Khảo sát để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu

13/06/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(Chinhphu.vn) - Khảo sát về mức độ hài lòng của doanh nghiệp và thời gian thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia được xem là nỗ lực của các bên nhằm thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu.

Khảo sát về mức độ hài lòng giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong quá trình hoạt động xuất nhập khẩu.

Hoạt động khảo sát về mức độ hài lòng của doanh nghiệp khi tiến hành các thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Tổng cục Hải quan và Dự án Tạo thuận lợi thương mại của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) định kỳ phối hợp triển khai kể từ năm 2012. 
Theo Tổng cục Hải quan, sau 10 năm triển khai, có gần 20.000 lượt doanh nghiệp tham gia, đã cung cấp rất nhiều thông tin chân thực, khách quan để thúc đẩy các bộ, ngành tiến hành cải cách thực chất hơn. Đơn cử như chuyển đổi việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục từ phương thức thủ công sang phương thức điện tử, giám sát hàng hóa tự động, giảm trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm…
Gần đây nhất, kết quả khảo sát năm 2019 cho thấy, có gần 3.100 doanh nghiệp phản ánh ý kiến về 12 thủ tục hành chính, dịch vụ công có tần suất thực hiện nhiều nhất trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Tham gia khảo sát chọn mẫu ngẫu nhiên này là những doanh nghiệp có thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng thông tin một cửa quốc gia trong vòng 12 tháng gần nhất tính từ thời điểm bắt đầu khảo sát (cuối tháng 11/2019). Những thủ tục trong diện đánh giá thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 5 bộ, ngành, bao gồm: Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế.
Kết quả khảo sát doanh nghiệp cho thấy, đa số các chức năng cơ bản trên Cổng thông tin một cửa quốc gia hiện hoạt động tốt. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá dễ/tương đối dễ thực hiện đối với các tính năng cơ bản như “tạo tài khoản và đăng nhập”, “xem và in hồ sơ” lần lượt là 95% và 93%. Cũng có tới 93% và 89% doanh nghiệp đánh giá dễ/tương đối dễ thực hiện đối với các tính năng “quản lý hồ sơ”, và “xem và in giấy phép/chứng nhận”. Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp gặp khó khăn khi sử dụng tính năng “giải đáp vướng mắc khi sử dụng hệ thống” (35%), “rút/hủy hồ sơ” (26%); 27% doanh nghiệp chưa hài lòng với tình trạng hoạt động thiếu ổn định của Cổng do còn gặp những lỗi kết nối. Khoảng 20% doanh nghiệp phản ánh tốc độ xử lý các tác vụ trên Cổng còn chậm.
Qua khảo sát, các doanh nghiệp kiến nghị cần đẩy nhanh việc triển khai thanh toán điện tử, khắc phục các khó khăn của doanh nghiệp khi sử dụng chữ ký số và nâng cấp các chức năng giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính và cung cấp thêm một số tiện ích hỗ trợ doanh nghiệp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Đồng thời, kiến nghị Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành thúc đẩy việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin tập trung thay vì hệ thống phân tán trong hiện tại.
Tập trung nhận diện hiện trạng chất lượng giải quyết thủ tục hành chính
Năm 2022, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính và cắt giảm gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, VCCI tiếp tục phối hợp Tổng cục Hải quan và USAID tiến hành khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Dự kiến triển khai khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp từ tháng 5 đến tháng 7/2022 sẽ tập trung nhận diện hiện trạng chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (https://vnsw.gov.vn) và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành, đồng thời tập hợp các khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu.
Theo đại diện VCCI, tiếp nối các nỗ lực trước đây, khảo sát năm 2022 dự kiến sẽ thu thập ý kiến của 3.000 doanh nghiệp, qua đó xác định rõ các khâu, bước còn bất cập trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục xuất nhập khẩu hiện nay của từng bộ, ngành cụ thể. Các thông tin này cùng với kiến nghị của các doanh nghiệp sẽ được tổng hợp để đưa ra các khuyến nghị cải cách tới Chính phủ và các bộ, ngành nhằm tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động xuất nhập khẩu.
 

Xem thêm »