Tiêu đề: Thu thuế đối với hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội

10/12/2017

Bán hàng qua mạng xã hội như facebook, twitter, Instargram, zalo... là hình thức khá quen thuộc đối với người tiêu dùng hiện nay. Thực tế cho thấy, những tài khoản mạng xã hội có hoạt động kinh doanh, có doanh thu, có lợi nhuận, có lượng khách hàng lớn, thậm chí rất lớn nhưng không nộp thuế. Trước thực tế này, vấn đề thu thuế đối với hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội đã được đặt ra. Vậy, kiểm soát và thu thuế đối với hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội được nhìn nhận như thế nào? Xung quanh câu chuyện này, Chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” hôm nay sẽ có cuộc trao đổi với Ông Nguyễn Hưng Quang – Giám đốc Công ty Luật TNHH NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam và Tiến sĩ Luật sư Lưu Tiến Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Quan hệ Quốc tế, Liên đoàn Luật sư Việt Nam để giúp quý vị và các bạn cùng hiểu rõ.

Phóng viên: Thưa Ông, hiện nay vấn đề quản lý và thu thuế đối với hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng cũng như các cơ quan quản lý. Vậy, dưới góc độ pháp lý, Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Hưng Quang:

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chúng ta thường nói đến gần đây là công nghệ thông tin đang bùng nổ, tôi nghĩ đó cũng là lẽ đương nhiên vì chúng ta ai cũng có nhu cầu mua hàng qua mạng, qua Facebook vì rất thuận lợi. Kênh bán hàng qua mạng sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai và những người kinh doanh qua mạng, qua Facebook cũng phải có nghĩa vụ đóng thuế công bằng như những người kinh doanh khác…-> Việc tập trung quản lý các đối tượng kinh doanh này là điều tất nhiên trong xu thế hiện nay, chỉ khó là chúng ta làm cách nào để quản lý được tốt và kêu gọi những cá nhân, tổ chức kinh doanh kê khai nộp thuế bình đẳng đối với các đơn vị kinh doanh khác.
Quan điểm cho rằng việc thu thuế là hợp lý, cần thiết đảm bảo sự công bằng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, đã thu thì phải thu hết các đối tượng và thứ hai, chúng ta phải nghiên cứu các quy định cho phù hợp, bởi lẽ, nếu chúng ta quá chặt chẽ sẽ dẫn đến kìm hãm sự sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.. .

 Tính chất công cụ MXH, khó truy tìm, khó xác định doanh thu, đây là khó khăn thách thức lớn cho CQNN, đặc biệt là cơ quan thuế. Đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà là vấn đề của thế giới… Chính vì vậy, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu để có chính sách, tạo khung pháp lý phù hợp điều chỉnh vấn đề này
Phóng viên: Thưa Luật sư, cũng như ở các quốc gia khác trên thế giới, việc quản lý thuế với hoạt động kinh doanh qua mạng ở Việt Nam cũng sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức. Vậy, đâu là cái khó mà cơ quan thuế phải đối diện khi đặt ra vấn đề kiểm soát nguồn thu này, theo Ông?
Tiến sĩ Luật sư Lưu Tiến Dũng:

Quan điểm, công cụ mạng xã hội chỉ là một kênh bán hàng. Bản thân hoạt động bán hàng đó đã tồn tại sẵn từ rất lâu, tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, công cụ mạng xã hội thì người tiêu dùng cũng như người bán hàng có thêm một kênh để giao tiếp, tối ưu phương thức mua bán, thêm lựa chọn cho khách hàng.
Tuy nhiên, hiện nay, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đều tham gia hoạt động quản cáo, giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tiếp trên mạng xã hội. Tuy nhiên, chúng ta chưa biết, chưa kiểm soát được ai là người bán hàng; có hoạt động bán hàng thực không, có thể chỉ là giới thiệu bán hàng, quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, marketing đơn thuần, chúng ta không biết thực chất người ta đang làm gì. Thứ hai, người ta bán gì thì chúng ta cũng không kiểm soát; thứ ba là người ta bán được bao nhiêu tiền, chúng ta không thể biết được, không thể thống kê và chưa có công cụ để thống kê. Và dẫn đến câu chuyện, nếu như tôi bán hàng tại một cửa hàng, tôi có thể phải nộp thuế nhưng một người bán hàng trên mạng xã hội thì rất khó. Chính vì vậy, dư luận hiện nay đang rất nóng vấn đề, tại sao bán hàng trên mạng lại không nộp thuế, trong khi những người bán hàng cố định, truyền thống, có thể doanh thu, lợi nhuận của họ thấp hơn và thực tế theo tôi có khả năng thấp hơn thì phải nộp thuế.
 Tại sao chúng ta lại thiếu cơ chế kiểm soát? Trước hết, để tính thuế, người ta phải dựa vào doanh thu; thứ hai là biểu thuế hoặc thuế suất chứ không căn cứ vào công cụ, phương tiện, kênh để bán hàng. Nói đến thuế là chúng ta phải nói ra con số cụ thể cứ không nói chung chung. Vậy, con số để mà tính thuế được là con số nào? Trên 100 triệu, hay trên 200 triệu, hay 2 tỷ… chúng ta lấy số liệu ở đâu? Cái khó nhất hiện nay là chúng ta không xác định được con số chính xác, không có công cụ, không có phương tiện để kiểm soát, thứ nhất là chủ thể bán hàng, thứ hai là doanh thu, dòng tiền. Nếu không có doanh thu, không có dòng tiền thì chúng ta không thu được thuế - Đó là khó khăn lớn nhất hiện nay.
Cái chúng ta muốn và cái chúng ta có thể làm là hai điều hoàn toàn khác nhau. Tất nhiên, tôi cho rằng, việc đặt ra vấn đề kiểm soát và thu thuế đối với hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội nói chung và facebook nói riêng là cần thiết.