Hội nghị Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030

30/12/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Triển khai nhiệm vụ của Bộ Tư pháp được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kì 2021-2025 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và thực hiện Kế hoạch số 4696/KH-HTPLLN ngày 13/12/2021, Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 (Chương trình HTPLLN) tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến hội nghị “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030" ngày 28/12/2021 tại Hà Nội.

Chủ trì Hội nghị có TS. Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, Phó Trưởng ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2011 - 2025, với sự tham gia trực tiếp của đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, đại diện các bộ, ngành, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các cơ quan báo chí và hơn 100 đại biểu tham dự trực tuyến.
 

Ông Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, Phó Trưởng ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2011 - 2025


Phát biểu khai mạc, Vụ trưởng Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh đến vai trò của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo Vụ trưởng Nguyễn Thanh Tú, thời gian vừa qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và hỗ trợ pháp lý nói riêng. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc.
Vì vậy, thông qua Hội nghị, Vụ trưởng Nguyễn Thanh Tú hy vọng các đại biểu trao đổi, thảo luận tích cực nhằm nhận diện những khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất các giải pháp dài hạn kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Tại Hội nghị, các chuyên gia trình bày các tham luận xoay quanh chủ đề của Hội nghị:    
- Khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và một số kiến nghị, đề xuất của bà Lê Thị Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
- Khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của tỉnh Tuyên Quang và một số kiến nghị, đề xuất của bà Nguyễn Thị Thược – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang.
- Mạng lưới tư vấn viên pháp luật – khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất nâng cao hiệu quả hoạt động giai đoạn 2021-2030 của TS. Trần Minh Sơn - Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025.
- Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030 của Bà Nguyễn Tùng Anh - Phó Trưởng phòng, Phòng Triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của tỉnh Bắc Giang và một số kiến nghị, đề xuất của Ông Dương Văn Chung – Trưởng phòng, Phòng Văn bản & Quản lý xử lý vi phạm hành chính, Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang.
- Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ - Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới của ThS. Phan Vũ – Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp.
 
Bà Lê Thị Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch


TS. Trần Minh Sơn, Trưởng Văn phòng hỗ trợ Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV giai đoạn 2021-2030 cho rằng, nhu cầu hỗ trợ pháp lý của DNNVV rất lớn, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng giải thể, phá sản, ngừng hoạt động; đối tượng có nhu cầu hỗ trợ pháp lý đa dạng khi nguồn lực nhà nước có hạn. Vì vậy, việc tổ chức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo mô hình mạng lưới tư vấn viên là giải pháp thiết thực cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, qua đó sẽ đem lại nhiều hiệu quả trực tiếp cho DNNVV.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp, TS. Trần Minh Sơn nêu rõ cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Thứ nhất, Bộ Tư pháp cần rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định pháp luật và trình Chính phủ thống nhất mức hỗ trợ kinh phí cho mạng lưới tư vấn viên pháp luật. Thứ hai, Bộ Tư pháp cần quan tâm thống nhất và phát triển mạng lưới tư vấn viên chuyên nghiệp trong lĩnh vực pháp lý trên cơ sở Nghị định của Chính phủ, Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối và duy nhất công nhận và thực hiện vận hành mạng lưới tư vấn pháp luật trên cả nước. Thứ ba, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong quá trình vận hành mạng lưới tư vấn pháp luật. Thứ tư, tăng cường công tác bồi dưỡng kỹ năng và chuyên môn cho mạng lưới vấn viên pháp luật. Thứ năm, tổ chức các buổi tư vấn, tọa đàm theo chuyên pháp lý đề giữa mạng lưới tư vấn viên pháp luật và doanh nghiệp. Thứ sáu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động hỗ trợ của mạng lưới tư vấn pháp luật.
 
Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025


Ngoài ra những diễn giả trình bày tham luận, Hội nghị có sự tham gia của ông Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội; ông Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm CLB Pháp chế doanh nghiệp,... cũng đóng góp nhiều kinh nghiệm quý báu cho hoạt động của Chương trình trong thời gian tới.
Nhấn mạnh đến giải pháp trọng tâm của Chương trình thời gian tới, Vụ trưởng Nguyễn Thanh Tú cho biết, cần hoàn thiện các quy định pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trong đó có sửa đổi Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, cần dành sự quan tâm đến hoạt động của mạng lưới tư vấn viên; xử lý những bất cập, vướng mắc về kinh phí; có cách nhìn nhận khác, rộng hơn về trách nhiệm xã hội của luật sư và tổ chức dịch vụ pháp lý đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
 
Ông Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội
 
Ông Nguyễn Duy Lãm - Chủ nhiệm CLB Pháp chế doanh nghiệp


Đối với các giải pháp về thực hiện chương trình, Vụ trưởng Nguyễn Thanh Tú lưu ý, cần tập trung xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ pháp lý, nâng cao chất lượng hiệu quả chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để thu hút được chuyên gia và doanh nghiệp; thúc đẩy truyền thông, áp dụng công nghệ, khảo sát đánh giá để đưa ra nội dung, chương trình để doanh nghiệp tiếp cận chương trình ngày càng hiệu quả hơn.

“Vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp là khi tiếp cận với cơ quan hành chính. Vì thế, việc tư vấn của các chuyên gia để tháo gỡ khó khăn này chính là điểm nhấn để Chương trình phát huy hiệu quả trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp”, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế nêu rõ.

Bế mạc hội thảo, Vụ trưởng Nguyễn Thanh Tú kết luận chung về các kiến nghị một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới tư vấn viên pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV giai đoạn 2021-2030, đó là cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật và trình Chính phủ thống nhất mức hỗ trợ kinh phí hỗ trợ cho mạng lưới tư vấn viên, bởi các tư vấn viên pháp luật được Bộ, ngành công nhận, có phân công, mục tiêu, giám sát, minh bạch với sự thống nhất và phát triển mạng lưới tư vấn viên chuyên nghiệp theo từng lĩnh vực cụ thể; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tổ chức tọa đàm theo chuyên đề giữa tư vấn viên và doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động hỗ trợ của mạng lưới tư vấn pháp luật;… 

Xem thêm »