Vừa qua, nhiều văn bản pháp luật mới liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được ban hành, chúng tôi lựa chọn giới thiệu đến quý vị và các bạn một số nội dung đáng chú ý sau:
1. QUY ĐỊNH TỶ LỆ HOA HỒNG ĐẠI LÝ BẢO HIỂM
Theo Thông tư số 50 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 73 năm 2016 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, kể từ ngày 01/07/2017, đại lý bảo hiểm sẽ được hưởng một khoản hoa hồng sau khi thực hiện một hoặc một số nội dung hoạt động đại lý bảo hiểm để mang lại dịch vụ cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài.
Cụ thể, tỷ lệ hoa hồng tối đa với các hợp đồng bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ dao động từ 0,5% - 20%; trong đó, tỷ lệ 20% áp dụng với hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp và bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe máy; tỷ lệ 0,5% áp dụng với hợp đồng bảo hiểm hàng không; tỷ lệ 5% áp dụng với bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe ô tô, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường và bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng.
Thông tư quy định rõ, với bảo hiểm trọn đời, tỷ lệ hoa hồng tối đa tùy theo phương thức nộp phí, tối đa là 30% với phương thức nộp phí định kỳ; 10% với phương thức nộp phí một lần. Tương tự, với bảo hiểm trả tiền định kỳ, tỷ lệ hoa hồng tối đa là 25% với phương thức nộp phí định kỳ; 7% với phương thức nộp phí một lần.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2017.
2. NUÔI TRỒNG, KHAI THÁC DƯỢC LIỆU ĐƯỢC HƯỞNG NHIỀU ƯU ĐÃI
Theo Nghị định số 65 năm 2017 của Chính phủ về chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu, kể từ ngày 05/7/2017, hoạt động nuôi trồng, khai thác dược liệu được hưởng nhiều ưu đãi.
Cụ thể, tổ chức, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước để nuôi trồng, xây dựng nhà xưởng, kho chứa dược liệu sẽ được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật đất đai; hoặc được hỗ trợ tối đa 40% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho 05 năm đầu trong trường hợp thuê lại đất, mặt nước của hộ gia đình, cá nhân. Nếu nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân thì được miễn, giảm lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Cũng theo Nghị định, với mô hình sản xuất giống dược liệu, cơ sở nhân giống tập trung có quy mô từ 02ha trở lên đối với cây dược liệu và 0,5ha trở lên đối với vật nuôi làm dược liệu được hỗ trợ một lần 50% tổng mức đầutư xây dựng cơ sở hạ tầng, tối đa không quá 02 tỷ đồng/cơ sở; riêng cơ sở sản xuất giống dược liệu ứng dụng công nghệ cao, mức hỗ trợ tối đa 03 tỷ đồng/cơ sở.
Riêng cơ sở áp dụng công nghệ nuôi trồng và khai thác dược liệu tuân thủ “Thực hành nuôi trồng, khai thác dược liệu tốt” sẽ được hỗ trợ toàn bộ chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; chi phí tập huấn kỹ thuật cho người trực tiếp nuôi trồng và khai thác dược liệu tốt…
3. PHA TRỘN XĂNG DẦU ĐỂ TRỤC LỢI, PHẠT ĐẾN 100 TRIỆU ĐỒNG
Pha trộn xăng dầu để trục lợi bị phạt đến 100 triệu đồng là một trong những nội dung quan trọng trong Nghị định số 67 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.
Theo đó, phạt tiền từ 60 - 100 triệu đồng đối với hành vi thực hiện pha trộn hoặc đưa các chất khác vào xăng dầu để trục lợi; Thực hiện pha chế xăng dầu khi không phải là thương nhân đầu mối; Thực hiện pha chế xăng dầu tại địa điểm không phải nơi sản xuất, xưởng pha chế hoặc kho xăng dầu phục vụ cho nhu cầu nội địa của thương nhân đầu mối.
Nghị định cũng quy định hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can, chai và các dụng cụ chứa đựng khác (trừ thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang tại địa bàn miền núi, vùng cao) bị phạt từ 02 - 04 triệu đồng. Tương tự, hành vi bán xăng dầu qua các trụ bơm xăng dầu tự động hoặc cột bơm di động mà không được cấp Giấy phép bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/07/2017.