Hội nghị trực tiếp và trực tuyến “Một số vướng mắc, bất cập của pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng trong bối cảnh dịch COVID-19: Khuyến nghị đối với doanh nghiệp và giải pháp hoàn thiện”

24/12/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Triển khai nhiệm vụ của Bộ Tư pháp được Chính phủ giao tại: điểm g khoản 3 Mục III Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 và thực hiện Kế hoạch số 4696/KH-HTPLLN ngày 13/12/2021 của Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Chương trình HTPLLN), ngày 24/12/2021 tại Hà Nội, Ban Quản lý Chương trình HTPLLN tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến “Một số vướng mắc, bất cập của pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng trong bối cảnh dịch COVID-19: Khuyến nghị đối với doanh nghiệp và giải pháp hoàn thiện”.

Mục đích của Hội nghị nhằm trao đổi những vướng mắc, bất cập của pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng trong bối cảnh dịch COVID-19 và tăng cường các giải pháp hỗ trợ pháp lý góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho DNNVV trong bối cảnh dịch COVID-19. TS. Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp kiêm Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chương trình HTPLLN chủ trì Hội nghị. Đầu cầu Hội nghị trực tiếp tại Hà Nội có gần 30 đại biểu tham dự và gần 90 đại biểu tham dự trực tuyến qua zoom ở các bộ, ngành; đại diện Sở Tư pháp các địa phương; tổ chức đại diện cho doanh nghiệp; doanh nghiệp và cơ quan báo, đài liên quan.

Chia sẻ tại Hội nghị, Luật sư Nguyễn Hưng Quang – Chủ tịch trung tâm Hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam (VICMC) trình bày các nội dung liên quan đến ảnh hưởng của các biện pháp chống dịch trong thời gian qua đến mối quan hệ hợp đồng thương mại; nội dung tổ chức thực hiện hợp đồng thương mại trong bối cảnh phòng chống Covid-19, từ đấy trao đổi các tình huống vụ việc cụ thể đã xảy ra trong năm 2020 và 2021 đối với doanh nghiệp, rát ra các bài học, khuyến nghị cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới.

Với 161 văn bản pháp luật điều chỉnh pháp luật về hợp đồng hiện nay ở Việt Nam, theo bà Lê Thị Hoàng Thanh – Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, các vướng mắc, bất cập của pháp luật hợp đồng là còn có sự chồng lấn, chưa rõ ràng về phạm vi điều chỉnh giữa các đạo luật và sự trùng lặp giữa các quy định pháp luật; một số văn bản pháp luật trong lĩnh vực cụ thể còn quy định khác với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về hợp đồng cần phải được nghiên cứu, hoàn thiện, thống nhất; hệ thống pháp luật về hợp đồng còn chứa đựng một số quy định chưa rõ ràng, chưa phù hợp dẫn đến thực tiễn áp dụng còn gặp nhiều khó khăn, chưa thúc đẩy sự phát triển.

Qua trao đổi giữa các chuyên gia với đại biểu về các nội dung liên quan đến các vướng mắc, bất cập của pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng trong bối cảnh dịch COVID-19,  TS. Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp kiêm Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chương trình HTPLLN đánh giá cao nội dung trao đổi của các đại biểu tại Hội nghị, qua đó, Chương trình HTPLLN tiếp thu được các ý kiến vướng mắc, bất cập từ các vụ việc thực tiễn của pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng trong bối cảnh dịch COVID-19 để giúp cho Bộ Tư pháp thực hiện tốt các hoạt động xây dựng, góp ý, thẩm định nhằm hoàn thiện và thực thi hiệu quả các quy định pháp luật về hợp đồng trong thời gian tới. 
 

Xem thêm »