Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp chuyên đề hợp đồng thương mại và giải quyết tranh chấp thương mại

13/10/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 12/10/2020, Sở Tư pháp Hà Tĩnh tổ chức Lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật giới thiệu về hợp đồng thương mại và giải quyết tranh chấp thương mại, do đồng chí Lê Viết Hồng - Giám đốc Sở chủ trì. Hội nghị có khoảng 100 đại biểu tham dự gồm đại diện Đảng ủy khối doanh nghiệp; Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh; Đại diện cán bộ pháp chế, người làm công tác liên quan đến doanh nghiệp tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Đoàn luật sư tỉnh; Hội luật gia tỉnh; Liên Minh hợp tác xã; Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư tỉnh; Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh; Đại diện phòng Tư pháp cấp huyện và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tại lớp bồi dưỡng, các đại biểu đã được nghe đồng chí Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở giới thiệu các nội dung khái quát chung về hợp đồng thương mại và giải quyết tranh chấp thương mại; Quy định pháp luật về hợp đồng thương mại, giải quyết tranh chấp thương mại; Thực tiễn giải quyết tranh chấp thương mại, những khó khăn vướng mắc trong quá trình giải quyết tranh chấp thương mại; Một số lưu ý khi giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng trọng tài thương mại… Ngoài ra, các doanh nghiệp tham dự tại lớp bồi dưỡng đã đưa ra những câu hỏi, những vấn đề còn vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật liên quan đến vấn đề này.

Lớp bồi dưỡng thực sự bổ ích, phổ biến tương đối cụ thể về các quy định của pháp luật về hợp đồng thương mại và giải quyết tranh chấp thương mại. Một số cơ quan, doanh nghiệp hy vọng rằng sẽ tiếp tục được tập huấn, bồi dưỡng thêm những kiến thức pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự đặc biệt quan tâm đến những vấn đề lưu ý đối với doanh nghiệp Việt Nam khi soạn thảo hợp đồng, những sai sót cần tránh trong quá trình đàm phán và ký kết hợp đồng cũng như các hình thức giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại…
Bên cạnh đó, lớp bồi dưỡng cũng nhận được nhiều thông tin, ý kiến từ doanh nghiệp trên địa bản tỉnh Hà Tĩnh phản ánh về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hợp đồng thương mại và giải quyết tranh chấp thương mại, cụ thể như:
- Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hợp đồng thương mại và giải quyết tranh chấp thương mại cho đối tượng là doanh nghiệp chưa được thường xuyên.
- Năng lực của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức trong việc hiểu và tập huấn các kiến thức, kỹ năng về giải quyết tranh chấp thương mại còn hạn chế, kiến thức thực tiễn chưa nhiều.
- Mức độ quan tâm của một số đơn vị, doanh nghiệp trong việc trang bị kiến thức pháp luật về hợp đồng thương mại và giải quyết tranh chấp thương mại còn chưa cao.
- Các quy định của pháp luật về hợp đồng thương mại còn có sự trùng lặp giữa Luật Thương mại 2005 và Bộ luật Dân sự 2015:
+ Quy định chưa thống nhất về hợp đồng mua bán, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng gia công…
+ Quy định khác nhau về chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán (nghĩa vụ trả tiền hàng hóa và thù lao dịch vụ)
Điều 306 Luật Thương mại 2005 cho phép các bên thỏa thuận về lãi suất chậm thanh toán trong hợp đồng thương mại mà không bị giới hạn mức tối đa. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự quy định các bên có quyền thỏa thuận về lãi suất chậm thanh toán nhưng không được vượt quá 20%/năm. Như vậy, Bộ luật Dân sự được coi là luật gốc điều chỉnh quan hệ hợp đồng có khống chế mức lãi suất các bên được phép thỏa thuận thì việc thỏa thuận vượt quá mức lãi suất này trong hợp đồng thương mại có phù hợp không?
+ Hiện nay Bộ luật Dân sự quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại và các quy định cụ thể về bồi thường thiệt hại khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ là cho phép các bên thỏa thuận về mức bồi thường, nếu không có thỏa thuận về mức bồi thường thì thiệt hại được bồi thường là thiệt hại thực tế phát sinh từ hành vi vi phạm. Trong khi đó, Luật Luật Thương mại 2005 quy định thiệt hại được bồi thường là thiệt hại thực tế, trực tiếp phát sinh từ hành vi vi phạm.
- Do dịch COVID - 19 bùng phát và diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi toàn cầu, thời gian qua các doanh nghiệp phải đối đầu với một rủi ro phát sinh từ những hợp đồng kinh doanh thương mại của doanh nghiệp với các đối tác bị ảnh hưởng tiêu cực, khiến cả hai bên đều không thể thực hiện, hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ hợp đồng thương mại đã thỏa thuận. Các quyền và nghĩa vụ không được thực hiện theo thoả thuận ở các hợp đồng mà doanh nghiệp đã tham gia sẽ tiềm ẩn những rủi ro pháp lý, thậm chí dẫn tới các vụ kiện tụng và tranh chấp sau này.

Từ đó, Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh đã có những kiến nghị, đề xuất nhằm khắc phục những vướng  mắc nêu trên:
* Đối với cơ quan có thẩm quyền Trung ương:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về hợp đồng thương mại và giải quyết tranh chấp thương mại cho các cá nhân, tổ chức liên quan.
- Tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về hợp đồng thương mại và giải quyết tranh chấp thương mại.
- Tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho Sở Tư pháp Hà Tĩnh từ chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp - Bộ Tư pháp trong những năm tiếp theo.
- Tăng cường ứng dụng các công nghệ hiện đại trong quá trình giải quyết tranh chấp như tổ chức các phiên họp giải quyết tranh chấp thông qua hình thức trực tuyến. Việc tổ chức phiên họp thông qua trực tuyến có ý nghĩa lớn trong thời điểm hạn chế tiếp xúc trực tiếp, khắc phục khó khăn về mặt di chuyển do các chính sách phong tỏa, hạn chế đi lại của Chính phủ Việt Nam và chính phủ các nước. Khuyến khích việc tăng cường nhận và gửi Hồ sơ đơn kiện qua hình thức chuyển phát nhanh và thư điện tử, điều này giúp các bên không phải đến trụ sở, nhằm đảm bảo thuận tiện và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, mặt khác cũng tránh được các nguy cơ lây lan từ dịch bệnh.
* Đối với UBND tỉnh:
- Quan tâm chỉ đạo các sở, ngành và địa phương trong việc phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cũng như tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về các nội dung của Hiệp định
- Bố trí biên chế, kinh phí, cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
- Tiếp tục tăng cường các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm tạo điều kiện các doanh nghiệp, hạn chế các rủi ro về hợp đồng thương mại cũng như giải quyết các tranh chấp phát sinh.
Việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng. Các nội dung đưa ra nhằm củng cố thêm những kiến thức, hiểu biết pháp luật về hợp đồng thương mại, giải quyết tranh chấp thương mại, nâng cao kỹ năng cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong đàm phán, xây dựng hợp đồng, hạn chế những rủi ro pháp lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động và phát triển ngày càng hiệu quả, bền vững./.
 

Xem thêm »