Hiện nay 70% hộ kinh doanh cá thể đang có thỏa thuận về mức thuế khoán với cơ quan thuế do quy định về mức thuế khoán cố định. Mức thuế khoán hằng năm này được thực hiện theo sự khảo sát của cơ quan thuế, tham vấn ý kiến của hội đồng tư vấn thuế cấp xã, được lấy ý kiến người dân và công bố công khai để các hộ kinh doanh tự giám sát lẫn nhau. Nhưng do phần lớn hộ kinh doanh thường không có hóa đơn chứng từ mua bán, được tự kê khai đóng thuế cho nên thất thu thuế là khó tránh khỏi. Theo quy định, đối với hộ kinh doanh thì hiện có 3 khoản thuế và lệ phí phải nộp chủ yếu là: Lệ phí Môn bài, thuế GTGT, và Thuế thu nhập cá nhân. Vậy làm thế nào để công khai, minh bạch trong quản lý thuế đối với hộ kinh doanh? Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 của Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động. Một trong những giải pháp quan trọng nhằm hoàn thành mục tiêu trên là tạo điều kiện, hỗ trợ và khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này đã và đang gặp không ít khó khăn, thách thức xuất phát từ cơ chế, chính sách hỗ trợ liên quan đến thủ tục hành chính, thuế, quản trị doanh nghiệp cần hoàn thiện... Đặc biệt là còn nhiều bất cập trong cách tính thuế giữa các mô hình kinh doanh, tạo nên sự bất bình đẳng. Vậy những bất cập này là gì? Và giải pháp nào để tháo gỡ bất cập này nhằm khuyến khích hộ kinh doanh chuyển mô hình hoạt động lên doanh nghiệp? Hiện cả nước có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó 3,5 triệu hộ kinh doanh được cấp mã số thuế và trên 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ. Chính phủ đã đặt mục tiêu tới năm 2020, cả nước sẽ có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Một trong những giải pháp trọng yếu để đạt được mục tiêu này là khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, về bản chất hộ kinh doanh và doanh nghiệp vừa và nhỏ là một, nhưng chính sách hiện nay rất phân biệt và có nhiều trường hợp hộ kinh doanh loại ra khỏi chính sách khiến hộ kinh doanh có nhiều hạn chế so với doanh nghiệp. Cụ thể, là việc hạn chế quyền kinh doanh, chỉ được đăng ký tại một địa điểm, hoạt động kinh doanh trong phạm vi quận, huyện, không mở chi nhánh, văn phòng đại diện…Chưa kể, một số ngành nghề phải là doanh nghiệp, và hạn chế quy mô sử dụng lao động, dưới 10 lao động thường xuyên. .. Tuy nhiên so với doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể lại có những lợi thế hơn nhất định. Chẳng hạn đơn giản hơn chế độ sổ sách kế toán: hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập, lệ phí thành lập chỉ bằng 50% lệ phí thành lập doanh nghiệp. Chỉ có 6 loại sổ sách kế toán so với vài chục loại của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ chỉ cần đóng thuế môn bài, nộp kê khai hoặc thuế khoán, không phải đóng VAT, thu nhập cá nhân hoặc thu nhập doanh nghiệp... Vậy đây phải chăng chính là nguyên nhân khiến các hộ kinh doanh e ngại khi chuyển đổi mô hình hoạt động lên thành doanh nghiệp? Để trả lời các câu hỏi xung quanh vấn đề này, mời các bạn theo dõi cuộc trao đổi giữa phóng viên chương trình kinh doanh và pháp luật với TS Vũ Văn Cương, Quyền Giám đốc trung tâm Tư vấn Pháp Luật, ĐH Luật Hà Nội, Ông Đinh Trọng Thắng, Trưởng Ban Chính sách đầu tư, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, CIEM, chuyên gia kinh tế Tiến sĩ NGuyễn Minh Phong và PGS Tiến Sĩ Lê Xuân Trường.
Phóng viên hỏi: Thưa Ông Vũ Văn Cương, Ông có đánh giá như thế nào về cách tính thuế đối với các hộ kinh doanh cá thể hiện nay ở nước ta?
Trả lời: Số thuế mà cá nhân hộ kinh doanh phải nộp sẽ bằng doanh thu khoán nhân với tỷ lệ phần trăm tính trên doanh thu. Hai chỉ số tình thuế khoán ở đấy đều mang tính chủ quan, ước tính mang tính tương đối, chứ không phải dựa trên doanh thu , hay con số thực. Do vậy có thể nói là cách tính thuế ở đây không đảm bảo tính khách quan, tính chính xác kết quả sản xuất kinh doanh của các hộ kinh doanh cá thể. Và thủ tục kê khai nộp thuế của các hộ kinh doanh rất đơn giản, các hộ kinh doanh nộp thuế khoán, mức thuế khoán sẽ được ổn định hàng năm, và họ chỉ kê khai theo mức thuế quy định 1 lần, nộp thuế một lần và không phải quyết toán thuế, cho nên có thể nói các thủ tục thuế đối với hộ kinh doanh rất đơn giản.
Phóng viên hỏi: Hiện nay có rất nhiều hộ kinh doanh có mức doanh thu lớn hơn doanh nghiệp rất nhiều, nhưng họ không muốn chuyển mô hình hoạt động theo Luật doanh nghiệp, theo ông nguyên nhân là do đâu?
Trả lời: Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng một nguyên nhân quan trọng mà các hộ kinh doanh không muốn chuyển lên doanh nghiệp đó là khi hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh, họ có thể né thuế, trốn thuế. Tuy nhiên vẫn còn nhiều nguyên nhân khác như: Các hộ kinh doanh khi chuyển lên doanh nghiệp thì họ phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính khi họ chuyển đổi, và kể cả ngay sau khi chuyển đổi họ phải thực hiện quá nhiều thủ tục hành chính như các thủ tục liên quan đến bảo hiểm, công đoàn, lao động hay phòng chống chữa cháy…. Tất cả các thủ tục đó phải thực hiện theo quy định của pháp luật, và đặc biệt với việc thực hiện các thủ tục này, chi phi của họ sẽ phát sinh nhiều hơn.
Phóng viên hỏi: Vậy theo Ông cần có biện pháp quản lý hộ kinh doanh như thế nào để tạo sự công bằng giữa các hộ kinh doanh với nhau, và với những doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động theo Luật doanh nghiệp?
Trả lời: Thứ nhất chúng ta phải có quy định chặt chẽ về chế độ khoán thuế, làm sao cho sát thực tế để cho họ kinh doanh không lợi dụng là các hộ kinh doanh để trốn thuế. Giải pháp thứ 2 theo tôi là phải áp dụng khoán thuế điện tử đối với hộ kinh doanh, như họ phải kê khai thuế điện tử, thanh toán điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, đặc biệt đối với hộ kinh doanh lớn phải sớm làm việc đó thì sẽ hạn chế được việc quản lý khoán thuế buông lỏng như hiện nay. Thứ 3 là cần có chính sách hỗ trợ khuyến khích thỏa đáng để làm sao chuyển các hộ kinh doanh sang thành doanh nghiệp để làm ăn công bằng, bình đẳng cho tất cả các hộ kinh doanh khác, đồng thời cũng để cho quá trình quản lý thuế được minh bạch. Thứ 4 phải xử lý nghiêm các trường hợp có thỏa thuận, thương lượng về mức thuế khoán của hộ kinh doanh với cán bộ quản lý thuế.
Phóng viên hỏi: Thưa Ông Đinh Trọng Thắng, Ông có đánh giá như thế nào về cách tính thuế đối với hộ kinh doanh đang áp dụng ở nước ta hiện nay?
Trả lời: Khối doanh nghiệp tư nhân và Hộ kinh doanh các thể đóng góp 31%GDP lớn hơn cả khối doanh nghiệp Nhà nước và khối doanh nghiệp FDI,hơn cả khối doanh nghiệp. KHông chỉ đóng góp vào GDP họ còn tạo công ăn việc làm, trong khi nhiều hỗ trợ vị hạn chế như không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Như vậy xét về hiệu quả từ nhiều khía cạnh thì rõ rang những đóng góp của doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh dang rất tốt. Những chính sách quản lý áp dụng đối với hộ như thuế đơn giản, theo tính toán của chúng tôi thì chi phí của hộ kinh doanh trong tỷ lệ thuế/doanh thu cũng không thấp hơn so với doanh nghiệp, và như vậy chính sách đối với hộ kinh doanh cũng đang tích cực. Tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập. Bất cập lớn nhất là chúng ta chưa tạo ra được môi trường minh bạch, bình đẳng, dễ tiên liệu đối với hộ kinh doanh, các hộ kinh doanh sẽ gặp khó khăn với điều kiện kinh doanh của mình, nên tạo ra những dư địa để gây nhũng nhiều thậm chí là tham nhũng, cũng như tạo dư địa gây thất thoát thuế của Nhà nước. Thì đấy là những bất cập trong công tác quản lý đối với hộ kinh doanh cá thể.
Phóng viên hỏi: Vậy theo Ông cần có giải pháp gì để quản lý thuế đối với những hộ kinh doanh cá thể, tránh thất thoát nguồn thu cho ngân sách Nhà nước?
Trả lời: TRước hết chúng ta nên tăng cường tính minh bạch. Như hiện nay chúng ta đã công bố công khai để cho các hộ kinh doanh giám sát lẫn nhau. Cách thứ 2 là theo tôi chúng ta phải quản lý theo rủi ro. Tức là chúng ta phải xác định, chỗ nào là rủi ro trốn thuế nhiều nhất thì chúng ta phải tập chung vào những hộ kinh doanh lớn, quy mô và doanh thu lớn để xác định đó là trọng tâm, trọng điểm.
Phóng viên hỏi: Theo Ông để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp thì cần có những chính sách hỗ trợ như thế nào?
Trả lời: Đầu tiên chúng ta phải cải cách mạnh hơn nữa môi trường kinh doanh, đặc biệt là môi trường kinh doanh trong doanh nghiệp. Theo điều tra của chúng tôi, thì 15% doanh nghiệp tại Việt nam hiện nay, trong mẫu điều tra của chúng tôi cũng có nguồn gốc tư hộ kinh doanh. Nên theo tôi chúng tôi phải nghiên cứu sâu hơn để có cơ sở đưa ra các hành vi một cách chính xác,cho chuẩn xác. Bởi các hành vi liên quan đến khu vực kinh tế rất lớn, rất quan trọng ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người. Vì vậy trước mắt để khuyến khích hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp thì giải pháp trước mắt là tuyên tryền, thứ hai chúng ta phải tập trung vào nhóm hộ kinh doanh lớn để xem họ vướng mắc ở đâu khi trở thành doanh nghiệp. Và nếu họ chưa chuyển lên doanh nghiệp. có lẽ chúng ta nên thay đổi chính sách thuế, để hộ kinh doanh lớn không thể áp dụng theo mức thuế khoán nữa.
Phóng viên hỏi: Thưa Ông Nguyễn Minh Phong, theo Ông đâu là nguyên nhân dẫn đến sự e ngại của các hộ kinh doanh chuyển mô hình hoạt động lên thành doanh nghiệp?
Trả lời: HIện nay có rất nhiều hộ kinh doanh lớn, và kinh tế hộ chiếm 1/3 tổng GDP của cả nước, tao ra trên 50% việc làm và có những hộ gia đình xuất khẩu với doanh thu còn lớn hơn nhiều doanh nghiệp. Nhưng họ vẫn không lên doanh nghiệp, bởi trong quá trình lên doanh nghiệp theo luật doanh nghiệp, họ vướng mắc nhiều về chi phí gia nhập, hoạt động thanh tra kiểm tra cũng như những khoản thuế áp đặt khiến họ tăng thêm chi phí hoặc mất thêm thời gian. Vì vây để khuyến khích các doanh nghiệp đưa ra công khai, thì chúng ta cần phải điều chỉnh. Thứ nhất về mặt thể chế chúng ta phải quy định hộ kinh doanh cũng như doanh nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cái này ở Mỹ họ đã làm. Nếu chúng ta làm điều này sẽ đưa trục triệu hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cái thứ 2 chúng ta phải thêm những ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là cho các hộ kinhd doanh chuyển thành doanh nghiệp, để cho họ giảm thiểu chi phí về mặt thời gian, thủ tục cũng như những chi phí về việc tuân thủ thuế và các chế độ tài chính khác. Để cho thấy doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều khuyến khích hơn khi còn ở hộ, trong khi đó lại giảm thiểu các chi phí so với khi còn ở hộ. Đó là tất cả các thuận lợi, khuyến khích tạo động lực cho các hộ kinhd doanh chính thức hóa trở thành doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường.
Phóng viên hỏi: Như vậy là cần có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển lên thành doanh nghiệp, nhưng ngược lại chúng ta vẫn cần có chính sách để quản lý những đối tương này đúng không thưa Ông?
Trả lời: Việc thực hiện nộp thuế bằng điện tử, bao gồm kê khai và nộp thuế bằng điện tử kể cả hộ kinh doanh và doanh nghiệp, đồng thời kiểm tra để xử lý nghiêm ngặt, những trường hợp thông đồng, thương lượng thuế để giảm nộp thuế cho Nhà nước, đòi hỏi ngành thuế phải có sự gia công hơn nữa trong hoàn thiện thể chế, gia tăng biện pháp về kiểm thuế, rồi kiểm tra thanh tra hậu thu thuế, tất cả việc đó là rất cần thiết để giúp doanh nghiệp và thúc đẩy hộ kinh doanh tuân thủ cũng như đảm bảo sự kinh doanh lành mạnh, bình đẳng trong quá trình kinh doanh theo nguyên tắc thị trường.
Phóng viên hỏi: Thưa Ông Lê Xuân Trường, nhiều chuyên gia cho rằng cách tính thuế đối với hộ kinh doanh cá thể hiện nay ở nước ta còn nhiều bất cập, ý kiến của Ông thì sao?
Trả lời: Trong quy định người ta quy định khá rõ rồi, nhưng những cái đó nếu ta luật hóa ,đưa vào văn bản pháp lý thì sẽ tốt hơn. Ví dụ về mặt kỹ thuật, quyền ấn định của cơ quan thuế thì chúng ta luật hóa là: Chúng tôi suy từ chi phí của doanh nghiệp ra, ví dụ, doanh nghiệp ông có thuê 5 người, doanh nghiệp trả mỗi người 3 triệu/tháng thì mỗi tháng ông có mức lãi phải trên 15 triệu thì ông mới nuôi được từng đấy lao động, thì từ đó sẽ nhân ngược lên và tính được doanh thu 1 năm của doanh nghiệp, và dựa vào đó để tính thuế. Thứ 2 , quy trình tính thuế của mình hiện nay là rất tốt rồi, khi cho các hộ kinh doanh giám sát lẫn nhau thông qua việc công khai các mức thuế. Thứ 3 là làm tốt công tác kiểm tra của cơ quan thuê cấp trên với cơ quan thuế cấp dưới. Tức là ta thấy có tình trạng, hai dãy phố ở gần nhau, nhưng mức đóng thuế khoán lại khác nhau, chênh lệch nhau rất nhiều. Thì những trường hợp như vậy là phải kiểm tra, thanh tra nhân viên thuế cấp dưới từ cơ quan thuế cấp trên.
Phóng viên hỏi: Phải chăng đấy cũng chính là lý do mà các hộ kinh doanh không muốn chuyển lên thành doanh nghiệp thưa Ông?
Trả lời: Vì họ duy trì ở hộ kinh doanh, họ thích hơn vì họ có lợi hơn về kinh tế. Có nhiều lợi ích hơn, ví dụ như không chỉ là rào cản đâu ví dụ với cách thức kinh doanh của tôi , hàng hóa kinh doanh hay mô hình kinh doanh của tôi thì tôi là hộ kinh doanh sẽ phù hợp hơn, thuận lợi hơn. Quan điểm của tôi là mình không nên ép buộc họ chuyển đổi vì tồn nhiều mô hình kinh doanh, hình thức kinh doanh trong một nền kinh tế thị trường là hết sức bình thường, miễn là tốt cho sự phát triển nền kinh tế. Còn những hộ kinhd oanh đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp nhưng anh vẫn cố tình không lên doanh nghiệp, để anh trốn thuế, thì lúc bấy giờ phải có sự bắt buộc bằng chế tài. Thực ra có nhiều hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp là có lợi ích tốt hơn ở hộ, nhưng mình tuyên truyền chưa tốt, người dân hiểu biết pháp luật chưa tốt nên họ không chuyển, chứ nếu tuyên truyền tốt, ví dụ chính sách thuế hiện nay chúng ta đã có chính sách đơn giản cho doanh nghiệp, với doanh nghiệp có doanh thu dưới 1 tỷ thì không áp dụng phương pháp khấu trừ, tự nguyện áp dụng phương pháp này, hoặc là anh áp dụng phương pháp thuế trực tiếp, mà hình thức này cũng đơn giản như đối với hộ kinh doanh.
Phóng viên hỏi: Vậy các nước tiên tiến trên thế giới, họ quản lý thuế đối với hộ kinh doanh cá thể như thế nào thưa Ông?
Trả lời: Thực ra mô hình quản lý thuế hộ cá thể ở Việt nam đã đi học hỏi của nhiều nước rồi, và chúng ta cũng đang quản lý theo thông lệ quốc tế. Muốn quản lý thuế hộ kinh doanh theo hình thức thuế khoán, thì nhất định phải có quy định kỹ thuật về luật, tức là luật cho phép như thế. Tôi ấn định căn cứ vào chi phí, hay tài sản của doanh nghiệp. Ngoài ra với một số nước tiên tiến, họ cũng luật hóa những quy định bắt buộc kể cả doanh nghiệp hay hộ kinh doanh, tóm lại là các cơ sở kinh doanh bao gồm doanh nghiệp và hộ kinh doanh nếu đủ điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin thì phải lắp đặt thiết bị giám sát bán hàng và giao dịch, đó là điều kiện bắt buộc. Hiện nay quản lý thuế của chúng ta mới quy định, cơ sở kinh doanh có đủ điều kiện lắp đặt công nghệ thông tin thì phải khai thuế và nộp thuế điện tử với cơ quan thuế, chứ chưa bắt buộc phải lắp đặt camera giám sát. Và trường hợp thứ 2 là mình đang triển khai cấp hóa đơn điện tử có mã xác nhận của cơ quan thuế, nhưng đấy chỉ là mang tính chất tự nguyện. Điều này đặc biệt là của Đức, họ áp dụng như vậy nên vô tư ông hộ tôi cũng OK, ông doanh nghiệp tôi cũng OK. Nhưng trong trường hợp như vậy thì phần lớn họ lại chuyển sang doanh nghiệp, bởi vì khi họ phải buộc hạch toán đầy đủ và công khai minh bạch sổ sách của họ thì hoạt động theo doanh nghiệp lại có lợi hơn, lúc đó nộp theo giá trị đầu vào được khấu trừ theo doanh thu , nên có lợi hơn.