Cần rà soát, sửa đổi quy định về những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện

30/03/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Năm 2025, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có những thuận lợi, thời cơ cho phát triển, tuy nhiên, cũng đứng trước rất nhiều thách thức, khó khăn, đòi hỏi các nhà quản lý cần có ngay những chính sách phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thuận lợi cơ bản của cộng đồng doanh nghiệp năm 2025 là Việt Nam tiếp tục thuộc tốp nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực và thế giới nhờ là điểm đến của các dòng vốn trên hành trình tái cơ cấu và sự bùng nổ làn sóng khách du lịch cả trong nước và quốc tế. Một thuận lợi quan trọng nữa là sự củng cố niềm tin của các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường vào các chính sách điều hành kinh tế linh hoạt, chủ động của Chính phủ, trong đó có việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp Việt Nam đang và sẽ có nhiều cơ hội thiết lập và củng cố vị thế mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thậm chí đảm nhận vai trò nhà cung cấp chính cho thị trường Mỹ trong các ngành dệt may, đồ gỗ, máy móc, thiết bị, thủy sản và cả trong lĩnh vực bán dẫn đầy tiềm năng.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, không chỉ là về năng lực nội tại của doanh nghiệp mà còn gắn với cả hạn chế trong môi trường kinh doanh, làm tăng chi phí tuân thủ, giảm động lực đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp còn đối diện với áp lực tăng cạnh tranh và nhu cầu đổi mới công nghệ, thiết bị, máy móc sản xuất cũ, khó tiếp cận tài chính xanh, trong khi tăng chi phí đầu vào, nhất là lãi suất, tiền lương, logistics và nhu cầu thị trường thấp. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phụ thuộc vào vốn tín dụng, nhưng đa phần là tín dụng ngắn hạn và khó đáp ứng được quy trình, thủ tục, luồng tiếp cận vốn. Các quy định pháp luật hiện nay lại chưa cho phép các doanh nghiệp tại khu công nghiệp chia sẻ và sử dụng nội bộ năng lượng; tái sử dụng nước, nước thải đã qua xử lý đạt tiêu chuẩn... đáp ứng nguyên lý của kinh tế tuần hoàn.
Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn và phát huy tốt vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, theo chỉ đạo của Chính phủ, với chủ đề năm 2025 “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá", các cơ quan chức năng cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp giữ vững ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phát triển thị trường và kích cầu tiêu dùng trong nước; đẩy nhanh đầu tư công, đưa vào sử dụng các dự án có quy mô lớn, có tiềm năng góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế; đồng thời, đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển dịch vụ logistics và các liên kết thương mại, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng cả trong nước và quốc tế; đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đặc biệt, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh (như: Luật Xây dựng, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Doanh nghiệp) để tháo gỡ vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Các bộ, ngành cần chủ động nghiên cứu, rà soát, kiến nghị đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với những ngành nghề có thể áp dụng biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn. Cần rà soát, kiến nghị sửa đổi, bãi bỏ hoặc thay thế quy định về điều kiện đầu tư đối với những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện không rõ ràng, không cần thiết, thiếu cơ sở khoa học, không phù hợp với thực tiễn, can thiệp sâu vào hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong các lĩnh vực xây dựng, đất đai, môi trường cho các cơ quan, tổ chức phù hợp theo phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm nhằm tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm cho các địa phương, qua đó góp phần đẩy nhanh thủ tục thực hiện các dự án.
Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, chất lượng thực thi công vụ và cải thiện chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật và củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chính quyền. Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong gắn với tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng cơ quan, đơn vị, trong đó tập trung xây dựng vị trí việc làm để cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Tập trung phát triển hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin bảo đảm cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu. Các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện các Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, các bộ, cơ quan liên quan tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, địa phương phục vụ phân tích, xử lý dữ liệu, hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.
Tập trung nghiên cứu các mô hình kinh tế mới, các ngành, lĩnh vực mới, tạo động lực tăng trưởng mới, "đi tắt đón đầu" cùng xu thế phát triển của thế giới; triển khai hiệu quả các đề án trung tâm tài chính quốc tế, khu vực, các khu thương mại tự do tại một số địa phương, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn. Nghiên cứu hoàn thiện mô hình ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế theo hướng là cơ quan đầu mối, một cửa có thẩm quyền giải quyết những vấn đề, nhiệm vụ liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực nhằm đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Có chính sách đặc thù phù hợp hỗ trợ hiệu quả nhóm các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn và chi phí đầu vào tăng cao, về tiêu thụ sản phẩm và tiếp cận yêu cầu chuyển đổi xanh, kinh doanh bền vững./.

Nguyễn Việt Hà
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý

Xem thêm »