Hỗ trợ đổi mới sáng tạo: Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

25/05/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Xác định khoa học và công nghệ (KH&CN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) là động lực chủ yếu cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững, với phương châm lấy doanh nghiệp làm trung tâm cho toàn bộ hoạt động KH&CN và ĐMST, thời gian qua, Sở KH&CN luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, tham mưu lãnh đạo thành phố ban hành nhiều cơ chế chính sách và thực hiện tốt các chủ trương của thành phố để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST), phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đổi mới công nghệ.

Qua thời gian triển khai, các chính sách của thành phố về hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, KNĐMST đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, góp phần quan trọng trong phát triển doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Về hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thành phố đã tập trung xây dựng cơ chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo lập môi trường thuận lợi và là cơ sở pháp lý rất quan trọng để hỗ trợ phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố đã hình thành và ngày càng phát triển với nhiều thành tố (06 vườn ươm, 02 không gian sáng tạo, 10 khu làm việc chung, 04 quỹ đầu tư, 10 Câu lạc bộ khởi nghiệp và cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...) và có sự kết nối mạnh mẽ với mạng lưới khởi nghiệp quốc gia và quốc tế.

 

Các cơ chế chính sách của thành phố đã tạo môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh: Thanh Thảo
 

Đặc biệt, trong thời gian qua, thành phố đã hỗ trợ trực tiếp cho 17 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với tổng kinh phí hơn 2,8 tỉ đồng để hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm khởi nghiệp, sử dụng các dịch vụ và hỗ trợ chương trình ươm tạo cho 02 vườn ươm để ươm tạo, phát triển các dự án khởi nghiệp. Các sự kiện khởi nghiệp được duy trì tạo sự kết nối và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng.

Công tác hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ được quan tâm, đẩy mạnh. Trong đó, chú trọng hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của các Trường đại học, Viện nghiên cứu, doanh nghiệp và các sản phẩm đặc trưng của địa phương, sản phẩm OCOP, sản phẩm thương mại tiêu biểu. Tính đến ngày 31/12/2021, thành phố Đà Nẵng có 4.197 văn bằng được cấp (gồm 4.023 nhãn hiệu; 55 sáng chế và giải pháp hữu ích; 119 kiểu dáng công nghiệp). Trong giai đoạn hiện nay, Sở KH&CN đang hỗ trợ sâu hơn để phát triển, khai thác, thương mại hóa các tài sản trí tuệ, nhất là các sản phẩm nghiên cứu của các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp KH&CN, các sản phẩm OCOP,...

Về hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thành lập các doanh nghiệp KH&CN, từ năm 2017 đến nay đã hỗ trợ 42 lượt doanh nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ là 6,11 tỷ đồng. Việc triển khai thực hiện chính sách đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, thúc đẩy ĐMST, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu KH&CN vào thực tiễn sản xuất và đời sống, góp phần phát triển doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp KH&CN nói riêng trên địa bàn thành phố. Trong đó, có nhiều sản phẩm, dự án tốt giúp doanh nghiệp phát triển sản phẩm mới và phát triển sản xuất, tăng doanh thu, góp phần lan tỏa hoạt động đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm dịch vụ và phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố, đạt các giải thưởng về khoa học và công nghệ.

 

Nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ KNĐMST được triển khai. Ảnh: Thủy Thanh
 

Để phát triển mạnh mẽ hơn nữa hệ sinh thái KNĐMST, tạo ra một môi trường kinh doanh và khởi nghiệp thuận lợi thu hút các quỹ đầu tư, tập đoàn công nghệ, ươm tạo và nuôi dưỡng các tài năng khởi nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố Đà Nẵng, cũng như hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, phát triển doanh nghiệp góp phần chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố, Sở KH&CN sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế chính sách hiện có về hỗ trợ phát triển hệ sinh thái KNĐMST, phát triển tài sản trí tuệ và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. 

Trong đó, tập trung một số nội dung chính: Tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách, tạo lập môi trường và hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ ít nhất 100 doanh nghiệp KNĐMST của thành phố thương mại hóa sản phẩm; Hỗ trợ các Chương trình ươm tạo các dự án/doanh nghiệp KNĐMST làm cơ sở để phát triển các doanh nghiệp KNĐMST, doanh nghiệp KH&CN; Đề xuất tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho KNĐMST; Tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác quốc tế về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, như hợp tác về chính sách, chuyên gia, thu hút quỹ đầu tư, tập đoàn công nghệ kết nối, đẩy mạnh các chương trình trao đổi startup với các quốc gia khởi nghiệp như Hàn quốc, Singapore, Mỹ...; Khuyến khích, phát huy vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn trong việc triển khai các hoạt động về KNĐMST, gắn liền hoạt động nghiên cứu ứng dụng với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường; Triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ theo các Quyết định đã ban hành.

 

Khuyến khích, phát huy vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, triển khai các hoạt động về KNĐMST, gắn liền hoạt động nghiên cứu ứng dụng là một trong các nhiệm vụ trọng tâm. Ảnh: Thanh Thảo

Để thực hiện được các nội dung nêu trên, bên cạnh sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN và các thành tố trong hệ sinh thái KNĐMST cũng như sự cố gắng nỗ lực của cơ quan quản lý,  rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc bố trí các nguồn lực đầu tư cho đổi mới sáng tạo và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các hoạt động đổi mới sáng tạo được triển khai, phát triển. Lồng ghép quan điểm chỉ đạo về đổi mới sáng tạo trong các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung và trong từng ngành, địa phương và lĩnh vực nói riêng, xác định đây là giải pháp cốt lõi để phát triển kinh tế - xã hội. Sở Khoa học và Công nghệ mong muốn được chia sẻ và cùng triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến.
Lê Đức Viên
Cổng thông tin điện tử Thành phố Đà Nẵng

Xem thêm »