Tiêu đề: Một số quy định pháp luật mới liên quan đến dầu mỏ, phân bón và tài nguyên

30/11/2017

Vừa qua, nhiều văn bản pháp luật mới liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được ban hành, trong chương trình hôm nay chúng tôi lựa chọn giới thiệu đến quý vị và các bạn một số văn bản pháp luật như sau:

1,Mức xử phạt vi phạm về điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng
2, Quy định cửa khẩu nhập khẩu một số mặt hàng phân bón
3, Từ 1/7 áp dụng khung giá tính thuế tài nguyên mới
1, Mức xử phạt vi phạm về điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng

MC: Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 67 năm 2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí quy định hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng LPG  với mức phạt từ 0,5 - 200 triệu đồng.
Cụ thể, hành vi sử dụng LPG chai mini không được phép nạp lại trong cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống bị phạt tiền từ 0,5 - 1 triệu đồng.
Mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng áp dụng đối với cửa hàng bán LPG chai có hành vi kinh doanh không đúng với địa điểm đăng ký. Mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Không mở sổ theo dõi các loại LPG đã bán cho khách hàng; không treo biển hiệu, biểu tượng của thương nhân kinh doanh LPG đầu mối mà thương nhân chủ sở hữu cửa hàng ký hợp đồng đại lý hoặc có treo biển hiệu nhưng không ghi đầy đủ, rõ ràng theo quy định của pháp luật; kinh doanh chai LPG mini, LPG chai mini không được phép nạp lại.
Nghị định cũng quy định hành vi bán chai LPG mini nạp lại; mua bán, vận chuyển, tồn trữ chai LPG và LPG chai khi không phải là thương nhân kinh doanh LPG đầu mối, thương nhân kinh doanh dịch vụ cho thuê kho, dịch vụ vận chuyển khí, tổng đại lý, đại lý, thương nhân sở hữu cửa hàng bán LPG chai, thương nhân sở hữu trạm nạp LPG vào chai (trừ trường hợp mua để sử dụng phục vụ sản xuất) bị phạt từ 20 - 40 triệu đồng.
Mức phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng áp dụng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Bán cao hơn giá niêm yết do thương nhân kinh doanh LPG đầu mối quy định; mua, bán LPG và LPG chai trôi nổi trên thị trường không có nguồn gốc xuất xứ; không báo cáo nhãn hiệu hàng hoá theo quy định.
Đặc biệt thương nhân kinh doanh có thể bị phạt tới 200 triệu đồng nếu không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện LPG dưới mọi hình thức.
2, Quy định cửa khẩu nhập khẩu một số mặt hàng phân bón
MC: Bộ công thương vừa ban hành thông tư 07 năm 2017, quy định của khẩu nhập khẩu một số mặt hàng phân bón.
Theo Bộ Công Thương, thực hiện Nghị quyết số 19 năm 2016  của Chính phủ về những nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017 và Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, nhằm giảm bớt thủ tục tục hành chính trong nhập khẩu phân bón, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh phân bón,  Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 07 năm 2017 quy định cửa khẩu nhập khẩu một số mặt hàng phân bón.
Theo quy định của Thông tư số 07, các loại phân bón được nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính gồm “Urê, có hoặc không ở trong dung dịch nước” và “Phân khoáng hoặc phân hóa học có chứa ba nguyên tố là nitơ, phospho và kali”.
Việc nhập khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở các loại phân bón nêu trên được phép thực hiện sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép trên cơ sở trao đổi thống nhất với Bộ Công Thương.
Thông tư 07/2017/TT-BCT bãi bỏ Thông tư số 35/2014/TT-BCT ngày 15/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định việc áp dụng chế độ cấp Giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số mặt hàng phân bón. Thông tư 07 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/7/2017.
3, Từ 1/7 áp dụng khung giá tính thuế tài nguyên mới
MC:Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 44 năm 2017   quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau , sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2017.
Thông tư nêu rõ, các trường hợp điều chỉnh, bổ sung khung giá tính thuế tài nguyên: Giá tài nguyên phổ biến trên thị trường biến động lớn, tăng từ 20% trở lên so với mức giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với mức giá tối thiểu của Khung giá tính thuế tài nguyên do Bộ Tài chính ban hành; phát sinh loại tài nguyên mới chưa được quy định trong Khung giá tính thuế tài nguyên.
Đối với trường hợp giá tài nguyên biến động lớn phải điều chỉnh ngoài Khung giá tính thuế tài nguyên, trong thời gian 30 ngày, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Cục Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản trao đổi với Bộ Tài chính trước khi quyết định ban hành văn bản điều chỉnh Bảng giá tính thuế tài nguyên.
Đối với loại tài nguyên mới chưa được quy định trong Khung giá tính thuế tài nguyên, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Cục Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ giá giao dịch phổ biến trên thị trường hoặc giá bán tài nguyên đó trên thị trường trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành văn bản quy định bổ sung Bảng giá tính thuế đối với loại tài nguyên này.