Hội nghị đối thoại về hành lang pháp lý cho ngành làm đẹp tại Thành phố Hồ Chí Minh

13/04/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình 81), Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 05/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” (Đề án 345), hôm nay, ngày 12/4/2025, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý tổ chức Hội nghị đối thoại “Hành lang pháp lý đối với ngành làm đẹp” tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

 

 

Đồng chủ trì hội thảo là TS. Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, Giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp và TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế. Tham dự hội thảo còn có đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cùng đại diện từ các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp và tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp nhấn mạnh trong những năm gần đây, thị trường ngành làm đẹp tại Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực, đóng góp một phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Nghề làm đẹp tạo ra cơ hội việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động và được nhiều chuyên gia xem là ngành nghề xu hướng, thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Các ngành nghề chăm sóc sắc đẹp không chỉ bao gồm các hoạt động như: spa, chăm sóc da, làm tóc, học nối mi, nail mà còn hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa da liễu, răng hàm mặt, phẫu thuật thẩm mỹ,.. Do đó, lĩnh vực này không chỉ có tính chất thẩm mỹ bề ngoài đơn thuần mà còn là về vấn đề sức khoẻ, tính mạng của con người.
Qua rà soát, nắm bắt thông tin thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở hành nghề chăm sóc sắc đẹp, với mong muốn phổ biến, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp được trao đổi, tìm hiểu các quy định pháp luật có liên quan và định hướng cho doanh nghiệp, hạn chế rủi ro và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp hoạt động ngành nghề chăm sóc sắc đẹp, tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền, tổ chức đại diện doanh nghiệp chia sẻ thông tin, nắm bắt tình hình, kiến nghị, đề xuất để tiếp tục tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý đã tổ chức Hội nghị đối thoại “Hành lang pháp lý đối với ngành làm đẹp”.
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực có liên quan, chia sẻ tại Hội thảo, TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết hiện trên cả nước có hơn 100 bệnh viện đa khoa tư nhân, khoảng 70% trong số đó có khoa thẩm mỹ hoặc cung cấp dịch vụ liên quan đến thẩm mỹ, da liễu. Bên cạnh đó, có 28 bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ và 412 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ được cấp phép. Các bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ được phân bổ tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh (chiếm hơn 90% số lượng bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ). Ở các tỉnh, thành phố khác đa phần là loại hình phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và cơ sở dịch vụ thẩm mỹ.
Thực tế quản lý thời gian qua đã ghi nhận có nhiều cơ sở làm đẹp vi phạm, trong đó điển hình là cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động (bao gồm cả các cơ sở kinh doanh có thực hiện dịch vụ thẩm mỹ theo quy định phải thực hiện tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp phép hoạt động). Cung cấp dịch vụ vượt quá phạm vi chuyên môn được phép; Không đảm bảo các điều kiện hoạt động. Các đơn vị này cũng thường xuyên sử dụng người không có giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người không đủ điều kiện hành nghề. Bên cạnh đó, các cơ sở quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không đúng phạm vi chuyên môn, quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định; sử dụng phẩm chưa rõ nguồn gốc, sử dụng thuốc, các hóa chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể khi chưa được cấp phép… Không thực hiện niêm yết công khai giá dịch vụ, thu giá dịch vụ cao hơn giá đã niêm yết, tư vấn không đúng sự thật nhằm “vẽ bệnh”…
Bên cạnh các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động có phạm vi hoạt động liên quan đến lĩnh vực thẩm mỹ còn tồn tại rất nhiều cơ sở thẩm mỹ “chui”, hoạt động không đúng các quy định hiện hành, núp bóng dưới các hình thức cơ sở làm đẹp, chăm sóc da, tóc, thẩm mỹ viện, spa... Các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chưa nghiêm túc thực hiện các quy định, gây khó khăn cho công tác quản lý, thậm chí có nhiều trường hợp khi đoàn thanh tra, kiểm tra của ngành y tế đến làm việc thì đóng cửa không tiếp.

Liên quan đến hành lang pháp lý trong ngành làm đẹp, bà Bùi Thu Trang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sol Thái Lan tại Việt Nam chia sẻ, trong 2 năm gia nhập thị trường Việt Nam, Tập đoàn Sol gần như dành toàn bộ thời gian cho việc xin giấy phép, xử lý hồ sơ, hoàn thiện thủ tục pháp lý để sản phẩm có thể được phân phối một cách hợp pháp. Bà Trang cho rằng, hiện vẫn đang thiếu các đầu mối rõ ràng để các doanh nghiệp liên hệ khi gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. “Với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì việc tiếp cận các cơ quan chức năng đôi khi là “điều không tưởng”, dẫn đến chúng tôi không biết nên hỏi ai, gửi hồ sơ cho ai và mất bao lâu để nhận được phản hồi. Chúng tôi kiến nghị, cần giảm bớt những thủ tục vòng vo, phức tạp, đồng thời có các chính sách hỗ trợ về thuế, ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp nhỏ phát triển bền vững”, bà Trang đề xuất.
Một nội dung trọng tâm khác được TS Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc chuyên môn Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đặt ra tại Hội nghị là định hướng “chuyển đổi xanh” trong ngành làm đẹp – xu hướng tất yếu trong bối cảnh kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững và tiêu dùng có trách nhiệm. Hội nghị nhấn mạnh vai trò của việc thúc đẩy áp dụng công nghệ thân thiện môi trường, sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, quy trình dịch vụ đạt chuẩn nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời khẳng định uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp trên thị trường.

Bế mạc Hội nghị, TS. Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý bày tỏ sự biết ơn sự có mặt của các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp đã đóng góp sự thành công của Hội thảo, đồng thời, khẳng định sự cam kết hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, nhằm xây dựng một ngành làm đẹp chuyên nghiệp, an toàn và bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và tiêu chuẩn toàn cầu. Hội nghị là một sự kiện thiết thực và kịp thời, phản ánh đúng nhu cầu cấp bách trong việc nâng cao nhận thức pháp luật cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Việc phổ biến, hướng dẫn cụ thể về điều kiện cấp phép, cũng như xu hướng phát triển bền vững là những nội dung quan trọng, góp phần tạo hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của ngành làm đẹp.
Thông qua hội nghị, các doanh nghiệp không chỉ được trang bị kiến thức pháp luật cần thiết để hoạt động hiệu quả, hạn chế rủi ro, mà còn có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp ý kiến hoàn thiện thể chế. Đồng thời, đây cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe, thấu hiểu thực tiễn, từ đó đưa ra những chính sách phù hợp, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh an toàn, hiệu quả và bền vững cho ngành chăm sóc sắc đẹp tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đát nước.
 
Nguyễn Việt Hà
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý

Xem thêm »