Đây là chia sẻ của Chủ tịch VCCI - Phạm Tấn Công tại Diễn đàn Khởi nghiệp cấp cao về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương diễn ra tại Quảng Ninh.
Tham dự diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Trần Văn Tùng và đại diện lãnh đạo các tỉnh thành phố trên cả nước.
Trong bài phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch VCCI nói: Đây là lần đầu tiên, Liên đoàn Thương mại và Công nghệ Việt Nam – VCCI vinh dự được đồng chủ trì với Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp cấp cao mà khách mời tham dự rất đặc biệt, chỉ là Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố. Diễn đàn Khởi nghiệp cấp cao đã phải dời lịch tổ chức đúng 01 năm bởi những diễn biến phức tạp của Đại dịch COVID 19. Tuy nhiên, tôi nghĩ tại thời điểm này cũng là một dịp rất tốt để VCCI cùng với các lãnh đạo bộ ban ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gặp nhau, cùng thảo luận và tìm kiếm những cơ hội mới để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp các địa phương trong bối cảnh bình thường mới sau Đại dịch.
Năm 2022, kinh tế Việt Nam gặp không mấy thuận lợi do ảnh hưởng của Đại dịch và những diễn biến mới nhất của Thế giới đã phần nào tác động đến một số nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, các công ty khởi nghiệp... Tình thế buộc các công ty khởi nghiệp Việt phải thực sự đau đáu nhìn lại mô hình kinh doanh của mình, thị trường, đối tượng khách hàng, quản trị rủi ro, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Chủ tịch Phạm Tân Công nhấn mạnh, tuy nhiên, “lửa thử vàng, gian nan thử sức” - COVID 19 như một lần “thử lửa” đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng. Và giờ là thời điểm cho thế hệ khởi nghiệp sáng tạo bừng dậy với nhiều khát vọng được trải nghiệm, cống hiến của các bạn trẻ cho đất nước.
Chủ tịch VCCI cho biết thêm, cuối tháng 4 vừa qua, VCCI đã công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021. Báo cáo đánh giá cao chính quyền nhiều tỉnh/thành phố về sự năng động, tiên phong, tinh thần làm việc có trách nhiệm và khả năng giải quyết hiệu quả các vấn đề mới, cấp bách từ thực tiễn. Báo cáo đã chỉ ra nhiều điểm sáng của môi trường kinh doanh các tỉnh, thành phố. Chẳng hạn: Chi phí không chính thức tiếp tục giảm trong nhiều thủ tục liên quan đến doanh nghiệp; Cải cách thủ tục cấp giấy phép kinh doanh; việc tiếp cận đất đai, mặt bằng kinh doanh cho doanh nghiệp hay triển khai hiệu quả và thực chất hơn nữa Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thực tế… Việc cải thiện môi trường kinh doanh ở các tỉnh/thành phố sẽ tạo động lực quan trọng, đồng thời là một trong những "chìa khóa" cho sự tăng trưởng trong năm 2022 và những năm sắp tới.
Khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo là 1 động lực để kinh tế đất nước phát triển bền vững. Đặc biệt khởi nghiệp sáng tạo (hiểu theo nghĩa rộng là bao gồm cả làm những việc cũ một cách sáng tạo hơn) là yêu cầu và cơ hội của kỷ nguyên số. Gần đây, khái niệm “đổi mới sáng tạo mở” cũng được nhắc đến nhiều như một mô hình kinh tế chia sẻ của nền kinh tế tri thức, công nghệ.
Với Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, VCCI tự hào đã đi tiên phong trong hành trình thắp lửa khởi nghiệp ở Việt Nam từ năm 2002. Hàng vạn thanh niên đã tham gia và hàng nghìn dự án khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo cũng như hàng nghìn nhà khởi nghiệp đã trưởng thành từ chiếc nôi này. Chiếc nôi khởi nghiệp quốc gia của VCCI không chỉ là nơi trình diễn các dự án mà quan trọng hơn là chúng ta đã thiết lập được một hệ sinh thái và mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp ở Việt Nam kết nối các bộ ngành, các vườn ươm và tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp, mà nòng cốt là các trường đại học, các địa phương.
Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia của VCCI đang phát huy được thể mạnh của một tổ chức hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp, thu hút sự quan tâm, vào cuộc của cộng đồng khởi nghiệp trên cả nước và một số tổ chức quốc tế. VCCI đã trở thành viên của mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu GEN. Từ năm 2019, Ban tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia là đơn vị đề cử và tổ chức Cuộc thi Cúp Khởi nghiệp toàn cầu.
Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia của VCCI đang phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc UNDP cùng triển khai một số nội dung mới cho khởi nghiệp. Chúng tôi đã đẩy mạnh việc xây dựng bộ tiêu chí về kinh doanh liêm chính cho nhà đầu tư và startup, đào tạo khởi nghiệp liêm chính, khởi nghiệp tạo tác động xã hội cho các giảng viên, cố vấn khởi nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp... Chúng tôi hiện đang qui tụ được đội ngũ các chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hàng đầu tại Việt Nam để triển khai các hoạt động khởi nghiệp chuyên sâu và cao cấp.
Nhân dịp này, tôi trân trọng cảm ơn Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã cùng VCCI đồng tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp cấp cao; cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo các tỉnh/thành phố đã dành thời gian quý báu tham dự. Tất cả chúng ta đều đang thực hiện sứ mệnh quan trọng trong việc hỗ trợ, dẫn dắt các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp, các startup vượt qua những khó khăn hiện tại để phát triển, hội nhập.
Chủ tịch VCCI hy vọng rằng: Các lãnh đạo tỉnh/thành phố đang có mặt tại đây sẽ tiếp tục là người thắp lửa và giữ lửa, truyền cảm hứng, tinh thần cho những người khởi nghiệp. VCCI sẽ sát cánh cùng các đồng chí vì sự thành công trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và vì sự phát triển của kinh tế Việt Nam.
Xây dựng văn hóa chấp nhận thất bại
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng cho rằng, rất nhiều người có ý tưởng sáng tạo. Ban đầu người khởi nghiệp chỉ có ý tưởng sáng tạo và mong muốn biến ý tưởng đó thành hiện thực. Nhưng muốn hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp từ ý tưởng của mình thì người khởi nghiệp phải được cung cấp các kiến thức có liên quan.
Nguồn kiến thức đó xuất phát từ những người đã ít nhiều thành công, từ những cá nhân hay doanh nghiệp đã đi trước với bề dày kinh nghiệm và thành tích trong quá trình khởi nghiệp. Chính những người đã thành công này sẽ quay trở lại đào tạo, bồi dưỡng chia sẻ kinh nghiệm với những người mới khởi nghiệp, giúp họ hạn chế thất bại và giảm bớt khó khăn ban đầu. Nhưng ngoài ra, họ cần được hỗ trợ về nguồn lực ban đầu.
Tại nhiều nước phát triển, phần lớn nguồn vốn cho khởi nghiệp đến từ doanh nghiệp, các quỹ đầu tư thiên thần. Nhà nước sẽ hỗ trợ, tạo hành lang pháp lý và kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước được hiểu như “vốn mồi”, phần còn lại phải huy động được từ xã hội. Và đó mới chính là con đường đi của các startup. Nguồn “vốn mồi” của Nhà nước khiến các nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm và những người có nguồn lực cảm thấy yên tâm hơn, từ đó ủng hộ và đầu tư cho các ý tưởng sáng tạo.
Thứ trưởng nhấn mạnh, công tác thông tin, tuyên truyền cũng rất quan trọng để tạo lập “văn hóa khởi nghiệp”. Tỷ lệ thành công ở khởi nghiệp tuy thấp nhưng chúng ta phải biết “chấp nhận thất bại”, qua thất bại mới đến thành công. Tư duy đó cần đưa vào lớp trẻ, vào những người mới khởi nghiệp. Xã hội cũng cần hiểu rằng, những người đó tuy thất bại nhưng thực sự họ đang học tập, học tập từ thất bại của mình để rút kinh nghiệm cho những lần sau.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp thành công, các địa phương và các ban, ngành liên quan cần có đủ kiến thức, kỹ năng tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp tương thích với các quốc gia khác đang triển khai; cần xây dựng văn hóa chấp nhận thất bại, dám đứng lên làm lại cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Khởi nghiệp sáng tạo tại Quảng Ninh còn thiếu và yếu?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng cho biết, tỉnh Quảng Ninh hiện đã hình thành 24 Câu lạc bộ khởi nghiệp với gần 500 thành viên (Câu lạc bộ Đầu tư – Khởi nghiệp của tỉnh trực thuộc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Quảng Ninh; 13/13 địa phương của Quảng Ninh đã thành lập Câu lạc bộ Đầu tư – Khởi nghiệp thuộc Đoàn thanh niên các địa phương; 07 Câu lạc bộ Nữ doanh nhân khởi nghiệp tại các địa phương; 03 Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp tại các Trường Đại học trên địa bàn tỉnh).
Các diễn đàn, cuộc thi về sáng tạo khởi nghiệp tổ chức trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được hàng nghìn thanh niên tại các huyện, thị xã, thành phố nhiệt tình tham gia, nhiều ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp có tiềm năng phát triển thành sản phẩm, dịch vụ sáng tạo. Đặc biệt, năm 2019, tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thành công Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam (Techfest) năm 2019. Sự kiện đã thu hút hơn 6.000 người tham dự bao gồm các nhà đầu tư, chuyên gia khởi nghiệp, học sinh, sinh viên trong nước và quốc tế; trong đó, có 120 diễn giả, trên 100 quỹ đầu tư; sự kiện đã có gần 300 doanh nghiệp tham gia triển lãm sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giới thiệu dịch vụ khởi nghiệp; có trên 250 phiên kết nối giữa các doanh nghiệp với tổng số tiền quan tâm đầu tư khoảng 14 triệu USD…
Từ góc độ địa phương, ông Khắng khẳng định, hoạt động khởi nghiệp hầu hết chỉ dừng lại ở khởi nghiệp đơn thuần, theo phương thức kinh doanh truyền thống, dựa trên khai thác thế mạnh của địa phương, vùng miền. Đã có những ý tưởng áp dụng công nghệ trong hoạt động khởi nghiệp của mình để tạo nên những sản phẩm chất lượng, hiệu quả nhưng chưa rõ nét, chưa thực sự được coi là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Việc kêu gọi vốn đầu tư từ các nhà đầu tư, tập đoàn lớn là rất khó khăn, ít có nhà đầu tư dám mạo hiểm đầu tư cho hoạt động này ở Quảng Ninh. Đồng thời, việc phối hợp triển khai các hoạt động vẫn còn rời rạc, chưa đồng bộ, còn trùng lắp, chồng chéo, chưa phát huy mạnh mẽ trong công tác hỗ trợ khởi nghiệp, các ý tưởng dự án chưa có chính sách hỗ trợ để phát triển thành doanh nghiệp, chất lượng các ý tưởng dự án khởi nghiệp còn thấp nên quá trình hình thành từ ý tưởng đến khi thành lập doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
“Vì vậy, Quảng Ninh mong muốn thông qua sự kiện “Diễn đàn cao cấp về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương” được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ, Ngành Trung ương, đội ngũ chuyên gia, cố vấn chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, của tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, thông qua diễn đàn lần này, thu hút sự quan tâm của các Nhà đầu tư vào Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ninh”, ông khắng nói.
Cũng tại Diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, kiến nghị tháo gỡ khó khăn như "xác định rõ đối tượng khởi nghiệp là ai", "khởi nghiệp không chỉ dân vận mà phải quan vận", gỡ bỏ tư tưởng "cá lớn nuốt cá bé", "vì sao có những chính sách ưu đãi cho KCN mà không có cho không gian khởi nghiệp"...
Không khí cởi mở, ý kiến thẳng thắn, những ý tưởng và kiến nghị được tiếp thu. Có thể nói Diễn đàn khởi nghiệp cấp cao năm 2022 đã thành công tốt đẹp, hứa hẹn 1 năm khởi sắc cho khởi nghiệp quốc gia.
Lê Cường
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp