Tiêu đề: Thực trạng công tác xuất khẩu lao động hiện nay

15/11/2017

Ngay từ đầu năm 2017, Bộ Lao động thương Binh và xã hội đã tiến hành thanh tra hàng loạt các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có dấu hiệu sai phạm từ phản ánh của người lao động và thông tin từ cơ quan báo chí. Tính đến thời điểm này đã có 46 doanh nghiệp xuất khẩu lao động bị thu hồi giấy phép xuất khẩu lao động. Và thực tế, mặc dù bị thu hồi giấy phép thì những công ty này đã gây thiệt hại đáng kể cho người lao động. Vậy thực trạng công tác xuất khẩu lao động hiện nay như thế nào?

    Phóng viên: Vâng thưa Ông, Ông có đánh giá như thế nào về tình trạng vi phạm của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động hiện nay?
    Ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban CSKT và Thi đua khen thưởng, Tổng Liên đoàn lao động Việt nam:  Trong thời gian vừa qua, công tác xuất khẩu lao động cũng mang lại hiệu quả tốt, mang lại việc làm, tiền lương thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, việc vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, đặc biệt là với đội ngũ môi giới xuất khẩu lao động diễn ra khá phổ biến ở vùng sâu, vùng xa. Những vùng ít thông tin, thiếu thông tin, làm cho họ mất cả tiền lương cũng như nguồn vốn họ đã tích lũy được. TRong thời gian vừa rồi, Bộ lao động thương binh và xã hội cũng làm tốt công việc thanh tra, kiểm tra. CÔng tác quản lý cũng có nhiều cuộc thanh tra kiểm tra, giám sát, phát hiện doanh nghiệp lừa đảo xuất khẩu lao động, hay các doanh nghiệp xuất khẩu lao động vi phạm pháp luật. Tuy nhiên số lượng vi phạm của các doanh nghiệp này chưa giảm.
    Phóng viên: Hiện nay thông tin về chỉ tiêu số lượng, chất lượng lao động xuất khẩu của Việt nam sang các nước, hay tên các doanh nghiệp  được phép xuất khẩu lao động được đăng công khai trên mạng của Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động thương binh và xã hội. Vậy theo Ông, vì sao người lao động nông thôn vẫn dễ bị lừa bởi những người môi giới trong lĩnh vực này?
    Ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban CSKT và Thi đua khen thưởng, Tổng Liên đoàn lao động Việt nam: Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, phát triển như vậy, ở đâu cũng có thể tìm ra cho mình một công ty xuất khẩu lao động có uy tín. Tuy nhiên ở vùng sâu, vùng xa tư duy tìm các trang mạng, tìm các phương tiện thông tin qua mạng thì họ không tìm được và khó tiếp cận. Cho nên họ dựa chủ yếu vào thông tin của những người làm môi giới. Bởi vì doanh nghiệp thì tin vào chi nhánh, chi nhánh tin vào các trung tâm, các trung tâm lại giao cho người môi giới. Cho nên thông tin từ doanh nghiệp đến người có nhu cầu đi lao động xuất khẩu đã có sự sai lệch rất nhiều.
    Phóng viên: Như vậy là doanh nghiệp xuất khẩu lao động họ không biết việc làm sai của các trung tâm, hay chi nhánh tại các Tỉnh, thành phố mà họ lập ra đúng không thưa Ông?
    Ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban CSKT và Thi đua khen thưởng, Tổng Liên đoàn lao động Việt nam: Doanh nghiệp thành lập ra trung tâm hay chi nhánh đó, anh phải có trách nhiệm quản lý hoạt động của các chi nhánh hay trung tâm này.  Và  phải chịu trách nhiệm. Và lẽ ra các doanh nghiệp quản lý chi nhánh hay trung tâm phải giao nhiệm vụ cho các chi nhánh hay trung tâm theo đúng quy định của Pháp luật. Pháp luật quy định rất rõ, rất cụ thể, nhưng đôi khi dianh nghiệp cũng đồng hành cùng trung tâm, thậm chí bật đèn xanh cho trung tâm thực hiện việc không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Nhưng hiện nay việc này trung tâm làm, thậm chí là môi giới thu tiền, cho nên hiện nay công tác quản lý doanh nghiệp này đang có vấn đề.
    Phóng viên: Theo quy định, mỗi DN sẽ chỉ được thành lập tối đa 3 chi nhánh XKLĐ đầu mối ở những địa bàn khác nhau. Mục đích nhằm tập trung quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động, tuyển chọn, đào tạo, cung ứng lao động. Theo Ông Đặng Quang Điều giải pháp này liệu có hiệu quả?
    Ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban CSKT và Thi đua khen thưởng, Tổng Liên đoàn lao động Việt nam:  Đúng là hiện nay Luật quy định 3 chi nhánh một doanh nghiệp được thành lập ở 3 địa phương khác nhau. Nhưng quan điểm của tôi, đó không phải là biện pháp để ngăn chặn lừa đảo người lao động đi xuất khẩu đâu, mà quan trọng là có nhiều chi nhánh, mà các chi nhánh đó hoạt động tốt, thì thông tin sẽ tiếp cận người lao động nhanh hơn. Vấn đề quan trọng nhất ở đây là vấn đề quản lý các chi nhánh đó như thế nào. Thứ nhất trách nhiệm của doanh nghiệp, thứ 2 trách nhiệm của ngay các địa phương đó, bởi vì Sở lao động ở địa phương đó cũng phải kiểm tra độ tin cậy của doanh nghiệp đó, kiểm tra hồ sơ xem có đủ tiêu chuẩn không thì sẽ có thông tin để xử lý nhanh chóng và kịp thời.
    Phóng viên: Vâng thưa Ông, từ đầu năm nay, thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện công tác thanh, kiểm tra ở 39 doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong cả nước. Kết quả, 5 doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài,  21 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt lên tới hơn 2,6 tỷ đồng. Như vậy thấy tình trạng vi phạm pháp luật về xuất khẩu lao động vẫn đang xảy ra. Vậy theo luật sư Thành Tài, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm này?
    Luật sư Phạm Thành Tài, GĐ Cty Luật TNHH Phạm Danh:
Nguyên nhân ở đây là do các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã buông lỏng việc quản lý của mình đối với những chi nhánh, trung tâm mà mình mở ra, dẫn đến những đơn vị trực thuộc lạm quyền, tự ý thu phí mà không theo quy định của pháp luật. Hoặc là những vi phạm khác điển hình như thời gian gần đây như một số doanh nghiệp hoạt động không có giấy phép, hoặc hoạt động của các DN XKLĐ mà giấy phép đã hết hạn, hay tình trạng mượn giấy phép của doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, ngoài những lỗi vi phạm mang tính chất cố ý như vậy, thì cũng có những vi phạm phổ biến mà trong quá trình hành nghề, chúng tôi thấy rằng còn do sự  thiếu hiểu biết  pháp luật của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, nên họ có những vi phạm vô ý trong những hoạt động của mình.
    Phóng viên: Theo Ông, có phải do việc buông lỏng của các cơ quan quản lý nhà nước là nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm pháp luật của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động hay không?
    Luật sư Phạm Thành Tài, GĐ Cty Luật TNHH Phạm Danh: Theo quy định của pháp luật, điều kiện cấp phép cho doanh nghiệp xuất khẩu lao động rất chặt chẽ rồi, bởi vì xuất khẩu lao động là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chính vì vậy, điều kiện để cấp giấy chứng nhận xuất khẩu lao động  cho mỗi doanh nghiệp phải đảm bảo những điều kiện hết sức chặt chẽ. Thứ nhất vốn pháp định, thứ 2 điều kiện về kỹ quỹ như vốn pháp định là 5 tỷ đồng, ký quỹ là 1 tỷ đồng. Ngoài ra có đề án hoạt động và tổ chức bộ máy hoạt động chặt chẽ, cũng như điều kiện của người đứng đầu điều hành là phải có 3 năm kinh nghiệm xuất khẩu lao động và phải có bằng cấp... Chính vì vậy, theo quan điểm của tôi, không chỉ là việc buông lỏng quản lý, dễ dãi trong việc cấp phép dẫn đến vi phạm mà chủ yếu là do yếu tố con người, việc giảm sát của các DN đối với các đơn vị trực thuộc hay việc thanh tra giám sát của cơ quan quản lý đối với hoạt động của các doanh nghiệp này.
    Phóng viên: Vậy theo Ông cần có giải pháp nào để hạn chế tình trạng cố tình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động của các doanh nghiệp này?
    Luật sư Phạm Thành Tài, GĐ Cty Luật TNHH Phạm Danh:
Theo quan điểm của tôi là ngoài việc phải quản lý, là phải đẩy mạnh việc thanh tra kiểm tra giám sát và thực hiện nghiêm hơn nữa những biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với những doanh nghiệp xuất khẩu lao động vi phạm. Hiện tại theo tôi được biết, Bộ lao động thương binh và xã hội và Cục quản lý lao động ngoài nước đã có trang thông tin điện tử, trên đó đăng công khai  thông tin nhu cầu của thị trường về tuyển dụng, cũng như danh sách các doanh nghiệp được cấp phép và danh sách các doanh nghiệp bị tước giấy phép và danh sách doanh nghiệp bị xử phạt. Nhưng biện pháp tiếp cận thông tin của người lao động đặc biệt lao động ở nông thôn, vùng sâu vùng xa họ không có điều kiện tiếp cận các trang mạng trên internet, hoặc là có thể tiếp cận được nhưng thông tin đến không kịp thời. Chính vì vậy thì ngoài công tác thay đổi cách thức quản lý, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, cũng như mức xử phạt thì phải thay đổi phương pháp tuyên truyền phổ biến những thông tin để cho những người xuất khẩu lao động dễ dàng tiếp cận. Và ở đây chúng ta có thể thấy rằng có thể thông qua UBND cấp xã ở địa phương.
    Phóng viên: Vâng thưa PGS, Ông đánh giá như thế nào về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật lao động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động hiện nay?
    PGS Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chí, Trưởng khoa pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội: Việc vi phạm xuất khẩu lao động hiện nay cả về phía doanh nghiệp và phía người lao động. Nguyên nhân ở đây cũng có nhiều nguyên nhân khác nhau. Thứ 1, một trong các nguyên nhân đó là sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thu hút về lợi nhuận. Thứ 2 là nguyên nhân về sự hiểu biết của các chủ thể trong lĩnh lực này, đặc biệt là người lao động. Nguyên nhân thứ 3 liên quan đến vấn đề pháp luật. Chúng ta có rất nhiều pháp luật liên quan đến vấn đề này. Nhưng theo đánh giá chung của nhiều người và theo cá nhân tôi thì việc chúng ta ban hành thực thi pháp luật, đặc biệt là tính răn đe còn hạn chế. Vì vậy dẫn đến một số nguyên nhân gia tăng vi phạm pháp luật về xuất khẩu lao động trong thời gian gần đây.
    Phóng viên: Theo Ông hạn chế lớn nhất trong việc quản lý hoạt động xuất khẩu lao động có phải là do có quá nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động, trong khi lực lượng thanh tra lại quá mỏng?
    PGS Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chí, Trưởng khoa pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội: Sự hạn chế này không phải do lỗi của thanh tra mà do vi phạm của pháp luật của chúng ta thiếu tính răn đe, thiếu tính cương quyết, và chúng ta không có những xử lý ngoài vi phạm xử lý hành chính đối với doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực này. Nếu có chúng ta chỉ có xử lý hình sự đối với cá nhân tham gia hoạt động này có tính chất lừa đảo, gian dối, chứ bản thân doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này thì xử lý chỉ dừng lại ở xử lý hành chính
    Phóng viên: Vậy theo Ông, chúng ta cần có những giải pháp gì để hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật lao động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động?
    PGS Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chí, Trưởng khoa pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội:  Thứ nhât, chúng ta cần phải có một hệ thống pháp luật mang tính răn đe cao. Thứ 2 chúng ta cần có sự tuyên truyền pháp luật đặc biệt đến người lao động. Theo như chúng ta biết, hiện nay có rất nhiều vụ việc, người lao động vì sự thiếu hiểu biết mà bị lừa đảo. Thứ 3 là sự vào cuộc, kết nối của chính quyền địa phương, và cơ quan địa phương liên quan đến lĩnh vực này. Hiện nay theo một số vụ vi phạm chúng ta thấy là người dân họ ít có sự hỗ trợ từ địa phương, đặc biệt là cơ quan lao động, UBND để họ có thể có thông tin đầy đủ, bảo vệ quyền lợi của mình. Và thứ 4, kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, để thị trường lao động phát triển tốt, thì chúng ta không thể thiếu các công cụ hỗ trợ cho thị trường, ví dụ việc cung cấp thông tin thị trường người lao động làm việc ở nước ngoài thứ 2 là có sự kết nối giữa người dân, chủ thể có nhu cầu xuất khẩu lao động, với đơn vị, doanh nghiệp đưa đi. Và cuối cùng là quản lý nhà nước, quản lý nhà nước không chỉ thuần túy là thực hiện chức năng thanh tra kiểm tra như trước nay chúng ta quan niệm mà chúng ta cũng cần phải xây dựng hệ thống nhà nước mang tính hỗ trợ như TTCP đã nói rất nhiều lần là xây dựng chính phủ kiến tạo hỗ trợ, thì trong lĩnh vực này chúng ta cũng nên làm như thế.
Quý bạn đọc có thể trực tiếp theo dõi Bản tin "Kinh doanh và pháp luật" được phát sóng trên kênh VOV2 và VTV2 qua đường link: www.kinhdoanhvaphapluat.com