Tiêu đề: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu EU

21/12/2017

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu EU chính thức có hiệu lực từ năm 2018. Theo thỏa thuận ký kết, EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Trong khi đó, Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam.

Đây có thể được coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết từ trước tới nay. Theo các chuyên gia, việc cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ được coi là một trong những bước đột phá thành công của Hiệp định EVFTA khi mang lại nhiều lợi ích cho ngành nông sản nước ta. Vậy những lợi ích đó là gì? Để có câu trả lời, chương trình Kinh doanh và pháp luật có cuộc trao đổi với TS Đào Ngọc Tiến, Giảng viên Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội . Mời quý vị và các bạn chú ý theo dõi.
Phóng viên: Vâng thưa Ông, Ông có đánh giá như thế nào về những lợi ích mà hiệp định Việt nam liên minh châu âu EU EVFTA mang lại khi có hiệu lực vào năm 2018?
TS Đào Ngọc Tiến: Lợi ích mà chúng ta nhìn thấy là sự gia tăng về kim ngạch, số lượng. Và tôi muốn bổ sung thêm là so với giai đoạn hiện nay thì EVFTA sẽ mang cho chúng ta một lợi thế cạnh tranh tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh hiện nay. Hiện nay thì Việt nam so với các nước trong khu vực như Philipin, Thái Lan vẫn được  hưởng nhiều ưu đãi hơn từ EUlà GSP. Với EVFTA chúng ta có lợi hơn không chỉ là GSP, mà chúng ta có hiệp định song phương với EU. Hiệp định này mang lại độ tiếp cận thị trường tốt hơn, ổn định hơn và đó là lợi thế cạnh tranh mà chúng ta tận dung được thì sẽ đẩy mạnh được việc xuất khẩu sang thị trường EU.
Phóng viên: EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 85,6% số dòng thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực. Vậy Ông có đánh giá như thể nào về khả năng tiếp cận các lợi ích này của cac doanh nghiệp nông sản nước ta?
TS Đào Ngọc Tiến: Chúng ta thấy thuế thì được giảm. Nhưng những vấn đề như an toàn thực phẩm, như quy tắc xuất xứ hàng hóa, vẫn là những rào cản đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt nam. Chỉ khi nào chúng ta làm ra được sản phẩm với chất lượng tốt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đồng nhất, đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng của người dân EU thì chúng ta mới có thể tận dụng được các cơ hội mà EVFTA mang lại cho chúng ta
Phóng viên: Vậy có thách thức nào với các doanh nghiệp nông sản Việt hay không thưa Ông?
TS Đào Ngọc Tiến: Thứ nhất là quy tắc xuất xứ. EVFTA đặt ra quy tắc xuất xứ rất ngặt nghèo, tương đối chặt chẽ về các quy tắc xuất xứ. Phần lớn hàng nông sản là các quy tắc xuất xứ thuần túy, tức là hàng hóa phải được sản xuất và trồng thuần túy tại Việt nam. Và EU sẽ không chấp nhận việc chúng ta nhập khẩu rồi chế biến và xuất khẩu sang EU. Điều đó đặt ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của chúng ta sẽ phải đầu tư vào nguyên liệu, đầu tư vào chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản của mình. Thách thức thứ 2 đó là mặc dù chính sách của EU áp dụng chung về vấn đề thuế, tuy nhiên thị hiếu và các tiêu chuẩn sản phẩm ở mỗi thị trường sẽ là khác nhau, và mỗi một thị trường của EU thì các nước đòi hỏi vấn đề chặt chẽ về chất lượng sản phẩm. Và với một nền nông nghiệp nhỏ lẻ như Việt nam thì làm sao chúng ta đảm bảo được một sự đồng nhất trong chất lượng sản phẩm.
Phóng viên: Vậy theo Ông các doanh nghiệp nông sản trong nước cần có những bước chuẩn bị như thế nào trước thềm hiệp định EVFTA có hiệu lực?
TS Đào Ngọc Tiến: Tôi nghĩ ngoài các vấn đề về tổ chức công nghệ, thì một điểm nữa các doanh nghiệp phải hết sức chú ý đến đó là thông tin thị trường. Chúng ta đang nhìn nhận thị trường EU là một thị trường lớn, có cơ hội nhiều.Nhưng trên thực tế hàng hóa xuất khẩu của EU sang thị trường này vẫn tập trung ở các nước lớn như Đức, Pháp, Ý. Và chúng ta cũng nhìn thấy một số thị trường nhỏ thì các doanh nghiệp chúng ta không quan tâm đến. Đối với các doanh nghiệp để chúng ta tiếp cận được với thị trường EU, thì chúng ta phải nhìn nhận rằng, bên cạnh những quy tắc chung thì mỗi một nước trong liên minh EU lại có những thị hiếu, đặc điểm riêng liên quan đến tiêu dùng. Doanh nghiệp cần phải xác định mình phải vào thị trường nào, quốc gia nào trong EU thì cần có chiến lược cụ thể xâm nhập vào thị trường mục tiêu đó.
Quý bạn đọc có thể trực tiếp theo dõi Bản tin "Kinh doanh và pháp luật" được phát sóng trên kênh VOV2 và VTV2 qua đường link: www.kinhdoanhvaphapluat.com