Tiêu đề: Nguyên nhân chậm phát triển của các doanh nghiệp khoa học và giải pháp để hoàn thành mục tiêu 5000 doanh nghiệp khoa học công nghệ vào năm 2020
Theo Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2011-2020, mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 3 nghìn doanh nghiệp KH và CN. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2016, cả nước mới có 250 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH&CN. Theo nhiều chuyên gia, số doanh nghiệp khoa học công nghệ đang hoạt động nhiều hơn con số đăng ký rất nhiều.Vậy vì sao các doanh nghiệp lại không mặn mà đăng ký là doanh nghiệp khoa học công nghệ và những doanh nghiệp này được hưởng những chính sách ưu đãi gì? Đầu tư cho khoa học công nghệ và hiệu quả từ ứng dụng khoa học công nghệ luôn là vấn đề được quan tâm. Thời gian gần đây, đầu tư cho khoa học công nghệ của nước ta từ ngân sách nhà nước đã được tăng cường, bình quân mỗi năm tăng 16%, đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước , một con số quá thấp so với nhu cầu của hoạt động khoa học và công nghệ. Các nước tiên tiến đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là nghiên cứu các sản phẩm khoa học ứng dụng luôn đạt từ 3 – 5% ngân sách. Rõ ràng sự chênh lệch về vốn đầu tư cho KH&CN cũng đã là một thách thức lớn cho nền KH&CN Việt Nam. Vậy hiện nay các doanh nghiệp công nghệ của nước ta đang phát triển như thế nào? Hiện nay, việc phát triển hệ thống doanh nghiệp KH&CN được khẳng định là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2016 – 2020 của Đảng và Nhà nước. Theo Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2020 sẽ hình thành 5000 doanh nghiệp KH&CN. Với tiềm lực của các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực KH&CN hiện nay, mục tiêu này là hoàn toàn có khả năng đạt được. Tuy nhiên, tính đến tháng nay số lượng doanh nghiệp KH&CN được cấp giấy chứng nhận còn rất khiêm tốn so với tiềm năng hình thành hệ thống doanh nghiệp KH&CN ở Việt Nam. Vậy cần có những giải pháp hỗ trợ như thế nào để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào khoa học công nghệ? Để có câu trả lời, mời các bạn theo dõi phóng viên chương trình Kinh doanh và pháp luật trao đổi với Ông Trần Đắc Hiến, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Bộ Khoa học và công nghệ, PGS Tiến sĩ Phạm Hồng Quất, Cục Trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và công nghệ và PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Câu hỏi : Thưa ông Trần Đắc Hiến, hiện nay chúng ta đã có những chính sách ưu đãi nào khuyến khích các doanh nghiệp khoa học công nghệ phát triển?
Trả lời: Một doanh nghiệp được công nhận là DNKHCN trước hết chúng tôi cho rằng, đó là một thương hiệu có thể đứng vững trên thị trường nhờ có sức cạnh tranh do có ứng dungg khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ, hoàn thiện công nghệ, mà các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp ấy có năng suất, chất lượng, có sức cạnh tranhcao hơn trên thị trường. Thứ 2, DNKHCN sẽ được hưởng những ưu đãi về thuế, như thế thu nhập doanh nghiệp, và 4 năm đầu được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, tính từ ngày có giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ, được miễn giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo. Ngoài ra DNKHCN còn được tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ khác.
Câu hỏi: Như vậy là có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khoa học công nghệ đấy chứ ạ? Vậy vì sao các doanh nghiệp hiện nay vẫn không mặn mà đăng ký doanh nghiệp khoa học công nghệ để hưởng những ưu đãi này Thưa Ông?
Trả lời: Tính đến thời điểm hiện nay, tức là sau 10 năm kể từ ngày nghị định Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ được ban hành, thì số lượng doanh nghiệp KHCN trên cả nước mới có khoảng 200 DN thì đây là con số rất khiêm tốn, rất ít so với mục tiêu, mong muốn và yêu cầu đặt ra. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo quy định hiện nay thì các DNKHCN mới ra đời thì hết năm thứ nhất tỷ lệ doanh thu của doanh nghiệp từ sản phẩm công nghệ là phải đạt 30% tổng doanh thu, năm thứ 3 phải đạt 50% và năm thứ 3 phải đạt 70%. Nếu không đạt tỷ lệ này thì anh sẽ không được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ, hay nói cách khác là sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận DNKHCN. Thì đây là một điều rất khó khăn đối với doanh nghiệp mới hình thành. Thứ 2 là quy trình thủ tục để tham gia vào chương trình 592 hay các chương trình khác được xác định là nhiệm vụ cấp Quốc gia nên tương đối rườm rà về thủ tục và hồ sơ. Vì thế các doanh nghiệp cũng không hào hứng lắm tham gia. Hay quyền giao quyền sở hữu, sử dụng kết quả nghiên cứu có sử dụng ngân sách Nhà nước hiện nay, quy trình thủ tục còn tương đối khó khăn
Câu hỏi : Đến thời điểm này chúng ta đã có bức tranh hay mục tiêu cụ thể trong việc hỗ trợ các tổ chức nghiên cứu chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm hay doanh nghiệp khoa học công nghệ chưa thưa Ông?
Trả lời: Chúng tôi cũng thấy có thể các doanh nghiệp cũng ngại các thủ tục xét duyệt của chương trình 592, bởi quy trình xét duyệt này đang thực hiện theo quy định của Bộ về quản lý DNKHCN cấp quốc gia, nên quy trình thủ tục hồ sơ khá nhiều. Hiện nay Bộ KHCN cũng đang, Bộ trưởng chỉ đạo để sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về quản lý DNKHCN cấp quốc gia theo hướng đơn giản hơn, thuận lợi hơn. Chương trình 592 chúng tôi có mục tiêu tổng quát chung là góp phần để hình thành phát triển 3000 doanh nghiệp KHCN vào năm 2020, mà mục tiêu của chúng tôi là không phải cho ra đời các DNKHCN đâu, mà mục tiêu lớn hơn là làm thế nào để các doanh nghiệp được công nhận là DNKHCN có thể có sức khỏe tốt, có sức cạnh tranh không chỉ trong nước mà còn cạnh tranh với doanh nghiệp trong khu vực và quốc tế.
Câu hỏi: Vâng thưa Ông Phạm Hồng Quất, Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của các doanh nghiệp khoa học công nghệ của nước ta trong thời gian qua?
Trả lời: DNKHCN trong thời gian vừa qua cũng có bước phát triển hình thành từ các tổ chức khoa học công nghệ công lập, từ các viện trường, hình thành một lực lượng doanh nghiệp mới, ứng dụng kết quả nghiên cứu ứng dụng KHCN mới vào sản xuất kinh doanh để tạo ra sản phẩm mới. Lực lượng này chưa nhiều như chúng ta mong đợi, cũng do nhiều lý do khách quan chủ quan khác nhau, nhưng bước đầu cũng khẳng định được hướng đi trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu là đúng đắn. Và nhiều doanh nghiệp cũng đầu tư đáng kể nguồn lực để tạo ra sản phẩm nguồn lực mới từ các viện trường chuyển giao, và điểm này tôi cho là dấu hiệu đáng mừng để các viện trường gắn với thị trường, và gắn những kết quả nghien cứu của mình phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của các doanh nghiệp và của kinh tế xã hội.
Câu hỏi: Vậy theo Ông các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ hiện nay đã đủ mạnh để thu hút các nguồn lực khác ngoài Nhà nước đầu tư vào lĩnh vực này?
Trả lời: Chúng ta học tập một số nước, và đưa vào thể chế một số quy định, ví dụ như ưu đãi về thuế, ưu đãi về phí, lệ phí, sửa dụng đất trước bạ, sử dụng ưu đãi phòng thí nghiệm, ưu đãi về tín dụng, vốn... Tuy nhiên, một số chính sách ưu đãi trong quá trình thực thi còn rất nhiều khó khăn, do các sở ban ngành khác nhau quản lý. Một trong những điểm mà chúng ta cần phải tháo gỡ trong thời gian tới, tôi cho rằng có thể đạt được mục tiêu, chính là việc giao quyền sở hữu và quyền sử dụng kết quả nghiên cứu mà có Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho các viện trường, cho doanh nghiệp, tức là cho tổ chức chủ trì. Hai là giao quyền sở hữu còn những thủ tục phức tạp. Một điểm mới nữa mà chúng tôi cho rằng trog hệ thống chính sách ưu đãi chưa với tới mà đã đề xuất đưa vào Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đưa vào luật chuyển giao công nghệ, đó là ưu tiên sử dụng kết quả nghiên cứu được tạo ra ở trong nước cho các công trình, dự án sử dụng vốn ngân sách, đặc biệt ưu tiên trong đấu thầu hàng hóa dịch vụ công. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề nghị cải tiến chính sách thuế, tức là sẽ tính theo sản phẩm, chứ không tính theo tỷ lê doanh thu của sản phẩm công nghệ trên tổng doanh thu nữa. Có hai cách, nếu anh đạt tỷ lệ 30,50,70 theo như quy định, thì anh được hưởng thuế suất trên toàn bộ doanh thu của doanh nghiệp. Nhưng nếu anh không đạt được tỷ lệ đó, thì tính theo từng dòng sản phẩm một. Dòng sản phẩm nào được công nhận là sản phẩm khoa học công nghệ thì được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập đối với dòng sản phẩm đó. Với những quy định như vậy và nếu chúng ta thực thi tốt, thì tôi cho rằng đủ hấp dẫn để các doanh nghiệp cũng như các viện trường sẽ thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ và phát triển các sản phẩm của mình.
Câu hỏi: Vậy vì sao nhiều chính sách hỗ trợ lại chưa tới được các doanh nghiệp đang hoạt động như doanh nghiệp khoa học công nghệ, nhưng vẫn chưa đăng ký là khoa học công nghệ với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này?
Trả lời: Thông tin phổ biến tuyên truyền đến các doanh nghiệp còn hạn chế. Thứ 2 là sự đồng bộ giữa cơ quan ban hành và cơ quan thực thi là một vấn đề. Những người trong bộ máy hệ thống hiểu đồng nhất. Và khi đã có một tỉnh thành phố đã làm, thì phổ biến cho các tỉnh thành phố khác mà họ đồng thanh làm theo thì sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Vì doanh nghiệp hoạt động không có địa giới hành chính, nhưng đôi khi gặp mỗi tỉnh lại áp dụng một cách khác nhau, vì vậy mà nhiều doanh nghiệp họ nản, họ không theo đuổi thủ tục để được hưởng ưu đãi.
Câu hỏi: Vâng thưa Ông, hiện nay đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khoa học công nghệ, vậy theo Ông do đâu mà nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ chưa tiếp cận được những chính sách hỗ trợ này?
Trả lời: Thứ nhất tôi cho rằng những ưu đãi phải trúng, vì đôi khi ưu đãi quá phổ thông. Ví dụ như ưu đãi về thuế, nhưng nếu không có đầu vào cho các sản phẩm mới thì doanh nghiệp cũng chẳng cần ưu đãi thuế. Có nhiều doanh nghiệp họ phát biểu, chúng tôi không cần ưu đãi thuế, mà hãy tạo cho chúng tôi một thị trường. CHúng tôi tạo ra mộtsản phẩm khoa học công nghệ về môi trường, về xây dựng, về chữa cháy rừng, về sức khỏe, xử lý rác y tế thì khách hàng đầu tiên là chính quyền, là các dự án, và nếu cho chúng tôi vào những dự án đó, chúng tôi nộp thuế đầy đủ. Nên chúng tôi cho rằng các chính sách ưu đãi phải trúng, thứ 2 cho vay tín dụng, nhưng không cho chúng tôi đặt bằng sáng chế, không cho chúng tôi đặt dự án khoa học vay thì nhà khoa học không lấy đâu ra tài sản đất đai để đặt và đi vay cả, nên không tiếp cận được kênh tín dụng. Và hơn nữa tín dụng họ theo quy định của doanh nghiệp thương mại, phải có những quy định rất ngặt nghèo, không có quỹ nào đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp starup trong lĩnh vực khoa học công nghệ, nên những ưu đãi về tín dụng cũng không có tác dụng gì. Và ngoài việc đào tạo kỹ năng là rất quan trọng, bản thân mình phải biết mình được hưởng cái gì, và nếu không có mình phải thông qua các tổ chức hỗ trợ tư vấn, các viện trường phải hình thành nên những bộ phận chuyên nghiệp mà họ được hưởng tư vấn vào đó. Các doanh nghiệp cũng phải hình thành các hiệp hội tư vấn cho doanh nghiệp của mình. Nhiều doanh nghiệp không thể biết thông tin, mặc dù chính sách ban hành ngay tạ Sở đó. Nhiều doanh nghiệp ở sát sở mà cũng không đến đăng ký công nhận, nhưng nhờ một doanh nghiệp tư vấn ở một tỉnh rất xa đến tư vấn rồi mang sang, làm thủ tục cách có mấy chục m, đấy là thực tế chúng tôi đã nhìn thấy. Như vậy, theo hệ thống dọc, các Sở, các viện trường khoa học công nghệ, hiệp hội là những kênh thông tin rất quan trong đến với doanh nghiệp . Ngoài ra công tác truyền thông chúng ta cũng cần đưa phổ biến chính sách pháp luật một cách hấp dẫn, doanh nghiệp thấy thiết thực.
Câu hỏi: Vậy theo Ông các doanh nghiệp khoa học công nghệ phải làm gì để có sức cạnh tranh trên thị trường hiện nay?
Trả lời: Một là chúng ta phải đổi mới, không chỉ các nhóm star up, mà cả những doanh nghiệp lớn. Thứ 2, mình phải xem mình còn thị trường ngách nào thì mình tham gia vào chuỗi đó, chứ không nên chống lại. Mình chấp nhận thế mạnh của các ông khác đầu tư vào nước mình để chúng ta học, nhưng còn nhiều mảng hiện thị trường vẫn bị bỏ ngỏ, như y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch ... chúng ta tạo ra sản phẩm của mình theo hướng đó, nếu làm tốt chúng ta hoàn toàn có thể xuất khẩu sang nước bạn/
Câu hỏi: Vậy theo Ông mục tiêu có 5000 doanh nghiệp vào năm 2020 của Chính Phủ liệu có hoàn thành?
Trả lời: Hiện nay theo nhiều tờ báo điện tử về công nghệ của khu vực và quốc tế thì người ta đánh giá Việt nam có khoảng 18000 doanh nghiệp công nghệ, chỉ riêng ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực, rất tiềm năng. Nếu ta coi đó là các doanh nghiệp khoa học công nghệ thì con số 5000 doanh nghiệp không là vấn đề gì cả. Nhưng quan trọng hơn là trong số những doanh nghiệp đó, bao nhiêu người trở thành người khổng lồ, dẫn dắt nền kinh tế và cuốn hút người khác đi theo thì điều đó chúng ta đáng bàn. Và luôn nhấn mạnh rằng Nhà nước tạo ra thể chế, tạo ra cuộc chơi và là người sử dụng nó đầu tiên, vừa là nhà đầu tư ban đầu, vừa là khách hàng lớn nhất của doanh nghiệp trong nước.
Câu hỏi: Vâng thưa Ông Huỳnh Quyết Thắng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm với nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ. Nhưng vì sao mà sau hơn 5 năm thực hiện chương trình này, số doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ vẫn chưa nhiều?
Trả lời: Tôi có quan sát các viện trường, như trường Đại học bách khoa Hà Nội, thứ nhất có kết quả nghiên cứu của viện, thứ 2 là kết quả nghiên cứu của các nhà giáo và các em sinh viên thì việc hình thành các doanh nghiệp, như các em sinh viên là starup thì tỉ lệ thành công rất thấp, chỉ khoảng 3 % số sinh viên tốt nghiệp ra thàh lập các doanh nghiệp, mà trong 3% đó, thì sau khoảng 3-5 năm thì chỉ còn khoảng 20% là tồn tại được và phát triển. Từ đó cho thấy tỷ lệ thành công không cao, mà có nhiều nguyên nhân các doanh nghiệp không đăng ký doanh nghiệp khoa học. Thứ nhất là thủ tục hành chính, thứ 2 là bảo vệ quyền, bí quyết khoa học công nghệ, thứ 3 là do ý thức đó là sự không tin tưởng của người có bí quyết đấy với các nhà đầu tư. Thì tôi nghĩ là một vấn đề quan trọng bên cạnh những chính sách hỗ trợ của chính phủ còn phải có sự gặp gỡ giữa những người có bí quyết khoa học công nghệ và các nhà đầu tư tài chính là các doanh nghiệp cần có sự tin tưởng lẫn nhau.
Câu hỏi: Vậy theo Ông các cá nhân, tổ chức nghiên cứu khoa học muốn thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ cần trang bị cho mình những kỹ năng gì?
Trả lời: Các em sinh viên, các viện trường khi mới chuyển đổi thành lập các doanh nghiệp khoa học công nghệ thì thực tế cần phải học các văn bản pháp lý. Việc làm quen, học tập thực hiện thủ tục hành chính theo các văn bản pháp lý đặc biệt là các văn bản mới để đáp ứng công việc của họ cũng là một rào cản để họ thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình như là một doanh nghiệp khoa học công nghệ. Tôi nghĩ là dưới góc độ là các trường, viện chúng tôi dưới góc độ đào tạo chúng tôi bổ sung kỹ năng cho các em sinh viên, và ngược lại khi các viện nghiên cứu chuyển thành doanh nghiệp cũng cần có khóa đào tạo bổ sung kỹ năng hành chính về pháp luật cho các nhân viên của mình.
Câu hỏi: Vậy theo Ông, trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các doanh nghiệp khoa học công nghệ của nước ta cần có giải pháp gì để đứng vững trên thương trường?
Trả lời: Cuộc cách mạng 4.0 chúng ta hiểu là ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin tự động hóa, và các giải pháp thông minh hơn cho tất cả các ngành trong nền kinh tế quốc dân. Tức là công nghệ thông tin sẽ đóng vai trò chủ chốt trong các hoạt động khoa học công nghệ, vì vậy thì đây là cũng là cơ hội. Nhưng thực tế chúng ta phải nhìn nhận lại. Ví dụ ngành công nghệ thông tin của chúng ta phát triển từ năm 1995 và xuất khẩu từ đó. Đến năm 2010 chúng ta có doanh thu khá lớn. Nhưng tôi nghĩ là hàm lượng khoa học công nghệ trong xuất khẩu phần mềm đó không lớn. Nên các doanh nghiệp phần mềm đang đón nhận một thách thức là chúng ta phải lớn lên, tự phát triển để có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp khác và Nhà nước là nơi phải tạo ra hành lang thị trường pháp lý để giúp đỡ các doanh nghiệp. Tôi nghĩ, trong bối cảnh đó, thì mối liên kết giữa doanh nghiệp với các nhà trường nơi đào tạo cần rất chặt chẽ.