Tiêu đề: Điện thoại, máy tính được ưu tiên nâng cao năng lực cạnh tranh, quy định về tạm nhập tái xuất hàng hóa, ngâm tẩm hóa chất vào thịt động vật bị phạt đến 25 triệu đồng
1. Điện thoại, máy tính được ưu tiên nâng cao năng lực cạnh tranh
Đây là nội dung nằm trong Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1137/QĐ-TTg ngày 03/08/2017.
Cụ thể, các mặt hàng được ưu tiên tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh theo Đề án này là các mặt hàng đang và sẽ có lợi thế xuất khẩu nằm trong nhóm hàng nông sản, thủy sản và nhóm hàng công nghiệp chế biến, trong đó có: Gạo; cà phê, cao su; thủy sản; hạt tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm chế biến từ sắn; rau quả; chè; mật ong; dệt may, giày dép; đồ gỗ; valy, túi xách, ô dù; điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng.
Đề án này đặt ra mục tiêu: Đến năm 2020, nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam tăng ít nhất 12 bậc, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng ít nhất 15 bậc so với năm 2015; Mỗi năm có ít nhất 100 lượt doanh nghiệp xuất khẩu có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia và 200 lượt doanh nghiệp đạt giải chất lượng quốc gia; Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên phụ liệu và linh phụ kiện cho các ngành hàng có lợi thế xuất khẩu…
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
2. Quy định về tạm nhập, tái xuất hàng hóa
Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 11 năm 2017 quy định về hoạt động tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu hàng hóa, trong đó quy định cụ thể về các trường hợp tạm nhập, tái xuất như sau:
Hàng hóa được tạm nhập, tái xuất qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Việc tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới chỉ được thực hiện tại các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trong khu kinh tế cửa khẩu và cửa khẩu phụ ngoài khu kinh tế cửa khẩu đã có đầy đủ cơ quan kiểm soát chuyên ngành theo quy định và cơ sở kỹ thuật bảo đảm quản lý Nhà nước. Cửa khẩu phụ, lối mở biên giới do UBND tỉnh biên giới công bố sau khi đã trao đổi, thống nhất với các Bộ: Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Thông tư cũng quy định, hàng hóa tạm nhập, tái xuất chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan từ cửa khẩu tạm nhập cho tới khi hàng hóa thực tái xuất ra nước ngoài; Không chia nhỏ hàng hóa vận chuyển bằng công-ten-nơ trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu tạm nhập đến khu vực chịu sự giám sát của cơ quan hải quan, địa điểm tái xuất thuộc cửa khẩu, lối mở biên giới theo quy định.
Thông tư này có hiệu lực ngày 11/09/2017
3. Ngâm, tẩm hóa chất vào thịt động vật bị phạt đến 25 triệu đồng
Từ ngày 15/09/2017, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y sẽ được áp dụng theo quy định của Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính Phủ.
Nghị định này quy định, phạt từ 20 - 25 triệu đồng đối với hành vi ngâm, tẩm hóa chất vào sản phẩm động vật; phạt từ 15 - 20 triệu đồng với hành vi giết mổ động vật, thu hoạch động vật thủy sản dùng làm thực phẩm trước thời gian ngừng sử dụng thuốc thú y không theo hướng dẫn sử dụng hoặc hành vi đưa nước, các loại chất khác vào động vật trước khi giết mổ. Với hành vi sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật có chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, thú y; Giết mổ động vật mắc bệnh, kinh doanh sản phẩm động vật mang mầm bệnh, mức phạt được quy định từ 25 - 30 triệu đồng.
Đồng thời, hành vi vận chuyển, lưu giữ, giết mổ động vật để làm thực phẩm mà động vật đó bị sử dụng thuốc an thần không theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền bị phạt từ 30 - 35 triệu đồng.
Cũng theo Nghị định, phạt từ 600.000 đồng - 800.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/09/2017.