Phạt vi phạm, bồi thường hợp đồng dân sự theo Bộ luật dân sự năm 2015

03/12/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trong các hình thức trách nhiệm dân sự trong hợp đồng dân sự thì phạt vi phạm hợp đồng; bồi thường thiệt hại (BTTH) hợp đồng là những hình thức trách nhiệm thông dụng nhất. Đây là hình thức trách nhiệm dân sự do các bên thỏa thuận ghi trong hợp đồng, nhằm buộc bên có hành vi gây ra thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách đền bù tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại.

Thực tế giao kết hợp đồng dân sự hiện nay, hầu hết đều có thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng; BTTH do vi phạm hợp đồng Tuy nhiên, thỏa thuận về các điều khoản này như thế nào để đúng pháp luật và bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì không phải ai cũng biết. Một số quy định mới của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, có đề cập đến những nội dung này, nhưng theo tác giả cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần ban hành hướng dẫn chi tiết hơn để các chế định này thật sự phát huy hiệu quả trong giao kết hợp đồng dân sự.
Phạt vi phạm hay còn gọi là phạt vi phạm hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. Mức phạt vi phạm trong hợp đồng dân sự do hai bên thỏa thuận, còn trong thương mại và xây dựng thì căn cứ vào giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, và không quá 8% hoặc 12%
BLDS năm 2015 quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc như sau:“Hợp đồng” là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ trong một sự việc hay lĩnh vực nào đó. Nếu hợp đồng trong lĩnh vực dân sự (như mua bán nhà, xe ô tô …) giữa các cá nhân với nhau, thì gọi là “hợp đồng dân sự”. Nếu hợp đồng giao kết mà trong đó ít nhất một bên tham gia có mục đích sinh lợi, thương mại và có đăng ký kinh doanh, chẳng hạn như công ty A bán sản phẩm do mình sản xuất cho công ty B, thì gọi là “hợp đồng thương mại”. Nếu hợp đồng trong những lĩnh vực được chuyên biệt hóa, có luật riêng, thì hợp đồng sẽ mang tên lĩnh vực đó. Chẳng hạn như, hợp đồng thi công xây dựng công trình ký giữa hai công ty, thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Xây dựng, thì gọi là “hợp đồng xây dựng”.
Vi phạm hợp đồng là hành vi một bên vi phạm (một hoặc nhiều) nghĩa vụ thỏa thuận trong hợp đồng mà hai bên đã ký kết.Ví dụ, Công ty A và Công ty B thỏa thuận (trong hợp đồng bán hàng) là Công ty B sẽ thanh toán tiền mua hàng vào ngày 25/4/2017. Nhưng đến ngày đó, Công ty B không thanh toán. Như vậy Công ty B bị xem là vi phạm hợp đồng. Cụ thể hơn là vi phạm nghĩa vụ thanh toánTrong điều khoản nội dung Hợp đồng bán hàng giữa hai bên có quy định: Nếu Công ty B chậm thanh toán tiền mua hàng, thì sẽ bị phạt 1% giá trị lô hàng cho mỗi ngày chậm. Đây chính là thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng. Việc phạt vi phạm hợp đồng không mang tính bắt buộc, mà do các bên thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên thỏa thuận này (nếu có), thì phải thể hiện rõ trong hợp đồng. Nếu trong hợp đồng không có nội dung này thì xem như hai bên không thỏa thuận.
Điều 418 BLDS năm 2015, quy định về thỏa thuận phạt vi phạm:
1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.
2. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
3. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.”
Nghiên cứu nội dung quy định này có thể hiểu, không có giới hạn về mức phạt vi phạm trong dân sự, các bên có thể thỏa thuận chỉ bị phạt vi phạm mà không phải BTTH. Nếu trong hợp đồng có thỏa thuận phạt vi phạm, nhưng không đề cập việc vẫn phải BTTH thì bên vi phạm sẽ không phải BTTH. Ví dụ, ông A bán cho ông B một căn nhà. Trong hợp đồng mua bán nhà quy định nếu ông A chậm giao nhà thì bị phạt 5 triệu đồng/ngày chậm. Sau đó, ông A đã không giao nhà đúng hạn mà chậm tới 30 ngày. Do việc này, ông B phải đi thuê chỗ khác ở tạm mất 20 triệu đồng. Số tiền thuê nhà này có thể xem là thiệt hại. Nhưng do trong hợp đồng chỉ nói đến việc phạt vi phạm, mà không đề cập việc BTTH, nên ông B không có quyền yêu cầu ông A phải BTTH cho mình mà chỉ được nhận tiền phạt vi phạm.
Theo quy định tại Điều 418 BLDS năm 2015, thì các bên có thể thoả thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải BTTH hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải BTTH. Các bên có thể thỏa thuận trước về việc BTTH cũng như xác định trước trong hợp đồng một mức bồi thường cụ thể bằng tiền. Tuy nhiên, khác với phạt vi phạm là chỉ được áp dụng nếu như các bên có thỏa thuận trước về phạt vi phạm, đối với BTTH, cho dù các bên có thỏa thuận về vấn đề BTTH do vi phạm hợp đồng hay không, thì khi xảy ra thiệt hại, bên gây thiệt hại vẫn phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Trách nhiệm BTTH nhắm tới mục đích quan trọng nhất là bồi hoàn, bù đắp, khôi phục lợi ích vật chất bị thiệt hại cho bên bị vi phạm. Như vậy, BTTH là chế tài quan trọng và cơ bản nhất nhằm bảo đảm lợi ích của các bên khi hợp đồng bị vi phạm, tạo ra khả năng đảm bảo lợi ích một cách tối đa cho mọi bên có liên quan trong quan hệ hợp đồng. Chính vì thế, chế tài này được áp dụng cho hầu hết các hành vi vi phạm hợp đồng.
Điều 13 BLDS năm 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”. Điều 360 BLDS năm 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ: “Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.

Xem thêm »