Sau gần 7 năm thực hiện, Nghị định đã phát sinh một số hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực thi như chưa điều chỉnh một số tình huống phát sinh trên thực tế, đặc biệt là vấn đề chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại hoặc chưa được cụ thể hóa, chi tiết hóa số một số quy định của WTO... Do đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2025/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại (thay thế Nghị định số 10/2018/NĐ-CP)
Nghị định được ban hành nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ động tham gia hội nhập quốc tế về kinh tế; kịp thời sửa đổi, bổ sung khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh từ thực tiễn nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng vệ thương mại.

Nghị định bao gồm 06 chương với 117 điều cụ thể như sau:
Chương I: Những quy định chung bao gồm 21 điều (từ Điều 1 đến Điều 21). Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, xác định ngành sản xuất trong nước, mối quan hệ giữa nhà sản xuất hàng hóa tương tự, hình thức tiếp nhận hồ sơ trong xử lý vụ việc phòng vệ thương mại, quyền và nghĩa vụ của bên yêu cầu và bên bị yêu cầu trong vụ việc phòng vệ thương mại, tham vấn, điều tra tại chỗ, xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ yêu cầu điều tra, rà soát áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại...
Chương II: Điều tra, áp dụng và rà soát biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp bao gồm 41 điều (từ Điều 22 đến Điều 62). Theo đó, quy định phương pháp xác định giá xuất khẩu của hàng hóa bị điều tra bán giá phá, trợ cấp; tính riêng biệt của trợ cấp, phương pháp xác định giá trị trợ cấp và mức trợ cấp; xác định thiệt của ngành sản xuất trong nước; quy trình và thủ tục điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp bao gồm hồ sơ yêu cầu, điều tra; áp dụng biện pháp chống bán giá, chống trợ cấp; rà soát áp dụng biện pháp chống bán giá chống trợ cấp bao gồm nội dung rà soát, hồ sơ quy trình, thủ tục rà soát...
Chương III: Điều tra, áp dụng và rà soát biện pháp tự vệ bao gồm 18 điều (từ Điều 63 đến Điều 80). Chương này quy định hồ sơ, quy trình, thủ tục điều tra và áp dụng biện pháp tự vệ, nội dung rà soát, quy trình thủ tục rà soát
Chương IV: Điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm 23 điều (từ Điều 81 đến Điều 103). Chương này quy định hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; hồ sơ yêu cầu, quy trình, thủ tục điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và rà soát áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Chương V: Xử lý biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bao gồm 11 điều (từ Điều 104 đến Điều 114). Chương này quy định nguyên tắc xác định, cung cấp thông tin vụ việc; hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, hoạt động phối hợp của các cơ quan trong trường hợp thương nhân Việt Nam bị nước nhập khẩu điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành, nghề, thương nhân...
Chương VI: Điều khoản thi hành bao gồm 03 Điều (từ Điều 115 đến Điều 117). Chương này quy định hiệu lực thi hành, trách nhiệm thi hành và quy định chuyển tiếp.
Một số quy định sửa đổi, bổ sung mới để hoàn thiện so với Nghị định 10/2018/NĐ-CP bao gồm:
i) Các quy định chung và quy định về điều tra, áp dụng và rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp sửa đổi, bổ sung các quy định:
- Quy định về hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp;
- Quy trình xử lý, chọn mẫu doanh nghiệp khi tiến hành điều tra;
- Quy định về việc ban hành, công bố kết luận điều tra sơ bộ, kết luận điều tra cuối cùng;
- Quy định về áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp có hiệu lực trở về trước;
- Quy định về việc áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp khi thực hiện chọn mẫu điều tra.
ii) Các quy định về điều tra, áp dụng và rà soát việc áp dụng biện pháp tự vệ sửa đổi, bổ sung các quy định:
- Về Hồ sơ yêu cầu và tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ
+ Quy định rõ nội dung đối với hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ; Căn cứ tiến hành điều tra; Quyết định không tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ; Thời kỳ điều tra xác định thiệt hại; Bản câu hỏi điều tra áp dụng biện pháp tự vệ. Làm rõ việc xác định thế nào là hàng hóa tương tự và thế nào là hàng hóa cạnh tranh trực tiếp.
+ Quy định rõ việc xác định thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước. Đồng thời, quy định cụ thể về việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa việc hàng hóa nhập khẩu quá mức vào Việt Nam với thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước.
- Về áp dụng biện pháp tự vệ
+ Sửa đổi, bổ sung quy định về: “Danh sách nước kém phát triển, đang phát triển do Cơ quan điều tra xác định dựa trên cơ sở dữ liệu đáng tin cậy” để phù hợp với thực tiễn điều tra và các cam kết.
+ Bổ sung các yêu cầu cụ thể đối với quy định về áp dụng biện pháp hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan trong trường hợp muốn áp dụng một lượng hạn ngạch thấp hơn bình quân 03 năm gần nhất hoặc phân bổ lượng hạn ngạch cho từng quốc gia không theo thị phần bình quân trong 03 năm gần nhất.
- Về rà soát việc áp dụng biện pháp tự vệ
+ Bổ sung quy định đối với căn cứ tiến hành rà soát giữa kỳ; Bên nộp hồ sơ đề nghị rà soát giữa kỳ; Quy định cụ thể về nội dung thẩm định hồ sơ yêu cầu rà soát giữa kỳ; Nội dung rà soát, quyết định về kết quả rà soát giữa kỳ và trường hợp rà soát giữa kỳ trong trường hợp cơ quan điều tra tự khởi xướng.
+ Sửa đổi và bổ sung quy định liên quan đến hồ sơ rà soát và nội dung rà soát cuối kỳ. Nội dung rà soát cuối kỳ cần đánh giá xem việc tiếp tục biện pháp tự vệ có cần thiết hay không để ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước.
+ Quy định rõ các điều khoản liên quan đến việc thông báo tiếp nhận hồ sơ, thời hạn nộp hồ sơ, căn cứ và nội dung thẩm định hồ sơ yêu cầu rà soát, quyết định điều tra rà soát và bản câu hỏi điều tra rà soát cuối kỳ.
+ Bổ sung thêm quy định về hồ sơ yêu cầu rà soát phạm vi hàng hóa, quy định cụ thể về quy trình, thủ tục rà soát phạm vi hàng hóa bao gồm: đối tượng nộp hồ sơ yêu cầu, nội dung thẩm định hồ sơ yêu cầu, quyết định điều tra rà soát, bản câu hỏi điều tra rà soát phạm vi hàng hóa.
iii) Các quy định về điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại
- Sửa đổi, bổ sung các quy định về xác định hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM, quy trình thủ tục điều tra, rà soát hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM như sau:
+ Sửa đổi, bổ sung quy định về việc xác định hàng hóa thuộc đối tượng điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM.
+ Quy định chi tiết các yếu tố để xác định giá trị sản xuất, lắp ráp gia tăng tại Việt Nam là không đáng kể; Các yếu tố để xác định như thế nào là thay đổi không đáng kể.
+ Bổ sung điều khoản quy định cụ thể trường hợp hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM bằng việc chuyển tải thông qua một hoặc nhiều nước khác nhau; Hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM thông qua thay đổi nhà sản xuất để hưởng lợi từ mức thuế PVTM thấp hơn mức đang áp dụng.
- Quy định về quy trình, thủ tục điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM và rà soát hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM:
+ Quy định cụ thể thành các tiểu mục như tiểu mục về Hồ sơ yêu cầu, trong đó bổ sung thêm các điều khoản như đối tượng nộp hồ sơ yêu cầu điều tra chống lẩn tránh, nội dung thẩm định hồ sơ yêu cầu, tham vấn trong quá trình điều tra.
+ Quy định về quy trình điều tra và áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM, trong đó có quy định đầy đủ các nội dung như quyết định về việc điều tra hoặc không điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, nội dung điều tra chống lẩn tránh, đánh giá sự suy giảm hiệu quả biện pháp PVTM đối với ngành sản xuất trong nước, bản câu hỏi điều tra, chọn mẫu điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM tạm thời và áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM chính thức.
+ Bổ sung quy định đối với thủ tục, hồ sơ kiểm tra và áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM, cũng như nghĩa vụ thông báo với cơ quan điều tra để đảm bảo việc các đối tượng được loại trừ việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh này không có khả năng lẩn tránh biện pháp PVTM sau khi quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM có hiệu lực thì cần.
+ Bổ sung các quy định liên quan đến rà soát hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM và quy trình, thủ tục, điều tra rà soát hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM.
iv) Các quy định đối với xử lý biện pháp PVTM áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam: Sửa đổi, bổ sung quy định về vai trò của đơn vị chủ trì, mức độ và thời hạn phối hợp của một số đơn vị phối hợp quan trọng và các đơn vị phối hợp khác trong quá trình xây dựng phương án yêu cầu bồi thường, trả đũa đã được quy định tại Hiệp định về các biện pháp Tự vệ của WTO.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.
Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Công thương
File đính kèm: