Tiêu đề: Phạt đến 100 triệu đồng với vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, điều chỉnh hồ sơ xóa nợ thuế với doanh nghiệp phá sản, bãi bỏ danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chất lượng và cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài qua mạng

09/09/2017

1. Phạt đến 100 triệu đồng với vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y 
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Theo đó,các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y quy định tại Nghị định này bao gồm: Vi phạm quy định về phòng bệnh, chống dịch bệnh cho động vật; vi phạm quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; vi phạm quy định về kiểm soát giết mổ động vật trên cạn; sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; vi phạm quy định về quản lý thuốc thú y; vi phạm quy định về hành nghề thú y.
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, tổ chức, cá nhân phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực thú y là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.
Nghị định quy định cụ thể mức phạt đối với vi phạm quy định chung về phòng bệnh động vật, trong đó, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi gần nhất hoặc nhân viên thú y cấp xã khi phát hiện và biết động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, chết do bệnh truyền nhiễm;
Phạt tiền từ 5-6 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Vận chuyển hoặc vứt gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng ra môi trường; buôn bán con giống mắc bệnh truyền nhiễm.
Đối với hành vi sử dụng thuốc thú y trong Danh mục thuốc thú y cấm sử dụng tại Việt Nam để phòng bệnh cho động vật sẽ bị phạt từ 8-10 triệu đồng.
Đối với hành vi vận chuyển động vật mẫn cảm với dịch bệnh đã công bố và sản phẩm của chúng qua vùng có dịch bệnh động vật mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền nơi có dịch sẽ bị phạt từ 5-6 triệu đồng;
Đối với hành vi vận chuyển động vật mắc bệnh, sản phẩm hoặc chất thải của động vật mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang được công bố ra khỏi vùng có dịch khi không được phép của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền sẽ bị phạt từ 15-20 triệu đồng.
Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 15/9/2017.
2. Điều chỉnh hồ sơ xóa nợ thuế với doanh nghiệp phá sảnTại Thông tư số 79/2017/TT-BTC ngày 01/08/2017, Bộ Tài chính đã sửa đổi, bổ sung tiết b1 điểm b khoản 4 Điều 48 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế.
Cụ thể, đối với trường hợp doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản, hồ sơ xóa nợ tiền thuế bao gồm: Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Tòa án; Tài liệu phân chia tài sản của chấp hành viên thể hiện số nợ thuế thu hồi được và không thu hồi được; Quyết định về việc đình chỉ thi hành quyết định tuyên bố phá sản của cơ quan thi hành án dân sự. Các tài liệu này phải là bản chính hoặc sao y bản chính.
Trước đây, hồ sơ xóa nợ tiền thuế của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản chỉ bao gồm: Quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản kèm theo phương án phân chia tài sản và Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Tòa án. Đồng thời, các tài liệu chỉ cần là bản sao có công chứng hoặc chứng thực.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/09/2017.
3. Bãi bỏ danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chất lượng
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 37/2017/QĐ-TTg bãi bỏ Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 07/03/2006 về việc ban hành Danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng.
Trước đây, Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng được quy định gồm các sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Thủy sản; Bộ Giao thông Vận tải…; trong đó có: Trang thiết bị và công trình y tế; Vắc xin phòng bệnh; Thuốc bảo vệ thực vật; Phân bón; Thức ăn chăn nuôi; Mũ bảo vệ cho người đi xe máy; Đồ chơi dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi…
Từ thời điểm ngày 05/10/2017 - ngày Quyết định này có hiệu lực - Danh mục nêu trên sẽ không còn được áp dụng.
4. Cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài qua mạng
Từ ngày 02/10/2017, việc cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử sẽ được áp dụng theo hướng dẫn của Thông tư số 23/2017/TT-BLĐTBXH do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành ngày 15/08/2017.
Theo đó, việc cấp, cấp lại giấy phép lao động cho người nước ngoài sẽ được thực hiện thông qua Cổng thông tin điện tử tại địa chỉ: http//dvc.vieclamvietnam.gov.vn. Người sử dụng lao động phải đăng ký tài khoản để đăng nhập vào Cổng thông tin điện tử.
Trước ít nhất 07 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc, người sử dụng lao động phải khai thông tin vào tờ khai và nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động qua Cổng thông tin điện tử. Hồ sơ bao gồm: Tờ khai và giấy tờ kèm theo phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; nếu các giấy tờ kèm theo ở dạng chứng từ giấy thì người sử dụng lao động phải chuyển đổi sang chứng từ điện tử dạng pdf, doc, docx hoặc jpg. 
Trong 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép trả lời kết quả qua thư điện tử cho người sử dụng lao động. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan cấp giấy phép phải nêu rõ lý do.
Khi nhận được kết quả thông báo hồ sơ hợp lệ, người sử dụng lao động nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện bản gốc hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đến cơ quan cấp giấy phép lao động để kiểm tra, đối chiếu và lưu theo quy định. Trong tối đa 08 giờ làm việc, kể từ khi nhận được bản gốc hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép sẽ trả kết quả cho người sử dụng lao động.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 02/10/2017.