Tiêu đề: Điểm tin pháp luật

08/10/2017

Vừa qua, nhiều văn bản pháp luật mới liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được ban hành, chúng tôi lựa chọn giới thiệu đến quý vị và các bạn một số nội dung đáng chú ý sau:
  1. TĂNG CƯỜNG XỬ LÝ VI PHẠM TRONG KINH DOANH KHÍ DẦU MỎ HÓA LỎNG 
Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), ngăn chặn, hạn chế tối đa những vi phạm có thể xảy ra trong kinh doanh LPG, góp phần ổn định thị trường, Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị số 13/CT-BCT yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng. 
Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh LPG, giám sát chặt chẽ hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh LPG trên địa bàn. Chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh LPG. Xem xét đình chỉ hoạt động, thu hồi hoặc tước Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh không duy trì đúng các điều kiện kinh doanh, điều kiện an toàn… Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin đại chúng và chính quyền địa phương các cấp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh LPG. Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm…
Cũng theo Chỉ thị này, thương nhân kinh doanh LPG đầu mối phải chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật trong kinh doanh LPG; Chịu trách nhiệm, quản lý chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra hệ thống phân phối của mình. Có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong hệ thống kinh doanh của mình..; Các Tổng đại lý/đại lý, cửa hàng bán lẻ LPG thực hiện nghiêm túc các quy định về điều kiện kinh doanh, an toàn phòng chống cháy nổ. Không mua, bán LPG và LPG chai không có nguồn gốc xuất xứ…

2.QUY ĐỊNH MỚI VỀ BẢO LÃNH NHÀ Ở HÌNH THÀNH TRONG TƯƠNG LAI

Tại Thông tư số 13 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07 năm 2015 của Ngân hàng Nhà nước quy định về bảo lãnh ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có hướng dẫn mới về việc bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Cụ thể, bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai được hiểu là việc ngân hàng thương mại cam kết với bên mua về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho chủ đầu tư khi đến thời hạn giao, nhận nhà ở đã cam kết mà chủ đầu tư không bàn giao và không hoàn lại hoặc hoàn lại không đủ số tiền đã nhận ứng trước theo hợp đồng mua, thuê mua nhà ở; chủ đầu tư phải nhận nợ và hoàn trả cho ngân hàng thương mại.
Ngân hàng thương mại chỉ được thực hiện bảo lãnh khi đáp ứng 02 điều kiện: Trong Giấy phép thành lập và hoạt động có quy định nội dung bảo lãnh ngân hàng; Không bị cấm thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong giai đoạn bị kiểm soát đặc biệt. Danh sách ngân hàng thương mại đủ năng lực thực hiện bảo lãnh sẽ được công khai trên Trang thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước.
Cũng theo Thông tư này, trong 10 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng mua, thuê mua nhà ở, chủ đầu tư phải gửi cho ngân hàng thương mại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở; trong 05 ngày làm việc từ ngày nhận được hợp đồng mua, thuê mua nhà ở, ngân hàng thương mại phải phát hành cam kết bảo lãnh cho bên mua và gửi đến địa chỉ của bên mua. Thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh được xác định từ ngày phát hành cho đến ít nhất sau 30 ngày từ thời hạn giao, nhận nhà đã cam kết.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/11/2017.
  1. TỪ 15/11, DOANH NGHIỆP VIỄN THÔNG PHẢI ĐỊNH KỲ CUNG CẤP THÔNG TIN THUÊ BAO
Cũng kể từ ngày 15/11/2017, doanh nghiệp viễn thông phải định kỳ cung cấp thông tin thuê bao. Đây là yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Thông tư số 21 năm 2017 về cung cấp và sử dụng số liệu viễn thông. 
Theo đó, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm cung cấp cho Cục Viễn thông các loại số liệu gồm: Thông tin thuê bao di động; số liệu về số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi có trong bản ghi chi tiết cuộc gọi (CDR). Các số liệu này là số liệu gốc được ghi nhận tại hệ thống tổng đài của doanh nghiệp viễn thông, được lưu trữ tại doanh nghiệp trong vòng 24 tháng tính đến thời điểm yêu cầu cung cấp số liệu.
Việc khai thác số liệu viễn thông nhằm: Kiểm tra, giám sát việc quản lý thông tin thuê bao; Kiểm tra việc sử dụng kho số viễn thông; Kiểm tra độ chính xác ghi cước; tỷ lệ cuộc gọi bị tính cước, lập hóa đơn không chính xác; Giải quyết khiếu nại về cước dịch vụ viễn thông, Internet, tranh chấp về cước kết nối giữa các doanh nghiệp viễn thông.