Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp chuyên đề "Những điểm mới của Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019"

20/07/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Tham dự lớp bồi dưỡng có 100 đại biểu là đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn thanh niên, Liên đoàn lao động tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh; cán bộ đầu mối được giao làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, cán bộ pháp chế tại các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; Hội Luật gia tỉnh, Đoàn luật sư tỉnh và một số tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh; Đại diện Phòng tư pháp các huyện, thành phố và đặc biệt là các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. 

     Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Vũ Quang Hưng - Phó Giám đốc Sở Tư pháp nhấn mạnh sự quan tâm chỉ đạo của Ban Quản lý chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020, UBND tỉnh cũng như của các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức triển khai thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, vai trò của các doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, đồng chí hi vọng thông qua hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp sẽ kịp thời hỗ trợ và giải đáp những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, từ đó góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, ngăn ngừa rủi ro trong các tranh chấp pháp luật từ quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp.
Trong quá trình diễn ra lớp bồi dưỡng, các đại biểu đã được nghe Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thu, Phó giám đốc Học viện Tư pháp trình bày chuyên đề “Những điểm mới của Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019” với các nội dung mà doanh nghiệp cần chú ý như: hợp đồng lao động; tiền lương; chấm dứt hợp đồng lao động; đối thoại giữa doanh nghiệp và người lao động; tác động của Bộ luật Lao động (sửa đổi năm 2019) đến doanh nghiệp và hướng dẫn doanh nghiệp thi hành các quy định pháp luật mới, được sửa đổi thay thế trong Bộ luật Lao động (sửa đổi năm 2019) bằng những tình huống cụ thể, cùng thảo luận trao đổi kinh nghiệm và giải đáp các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn của đại biểu tham dự.

TS. Nguyễn Xuân Thu - giảng viên lớp bồi dưỡng
TS. Nguyễn Xuân Thu - giảng viên lớp bồi dưỡng
 Các đại biểu cũng dành thời gian trao đổi, thảo luận về Bộ Luật lao động 2019, trong đó tập trung vào vấn đề giao kết hợp đồng lao động, thực hiện hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng lao động vô hiệu; đối thoại tại nơi làm việc và thương lượng tập thể; tiền lương và một số điểm mới quan trọng khác.
Các đại biểu tham dự lớp bồi dưỡng
Các đại biểu tham dự lớp bồi dưỡng
Theo đó, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thu, Phó giám đốc Học viện Tư pháp đã trao đổi thảo luận thêm về một số vấn đề khi triển khai thực hiện Bộ Luật lao động 2019 để các đại biểu nắm bắt, tìm hiểu thêm, trong đó nhấn mạnh các doanh nghiệp cần lưu ý một số nội dung: Một là, doanh nghiệp cần xem xét kỹ nội dung Nội quy lao động và nội dung hợp đồng lao động phù hợp với Bộ luật lao động 2019. Bên cạnh đó, khi áp dụng trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc sa thải nhân viên, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các quy định và tham khảo ý kiến chuyên môn từ nhà tư vấn đế tránh sai sót dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp cũng như quyền lợi cho người lao động. Ví dụ: Áp dụng quy định mới tại Bộ luật Lao động 2019 thì trường hợp công ty có người lao động nghỉ việc liên tục 5 ngày không có lý do thì sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng hay kỷ luật sa thải? Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 (Có hiệu lực từ 01/01/2021) quy định: “1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây: e) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên” Khoản 4 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng. Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động” Như vậy, để có căn cứ kỷ luật sa thải thì người lao động phải tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày; nếu người lao động chỉ đơn thuần nghỉ việc 5 ngày liên tục không có lý do chính đáng (có thể 2 tháng liền nhau) thì công ty có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng. Hai là, doanh nghiệp cần đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao kiến thức pháp luật, trong đó có pháp luật về hợp đồng lao động cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân sự trong các doanh nghiệp và nhận thức người lao động. Song song đó, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định trong doanh nghiệp không còn phù hợp; phát triển và cung cấp các dịch vụ trợ giúp pháp luật lao động miễn phí cho người lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tại cơ quan, đơn vị sử dụng lao động... 
Các đại biểu tham dự lớp bồi dưỡng với tinh thần trách nhiệm cao, đã quan tâm lắng nghe chuyên đề do báo cáo viên truyền đạt và cùng trao đổi, thảo luận về các vấn đề vướng mắc trong hoạt động doanh nghiệp liên quan đến Bộ luật Lao động (sửa đổi năm 2019). Thông qua lớp bồi dưỡng, các doanh nghiệp tiếp thu các kiến thức, kinh nghiệm từ đó kịp thời áp dụng thực hiện trong thực tiễn phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, qua đó nâng cao hơn hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Xem thêm »