Lớp bồi dưỡng "Thủ tục đầu tư, cơ chế lựa chọn nhà đầu tư và một số vướng mắc pháp lý trong thực tiễn thi hành Luật Đầu tư năm 2020"

02/10/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017; Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 18/QĐ-BTP ngày 06/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động năm 2023 của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi là Ban Quản lý Chương trình HTPLLN) ban hành Kế hoạch số 1237/KH-HTPLLN ngày 04/4/2023 tổ chức các hội nghị đối thoại, lớp bồi dưỡng về các vấn đề pháp lý liên quan đến doanh nghiệp năm 2023. Để thực hiện theo Kế hoạch đã ban hành, Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Vụ Pháp chế) tổ chức Lớp bồi dưỡng về các vấn đề pháp lý liên quan đến doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với nội dung về: “Thủ tục đầu tư, cơ chế lựa chọn nhà đầu tư và một số vướng mắc pháp lý trong thực tiễn thi hành Luật Đầu tư năm 2020”.

Lớp bồi dưỡng do bà Hoàng Thị Nam Phương – Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Giảng viên. Tham gia Lớp bồi dưỡng, có ông Cao Đăng Vinh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chương trình HTPLLN, Bộ Tư pháp và đại diện các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, văn phòng luật sư trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ông Cao Đăng Vinh Cao Đăng Vinh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chương trình HTPLLN, Bộ Tư pháp thay mặt Ban Quản lý Chương trình HTPLLN, Bộ Tư pháp phát biểu khai mạc Lớp bồi dưỡng. Theo ông Cao Đăng Vinh, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn được Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền quan tâm, trong đó đặt nền móng từ Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đến nay là Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ. Đối với hoạt động đầu tư, Lãnh đạo Chính phủ quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1242/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương. Do đó, thông qua hoạt động bồi dưỡng hôm nay, Ban Quản lý Chương trình HTPLLN, Bộ Tư pháp mong muốn đồng hành, hỗ trợ pháp lý đến doanh nghiệp nhỏ và vừa và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

    

Tại Lớp bồi dưỡng, Giảng viên đã trao đổi, thông tin đến các đại biểu tham dự các quy định về thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hưởng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Trao đổi tại buổi học, Giảng viên cho rằng, trong quá trình áp dụng Luật Đầu tư và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng như doanh nghiệp còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như: (i) Vướng mắc về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; (ii) vướng mắc liên quan đến Nghị định số 83/2020/NĐ-CP về thủ tục đầu tư đối với dự án đầu tư có chuyển mục đích sử dụng rừng; (iii) vướng mắc trong việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội; (iv) vướng mắc đối với dự án đầu tư có sử dụng khu vực biển… Trên cơ sở nội dung Giảng viên trao đổi, các đại biểu tham dự có nhiều ý kiến trao đổi, trong đó chủ yếu là các vướng mắc khi áp dụng quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư tại địa phương. Cụ thể như vướng mắc liên quan đến áp dụng quy định về lựa chọn nhà đầu tư trong đấu thầu liên quan đến đất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao; vướng mắc khi nhà đầu tư sử dụng quyền sử dụng đất để góp vốn đầu tư; quy định về thời hạn để gia hạn thời gian đầu tư của nhà đầu tư; quy định liên quan đến nhà đầu tư sử dụng “công nghệ lạc hậu”…
Thông qua Lớp bồi dưỡng, các đại biểu được lắng nghe, trao đổi từ giảng viên về các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến thủ tục đầu tư và có giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc quy định của pháp luật hiện hành, nhằm khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.

Xem thêm »