp khác đang sử dụng nhãn hiệu tương tự mình, trường hợp này doanh nghiệp có quyền gì không?
Trả lời: Nếu đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế mạch tích hợp thì pháp luật có quy định quyền bảo hộ tạm thời xuất phát từ thời điểm đơn của doanh nghiệp được chấp nhận hợp lệ và được công bố, thì chủ sở hữu có quyền cảnh báo với các tổ chức, cá nhân là doanh nghiệp đang tồn tại quyền này và yêu cầu họ chấm dứt hành vi sử dụng, nhưng đối với nhãn hiệu pháp luật không quy định quyền bảo hộ tạm thời, cho nên trong trường hợp này doanh nghiệp không có quyền cảnh báo họ, nều từ góc độ nhãn hiệu, còn ở góc độ khác doanh nghiệp có thể mở rộng hình thức đăng ký đó là quyền tác giả để có cơ sở pháp luật chống hành vi xâm phạm.
- Hỏi: Làm sao để bảo hộ tốt nhất đối với quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp khởi nghiệp?
Trả lời: Hãy để mỗi người đứng đúng vai trò của mình, đối với doanh nghiệp thì hãy lo cho vấn đề kinh doanh và lo cho vấn đề sáng tạo sản phẩm; vấn đề tư vấn, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì doanh nghiệp hãy để cho những người hoạt động chuyên nghiệp như luật sư. Tại sao mình đã lo bao nhiêu việc mà mình còn phải lo cho việc mà chưa chắc mình đã làm được. Cho nên hãy sử dụng tư vấn trong khả năng của mình.
- Hỏi: Giải pháp giải quyết hành vi xâm phạm tên miền như thế nào?
Trả lời: Tên miền không là đối tượng của sở hữu trí tuệ, cho nên về nguyên tắc tên miền không được bảo hộ. Đăng ký tên miền hiện nay các đối thủ cạnh tranh không lành mạnh họ đang tận dụng đó là tên miền chỉ cần thay đổi một ký tự hoặc thay đổi nhà cung cấp dịch vụ thì trong trường hợp này đã đăng ký tên miền thành công. Giải pháp: (1) Lấy tên những sản phẩm chủ lực hoặc tên thương mại doanh nghiệp đăng ký sở hữu rồi, căn cứ Thông tư liên tịch số 14/2016/TTLT-BTTTT-BKHCN ngày 08 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn trình tự, thủ tục thay đổi, thu hồi tên miền vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, thì doanh nghiệp có quyền thu hồi lại tên miền; (2) Chỉ doanh nghiệp lớn mới làm được là đăng ký tên miền dưới rất nhiều nhà cung cấp khác nhau từ .com, .net (lưu ý Thông tư liên tịch số 14/2016/TTLT-BTTTT-BKHCN chỉ áp dụng tên miền của Việt Nam quản lý, còn .com là tên miền của thế giới).
- Hỏi: Tiến trình xử lý liên quan đến hành vi vi phạm, xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ?
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp có lợi ích và rủi ro. Lợi ích của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ: các quyền mang tính độc quyền được nhà nước ghi nhận bằng pháp luật và bảo vệ bằng hệ thống cơ quan thực thi: độc quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã bảo hộ, độc quyền trong việc cho người khác sử dụng. Trong suốt thời gian bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp hay rộng hơn là các đối tượng sở hữu trí tuệ, chỉ duy nhất người sở hữu các đối tượng đó hoặc người được chủ sở hữu cho phép thông qua chuyển giao quyền sử dụng mới được quyền sử dụng các đối tượng này. Còn lại bất cứ người thứ ba nào sử dụng mà không được sự cho phép của chủ sở hữu đều bị coi là hành vi xâm phạm; độc quyền ngăn cấm người khác sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ; độc quyền định đoạt các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ. Rủi ro của bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ: xử lý các hành vi xâm phạm quyền, đặc điểm của quyền sở hữu trí tuệ là tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều thể hiện dưới dạng thông tin. Mà đã là thông tin thì chúng ta không chiếm hữu được thông tin, cho nên khi chúng ta bộc lộ nó ra thì rất dễ bị xâm phạm, chủ sở hữu không thể nào biết hết hành vi xâm phạm diễn ra trên thực tế.
Nhưng xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam là chưa thực sự mạnh. Biện pháp xử lý: (1) Biện pháp tự bảo vệ; (2) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý bằng con đường hành chính: tịch thu hàng hóa, phạt vi phạm hành chính,…; (3) Khởi kiện dân sự (bồi thường thiệt hại); (4) Sự can thiệp nhà nước biện pháp hình sự. Tùy vào tính chất mức độ các doanh nghiệp có thể áp dụng biện pháp phù hợp.