Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp chuyên đề kinh doanh dịch vụ đấu giá tài sản cho các doanh nghiệp đấu giá tài sản

04/11/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Quyết định số 1283/BTP-585 ngày 28 tháng 5 năm 2020 của Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 về việc chọn Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng thực hiện hoạt động Bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp; ngày 3/11/2020, Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đã tổ chức lớp bồi dưỡng chuyên đề kinh doanh dịch vụ đấu giá tài sản cho các doanh nghiệp đấu giá tài sản tại Khách sạn Công đoàn Hòa Bình.

Ông Châu Thanh Việt – Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng là báo cáo viên của lớp bồi dưỡng về kinh doanh dịch vụ đấu giá tài sản cho các doanh nghiệp đấu giá tài sản. Lớp bồi dưỡng có sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành có liên quan, các Luật sư, luật gia, các cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, quan trọng nhất là sự tham gia của đông đảo người quản lý doanh nghiệp và cán bộ pháp chế doanh nghiệp.

Tham dự lớp bồi dưỡng, các đại biểu nhận được rất nhiều thông tin hữu ích và mang tính ứng dụng cao, cụ thể như: Quy định pháp luật về doanh nghiệp đấu giá tài sản, về kinh doanh dịch vụ đấu giá tài sản; Một số vấn đề cơ bản các doanh nghiệp cần lưu ý khi tổ chức đấu giá tài sản; Một số sai sót, vi phạm mà các doanh nghiệp đấu giá tài sản thường gặp phải trong quá trình hoạt động; Tình huống, vụ việc thực tiễn phát sinh trong quá trình kinh doanh dịch vụ đấu giá tài sản của doanh nghiệp và giải đáp thắc mắc.

Bên cạnh việc cung cấp các kiến thức về kinh doanh dịch vụ đấu giá tài sản cho các doanh nghiệp đấu giá tài sản, lớp bồi dưỡng còn nhận được nhiều ý kiến của các doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị, cụ thể như:
Ý kiến của Công ty đấu giá hợp danh Số 1 Việt Nam :
+ Luật Đấu giá tài sản hiện nay quy định thời gian thông báo, niêm yết, bán hồ sơ, xem tài sản và đấu giá không thống nhất về cách tính, khi thì ngày làm việc đối với động sản, khi thì ngày đối với bất động sản dẫn đến khó nhớ , dễ nhầm lẫn trong quá trình thực hiện các trình tự thủ tục theo quy định.
+ Tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá thuộc về người có tài sản là chưa phù hợp.
+ Hiện nay , việc xác nhận niêm yết của các tổ chức đấu giá tài sản tại UBND các phường , xã đôi lúc còn gặp khó khăn, do đó đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, đưa việc niêm yết tại UBND phường, xã vào thủ tục hành chính trong Bộ Thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
+ Luật Đấu giá tài sản quy định tổ chức đấu giá tài sản phải đăng thông báo công khai tài sản đấu giá trên Trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản 02 lần. Hiện nay, Bộ Tư pháp đã triển khai và đưa vào sử dụng chính thức Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản (tại địa chỉ http://dgts.moj.gov.vn ) theo quy định của Luật Đấu giá tài sản. Do đó, để giảm thời gian thực hiện thao tác và hạn chế lỗi đường truyền cũng như lỗi hệ thống, đề nghị Sở Tư pháp kiến nghị Bộ Tư pháp điều chỉnh phần mềm theo hướng các tổ chức đấu giá chỉ cần đăng một lần Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, theo đó hết thời hạn thống báo lần 1, phần mềm tự động cập nhật thông báo lần 2 theo quy định.
+ Hiện nay, Luật Đấu giá tài sản không quy định trường hợp không được nhận lại tiền đặt trước đối với trường hợp khách hàng trúng đấu giá cố tình không ký hợp đồng mua bán, dẫn đến nhiều bất cập trên thực tế.
+ Về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, hiện nay pháp luật quy định còn mang tính hình thức, chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể.
- Ý kiến của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản:
+ Hiện nay, việc xã hội hóa hoạt động đấu giá tài sản đã tạo sự cạnh tranh giữa trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và các công ty đấu giá tài sản. Tuy nhiên, cơ chế hoạt động, các tổ chức đấu giá tài sản có thể tham gia đấu giá tại các tỉnh, thành nhưng các trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thì chưa có quy định hướng dẫn nội dung này nên vẫn còn sự bất cập trong việc cạnh tranh đối với các doanh nghiệp đấu giá tài sản.
+ Đề nghị Sở Tư pháp kiến nghị cơ quan có thẩm quyền: Tăng mức thu thù lao dịch vụ đấu giá tài sản quy định tại Phụ lục 01 và Phụ lục 02 Thông tư số 45/ 2017/ TT-BTC (vì tại thời điểm ban hành thông tư số 45/2017/ TT-BTC từ năm 2017, đến nay, mức lương cơ sở cũng đã tăng, các tổ chức đấu giá tài sản cũng phải tăng lương cho người lao động); bổ sung thêm các khung thù lao cao hơn vì dụ: từ trên 50 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng, từ 100 tỷ đồng đến 500 tỷ đồng và từ trên 500 tỷ đồng, tăng mức hưởng phần trăm chênh lệch khi bán vượt giá khởi điểm; bỏ mức thù lao tối đa “Mức thù lao tối đa tương ứng từng khung giá trị tài sản theo giá khởi điểm không vượt quá 300.000.000 đồng/01 Hợp đồng” để thúc đẩy sự minh bạch của hoạt động đấu giá tài sản , tạo động lực cho các tổ chức đấu giá trong việc quảng bá thông tin đấu giá tài sản, tìm kiếm khách hàng và nỗ lực bán đấu giá tài sản với mức giá cao nhất có thể. Về thù lao đấu giá: Phần thù lao bán đấu giá không nên bao gồm chi phí đăng quảng cáo, chi phí thực hiện niêm yết và chi phí đi lại, tổ chức phiên đấu giá vì phần chi phí này rất lớn. Không nên quy định cứng các chi phí này, mà chủ tài sàn sẽ thanh toán theo thực tế phát sinh trên cơ sở các hóa đơn, chứng từ do tổ chức đấu giá tài sản cung cấp hoặc theo thỏa thuận tại Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.
+ Đối với việc thực hiện Thông tư số 48/2017/TT-BTC ngày 15/5/2017 của Bộ Tài chính quy định về chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá tài sản: Trước đây Nghị định số 17/ 2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản, Thông tư số 335/2016/TT-BTC ngày 27/12/2016 của Bộ Tài chính về quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đầu giá tài sản, phí tham gia đấu giá tài sản quy định tổ chức đấu giá tài sản được thu hai loại phí: Đó là phí bán đấu giá thành và phí, lệ phí của người tham gia đăng ký đấu giá tài sản. Từ khi áp dụng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 Thông tư số 48/2017/TT-BTC thì: "Số tiền thu được từ tiền mua hồ sơ được tính trừ vào số tiền thù lao dịch vụ đấu giá. Phần còn lại (nếu có) được chuyển về cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản đấu giá hoặc cơ quan được giao xử lý việc đấu giá tài sản để thanh toán cho các nội dung chi còn lại quy định...". Trong khi đó, quá trình soạn thảo, in ấn tài liệu, tiếp nhận hồ sơ đấu giá tài sản đều do tổ chức đấu giá tài sản bỏ thời gian để đầu tư và chi phí để thực hiện. Mặt khác, các tổ chức đấu giá tài sản phải cạnh tranh và hạ mức thù lao dịch vụ đấu giá xuống mức thấp nhất có thể để được lựa chọn tổ chức đấu giá , do vậy sẽ rất khó khăn cho các tổ chức đấu giá tài sản. Trong giai đoạn xã hội hóa như hiện nay, các Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản đã từng bước tự chủ về chế độ tài chính, nếu quy định như vậy sẽ lgây khó khăn trong quá trình cân đối tài chính và duy trì hoạt động của đơn vị
+ Về chế độ đãi ngộ đối với đấu giá viên: Hiện nay vẫn chưa có chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đấu giá viên làm việc tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản như đối với các chức danh Tư pháp khác (như trợ giúp viên pháp lý, thanh tra viên ... ) trong khi đấu giá viên khi điều hành phiên đấu giá cũng có trách nhiệm và phải chịu áp lực rất lớn. Nếu quy định chế độ đãi ngộ với đấu giá viên tương xứng như với các chức danh Tư pháp khác sẽ tạo động lực cho các đấu giá viên chuyên tâm hơn trong khi hành nghề, cũng như thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng cao công tác trong lĩnh vực này.
Ý kiến của Công ty đấu giá hợp danh Miền Trung và Tây Nguyên:
+ Về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản: Hiện nay , các tổ chức đấu giá là đơn vị được lựa chọn, còn người có tài sản là người lựa chọn. Do vậy, việc lựa chọn tổ chức đấu giá phụ thuộc nhiều vào ý chí của người có tài sản. Đề nghị Sở Tư pháp nghiên cứu để đảm bảo việc người có tài sản lựa chọn được tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan.
+ Về việc lưu trữ hồ sơ: Khi đăng tải công khai thông tin về tài sản đấu giá trên truyền hình thì hồ sơ đấu giá tài sản phải lưu những giấy tờ gì, có phải lưu hóa đơn, video, chứng từ thể hiện nội dung đăng tải hay không. Về tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá, nếu giữa người có tài sản và tổ chức đấu giá tài sản có thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ đấu giá về việc tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá thuộc về tổ chức đấu giá tài sản thi tổ chức đấu giá có được thu và giữ lại hay không
+ Nên có Hiệp hội đấu giá viên để các đấu giá viên có thể sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động đấu giá tài sản với nhau.
- Ý kiến của Công ty đấu giá hợp danh Dịch vụ Tài chính Đà Nẵng:
+ Về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản: Hiện nay các tiêu chí lựa chọn còn chung chung, dẫn đến việc lựa chọn tổ chức đấu giá còn bất cập , ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc đấu giá tài sản, dễ phát sinh nhiều vấn đề trên thực tiễn. Các cơ quan quản lý nhà nước cần thống kê việc bỏ giá dịch vụ của các tổ chức đấu giá tài sản đối với các tài sản để nắm bắt việc bỏ giá thù lao đấu giá hiện nay, đồng thời có cơ chế kiểm soát việc bỏ giá quá thấp, thậm chí là 0 đồng
+ Các cơ quan quản lý, người có tài sản khi tổ chức đấu giá tài sản cần phải xây dựng giá khởi điểm hợp lý , chính xác để tránh phát sinh tiêu cực.
+ Về việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thì đấu giá viên tự mua bảo hiểm cho mình hay tổ chức đấu giá tài sản mua.
+ Đề nghị Sở Tư pháp cần thống kế các sai sót mà các tổ chức đấu giá tài sản mắc trong quá trình thanh tra, kiểm tra để các tổ chức đấu giá tài sản rút kinh nghiệm.
Ý kiến của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Hiện nay, Luật Đấu giá tài sản có quy định về các trường hợp kết quả đấu giá tài sản bị hủy. Vậy, người có tài sản phải làm gì giám sát được quá trình đấu giá , hạn chế kết quả đấu giá tài sản bị hủy?
Ông Châu Thanh Việt – Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng – báo cáo viên lớp bồi dưỡng đã trả lời, phản hồi ý kiến của các đại biểu tham dự lớp bồi dưỡng như sau:
- Đối với ý kiến của Công ty đấu giá hợp danh Số 1 Việt Nam: về việc Luật Đấu giá tài sản hiện nay quy định thời gian thông báo, niêm yết, bán hồ sơ, xem tài sản và đấu giá không thống nhất về cách tính, khi thì ngày làm việc đối với động sản, khi thì ngày đối với bất động sản dẫn đến khó nhớ, dễ nhầm lẫn trong quá trình thực hiện các trình tự thủ tục theo quy định. Sở Tư pháp xin tiếp thu và sẽ phản ánh, đề xuất trong các báo cáo gửi Bộ Tư pháp. Về tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá thuộc về người có tài sản là chưa phù hợp: Vấn đề này Sở Tư pháp đã nhiều lần có văn bản góp ý, báo cáo Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đối với quy định này để các bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp.
+ Về ý kiến đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, đưa việc niêm yết tại UBND phường, xã vào thủ tục hành chính trong Bộ Thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp: Theo phản ánh của các tổ chức đấu giá tài sản, Sở Tư pháp đã có văn bản đề nghị UBND phường phối hợp trong việc niêm yết tài sản đấu giá. Trong thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ có báo cáo, phản ánh với Bộ Tư pháp nghiên cứu xây dựng thủ tục hành chính trong việc niêm yết tài sản đấu giá để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp
+ Về việc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quy định tổ chức đấu giá chỉ cần đăng một lần trên Trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản , Bộ Tư pháp có trách nhiệm điều chỉnh phần mềm tự động hiển thị lần thứ hai , Sở Tư pháp tiếp thu và sẽ báo cáo Bộ Tư pháp
+ Về việc Luật Đấu giá tài sản không quy định trường hợp không được nhận lại tiền đặt trước đối với trường hợp khách hàng trúng đấu giá cố tình không ký hợp đồng mua bán, dẫn đến nhiều bất cập trên thực tế , Sở Tư pháp tiếp thu và sẽ báo cáo Bộ Tư pháp.
+ Về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản , hiện nay pháp luật quy định còn có tính hình thức: Hiện nay , Sở Tư pháp đang phối hợp với các sở , ngành và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND thành phố xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đề quy định cụ thể về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản , hạn chế các bất cập , vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản
- Đối với ý kiến của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản:
+ Về thù lao đấu giá: Phần thù lao bán đấu giá không nên bao gồm chi phí đăng quảng cáo, chi phí thực hiện niêm yết và chi phí đi lại, tổ chức phiên đấu giá vì phần chi phí này rất lớn. Không nên quy định cứng các chi phí này, mà chủ tài sản sẽ thanh toán theo thực tế phát sinh trên cơ sở các hóa đơn, chứng từ do tổ chức đấu giá tài sản cung cấp hoặc theo thỏa thuận tại Hợp đồng dịch vụ: Sở Tư pháp sẽ nghiên cứu và báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi cho phù hợp. Về chế độ đãi ngộ đối với đấu giá viên: lĩnh vực đấu giá tài sản đã được xã hội hóa, các doanh nghiệp cùng với Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản đều có chức năng thực hiện việc tổ chức đấu giá tài sản. Do vậy, sẽ khó khăn việc đề xuất về chế độ đãi ngộ đối với đấu giá viên. Tuy nhiên, Sở Tư pháp sẽ nghiên cứu và báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền đối với vấn đề này
- Đối với ý kiến của Công ty đấu giá hợp danh Miền Trung và Tây Nguyên:
+ Về việc lưu trữ hồ sơ: Luật Đấu giá tài sản chưa quy định cụ thể hồ sơ đấu giá phải lưu những giấy tờ gì. Tuy nhiên, hồ sơ đấu giá phải lưu trữ các giấy tờ chứng minh cho việc tổ chức đấu giá tài sản. Nếu việc đăng tải công khai thông tin về tài sản đấu giá được đăng trên truyền hình thì hồ sơ đấu giá tài sản phải lưu những giấy tờ như văn bản đề nghị đăng thông báo, các hóa đơn, chứng từ ... có liên quan để thể hiện nội dung, thời gian đăng tải.
+ Thông tư số 48/2017/TT-BTP đã quy định tiền bán hồ sơ tham thuộc về người có tài sản, do vậy việc các bên thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ đấu giá về việc tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá thuộc về tổ chức đấu giá tài sản là không phù hợp.
+ Luật Đấu giá tài sản đã có quy định về tổ chức xã hội nghề nghiệp của Hấu giá viên. Do vậy, Sở Tư pháp tiếp thu và sẽ nghiên cứu, tham mưu thành lập tổ chức xã hội nghề nghiệp của đấu giá viên để các đấu giá viên có thể sinh hoạt , trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động đấu giá tài sản với nhau.
- Đối với ý kiến của Công ty đấu giá hợp danh Dịch vụ Tài chính Đà Nẵng:
+Sở Tư pháp sẽ nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố chỉ đạo người có tài sản trong việc xây dựng giá khởi điểm hợp lý , chính xác để tránh phát sinh tiêu cực.
+ Luật Đấu giá tài sản tổ chức đấu giá tài sản có trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho đấu giá viên của tổ chức mình
+ Sở Tư pháp tiếp thu và sẽ có văn bản thông báo các sai sót của các tổ chức đấu giá tài sản trong quá trình thanh tra , kiểm tra để gửi các tổ chức đấu giá tài sản rút kinh nghiệm.
- Đối với ý kiến của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Luật Đấu giá tài sản quy định người có tài sản có rất nhiều quyền trong việc giám sát được quá trình đấu giá, dừng cuộc đấu giá, hủy bỏ hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản... Do vậy, người có tài sản cần tăng cường, phát huy các quyền của mình để hạn chế các trường hợp kết quả đấu giá tài sản bị hủy.

 

Xem thêm »