Tìm giải pháp phát triển thương hiệu và gọi vốn thành công cho startup

19/12/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã có buổi chia sẻ kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp, gọi vốn cũng như giải pháp phát triển hình ảnh, thương hiệu của các startup.

Sáng kiến phải có lợi nhuận

Với nhiều năm kinh nghiệm làm cố vấn, chuyên gia đào tạo cho các startup, bà Khúc Thị Hồng Nga - Giám đốc Công ty CP Truyền thông Vietnam Startup TV (VSTV) cho biết, để thu hút sự quan tâm và đầu tư từ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần xác định những mục tiêu dành cho khách hàng.

"Khi ý tưởng đã tốt rồi, các bạn hãy phát triển những điều khác biệt. Đánh giá xem liệu ý tưởng của mình sẽ mang lại giá trị gì cho cộng đồng? Các bạn có điểm khác biệt gì so với những doanh nghiệp khác? Những điều này sẽ thu hút các nhà đầu tư bởi đây chính là lợi thế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Từ đó, các bạn hãy xây dựng các chiến lược, vận hành và marketing riêng...”, bà Nga khuyến nghị.

Ở góc độ nhà đầu tư, ông Bobby Liu - Giám đốc EIR, TouchStone Partners cho biết, các nhà đầu tư đều có quan điểm khá giống nhau khi xác định ý tưởng đầu tư của ai và liệu rằng người có ý tưởng này có thể tiếp tục thực hiện hay không? Mỗi đội nhóm cần có những thành viên cốt lõi.

Theo đó, trước hết, các startup cần tạo ấn tượng đối với các nhà đầu tư. Điều đó có nghĩa, các startup cần những người sáng lập tốt và sự hợp tác tốt. Cần phải làm mọi thứ từ A-Z và phải hiểu được chúng ta đang làm gì cũng như hiểu được tầm nhìn của doanh nghiệp.

"Chúng tôi có các yếu tố để đánh giá 1 startup có đang thành công hay không? Ví dụ như nhu cầu thị trường, các nhà sáng lập phải thực sự kiên trì với ý tưởng của họ. Chúng ta không tìm kiếm những nhà sáng lập chỉ nói giỏi, họ cần phải tin tưởng vào những việc họ đang làm và họ phải có những đặc điểm khác biệt để giải quyết vấn đề", ông Bobby Liu chia sẻ.

Với các doanh nghiệp tạo tác động xã hội, ông Đức Khổng - Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ VietinBank cho rằng, có khá nhiều dự án về giải quyết vấn đề xã hội. Tuy nhiên, nếu muốn phát triển bền vững và trường tồn, giúp đỡ được người khác thì trước hết các sáng kiến của các bạn phải có lợi nhuận.

"Đối với người làm thẩm định đầu tư, điều chúng tôi quan tâm nhất là những người đang vận hành có tâm huyết với startup không? Ý tưởng cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn là quá trình chuyển hóa ý tưởng thành sản phẩm, vận hành theo đúng hướng và áp dụng được ra thị trường. Trong quá trình vận hành, các bạn nên tìm các chuyên gia phù hợp để có thể giúp đỡ các bạn triển khai sản phẩm một các tốt nhất, để kinh doanh cho những người chuyên môn", ông Đức Khổng nêu.

Thẩm định quan trọng thứ 2 là mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp. Các startup cần vạch ra lộ trình cụ thể và phù hợp, thực hiện đúng vai trò là người sáng tạo ý tưởng. Cho đến nay, ở Việt Nam tập trung vốn cho doanh nghiệp chủ yếu vẫn là vốn tự túc. Vốn từ ngân hàng thương mại phải phụ thuộc vào nhà nước và các startup phải chứng minh được những thành quả của mình trong tương lai mới được cấp vốn. Việc gây quỹ vẫn phải chịu nhiều quy định của luật.

 

Các diễn giả tại tọa đàm
Các diễn giả tại tọa đàm

Cần mô hình chuẩn chỉnh về marketing

Tại tọa đàm, các diễn giả trong lĩnh vực truyền thông, tiếp thị còn tập trung thảo luận về giải pháp phát triển hình ảnh, thương hiệu của startup.

Nhấn mạnh về chuyển đổi số trong truyền thông - marketing, bà Hằng Phạm – Sáng lập và Chủ tịch BambuUp cho rằng, chuyển đổi số là một phần của đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, cách đổi mới là do các startup lựa chọn. Không phải cứ có công nghệ mới tạo ra đổi mới sáng tạo.

"Hiện chúng tôi đang thực hiện báo cáo lần đầu tiên về bản đồ của đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Bản đồ này có 4 trụ cột gồm con người, kinh tế, tạo tác động xã hội (như môi trường, phát triển bền vững) và công nghệ. Khi các bạn tạo ra các ý tưởng về tạo tác động xã hội, các nhà đầu tư sẽ lồng ghép các ý tưởng của startup vào việc kinh doanh", bà Hằng Phạm thông tin.

Ông Nguyễn Lâm Thanh- Giám đốc chính sách Tiktok Việt Nam cho biết, xu hướng truyền thông xã hội đang rất rõ rệt. Những yếu tố tích cực, nhân văn đang là những điều rất cần thiết cho cuộc sống.

Theo số liệu thống kê của Tiktok, các chủ đề tích cực nhân văn mới có khả năng thu hút lâu dài và tương tác tích cực, chứ không phải các yếu tố chỉ gây sốc, bạo lực... mà chúng ta vẫn nghĩ sẽ dễ hút người xem hơn. Chính vì thế, việc các startup tạo tác động rất có lợi thế. Có thể kể câu chuyện nhân văn, mang lại giá trị lâu dài, để làm sắc nét thương hiệu, đóng góp vào hình ảnh tốt đẹp, tích cực, từ đó tạo nên niềm tin bền vững từ khách hàng.

Chia sẻ về quan điểm muốn đẩy mạnh thương hiệu cần yếu tố viral (lan tỏa), gây sốc, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long – Sáng lập Truyền thông trăng đen cho biết: “Không nên xem việc viral là kim chỉ nam để truyền thông mà tập trung vào các giá trị, nội dung mà bạn có thể truyền tải tới khách hàng. Ngoài ra, đừng xem viral là cứ phải giật gân, gây sốc, mà có rất nhiều yếu tố để có thể làm truyền thông viral. Đặc biệt lạ và sáng tạo lại là lợi thế của các startup".

Tuy nhiên, để phát triển lâu dài, chuyên gia này khuyên các startup hãy làm thật tốt những truyền thông căn bản, xây dựng nội dung, phát triển kênh truyền thông và có sự chỉn chu về nội dung ngay từ đầu và thường xuyên. Việc các bên thông qua 1 mô hình chuẩn chỉnh về marketing dành cho startup là thực sự cần thiết.

Tạp chi Diễn đàn Doanh nghiệp​

Xem thêm »