Tiêu đề: Bốn biện pháp bảo đảm bắt buộc phải đăng ký, được mua ngoại tệ để kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng và không đầu tư quá 20% giá trị tài sản của quỹ hưu trí vào chứng khoán

28/09/2017

1. Không đầu tư quá 20% giá trị tài sản của quỹ hưu trí vào chứng khoán  
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 86/2017/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định số 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, áp dụng đối với các doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện; Ngân hàng giám sát, tổ chức lưu ký; Các tổ chức và cá nhân cung cấp các dịch vụ liên quan tới việc thiết lập, hoạt động, quản lý, giám sát quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.
Theo đó, quỹ hưu trí được đầu tư không vượt quá 20% tổng giá trị tài sản của quỹ vào chứng chỉ của một quỹ đầu tư chứng khoán. Trường hợp đầu tư vào chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán của các quỹ do doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí quản lý thì các doanh nghiệp này chỉ được thu phí quản lý quỹ một lần.
Về chế độ báo cáo của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí, Thông tư yêu cầu doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ. Trong đó, báo cáo hoạt động quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, báo cáo quản trị rủi ro và hệ thống kiểm soát nội bộ được thực hiện hàng năm, gửi báo cáo chậm nhất 03 tháng sau khi kết thúc năm; Báo cáo về tài sản của quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện và báo cáo về hoạt động đầu tư của quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện được thực hiện hàng quý, chậm nhất 20 ngày sau khi kết thúc quý gần nhất.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/10/2017.
2. Được mua ngoại tệ để kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 11/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2014/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.
Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài được mua ngoại tệ để phục vụ hoạt động kinh doanh theo phạm vi thu, chi ngoại tệ và các hoạt động ngoại hối khác của doanh nghiệp trên cơ sở xuất trình chứng từ, giấy tờ đảm bảo giao dịch hợp pháp, hợp lệ.
Thông tư quy định rõ, các doanh nghiệp đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện thu, chi ngoại tệ tiền mặt đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài trước ngày 06/09/2014 vẫn được tiếp tục thực hiện theo văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp có nhu cầu, doanh nghiệp làm thủ tục để chuyển đổi văn bản chấp thuận trước đây sang Giấy phép. Trong khi trước đây quy định, các doanh nghiệp phải làm thủ tục để chuyển đổi văn bản chấp thuận sang Giấy phép. Quá thời hạn này, doanh nghiệp không làm thủ tục chuyển đổi phải chấm dứt việc thu, chi ngoại tệ và các hoạt động ngoại hối khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/10/2017.
3. Bốn biện pháp bảo đảm bắt buộc phải đăng ký
Cũng kể từ 15/10/2017, Nghị định số 102/2017/NĐ-CP của Chính Phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm chính thức có hiệu lực. Theo đó, quy định 04 biện pháp bảo đảm bắt buộc phải đăng ký.
Nghị định chỉ rõ, 04 biện pháp bảo đảm bắt buộc phải đăng ký bao gồm: Thế chấp quyền sử dụng đất; Thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; Thế chấp tàu biển.
Bên cạnh đó, 03 biện pháp bảo đảm được đăng ký khi có yêu cầu, bao gồm: Thế chấp tài sản là động sản khác; Thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; Bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; mua bán tàu bay, tàu biển; mua bán tài sản là động sản khác có bảo lưu quyền sở hữu.
Cũng theo Nghị định này, tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm bằng một trong các hình thức: Qua hệ thống đăng ký trực tuyến; Nộp trực tiếp; Qua đường bưu điện; Qua thư điện tử trong trường hợp tổ chức, cá nhân đã được cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm.