Từ 1/7/2025 tạm dừng giao dịch tài khoản doanh nghiệp nếu chưa cập nhật sinh trắc học đúng không?
Nội dung từ ngày 1/7/2025 tạm dừng giao dịch tài khoản doanh nghiệp nếu chưa cập nhật sinh trắc học được quy định tại Thông tư 17/2024/TT-NHNN.

Căn cứ theo điểm c khoản 5 Điều 17 Thông tư 17/2024/TT-NHNN quy định như sau:
Điều 17. Sử dụng tài khoản thanh toán
[...]
5. Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hướng dẫn khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán đảm bảo nguyên tắc:
[...]
c) Chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán khi đã hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản hoặc người đại diện (đối với khách hàng cá nhân) hoặc người đại diện hợp pháp (đối với khách hàng tổ chức) với:
(i) Dữ liệu sinh trắc học được lưu trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước của người đó đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của người đó do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập; hoặc
(ii) Dữ liệu sinh trắc học được thu thập thông qua gặp mặt trực tiếp người đó đối với trường hợp là người nước ngoài không sử dụng danh tính điện tử, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; hoặc
(iii) Dữ liệu sinh trắc học đã được thu thập và kiểm tra (đảm bảo sự khớp đúng giữa dữ liệu sinh trắc học của người đó với dữ liệu sinh trắc học trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc với dữ liệu sinh trắc học của người đó thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập); hoặc
(iv) Dữ liệu sinh trắc học của người đó được lưu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong trường hợp sử dụng thẻ căn cước công dân không có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa;
[...]
Căn cứ theo khoản 4 Điều 23 Thông tư 17/2024/TT-NHNN quy định như sau:
Điều 23. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, 3, 4 và khoản 5 Điều này.
2. Điều 12, 13, 14, 15, 16 và Điều 19 (trừ quy định tại khoản 3) Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 10 năm 2024.
3. Quy định tại điểm c khoản 5 Điều 17 áp dụng đối với tài khoản thanh toán của cá nhân và khoản 3 Điều 19 Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.
4. Quy định tại điểm c khoản 5 Điều 17 Thông tư này áp dụng đối với tài khoản thanh toán của tổ chức có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2025.
[...]
Như vậy, từ ngày 1/7/2025, người đại diện hợp pháp của khách hàng tổ chức chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán sau khi đã hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của người đại điện hợp pháp.
Do đó, người đại diện hợp pháp của khách hàng tổ chức phải cập nhật thông tin sinh trắc học trước ngày 1/7/2025.
Sau thời gian này nếu khách hàng chưa cập nhật, ngân hàng phải tạm dừng giao dịch chuyển tiền, rút tiền tài khoản thanh toán bằng phương tiện điện tử trên dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng tổ chức.
* Trên đây là nội dung Từ 1/7/2025 tạm dừng giao dịch tài khoản doanh nghiệp nếu chưa cập nhật sinh trắc học đúng không?
Từ 1/7/2025 tạm dừng giao dịch tài khoản doanh nghiệp nếu chưa cập nhật sinh trắc học đúng không? (Hình từ Internet)
Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ gì trong hoạt động thông tin?
Căn cứ theo quy định tại Điều 37 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010, trong hoạt động thông tin, Ngân hàng Nhà nước có các nhiệm vụ dưới đây:
- Tổ chức thu nhận, sử dụng, lưu trữ, cung cấp và công bố thông tin phù hợp với quy định của pháp luật;
- Tổ chức, giám sát việc cung cấp thông tin tín dụng của khách hàng có quan hệ với tổ chức tín dụng cho tổ chức tín dụng;
- Hướng dẫn việc cung cấp thông tin và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ và quyền hạn gì về quản lý ngoại hối và hoạt động ngoại hối?
Căn cứ theo quy định tại Điều 31 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010, các nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước về quản lý ngoại hối và hoạt động ngoại hối là:
- Quản lý ngoại hối và sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức và phát triển thị trường ngoại tệ.
- Cấp, thu hồi giấy phép hoạt động ngoại hối cho tổ chức tín dụng, các tổ chức khác có hoạt động ngoại hối.
- Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định biện pháp hạn chế giao dịch ngoại hối để bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
- Tổ chức, quản lý, tham gia thị trường ngoại tệ liên ngân hàng.
- Nhiệm vụ, quyền hạn khác về quản lý ngoại hối và hoạt động ngoại hối theo quy định của pháp luật.
Thuvienphapluat.vn